jen
Jen @ Niagara Falls

Góc Thảo Trường



       

Khẩu hiệu 

     Tôi gặp lại người sĩ  quan ấy mười lăm năm sau  ở một trại giam tại miền thượng du Bắc Việt Nam. Chúng tôi là tù binh bị cộng sản đưa đi đày biệt xứ. Rời Miền Nam, dồn xuống những con tàu thủy, trong những khoang chở hàng dưới hầm tối, nóng, chật, ngộp thở, hôi hám, nhiều ngày đêm chập chờn trên biển để ra miền Bắc, được cho biết là “có đủ điều kiện học tập chính qui hơn”. Ngày thứ sáu lên bến Thủy, chuyển lên xe lửa, cũng lại là những toa xe sắt,  tối, nóng, chật, ngộp thở, hôi hám, nhiều ngày đêm lắc lư trên đường ray để lên mạn thượng-du và vẫn được cho biết là chúng tôi đã đang ở “miền Bắc xã hội chủ nghĩa” hậu phương lớn của miền Nam. Trong suốt những ngày di chuyển bằng tầu thủy hay bằng xe lửa ấy chúng tôi chỉ được cấp ăn đồ khô, rất ít, nước uống, cũng rất ít, để bớt đi tiêu đi tiểu. Việc bài tiết trên tầu, trên xe, trong khi hai người bị còng tay chung, là  rất khó khăn. Vì thế khi tới vùng thượng du núi rừng trùng điệp, dồn vào trong các trại giam mới cất bằng cây trên các sườn đồi bên các dòng suối, chúng tôi như vừa từ trong các hộp kín được ùa ra nơi có ánh sáng và gió thổi.
Rồi cứ thế mà sống, ngày đi rừng chặt cây cối về làm lán trại, đến bữa ăn củ khoai, củ sắn; đêm hoặc mê sảng hãi hùng, hoặc thổn thức nhớ vợ, thương con, hoặc nuối tiếc cho những công lao của mình đã đóng góp, để xây dựng một xã hội, cuối cùng tan rã với bao nhiêu là sinh mạng thân nhân, đồng đội.
Để đề phòng tù móc nối tổ chức nổi dậy hay đào thoát, Cộng sản áp dụng biện pháp luôn chuyển đội, chuyển nhà, chuyển  trại. Chỉ trong hai năm tôi bị thay đổi chỗ ở hơn mười lần. Và cũng vì thay đổi nhiều lần nhiều nơi như thế nên tôi đã gặp được nhiều đồng đội mà lúc đó chúng tôi coi nhau là đồng cảnh. Những người lính thất trận sống trong trại giam gọi nhau bằng anh xưng tôi quên đi cấp bậc và hệ thống quân giai cũ, ít nhất là trước mặt bọn cán bộ và cả những kẻ làm tay sai cho chúng. Để giúp chúng tôi học tập tốt lao động tốt, Cộng sản cho các đội trưởng, đội phó dựng chúng tôi dậy, khua động lên bằng cách những sinh hoạt, ca hát, vỗ tay…
Tôi gặp lại người sĩ quan trong hoàn cảnh dở khóc dở cười như vậy.
Khi ôm chiếu đến phòng giam anh là người sắp xếp và chỉ chỗ nằm cho tôi, vì là đội trưởng kiêm nhà trưởng. Việc  sắp xếp đó thường là có “chỉ đạo” của cán bộ và đều có dụng ý làm sao cho trong phòng giam, tù binh khó liên hệ với nhau trong khi ăn ngủ, để dễ bề theo dõi...
Người sĩ quan sau khi hội ý với đội trưởng của tôi, chỉ cho tôi chỗ nằm sát cầu tiêu. Phòng giam có một lối đi giữa hai bên là sạp ngủ và cuối lối đi nhỏ đó là nhà cầu. Khi một trăm tù binh bị lùa vào trong nhà và cửa khoá lại thì việc đi tiêu đi tiểu của cả một trăm người ấy đều xả  cả vào trong cái nhà cầu nhỏ, tối, hôi hám ấy. Thường thì ai cũng sợ chỗ nằm gần nhà cầu. Tôi trải chiếc chiếu lên chỗ sạp trống mà anh đồng cảnh mới vừa xích ra, “một ô bốn người nằm thì mỗi người được một chiếu bề ngang, có  thêm anh chia làm năm mỗi người còn 65cm chiếu nọ phải chồng lên chiếu kia một gang tay mới đủ”. Có tiếng một người khác, anh này đang xích đồ trên “xích-đông”, cũng là để chừa chỗ cho tôi, “Có đâu mà 65cm, chính xác là 63cm cho mỗi ‘cải tạo viên’”. Lại có tiếng một anh khác, “Cơm đong, áo số, chỗ nằm  đo, cứ thế mà tiến lên...”. Tiếng nói ngừng ở đấy, vì tù binh ai cũng hiểu mấy tiếng bị bỏ lửng là “chủ nghĩa xã hội” !
Trong phòng đột nhiên cũng trở nên im lặng, sự im lặng thường thấy trong những trường hợp người ta phải dè chừng đề phòng trước một tai biến, đe dọa, nào đó. Tôi lui cui sắp túi đồ của tôi vào chỗ được chia cho rồi ngả lưng nằm thử trên cái phần mặt  bằng và  ngửa mặt  nhìn lên  cái phần không gian của quê hương mà mình được phân phối. Tôi nhắm mắt lại cố gắng không nghĩ ngợi gì. Từ ngày đi tù tôi cố gắng tập cho mình cái thói quen là không nghĩ gì, cố gắng im lặng để “dưỡng thần”. Khi nào nằm được thì   nằm, khi nào ngồi được  thì ngồi, lững thững được thì đừng có vội vàng hấp tấp...Tôi lẩn thẩn tìm ra cho mình một cách sống mà tôi gọi đùa là “chủ nghĩa dựa cột”, biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe, ai nói gì, làm gì thây kệ người ta, ông bà mình dạy thế. “Kệ mẹ nó” tôi thường tự nhủ với mình thế mỗi khi phải chứng kiến những cảnh trái tai gai mắt xung  quanh mình. Được xếp chỗ nằm ngay sát cầu tiêu, tôi thấy cũng là một cái hay, đó là một chỗ không ai nhòm ngó. Một mảnh đất  xấu ít có nguy cơ bị xâm lấn. Mùi hôi khai ngửi miết rồi cũng quen sẽ  không còn cảm thấy hôi khai nữa. Đúng ra, nếu chú ý đến nó thì sẽ nghe thấy hôi, nhưng nếu lắng nghe tất cả mọi nơi thì chỗ nào cũng đều hôi cả, thế cho nên lại phải áp dụng  sách “kệ mẹ nó” cho qua tất cả.
Nằm được một lát thì anh ta tới. Tôi ngồi dậy “tiếp khách”. Dù gì đi chăng nữa thì anh ta cũng đang là kẻ đến thăm và dù gì đi chăng nữa  thì tôi cũng đang tiếp anh ta tại chỗ của mình. Tôi ngồi xích vào và tựa lưng nơi vách nhà cầu.
- Ngồi chơi, “hữu bằng tự viễn phương lai bất diệc lạc hồ?” Anh ta sà xuống ngồi trên manh chiếu.
- Ăn chưa?
Tôi gật đầu:
- Cũng như chưa.
        Anh ta cười tỏ vẻ hiểu ý và nhắc lại:
- Ăn rồi cũng như chưa!
Tôi nói cho có chuyện:
- Trước khi chuyển chỗ đã được lãnh một củ sắn bèn cất ngay vào bụng cho chắc ăn và cũng là tiện lợi  hành trang gọn nhẹ.
        Anh ta nói:
- Lâu lắm rồi mới gặp lại ông.
Tôi gượng gạo:
- Và gặp nhau trong nông nỗi này.
Chợt anh ta hỏi:
- Bác sĩ người ta về nhiều hoặc cũng ở trong Nam, sao ông “lạc”ra tới đây?
Tôi lắc đầu:
- Nào ai biết được cái tổ con chuồn chuồn.
Viên sĩ quan lặng thinh, tôi phải nói tiếp:
- Cũng có thể là tại tôi khai tôi ở đảng Dân chủ.
- Khai làm gì?
- Chẳng làm gì cả, cũng như hồi xưa, bạn bè rủ vô đảng thì mình vô theo ý họ muốn còn mình thì chẳng để làm gì cả! Thối là ở chỗ đó.
- Sao ông không làm chuyên môn ?
- Chuyên môn là sao?
- Là làm bác sĩ trên y-vụ ấy,đỡ hơn là ở đội này “chuyên môn” đi cuốc đất khổ thấy mẹ.
Tôi duỗi chân ra đụng phải người anh ta, tôi ngửa mặt lên cố tìm lấy một sự thư giãn, nhưng cái nhìn của tôi đụng phải cái sạp ngủ tầng trên, lúc đó tấm ván cũng đang cót két, có lẽ người nằm trên cũng đang trăn trở nằm ngồi không yên. Tôi hỏi:
- Làm y tá hả?
Anh ta cười:
- Ừa, bác sĩ làm y-tá, còn y-tá làm bác sĩ... Đó là bằng chứng cụ thể nhất về vấn đề “hồng” với “chuyên”! Thôi, ông chịu khó ẩn nhịn, tùy thời, cho qua cái cảnh này. Làm sao mình yên thân, giữ sức khỏe, để mà còn về Nam.
        Tôi gật đầu tỏ vẻ đồng ý:
- Trước đây ở các trại khác tôi cũng đã có thời gian xách túi thuốc làm vai trò y-tá đi theo các ông cán bộ y-tế, nhưng rồi cũng không yên. Mấy lần làm y-tá, mấy lần bị đuổi về đội đi lao động. Bây giờ mình cảm thấy rằng thôi thì thôi cũng đành lấy cái cuốc làm chỗ dựa...vững chắc  vậy!
Viên sĩ quan gật gù:
- Hóa ra làm y-tá trong trại tù khó hơn làm bác sĩ  giám đốc bệnh viện  Dân-Quân y của một tỉnh ông nhỉ?
Anh ta nói dứt câu thì đứng lên vỗ vai tôi:
- Tôi phải về đội sinh họat tối. Thôi cố gắng lên nghe ông.
Anh ta vừa đi khỏi thì anh bạn đồng cảnh ở tầng trên đu cột nhà trèo xuống sà vào ngồi sát bên tôi hỏi nhỏ:
- Ông có thân với thằng cha đó không?
Tôi nhìn người vừa tới, anh ta cũng là sĩ quan quen biết trong quân đội cũ, tôi nói:
- À, cùng một đơn vị từ hơn mười năm trước. Hồi đó anh ta mới là thiếu úy hay trung uý, đại đội trưởng, còn tôi là y-sĩ trung đoàn. Bẵng đi mười mấy năm  rồi,  nghe nói  cấp bậc cuối của anh ấy là trung tá.
        Anh bạn đồng cảnh mỉa mai:
- Trung tá đội trưởng dưới quyền xài xể của  hạ sĩ  cán bộ, trước mặt  nó, trung tá  phải  đứng nghiêm  báo cáo, thưa, gửi, dạ, vâng...
Tôi bào chữa cho anh ta và  cũng là cho nỗi nhục chung của những kẻ sa cơ thất thế bị đồng minh trói lại và cấp  lãnh đạo bỏ rơi:
- “Gặp thời thế, thế thời phải thế” bạn ạ, thôi thông cảm cho anh ta ẩn nhịn, nín thở qua sông...
Anh bạn đồng cảnh nổi cáu tuy vẫn cố nói nhỏ:
- Đồng ý, khi sa cơ thì phải nín nhịn nhưng thằng  cha này nó đi làm tay sai ông có biết không? “Thân làm tướng  phải  hầu  quân  giặc mà không biết  tức” lại còn rắp tâm theo dõi báo cáo hãm hại anh em chiến hữu. Tôi thấy nó đến chỗ ông rù rì gạ chuyện là nguy hiểm cho ông lắm, ông phải coi chừng đề phòng, không thể dễ dãi, cả tin, cởi mở với thứ chó săn ấy đuợc.”
Tôi  nói  để  anh  bạn  tốt  bụng yên tâm:
- Tôi nghĩ anh ta cũng đâu đến nỗi, vả lại tôi đâu có đụng chạm gì đến ai chẳng lẽ lại bị người hại, với lại tôi cũng chẳng nói gì đến những điều cấm kỵ mà sợ.
        Anh bạn lắc đầu:
        - Đâu có giản dị như vậy, một kẻ tham sống sợ chết, một kẻ bon chen giành giật tham lam thì nó có  thể dẵm lên người khác mà sống, ông không nói nhưng nó có thể suy đoán và bịa ra hoặc là ông nói thế này nó sẽ bẻ ra thế khác để hại ông à ? Sợi tóc  chẻ làm tư rồi “nâng lên hàng quan điểm” ông không nghe nói đến những trò đó à? Ông mà cứ... khờ thế thì có ngày bị chúng nó đem ra thiêu sống chứ chẳng yên đâu!”
Tôi tỏ vẻ hiểu ý và cám ơn anh bạn có lòng tốt:
- Tôi sẽ cố gắng nghe lời ông dặn dò.
Và tôi cũng đùa  dặn dò lại anh  bạn cho vui vẻ:
- Nhưng  ông cũng  phải  giữ mồm  giữ miệng kẻo có ngày mang họa đấy. Kệ mẹ nó hơi đâu mà chửi nó  cho  thêm  mệt đầu mình.
Anh bạn đứng lên đi vào nhà xí, cánh cửa cầu tiêu mở  ra kêu ken két rồi đóng lại cái rầm làm rung rinh cả bức vách. Lát sau anh bạn đi ra cánh cửa một lần nữa lại ken két và đánh rầm. Tấm vách lại rung rinh. Trước khi trèo lên chỗ nằm tầng trên anh ghé tai tôi nói nhỏ:
- Cũng muốn im nhưng lắm lúc ngứa mắt quá im không nổi lại phải chửi! Chắc tôi chết bỏ xác ở cái miền đất đọa đầy, hung bạo, biệt xứ, này  mất ông bác sĩ ạ.
        Tôi thấy cần phải an ủi anh ta, tôi nghĩ rằng  trong hoàn cảnh tù đầy tuyệt vọng này điều tối kỵ là nản chí và sợ hãi, tôi chỉ một ngón tay lên trời nói  nhỏ với anh:
- Không sao đâu, hãy cậy trông mọi sự ở Trời!
Anh ta mỉm cười, tuy  cái  cười có vẻ méo xẹo:
- Ăn ở làm sao Trời thương là được phải không ông?
Còn một mình tôi lại ngả lưng xuống chiếu, chân duỗi ra cho có cảm giác nhẹ nhõm... Lúc nào nằm được thì nằm, không ngồi. Cứ phải thế. Làm sao càng ít vận động càng tốt. Không hoang phí calorie... Tiết kiệm tối đa sức lực. Đây là một cuộc trường kỳ cầm cự để tồn tại... ... Bố tiên sư nhà nó! Cha tiên sư nhà nó! Tấm ván tầng trên lại oằn oại ken két. Củ sắn luộc cất trong dạ dầy tiêu mẹ nó hết rồi hóa cho nên khoảng trống trong đó gây nên một cuộc khủng hoảng thiếu hụt làm hẫng đi cái thói quen sinh    chắc dạ. Cứ như thế nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, cơ thể tù binh suy nhược dần, cai tù lấn áp dần, thành ra là cuộc đấu tranh bao tử. Chính nghĩa đứng  về phía cơm gạo, thậm chí chính nghĩa còn đứng về phía khoai sắn. Đéo mẹ nó, cán bộ nói thì phải đúng bởi vì hàng ngày cán bộ được ăn no và cán bộ có súng còn anh là tù lúc nào anh cũng đói cũng lả đi đứng không vững thì anh phải sai, anh phải học tập những điều tào lao người ta nói. Sai thành đúng, đúng thành sai. Ôi, chẳng còn ra cái thể thống gì nữa cả. Trời làm một cuộc lăng nhăng. Cha tiên sư nhà nó  cách mạng. Bố tiên sư nhà  nó đồng minh. Cụ  nhà nó lãnh đạo... Đói quá, xót ruột quá... Tôi thức dậy, cánh  cửa nhà xí mở ra đóng vào rầm rầm, lẫn vào đó còn nghe tiếng xè xè và tiếng  phèn phẹt  từ trong cầu tiêu vang ra. Tôi đang hiện hữu, ở đây, tôi có mặt và tôi đang sống ở đây, một điểm nào đó trên hành tinh. Chỗ này là đâu, đây là đâu, tôi đang hít thở không khí  mùi phân và nước tiểu, chỗ này, vậy là tôi có mặt ở chỗ này, vậy là tôi có thực, chỗ này có thực. Và tôi đang sống là có thực! Sài gòn. Hà nội. Tây. Tầu. Nga. Mỹ. À, California,  Orange  county,  bến phà Âu-lâu,  ấp Con-khe, củ sắn, nhà cầu, phèn phẹt, sè sè, chủ nghĩa xã hội, phèn phẹt, bác hồ, sè sè, cách mạng, cục kít, bố tiên sư nhà nó, đồng minh, chiến hữu... Keng, keng, keng, keng... ”Xưa bom không nổ, nay kẻng đổ liên hồi”, một đồng cảnh nào đó làm thơ hay thiệt. Sáng, trưa, chiều, tối. Cái búa gõ vào vỏ quả bom. Keng, keng, keng, keng, keng... Kẻng thức, kẻng ngủ, kẻng ăn, kẻng tập họp, kẻng lao động, kẻng thu dụng cụ, kẻng đổi gác... đủ thứ kẻng, đến nỗi trong tiềm thức lúc nào cũng như vang vang có tiếng keng  keng! Đang nằm lơ mơ ngủ bị kẻng đánh thức dậy báo cho biết đến giờ ngủ, vậy là giấc ngủ chính thức phải được ngăn cách với giấc ngủ không chính thức bằng một cái mở mắt thức dậy. Cái gì cũng vậy, sống là phải theo nội qui. Ăn uống ngủ nghỉ phải theo kẻng. Kẻng cũng phải được gõ theo nội qui. Ngủ trong giờ ngủ là hợp pháp, cái hợp pháp phải được phân biệt ra với cái bất hợp pháp. Anh đang ngon giấc nhưng đến giờ ngủ người ta gõ kẻng, tiếng  kẻng long óc có làm anh thức dậy để bắt  đầu một giấc ngủ qui định, thì đó là văn minh văn hóa xã hội chủ nghĩa! Anh phải ráng mà tập cho quen với  nếp sống  văn minh văn hóa mới đó !

Tôi bị đánh thức dậy bởi hồi kẻng ngủ đồng thời với những tiếng nhắc nhở oang oang của ban tự quản, đội trưởng, nhà trưởng “tất cả đi ngủ”. Tôi ngồi dậy vào nhà cầu đi tiểu xong trở ra mắc mùng đi ngủ cho đúng nội qui nếp sống văn minh văn hóa mới. Người bạn đồng ngũ mười lăm năm trước trên kinh Đồng tháp, nay là đồng cảnh trong tù, nhưng anh ta làm tự quản, nghĩa là cũng có “chức  quyền” hơn anh em, được miễn lao động “nghiã là” không phải làm nặng khổ sai, được tin giao dù không biết được tin đến mức độ nào, còn giao thì giao cho nhiệm vụ quản lý một đội hai mươi lăm người làm nông nghiệp và quản lý một buồng giam ngót trăm người  khi ở trong trại, nhất là ban đêm. Có người cho rằng đi tù mà  được cai tù tin giao cho chức cho quyền ưu đãi là có đường sống đường về, là còn hy vọng, là một  đường “binh” khôn ngoan. Các nhà có tí máu tử vi đẩu số thì nói đùa là những nhân vật ấy có số làm “quan”, ở tù  cũng làm quan. Nguời sĩ quan năm xưa nay là đội trưởng, nhà  trưởng khiến nhiều anh em đồng cảnh e ngại anh ta. Ban ngày anh ta dẫn đội đi lao động, hò hét, đốc thúc, tối về điều khiển đội sinh họat, cũng hò  hét đốc thúc anh  em phát biểu. Đã ba tối nay đội anh ta  phải ngồi kiểm điểm rất khuya mà chưa giải quyết xong vấn đề, chưa tìm ra manh mối về kẻ đã viết mấy  chữ “đả đảo CS” bằng than trên vách nhà lô. Công an quản giáo đã bắt anh ta phải kiểm điểm đội, tìm cho ra thủ phạm trong đội. Mấy ngày nay trong trại có  bàn tán về vụ này. Riêng anh ta thì rất lo lắng vì công an quản giáo đã “khoán” cho anh ta rằng nếu không  tìm cho ra thủ phạm thì chính đội trưởng phải chịu trách nhiệm. Âu cũng là hoạn lộ của công danh! Đội  tôi cũng phải họp “kiểm điểm các mặt học tập lao động cải tạo” trong tuần, tìm ra “mặt mạnh mặt yếu”  để thời gian tới phát huy mặt mạnh, khắc phục mặt yếu đưa đội mỗi ngày một tiến  lên! Cũng may là đội trưởng đội tôi rất bén, anh ta chọn được thư ký đội cũng bén không kém anh ta, hai người ấy điều khiển và ghi chép biên bản rất nhanh và rất “phong phú”, rất có”chất lượng”. Tất cả chúng tôi, dù không dám nói ra, nhưng nhìn nét mặt  mỗi người khi buổi họp chấm dứt sớm, đều hả hê nằm lăn ra chiếu, duỗi chân,  duỗi tay, thì biết là ai cũng bằng lòng. Anh bạn đồng cảnh tầng trên tụt cột xuống đi vào nhà cầu, khi ra lại  sà vào chỗ tôi bắt chuyện :
- Kể ra mình sa vào cái đội này cũng đỡ khổ phải không ông ? Nhìn sang anh em bên đội hung thần kia mà thấy tội nghiệp, ba đêm rồi chưa xong, đêm nay cũng còn cãi nhau loạn xạ, chưa biết tình thế sẽ đi về đâu.
Tôi nói nhỏ đủ hai  người  nghe:
- Làm sớm nghỉ sớm, ngắn gọn đầy đủ, ông có thấy đội mình “tài” không?
- Nhờ ơn trên có anh ta lanh lẹ nhạy bén, biên bản cũng đầy đủ các tiết mục, nhiều anh em phát biểu “sâu sát”, buổi sinh hoạt kết thúc tốt đẹp mà tốn ít thời giờ. Nhìn đội bên kia rồi lại nhìn đội mình mới thấy rằng trong phạm vi lớn hay  nhỏ  kẻ bị  trị  khổ nhiều hay khổ ít là tùy ở vua quan thống trị cả mà thôi.
Tôi gật đầu:
- Ngày trước chúng ta cũng làm quan, vậy có khi nào chúng ta thấy điều đó không ?
Anh ta cười xòa:
- Này ông bác sĩ, ông có nhắc đến tôi mới để ý. Chúng ta thường chỉ thấy được vấn đề khi chúng ta  đã ra khỏi nó.
-Chúng ta thấy rõ hơn sự đau khổ khi chúng  ta bị đau khổ ! Thường thì ai cũng biết thế đấy nhưng chỉ thực sự biết rõ hết khi đã thất bại !
Tiếng bàn cãi từ phía đầu nhà kia lớn hơn rồi ngưng  ngang, mọi người trong phòng giam chợt im lặng, chỉ còn nghe tiếng anh ta sang sảng:
- Chúng ta đều nhìn nhận là những chữ viết trên vách nhà lô là khẩu hiệu đả đảo chống lại cách mạng, chúng ta cũng nhìn nhận là người viết những chữ đó là người trong đội này, vậy mà chúng ta không làm cho  rõ ai là  người đã làm điều sai trái đó, chúng ta bàn cãi mấy đêm liền mà đối tượng vẫn chưa can đảm nhận lỗi và tập thể đội  cũng chưa đưa ra được đích danh thủ  phạm. Cán bộ thì..cán bộ đã biết là ai rồi, vấn đề là cách mạng muốn để chúng ta tự giác ! Các anh cũng thừa biết là bây giờ khoa giảo nghiệm nét chữ  rất tiến bộ, người ta có thể tìm ra là nét chữ của ai  chứ .
Anh bạn đồng cảnh nói nhỏ với tôi:
- Ông thấy hắn ghê gớm không? Hắn nói như thánh tướng vậy, còn lý sự hơn cả cán bộ nữa.
Tôi gật gù:
- Thuộc bài.
- Còn thuộc hơn tụi  nó nữa.
Phía đằng đó có tiếng người khác phát biểu:
- Tôi có ý kiến, anh đội trưởng nói thủ phạm chỉ là người trong đội nhưng đội này đâu chỉ có những người ngồi đây, còn có những người khác nữa, sao không đặt vấn đề  với cả những  người đó mà cứ truy nã anh em chúng ta đây thôi.
- Anh cho biết những người khác đó là những người nào?
Im lặng nặng nề căn phòng, người tự quản dằn giọng:
- Anh Để muốn ám chỉ ai khi nói đến những người khác ?
Căn phòng giam vẫn yên lặng, chỉ có tiếng viên tự quản:
- Phải chăng anh Để muốn đặt nghi vấn với hai anh tù hình sự coi nhà lô ?
Ngừng một lát anh ta tiếp giọng gay gắt:
- Hay là anh Để muốn điều tra cả cán bộ quản giáo và cán bộ võ trang quản chế?
        Có tiếng cười khẽ trong một góc phòng, viên  tự quản chậm rãi:
- Vì đó cũng là những người có mặt ở nhà lô.
Sự im lặng trong căn phòng đến lúc này mới thật là nặng nề ngột ngạt, anh bạn đồng cảnh ngồi cạnh nói thầm với tôi:
- Tiêu tùng lão Để rồi, tụi nó đang ghét lão ta, đang kềm kẹp lão ta ốm cũng không cho khai bịnh nghỉ, bây giờ lại dính vào cái vụ này, tôi lo tụi nó sẽ làm thịt lão ta mất.
Phía đầu phòng lại có tiếng viên tự quản nói:
- Các anh phải biết rằng các cán bộ là những người ngoài vòng cương tỏa, chúng ta không được nói đến. Cả hai người tù hình sự cũng vậy, phần  họ đã có cán bộ làm việc. Chúng ta phải biết rõ vị trí của mình  hiện nay, chúng ta đang được học tập cải tạo, chúng ta chỉ biết lo... cải  tạo bản thân mình. Cán bộ đã chỉ thị  rõ cho chúng ta là đội phải sinh  hoạt kiểm  điểm tìm cho ra sự thật, tôi nhắc lại cán bộ chỉ thị cho chúng ta kiểm điểm nhau chứ  không phải chúng ta kiểm điểm cán bộ, chúng ta phải làm cho rõ chúng ta  chứ chúng ta không có quyền xét xử cán bộ. Anh Để đặt vấn đề thế là sai. Anh hãy lo phần của anh cho xong, đừng đưa  đội đi lạc sang hướng khác.
        Có tiếng của một người lớn tuổi vì nghe giọng đã khàn khàn:
- Tôi không có ý nói phải điều tra cán bộ, tôi chỉ muốn nói rằng tại sao lại cứ đổ diệt cho anh em  chúng ta, mấy chục người ngồi đây, phải có ai đó đứng ra nhận tội, trong khi chúng ta đã ngồi kiểm điểm suốt mấy đêm liền chúng ta đã thành khẩn  phát biểu và phân tách vụ việc rằng trong chúng ta đây không ai dại gì làm cái việc dại dột nguy hiểm ấy, thế mà cứ dây dưa căng thẳng hoài. Chẳng lẽ bây giờ trong đội này phải có một người nào đó đứng ra nhận đại là mình đã viết cái khẩu hiệu “Đả đảo CS” đó hay  sao?
Ngưng một chút, giọng khàn khàn tiếp:
- Mà CS là cái gì? Có chắc là ai đó muốn “đả đảo cộng sản” không? Hay CS chỉ là... cảnh sát, như tôi đây này, tôi là đại uý cảnh sát, và anh đội trưởng nữa, anh từng là trung tá quân đội biệt phái cảnh sát, hay là người ta nói đả đảo tôi hay đả  đảo anh, nhận đại  đi là đả đảo tôi hay đả đảo anh cho xong chuyện, nói  tới nói lui lằng nhằng kéo dài mệt quá rồi.
Nhiều tiếng cười khúc khích nổi lên trong phòng  giam. Viên tự quản lên tiếng: 
- Yêu cầu các anh giữ im lặng, chúng ta nghiêm chỉnh làm việc, anh  thư ký ghi rõ ràng đầy đủ những lời anh Để phát biểu để ngày mai trình cán bộ duyệt.        
Tiếng anh Để lại nổi lên :
-Tôi nói nghiêm chỉnh đấy, chúng ta cứ ngồi mà chẻ sợi tóc làm tư, làm tám, mất thời giờ. Chúng ta cần nghỉ ngơi giữ sức khoẻ mai đi lao động. Tuổi cao sức  già ngồi mãi còng lưng chịu gì nổi, các đội khác họ ngủ cả rồi. Hay anh không muốn đả đảo mình thì thôi vậy, đả đảo mình tôi này! Hoặc nữa, CS là “Con sâu” hay “Củ sắn” cho xong mẹ đi! Đả đảo con sâu! Đả đảo củ sắn! Được chưa? Thỏa mãn chưa? Đội ta kiểm điểm đạt yêu cầu chất lượng cao! Xin anh thư ký ghi cho rõ ràng và đầy đủ vào biên bản nhé!
        Phòng giam vẫn lặng thinh, anh bạn đồng cảnh lại thì thầm bên tai tôi:
- Tiêu thật rồi, lão ta phát  khùng rồi, nói năng kiểu đó là không xong với tụi nó  rồi. Cuối cùng chúng nó cũng đạt yêu cầu, chúng nó ép mãi thế nào cũng có người chịu hết nổi phải bùng  ra, nói năng lung tung  loạng quạng có cớ cho chúng nó kết tội tiêu diệt. Đấy  rồi ông coi, lão  Để không thoát đâu.
Anh ta thấp giọng hơn nữa khiến tôi phải cố hết  sưc lắng tai mới nghe được:
- Trong hoàn cảnh này ông cũng phải rất cẩn thận  mới được. Tính ông cả tin cởi mở là dễ chết lắm. Tốt hơn cả là đừng dính dáng gì đến những chuyện không  cần thiết cho mình, cứ lặng thinh là hơn.
Tôi hỏi:
-Mũ ni che tai ấy hả? Không thấy, không nghe, không biết, ấy hả ?
Anh ta gật gù:
- Ừ, bốn, năm không gì đó.
Nói xong anh ta trèo lên chỗ ngủ tầng trên. Phía  đằng kia buổi sinh hoạt kiểm điểm của đội  bên cũng đã chấm dứt. Tôi buông mùng chui vào ngủ. Từ trong mùng tôi nhác thấy nhà trưởng đi vào cầu tiêu, lát sau trở ra anh ta dừng chân trước mùng tôi nhìn vào như có ý muốn nói chuyện, tôi nhớ những lời dặn dò của  đồng cảnh tầng trên, bèn nhắm  mắt vờ ngủ. Đêm đó trong giấc ngủ mê man vì mệt nhọc, tôi nghe hình  như có một lúc  nào đó, có một anh đồng cảnh nào đó, mê sảng rú lên một tiếng kêu gì đó ! Ghê sợ lắm!
        Ngày hôm sau anh Để khai bịnh nhưng đội trưởng không cho, anh Để phải theo đội đi cuốc  đất, nửa buổi anh Để bị công an dẫn về trại nhốt trong nhà biệt giam cùm một chân.  Ba ngày sau anh Để bị chết vì bịnh kiết lỵ ỉa ra máu !
Hôm anh chết, tối tôi nằm trong mùng mà có lúc nghe  văng vẳng tiếng anh phát biểu từ  phía đội đầu nhà về một cái khẩu hiệu đả đảo... đả đảo...
Ở nhà giam số 8 bên cạnh, có một anh gặp lúc trời mưa, chạy từ sân trại vào nhà miệng la lớn: “Đả đảo, đả đảo... trời  mưa!”  Tất cả chúng tôi không ai bảo ai đều lo lắng cho người bạn  đồng cảnh tự nhiên giở chứng, không biết sự gì sẽ xảy ra cho anh bạn  trẻ, nghe nói tính tình bất thường. Nhưng một tuần lễ  trôi qua người “đả  đảo trời mưa” vẫn yên ổn, không thấy anh ta bị hỏi han gì. Cũng lạ.

Mà cũng chẳng có gì lạ cả. Điều bất ngờ là viên sĩ quan đội trưởng nhà trưởng cũng bị chết. Nghe nói sáng sớm có người thấy anh ta vặt lá khoai lang vò  bỏ miệng ăn sống. Vừa đi vừa nhai. Nửa  buổi  anh ta  bị cảm ngoài hiện trường lao động, đươc đưa về cấp cứu ở bệnh xá, y tá cách mạng tiêm thuốc chữa trị cho anh ta, lát sau anh ta tắt  thở. Có người đoán  anh ta ăn củ sắn sống nhiều quá bị say nên giải độc bằng lá khoai lang không khỏi, đi làm phát quang ở nghĩa  địa bị xỉu. Người đoán nói rằng say sắn chỉ uống nước đường nằm nghỉ sẽ hết. Y tá không biết gì chích  bừa thuốc cảm là chết toi.
        Có người hỏi tôi:
- Theo ông bác sĩ thì anh ta chết vì bịnh gì ?
Tôi nói:
- Bịnh gì thì phải “chẩn” mới biết được chứ.
Mộ phần của anh nằm cạnh mộ phần của anh Để. Dưới chân đồi. Vùng Việt Bắc.
Xa, rất xa quê anh và quê anh Để. Lại càng xa, rất xa nước Mỹ.
                                                         O 

         NHẮN TIN: Nhắn cậu thanh niên ra đời sẩy thai, thiếu tháng, mang họ nhờ...

Người đỡ đẻ và khai sinh cho cậu đã chết trong tù. Khi chiến tranh chấm dứt, cũng không thấy có một người đàn ông nào gọi là cha ruột của cậu  trở về. Còn Mẹ của cậu nghe nói đã có một đời chồng khác. Không còn ai là người có liên hệ gia đình với cậu. Nhưng những người biết chuyện này thì còn nhiều. Tôi nghe rằng cậu nay đã có vợ con và hiện làm ruộng ở đồng bằng sông Cửu Long.  Lại cũng  nghe rằng cậu đã vô Đảng và đang là  một anh  Việt Cộng ở Sài gòn. Lại cũng nghe nữa rằng cậu đã vượt  biên và hiện  đang ở đâu đó trên đất Mỹ... Vậy thì là cái gì bây giờ ? Người ta, có khi, đã làm khổ làm sở lẫn nhau chỉ vì những cái khốn kiếp của những kẻ khốn kiếp nào đó bày đặt ra. 

Truyện này phần trên viết trước 1975, đã đăng lần đầu  trên  tạp  chí Hành Trình số 1 tại Sài gòn VN.  Sau 1975 trong một cơn sốt ở trại giam của CS, gặp lại nhân vật, tác giả bèn nẩy  ra ý nghĩ viết thêm phần dưới.  Sau này, nếu có dịp, biết đâu đấy, lại mê sảng gặp lại cậu, ở  đâu đó... thì có  thể tác giả  lại phải  kể  nốt cái phần tiếp theo của cậu. Không rõ, khi ấy, người ta  sẽ xài cái khẩu hiệu gì ?

 ( Huntington Beach * May.25.1993.)

                                                                                           Thảo Trường.