jen
Jen @ Niagara Falls

Góc Thảo Trường



       

Thảo Trường trả lời phỏng vấn
Nguyễn Mạnh Trinh thực hiện
(Tạp chí Văn, 163 tháng 12- 1996) 

Tác phẩm là sáng tạo, nhưng đây đó, có những chuyện giông giống người này người kia, hay nhân vật trong truyện xưng tôi thì cũng không có nghĩa nhân vật là tác giả. Tất cả những gì mà cuộc sống của tôi trải qua, những gì mà tôi chứng kiến, những gì mà tôi nghe kể lại và những gì tôi đọc được ở sách vở thì đều có thể là chất liệu khi xây dựng tác phẩm. Có khi tôi lượm những mẩu đời, vụn, ở nhiều nơi, nhiều lúc, sắp đặt vào một nhân vật. Đã có một người anh họ nói đùa với tôi: "Coi chừng kể cho nó nghe nó lại ‘phang ‘ mình vào trong truyện thì bỏ mẹ". Cũng có khi tôi đem những cái của mình gán vào một nhân vật nào đó, như là mình cho mượn vậy; bởi vì chính mình, đã có khi phải đi mượn những mối tình của người khác đặt vào chỗ của mình. Riêng đời tôi, tôi chưa làm tác phẩm nào mang tính tự thuật. Tôi cũng không có ý định viết hồi ký. 

Hình như đầu tiên là nhân vật. Tôi vớ được một nhân vật nào đó ngoài đời làm cho tôi chú ý, nó bắt tôi phải suy nghĩ xung quanh nhân vật đó, về những sự kiện, lời nói và hành động tình tiết cùng những băn khoăn, mang những ý nghĩa của đời sống, có lý hay phi lý... Rồi có khi những ý nghĩ của mình bay về quá khứ mịt mùng ở một nơi xa xôi nào đó, ý nghĩ bay đi lộn lại, quần thảo một hồi xong có khi xếp xó để đấy, rồi một lúc nào đó nó lại xẹt ra, lại quần thảo. Những cơn vật vã như thế sẽ nảy sinh ra những vấn đề, nói cách khác là có lúc nó sẽ nẩy ra đề tài, một đề tài hay nhiều đề tài, loại bỏ và giữ lại, chọn lựa... cho đến khi xúc cảm đem đến cho mình niềm thích thú thì dùng bút pháp riêng của mình mà thể hiện nó ra. Cũng có khi phải çất 'nó' nằm yên trong ‘bộ nhớ’ ở trong đầu mình nhiều năm, thời gian cất để dành này có thể ‘nó’ còn được nhào nặn thêm qua nhiều suy tư nữa. Trường hợp những truyện hình thành mà tôi phải cất đi lâu, trong nhiều năm, là trong thời gian tù CS. Qua Mỹ tôi mới có dịp thể hiện nó. Bây giờ tôi cũng vẫn đang đi tìm nhân vật. Tôi tìm trên đường phố, ngõ hẻm, và các thành phố Mỹ. Ngồi nói chuyện với ông có lúc tôi cũng chợt tự hỏi hay là mình ‘bắt‘ người này về làm nhân vật.

 Tôi làm việc có dự trù cẩn thận, tôi còn có bản ghi chép những ý tưởng và những chi tiết cần ghi nhớ sẽ cho vào trong truyện, khi làm việc tôi thường phải rà lại những ghi chép đó để sử dụng vào đoạn nào trong truyện. Nếu lái xe mà chợt nảy ra ý tưởng gì đó, tôi ấn nút ghi chép bằng máy ghi âm nhỏ, vì sợ quên, về nhà tôi chuyển nó lên mặt giấy. Những ghi chép này người khác đọc không hiểu vì tôi ghi theo cách vắn tắt và nó là một mẩu giấy chằng chịt ngang dọc gạch xóa những chữ có khi rất vô nghĩa. Có khi đang viết tôi cũng phải ngừng lại để ghi chép. Có khi đang nằm lơ mơ sắp ngủ tôi cũng phải vùng dậy lấy bút ghi chép. Thảm lắm! Và như tôi đã nói, mặc dù có dự trù như thế nhưng trong lúc làm việc những ý tưởng nảy sinh bất ngờ sẽ làm cho tác phẩm phong phú thêm, và đó là sáng tạo.

 ...Kỹ thuật viết. Truyện ngắn thường phải súc tích, ngắn gọn, các tình tiết cần phải được gạn lọc, lựa những gì điển hình nhất để đưa vào sử dụng.

 Khi hành văn thì càng ngắn càng tốt. Với truyện dài có hơi khác, vì một đề tài mình muốn viết thành truyện dài là do vấn đề mình muốn nói trong đó cần phải có một cốt truyện dàn trải ra với những tình tiết diễn tiến để dẫn tới điều mà mình muốn tác phẩm ấy phải đạt tới...Tôi không biết nói sao thêm vì tôi không có khả năng lý luận văn học. Tôi chỉ thấy là có khác biệt khi mình làm một tác phẩm ngắn và khi mình xây dựng một tác phẩm dài. Nhưng tôi không có ý nói một tác phẩm lớn phải là truyện dài hoặc thật dài còn một tác phẩm nhỏ thì không thể lớn. Một người bạn Mỹ cũng là độc giả của tôi đã đọc những truyện dài trước 75 và mới đây, sau khi đọc những truyện ngắn của tôi viết trong năm qua thì ông ta có nhận xét vui vui rằng: ’Ngày xưa anh sản xuất rượu bia, ngày nay anh nấu rượu mạnh’.

 Thảo Trường