gau
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

Đọc Sách


Đọc Cơ Hội Của Chúa
của Nguyễn Việt Hà


Như tên một bài điểm cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà, trên e_Văn, "Chúa cũng không giúp được gì", đúng ra phải nói là: "Đảng cũng vô ích ở đây."

Có những cuốn sách dở - cứ cho rằng dở - nhưng chúng báo hiệu những chuyển đổi. Người ta chê Cơ Hội Của Chúa có quá nhiều cái tôi ở trong đó, nhưng liệu trước Nguyễn Việt Hà có ai dám xưng tôi, dám xổ ra những triết lý này nọ... Trước đó, chỉ có chúng ta, chỉ có nhân dân, đếch có con người như một cá nhân. Chỉ có Đảng nói.
Nguyên Ngọc là người đầu tiên nhận ra điều này, khi cho rằng, tới Nỗi Buồn Chiến Tranh, "chúng ta" mới có tiểu thuyết. Với Cơ Hội Của Chúa, chúng ta có cơ hội của những con người, và những nỗi buồn vui của họ.
Còn điều này nữa: tất cả những trò cường điệu, nói tiếng Tây tiếng U, nhậu rượu nho rượu chát ở trong đó, chúng là những trò mút ngón tay của một đứa-trẻ-tác-giả-biết-rằng-rằng-mình-sẽ-lớn. Trong một bài viết về Nguyễn Khải, Lẫm liệt một thời mà sao bây  giờ tội nghiệp quá, tôi có cho rằng, chính những thất bại của một cuốn tiểu thuyết như của NVH, chính cái dở của nó lại làm cho chúng ta hy vọng.
Những tranh luận chung quanh cuốn tiểu thuyết, mà không có những quy chụp tác giả của nó, như đã từng xẩy ra với Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp... chứng tỏ sự thành công của NVH, qua đó, của xã hội Việt Nam đương thời: Sống chính trị có nghĩa, mọi chuyện được quyết định bằng lời lẽ, bằng thuyết phục, chứ không phải bằng quyền lực, và bằng bạo lực. Cuốn CHCC cho thấy tín hiệu đáng mừng đó.
[To be political, to live in a polis, meant that everything was decided through words and persuation and not through force and violene. Hannah Arendt. Con người: Con vật xã hội hay chính trị.]
Khi mượn câu của Sartre, nói về cái nhìn mang tính siêu hình của tiểu thuyết gia, trên thế giới tiểu thuyết do chính mình bịa đặt ra,  [«Une technique romanesque renvoie toujours à la métaphysique du romancier». «Kỹ thuật của tiểu thuyết luôn liên quan đến tư tưởng triết học của tác giả». J.P.Sartre, Situations I. ], Đoàn Cầm Thi như nhận ra tính xô bồ trong tiểu thuyết của NVH có vẻ như là một kỹ thuật của sự hỗn độn [chữ của Sartre, cùng trong bài viết mà ĐCT trích dẫn], như của Faulkner, nhưng không phải vậy.