*







 
"Lẫm liệt một thời mà bây giờ thì… tội nghiệp quá."

Câu văn trên, trích từ "Một Thời Gió Bụi", tập truyện ngắn của Nguyễn Khải (nhà xuất bản Lao Động Hà Nội 1993). Tác giả không định nói về một miền đất, mà là một khí hậu văn chương, khi so sánh anh nhà văn hiện nay với người dân làm cói ở xã N.

"Một Thời Gió Bụi" mở ra bằng câu chuyện một làng làm cói. Thuở lẫm liệt, "vào thập niên 1970 có năm họ thu được 9 triệu tiền hàng. Tiền thu đã nhiều mà làm cói lại dễ hơn trồng lúa. Một lần cấy mống cói thu hoạch từ bẩy đến mười năm… Mọi người tin rằng sự ổn định ấy là bất di bất dịch… Vậy mà cái yên tĩnh bây giờ [không còn lo chiến tranh], cái mở ra của bây giờ… đang dồn xã anh hùng vào ngõ cụt…". Thế rồi tác giả bèn quay qua chuyện viết văn, "cũng như những người làm cói, tôi tin tưởng cái nghề viết của bọn tôi sẽ không có gì thay đổi, sẽ mãi mãi vẫn như thế. Nền văn học trong tương lai là nền văn học xã hội chủ nghĩa, làm sao nghi ngờ được… Vậy mà bỗng chốc… bỗng chốc bản thảo đưa tới nhà xuất bản từ nửa năm bị trả lại. Tại sao vậy? -Anh viết chính trị quá, cao siêu quá, bạn đọc sẽ khó mua. –Bạn đọc nào? Bạn đọc của tôi vẫn trung thành với tôi mà! –Bạn đọc quen thuộc của anh đã tới tuổi về hưu rồi, đã về hưu tiền ăn còn chả đủ lấy tiền đâu mua sách."

"Nhưng người có tiền là những người đang làm việc, họ còn trẻ, rất trẻ. Hãy viết cho tuổi trẻ đi! Khốn nỗi cái tuổi trẻ hôm nay với tuổi trẻ của bọn tôi lại khác nhau quá nhiều vì thời thế đã thay đổi… Chân lý vĩnh cửu không còn nữa… Tiêu chuẩn bây giờ là tiền. Nó là bản vị của mọi giá trị. Chẳng hạn một nhà văn mà không kiếm ra tiền là nhà văn tồi… Nên ví thân phận anh nhà văn với ai nhỉ? Chắc là phải xếp dưới thầy cúng với thầy bói. Nghề này đang hái ra tiền, vì còn rất cần thiết cho những cái mộng tỉ phú. Chỉ có thể so sánh anh nhà văn hiện nay với người dân làm cói ở xã N mà thôi. Lẫm liệt một thời mà bây giờ thì… tội nghiệp quá!"

Ấy chỉ vì "chân lý vĩnh cửu không còn nữa!"

***

Bất cứ một so sánh nào cũng khập khễnh. Đôi khi khập khễnh "cần thiết" hơn cân đối, hoàn chỉnh, ít ra là trong trường hợp ở đây.

Người viết đã từng nghe "hơn một nhà văn" ở trong nước chê Nguyễn Tuân. "Những tùy bút sau này của ông dở quá! Thua xa Võ Phiến!", một nhà văn ở trong nước đã nói với tôi như vậy. Anh kể, kỷ niệm lần đầu đụng đầu với văn chương miền nam trước 1975, "Tôi đọc câu thơ của Nguyên Sa, hình như là thế này, ‘Sáng hôm nay Nga buồn như một con mèo ốm…’, và sướng điên lên. Làm sao ở miền bắc lại có một câu thơ ngu ngơ dại khờ tuyệt vời đến như vậy! Làm thơ như thế thì còn quá phản động!"

Ấy là tôi diễn ý của tôi, khi nhìn anh bồi hồi với "nụ hôn đầu ôm mái tóc lang thang" (thơ Thanh Tâm Tuyền): thì cứ coi như anh lần đầu tương tư Nga, và tiện thể, tương tư câu thơ đi, có chết ai!

Tôi lạc đề như vậy, là để nói ra điều này: không thể có một thứ văn chương lẫm liệt, và nếu có một thứ văn chương lẫm liệt, thì cái hậu quả tội nghiệp bây giờ là tất nhiên!

Và nếu Nguyễn Tuân sau này dở quá, cũng là lẽ tất nhiên, theo nghĩa, có thể ông thừa sức để viết hay hơn, thừa sức kiếm ra những đề tài xứng với ông hơn, nhưng ông biết rất rõ: viết hay là bỏ mẹ!

Bởi vì hãy nhớ lại câu cảnh cáo của Adorno: Sau Lò Thiêu mà còn làm thơ thì thật là … "tội nghiệp"! (ông dùng chữ "dã man").

Hay là mượn ngay một câu chuyện ngụ ngôn của Đông phương, về một con chó chuyên săn hùm beo, bị đánh què chân, chỉ để dùng vào việc săn chuột! Ở đây, Nguyễn Tuân đánh què chính mình, tự tay ném tác phẩm của mình vào thùng rác, vì sợ rằng sau này thiên hạ sẽ hỏi, tại sao một thời đại khốn kiếp như thế mà lại có một thằng viết văn hay như vậy?

Liệu có thể coi nhà văn đó hèn nhát? Và cái thái độ chê bai Nguyễn Tuân, có phải do quá ghen với tài năng của ông, hay là vì họ Nguyễn phải đợi ba trăm năm sau mới tìm được kẻ khóc mình?

Liệu chúng ta có thể đi đến một kết luận vội vã: lẫm liệt cho lắm vào, bây giờ tội nghiệp cho đáng kiếp!

***

Cũng một trường hợp như vậy, nếu chúng ta đọc truyện ngắn "Huyền thoại phố phường" của Nguyễn Huy Thiệp.

Đây là một câu chuyện mô phỏng "Con đầm bích" của Pushkin. Nghe nói ở trong nước có người "quá ghen" hoặc "quá ngu" đến độ chê họ Nguyễn là đạo văn! Bản thân tôi, lần đầu đọc truyện này, cũng ngạc nhiên, tự hỏi tại sao Nguyễn Huy Thiệp "viết lại" Pushkin, bằng cách đẩy cái không khí huyền hoặc của "Con đầm bích"ù - bạn đọc chắc còn nhớ cảnh tượng "nụ cười" của bà đầm già "bước ra khỏi lá bài" khiến tay sĩ quan phát điên… - vào trong "thực tại" phố phường?

Một cách nào đó, Nguyễn Huy Thiệp đã nhận ra nhu cầu phải viết khác đi, nếu không muốn làm nhục văn chương, nghệ thuật. Nên nhớ, một khi văn chương phải hạ mình xuống để làm những công chuyện như "phản kháng, ly khai, chống cộng, hợp lưu, giao lưu hoà giải…" một cách nào đó, nó đã bị tổn thương, hoặc đã tự đánh què chính nó, và nếu văn chương có một lương tâm, chắc là nó cũng cảm thấy hổ thẹn! Theo nghĩa đó, Cao Hành Kiện đã cho rằng, đây chỉ là chuyện tri âm tri kỷ mà thôi. Cũng vẫn theo nghĩa đó, những người chê thơ Nguyễn Chí Thiện (không phải là thơ!), đáng lẽ họ phải đặt ngược vấn đề và tự hỏi, nếu Nguyễn Chí Thiện ở trong tù mà còn làm thơ thì… tội nghiệp thực!

Đây chính là lý do tại sao, khi thiên hạ khen "Bác sĩ Zhivago" của Pasternak, Nabokov đã "bực mình", qua một số câu trả lời phỏng vấn mà Jennifer tôi trích dịch sau đây.

Khi được hỏi, ông tiên đoán ra sao, về sức khoẻ của văn chương Nga, Nabokov trả lời:

Thật khó mà có một câu trả lời giản dị cho một câu hỏi như thế. Vấn đề là, không có một chính quyền nào, cho dù thông minh tới đâu, nhân bản tới đâu, có thể đẻ ra những nghệ sĩ lớn; ngược lại, một chính quyền tồi tệ nào cũng dư sức để mà hành hạ, làm tình làm tội, và hơn thế nữa, bách hại, làm thịt nghệ sĩ. Nên nhớ điều này, vì nó thật là quan trọng: chỉ đám thiếu thẩm mỹ (philistins), mắt mù tai điếc trước nghệ thuật, mới ăn nên làm ra trong mọi chế độ. Bởi vậy tôi chẳng có thể nào tiên đoán gì hết, nhưng hy vọng, lẽ dĩ nhiên, rồi chế độ công an trị ở Liên xô sụp dần rồi biến mất. Trong khi chờ đợi, tôi lấy làm thương hại cho mấy tên ngu đần đã lầm lẫn Staline với McCarthy, Lò Thiêu Auschwitz với bom nguyên tử…

Khi được hỏi, ông viết cho ai, Nabokov trả lời:

Tôi không tin một nghệ sĩ lại phải lo lắng đến độc giả của mình. Độc giả số một của ông ta, là cái kẻ mà mọi buổi sáng ông ta nhìn thấy trong gương, khi cạo râu. Tôi cho rằng, khán thính giả độc giả của một nghệ sĩ, mà ông ta tưởng tượng ra được, là những người làm đầy một căn phòng, và tất cả đều mang mặt nạ của ông ta.

Về cuốn Dr Zhivago, khi Robert Bingham, của tạp chí Reporter, New York, muốn biết ý kiến của ông, Nabokov đã từ chối đưa ra một lời phê bình, sợ có hại cho tác giả. Theo ông, đây là một cuốn sách ủng hộ (pro) bôn sê vích, và sai lầm về lịch sử (historiquement faux), bởi vì đã vờ đi cuộc cách mạng tự do (révolution libérale) mùa xuân 1917; hơn nữa vị bác sĩ đã mừng đến phát điên, khi cú đảo chánh của bôn sê vích xẩy ra bẩy tháng sau đó. Tuy nhiên, ông đánh giá cao Pasternak như là một thi sĩ trữ tình (poète lyrique). Ông chào mừng Pasternak được giải Nobel, chỉ vì những câu thơ của ông ta. Trong Dr Zhivago, văn đã không tới được tầm cao của thơ ông. Ông nói thêm, tầng lớp trí thức Nga không ăn ý với Đảng đã không mặn mà với cuốn sách như là độc giả Mỹ. Khi cuốn sách xuất hiện ở Hoa Kỳ, đám lý tưởng tả phái đã mừng quýnh lên: đây là một bằng chứng cho thấy "một đại tác phẩm" đã được đẻ ra, từ chế độ Xô viết.

(Về những trích dẫn trên đây, là từ "Strong Opinions", tạm dịch Bạo Mồm, Jennifer tôi sử dụng bản dịch tiếng Pháp, "Partis Pris", tủ sách 10/18, nhà xb Julliard, ấn bản 2001).

Với riêng người viết, chính cái tình trạng tội nghiệp kia, là một dấu hiệu hết sức đáng mừng của văn chương ở trong nước, nếu chúng ta nhận ra cái thông điệp của nhà văn Nam Phi Coetzee, khi viết về trường hợp cuốn Thương Xá (The Arcades Project) của nhà văn người Đức gốc Do Thái, Walter Benjamin. Khi Hitler lên nắm quyền ở Đức, ông bỏ chạy qua Paris. Và khi Pháp sắp sửa lọt vào tay Quốc Xã, ông tìm đường tới Hoa Kỳ qua ngả biên giới giữa Pháp và Tây Ban Nha, ôm theo bản thảo cuốn sách. "Nó còn quan trọng hơn cả tôi, và phải được gìn giữ", ông nói về đứa con tinh thần của mình.

Theo Coetzee, cuốn "Thương Xá", cho dù chúng ta đánh giá nó như thế nào – điêu tàn, thất bại, một dự án bất khả, impossible project – đề nghị một đường lối mới, để viết về một nền văn minh: sử dụng những rác rưởi làm chất liệu, thay vì những nghệ phẩm của cái nền văn minh đóù; lịch sử từ đáy thay vì lịch sử từ đỉnh. Và lời kêu gọi của Benjamin (trong "Những luận đề" - "Theses"), cho một lịch sử xoáy vào đau khổ của những người thua, thay vì thành tựu của những kẻ thắng: lời kêu gọi này mang đầy tính tiên tri, về cung cách mà việc viết sử bắt đầu nghĩ về chính nó, trong quãng đời [còn lại ngắn ngủi của chúng] ta.

JT