gau
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

CHUYỂN NGỮ

Tiểu thuyết chưa chết
1 2
Nguyên bản tiếng Anh






Tiểu Thuyết Chưa Chết (3)
Lại Một Lần Nữa, Ra Tay Nghĩa Hiệp, Bảo Vệ Tiểu Thuyết.
In Defense of the Novel, Yet Again.
Rushdie vs Steiner

Cách đây ít năm, tiểu thuyết gia người Anh, Will Self cho ra lò một cái truyện ngắn tếu "Lý Thuyết Lượng Tử Về Khùng Điên", trong đó giả dụ, con số khỏe mạnh của nhân loại đã được ấn định, hoặc có thể là một hằng số; nếu như vậy, toan tính chữa bịnh khùng cho loài người là vô ích, bởi vì một anh này ở Việt Nam, thí dụ vậy, được chữa khỏi, thì một ả kia ở Mẽo chẳng hạn, dính trấu. Cứ thử tưởng tượng tất cả chúng ta cùng ngủ chung một giường, chỉ có một cái mền, và cái mền này - tức sự khỏe mạnh -  nhỏ quá, không đủ che cho tất cả. Một người kéo chiếc mền, lập tức mấy ngón chân một người khác ló ra. Đúng là quá tức cười, nhưng lạ lùng thay, nó làm chúng ta liên tưởng tới lập luận "cà chớn" [zaniest] của Giáo sư Steiner, nhưng thay vì cà chớn thì giáo sư trình bầy bằng một giọng rất ư là nghiêm túc: rằng, tại bất cứ một thời điểm nào đã cho, đều hiện hữu một tổng số xác định những tài năng sáng tạo, và vào lúc này, mấy thằng chả kia , tôi muốn nói, ba cái trò điện ảnh, truyền hình, và ngay cả quảng cáo, kéo cái mền về phiá chúng nó, thế là cô tiểu thư tiểu thuyết bị hở banh ra, nằm co ro run rẩy trong cái lạnh khủng khiếp của mùa đông văn hóa của chúng ta [our cultural winter].

Khổ một nỗi, lý thuyết trên đây "nhảm" ở chỗ, nó giả dụ mọi tài năng sáng tạo thì giống nhau y chang, nghĩa là cùng một loại. Áp dụng ý niệm trên vào môn điền kinh là thấy ngay sự phi lý tổ bố của nó. Con số những cao thủ marathon không hề giảm đi, một khi môn thể thao này phổ thông mãi ra. Phẩm chất  vận động viên nhảy cao không mắc mớ gì tới con số cao thủ nhảy sào.

Có vẻ như sự xuất hiện những thể loại, những hình thức mới mẻ của nghệ thuật đã cho phép nhiều nhóm người mới mẻ nhập vào cuộc chơi sáng tạo. Tôi biết rất ít, những đạo diễn bậc thầy kiêm luôn tiểu thuyết gia bậc thầy: Satyajit Ray, Ingmar Bergman, Woody Allen, Jean Renoir, và chỉ có thế. Nụ hôn tuyệt vời mà ông tài tử lừng danh gốc Hy Lạp dành cho nàng Lara ở trong phim Vĩnh Biệt Tình Em, theo bạn, liệu thay thể nổi [và đích xác là] mấy trang, Bác sĩ  Zhivago? (1). Những cao thủ viết kịch bản phim, họ là những cao thủ, chắc chắn rồi, nhưng họ không suy nghĩ theo kiểu văn chương mà theo kiểu điện ảnh.

Nói ngắn gọn, sự đe dọa của những môn chơi đòi hỏi kỹ thuật cao không làm tôi lo âu nhiều, so với Giáo sư Steiner. Có lẽ chính sự kiện quá đơn giản, nếu nói về kỹ thuật viết [chỉ cần cây viết mẩu giấy], chính cái đó, đã làm cho văn chương sống sót, và cứ sống sót hoài. Những phương tiện biểu tỏ nghệ thuật đòi hỏi con số lớn lao nguồn tài chánh, kỹ thuật tân kỳ, rắc rối, tinh vi - tôi  muốn nói,  những trò chơi như điện ảnh, kịch, diã - chính vì chúng như thế, nên bị tuỳ thuộc, và do đó, bị kiềm chế, kiểm duyệt, trong khi, làm sao nhà nước toàn trị  có thể huỷ diệt đuợc điều mà nhà văn lặng lẽ làm, trong cô đơn của một gian phòng? 

(1) Nguyên văn: Bạn có thể đọc bao nhiêu trang sách đầy những chất liệu nóng bỏng của Quentin Tarenrino, bao nhiêu lần những tên găng tơ của ông ta nói chuyện đợp Big Macs tại Paris, hay là thay vì đọc, hãy nhờ mấy tay tài tử Samuel Jackson hay John Travolta nói giùm cho những trang sách đó?

Tôi  "chịu"  Giáo sư Steiner, khi ông ca ngợi khoa học hiện đại, 'nơi nào có vui chơi hưởng thụ, ăn nhậu đớp hít,  là nơi đó có hy vọng, có nhiệt tình, có ý nghĩa lớn lao về một thế giới cứ thế mà nối vòng tay lớn mí nhau', nhưng sự bùng nổ sáng tạo mang tính khoa học này, tức cười thay, là một cú đá giò lái cho "lượng thuyết sáng tạo" [quantity theory of creativity] của ông. Ý tưởng những nhà văn lớn đầy tiềm năng sáng tạo bị mất đi, nhường chỗ cho sự nghiên cứu khoa học tiềm-nguyên tử [sub-atomic], cho lỗ đen, là một chuyện khó tin, và nếu bạn có nghĩ ngược lại, thì cũng khó tin chẳng kém. Chẳng lẽ những tác giả nổi tiếng, thí dụ như Jane Austen, James Joyce, thay vì viết văn, lại chọn một "thiên hướng" khác, thế là có một Newton, hay một Einstein, của thời họ?

Trong khi tra hỏi luợng tính sáng tạo trong tiểu thuyết hiện đại, Giáo sư Steiner đã chỉ lộn hướng cho chúng ta. Nếu có cái gọi là khủng hoảng tiểu thuyết ở trong văn chương những ngày như thế này, thì nó thuộc vào một dạng khác, không như giáo sư la hoảng.

Tiểu thuyết gia Paul Auster mới đây có nói với tôi, tất cả những nhà văn Mẽo đều nghĩ rằng, cái việc viết lách của họ đó chẳng qua là nhảm nhí, chẳng đi đến đâu, ở cái đất nước Mẽo của họ, nó giống như đá banh, người Mẽo không thích môn chơi thể thao đại chúng, ít tốn tiền, dành cho nhà nghèo này. Nhận xét này giống như một hồi âm cho nhận xét của Milan Kundera, trong tác phẩm tiểu luận mới nhất của ông, Những Di Chúc Bị Phản Bội,  trong đó, ông phàn nàn, "Âu Châu đã bất lực trong việc chống đỡ và giải thích [giải thích một cách kiên trì cho chính nó và cho những người khác], rằng đệ nhất đẳng nghệ thuật của Âu Châu, là nghệ thuật tiểu thuyết; nói một cách khác, Âu Châu đã bất lực trong việc bảo vệ và giải thích, văn hóa của chính nó. "Những đứa con của tiểu thuyết đã bỏ mặc nghệ thuật tạo nên hình dáng của họ. Âu Châu, xã hội của tiểu thuyết, đã bỏ rơi cái tôi của chính nó". 

Auster đang nói tới cái chết, nghĩa là sự hững hờ của người Mẽo, đối với việc đọc tiểu thuyết; còn Kundera, cảm quan về một cái chết , nghĩa là sự cắt đứt liên hệ văn hóa giữa người đọc Âu Châu, với sản phẩm văn hóa - ở đây,  là tiểu thuyết. Cộng thêm vào đây, đứa trẻ ngày mai của ngài Steiner, một đứa trẻ mù chữ, mê máy điện toán đến phát khùng, thế là chúng ta có thể có được cái chết của việc đọc, chính nó.

Mà có lẽ, không phải như vậy. Bởi vì văn chương, nhất là thứ bảnh, thứ hảo hạng, không phải là món hàng ai ai cũng quan tâm, ai ai cũng vồ vập. Quan trọng văn hóa của nó không phải ở chuyện đánh đấm xếp hạng, mà là, nó bảo cho chúng ta biết, về chính chúng ta, và chúng ta không thể kiếm thấy những lời chỉ bảo đó, ở những môn nghệ thuật khác. Và thiểu số - thiểu số những con người được sửa soạn và sẵn sàng bỏ tiền ra mua sách tốt để đọc - thiểu số này lạ lùng sao, chưa từng nhiều như vậy, so với trước đây. Vấn đề phải quan tâm, là vấn đề này. Đừng lo lắng đến cái chết của độc giả, mà hãy để ý đến sự hoang mang, sững sờ của họ.

Tại Mẽo, trong năm 1999, hơn năm ngàn tiểu thuyết mới đã được xuất bản. Năm ngàn! Chỉ cần năm trăm cuốn tiểu thuyết có thể xuất bản được, và được viết ra trong một năm, như vậy đã là một phép lạ! Phép lạ biến thành "phép lạ của phép lạ", nếu trong số năm trăm cuốn có thể xuất bản được đó, có năm chục cuốn thuộc loại tốt. Và cả nhân loại chúng ta sẽ mừng rú lên, nếu trong số năm chục cuốn tốt đó, có một cuốn, một và chỉ một mà thôi, là "một" đại tác phẩm!

Đám xuất bản, nhà nào nhà nấy, in sách ào ào, là bởi vì những biên tập viên tốt bị cho về vườn và không cần người thay thế, và ám ảnh về con số doanh thu khiến không còn phân biệt nổi tác phẩm xấu và tốt. Hãy để cho thị trường sách vở quyết định, hình như đa số các nhà xuất bản đều nghĩ như vậy. Cứ  tống hàng ra, thế nào cũng có cuốn dính! Thế là năm ngàn cuốn bầy ê hề trên quầy, và sau đó, từ trên quầy rớt xuống "lò thiêu", bao thứ lửa quảng cáo cũng chẳng làm sao cứu nổi. Đúng là một cuộc hành trình tự huỷ. Như Orwell đã nói từ năm 1936 - Bạn thấy đấy, làm có gì mới ở dưới ánh mặt trời - 'quảng cáo giết tiểu thuyết' [nguyên văn: the novel is being shouted out of existence: Tiểu thuyết đang được la lối đến nỗi ngỏm củ tỏi]. Độc giả, thất lạc giữa khu rừng nhiệt đới, gồm toàn là những tiểu thuyết rác rưởi, và thấy mình trở thành thô bỉ, vì thứ ngôn ngữ quảng cáo ngoa dụ chẳng còn có chút giá trị mà cuốn nào cuốn nấy tự khoác cho nó,  bèn dơ cả hai tay lên trời than, tớ chịu thua, tớ bỏ cuộc! Mỗi năm, tớ mua chừng vài cuốn được giải này giải nọ, có thể, một hai cuốn của những tác giả mà tớ biết tên, và sau đó, tớ bỏ chạy! In ào ào, và ngoa dụ quảng cáo khiến người đọc đếch thèm đọc sách nữa! Vấn đề không phải là, quá nhiều những cuốn tiểu thuyết  câu một số quá ít độc giả, mà là, quá nhiều cuốn tiểu thuyết xua đuổi một số quá ít đọc giả chạy vãi linh hồn [1] ra quần!
Chú thích: Chữ "vãi linh hồn" này, mượn của nữ văn sĩ Phạm Hải Anh. 

Nếu in một cuốn tiểu thuyết đầu tay là "đánh bạc chống lại thực tại", như Giáo sư Steiner đề nghị, thì vấn đề này phần lớn là do in ào ào, cứ nhắm mắt in cầu may, mà ra. Vào những ngày này, người ta nói tới một tinh thần làm ăn mới, tàn nhẫn về tiền bạc trong xuất bản. Nhưng cái mà người ta cần, là một sự tàn nhẫn trong biên tập, thứ tuyệt hảo. Chúng ta cần một cái nhìn khác, một cái nhìn trở lại, trong nhận định, đánh giá.

Và còn một thứ nguy hiểm khác nữa mà vị Giáo sư Steiner này quên không nhắc tới, đó là, sự tấn công vào tự do trí thức, chính nó; tự do trí thức, không có nó, không có văn chương. Vả chăng, đây đâu phải là nguy hiểm mới. Một lần nữa,George Orwell, vào năm 1945, đã dâng tặng cho chúng ta một lời khuyên thật khôn ngoan, rất ư là có giá trị đương thời, và xin bạn tha lỗi cho tôi, về câu trích dẫn hơi dài dòng, sau đây:

"Vào thời đại của chúng ta, tư tưởng tự do trí thức bị tấn công ở cả hai phiá. Một phiá, là những kẻ thù lý thuyết, nhũng tên ca tụng chế độ toàn trị, [hay, những tên cuồng tín, nói như vậy hợp thời hơn, vào những ngày như thế này],; và ở phiá kia, những kẻ thù sờ sờ, đó là quốc doanh, độc quyền và thư lại. Trong quá khứ [.....], những ý niệm về nổi loạn và sự vẹn toàn về trí thức, chúng trùng khớp với nhau, có thể nói, là một. Một tay dị giáo, theo tà thuyết - về chính trị, đạo đức, tôn giáo, hay về cái đẹp - là một con người nào đó, người này từ chối hiếp đáp, chính luơng tâm của mình, từ chối vứt lương tâm của mình vào thùng rác.

[Vào những ngày như thế này], có một đề nghị rất ư là nguy hiểm [đó là], tự do là thứ đếch xài được, chẳng ai thèm [undesirable] , rằng, lương thiện trí thức là một hình thức ích kỷ chống lại xã hội, anti-social selfishness. Những kẻ thù của tự do trí thức luôn luôn cố làm cho người ta tin rằng, nếu chúng chống tự do trí thức, vì đây là một điều rất cần làm, một thứ kỷ luật đề ra, vì đám đông, vì tập thể, một cá nhân là cái thống chế gì, so với nhân dân! Nhà văn nào mà từ chối bán ngòi bút của mình, chúng bèn gán cho họ là những tên vị kỷ, thứ đồ chỉ biết có mình nó, đâu cần biết đến người khác. Nhà văn như thế, bị buộc tội, hoặc là, tự nhốt mình vào trong tháp ngà, hoặc, coi mình như là một nơi trình diễn, của chính cá nhân mình, hoặc một kẻ đi ngược lại trào lưu của đất nước, ngược lại  ba ngọn trào cách mạng, chỉ để nhằm bấu víu, bảo vệ những đặc quyền không làm sao biện minh được nữa của giới viết lách. [Nhưng], muốn viết không cần luồn lách, là phải suy nghĩ không sợ hãi, và nếu người nào suy nghĩ không sợ hãi, thì người đó không thể nào chấp nhận một đường lối chính trị chính thống."

Sức ép của quốc doanh độc quyền và của chế độ thư lại, chủ nghĩa tổ hợp cá lớn nuốt cá bé, bảo thủ, hạn chế và thu hẹp phạm vi và phẩm chất của xuất bản, những chuyện đó, bất cứ một nhà văn hiện đang viết, đều biết. Về sức ép của điều không thể chấp nhận được, và của kiểm duyệt , bản thân tôi, mấy năm gần đây, được biết khá nhiều, phải nói là bội thu hiểu biết. Có rất nhiều những cuộc chiến đấu như thế đang xẩy ra trên thế giới: Tại Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Nigeria, những nhà văn bị kiểm duyệt, phiền nhiễu, làm khó dễ, bỏ tù, và bị giết nữa. Ngay cả ở Âu Châu, ở Hoa Kỳ, những "đội quân dông bão" [ám chỉ những những tên Nazi], những tên "biệt kích" [commandos] , của đủ thứ máu nóng, lạnh, đủ thứ "cảm tính", chúng tìm cách hạn chế tự do ăn nói của chúng ta. Chưa bao giờ quan trọng bằng lúc này, tiếp tục bảo vệ những giá trị nhờ chúng mà có nghệ thuật tiểu thuyết . Cái chết của tiểu thuyết thì có thể còn xa, nhưng cái chết dữ dội của nhiều tiểu thuyết gia đương thời, than ôi, là một sự kiện không làm sao tránh được. Mặc dù vậy, tôi không tin rằng những nhà văn lại từ bỏ giấc đại mộng, tác phẩm của ta sẽ trường tồn cùng với hậu thế, sau khi ta đã ngỏm củ tỏi rồi. Điều mà George Steiner gọi một cách thật đáng yêu "vô thường thôi, nhưng thật là cao ngạo", của văn chương, vẫn luôn luôn nóng bỏng ở trong chúng ta, cho dù, như ngài giáo sư nói, chúng ta tỏ ra bối rối, khi phải nói ra công khai. [Trong mỗi chúng ta đều có một Sài Gòn âm ỉ cháy. Tôi đốt lên ngọn nến của tôi, để cho Sài Gòn của bạn sáng ngời. NQT: Lần Cuối Sài Gòn]. Nhà thơ Ovide đã đánh dấu chấm hết cho tác phẩm Metamorphoses của ông bằng những vần thơ đầy tin tưởng:

Nhưng, với tất cả tinh hoa ở trong tôi
Tôi sẽ chiếm được địa vị cao vời vợi, tuyệt vời hơn cả muôn sao
Tên của tôi sẽ không thể xóa nhòa và sẽ còn mãi mãi. 

Tôi chắc chắn, ở trong trái tim của từng nhà văn, đều có cùng một tham vọng như vầy: người đời còn nhắc nhở đến tôi, trong những ngày sẽ tới, cùng cái điều mà nhà thơ Rilke nghĩ về Orpheus:
Orpheus sẽ đời đời là thiên sứ
Đi qua địa ngục
Mang cho đời hoa trái ngời ngời.

Tháng Năm 2000
Salman Rushdie

Jennifer Tran dịch