gau
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

CHUYỂN NGỮ

Tiểu thuyết chưa chết
1 3
Nguyên bản tiếng Anh
1






Tiểu Thuyết Chưa Chết (2)

Lại Một Lần Nữa, Ra Tay Nghĩa Hiệp, Bảo Vệ Tiểu Thuyết.
In Defense of the Novel, Yet Again.
Rushdie vs Steiner

Giáo sư Steiner nói, "Gần như là một định đề, rằng bi giờ, thứ tiểu thuyết loại gộc đến từ vùng biên cương xa vời, từ Ấn Độ, từ vùng biển Caribbean, từ Mỹ Châu La Tinh,", và một vài người  sẽ cho rằng, tôi là một thằng khùng khi phản đối một tầm nhìn xa trông rộng, về một trung tâm tiểu thuyết đã cạn kiệt và một miền ven biên tràn trề sức sống. Nhưng nếu tôi có tỏ ra khùng khùng man man, một phần là do tiếng than van tiếc nuối cho một "Trung Nguyên" Âu Châu, của một dòng giống Hán tộc nào đó, nói rõ hơn, chỉ một tay trí thức Tây Âu mới thốt lên một lời ai điếu thê lương như vậy, cho cả một nền nghệ thuật, dựa trên căn bản, rằng, những nền văn chương, thí dụ như của Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha không còn là những nền nhất đẳng văn chương ở trên trái đất này, [người ta không hiểu, Giáo sư Steiner coi Mỹ Châu là trung tâm, hay là ven biên, thành thử, một tầm nhìn xa trông rộng theo kiểu bằng bằng, chim bay là là, ở trên mặt trái đất, như của Giáo sư, thì thật khó mà theo cho nổi. Nhìn từ chỗ mà tôi đang ngồi, nền văn học Mẽo có vẻ đẹp dáng ra phết].

Vả chăng, mắc mớ gì tiểu thuyết loại gộc đến từ đâu, một khi mà chúng vưỡn tới? Và trái đất phèn phẹt nào vậy, nơi vị giáo sư tốt [the good professor] sống, với những người La Mã chán chường ở "Trung Nguyên" [ở trung tâm], và những người Hottentots [một giống dân Nam Phi], và những giống dân ăn thịt người, có tài một cách đáng sợ, ở mãi tít ven biên? Cái bản đồ mà Giáo sư Steiner có ở trong đầu, là một bản đồ hoàng gia, và những đế quốc Âu Châu, thì đã tuyệt chủng từ đời tám hoánh nào rồi. Cả một nửa thế kỷ, mà những sản phẩm văn học của nó đã chứng tỏ, cho hai vị Steiner và Naipaul, sự suy thoái của tiểu thuyết cũng là nửa đầu thế kỷ thời kỳ hậu-thuộc địa. Đâu có chi là khó hiểu, sự kiện, một trường phái tân tiểu thuyết đang nở rộ, một thứ tiểu thuyết hậu-thuộc địa, "đếch cần" một thánh địa "Trung Nguyên", [không qui tâm, de-centered], xuyên-quốc gia, transnational,  liên-ngôn ngữ, inter-lingual, "giao lưu hòa hợp hòa giải" văn hóa, cross-cultural; và trong trật tự mới này, hay hỗn loạn, hổ lốn thì cũng được, chúng ta tìm thấy một lời giải thích tuyệt hơn, thú vị hơn, về một vóc dáng mạnh khoẻ, đỏ da thắm thịt của tiểu thuyết hiện đại, hơn là quan niệm thoát thai từ Hegel, và ra cái điều bố già, [không có Âu Châu thì lấy đâu ra tiểu thuyết], của Giáo sư Steiner, rằng, sáng tạo có ở miền "ven biên", là do, đây là những khu vực "ở vào giai đoạn sớm sủa của văn hóa trưởng giả, thuộc một thể loại hoang sơ hơn, thô lỗ hơn, và cũng  nhiêu khê hơn".

Nói cho cùng, từ thập niên này tới thập niên kia, chính quyền Franco đã thành công trong việc bóp nghẹt dòng văn chương [viết bằng tiếng] Tây Ban Nha, chính vì vậy mà mọi cặp mắt đều nhắm về những nhà văn tuyệt vời vùng Mỹ Châu La Tinh. Cái gọi là trăm hoa đua nở ở khu vực này, là hậu quả sự ung thúi thế giới trưởng giả cũ, cũng như sự sáng tạo hoang sơ cái mới. Và, thật kỳ cục, khi miêu tả  văn hóa cổ xưa, phức tạp và tế nhị [sophisticated] của Ấn Độ, là như sống trong một thời "xa xưa hơn, hoang dại hơn", so với Tây Phương. Với những giai cấp thương mại lớn lao, hệ thống thư lại tỏa rộng ra mãi, sự bùng nổ kinh tế, Ấn Độ sở hữu một trong những nền trưởng giả rộng lớn nhất, đầy tiềm năng nhất trên thế giới, và nó là như vậy, bền lâu, vững chãi, chẳng thua gì Âu Châu. Một nền văn học lớn lao, khổng lồ, một giai cấp độc giả có học, là chẳng có chi là mới lạ đối với đất nước này. Cái mới, cái lạ, là, sự trồi lên, ló đầu, nở rộ, của một thế hệ tài năng những nhà văn Ấn Độ, viết bằng tiếng Anh (working in English). Cái mới, cái lạ, là 'Trung Nguyên' đã phải để ý tới một "miền ven biên"; miền ven biên này bắt đầu nói, trong hằng hà sa số những ấn bản, một thứ ngôn ngữ mà Tây Phương ngày càng dễ hiểu.

Còn cái chân dung mà Giáo sư Steiner vẽ ra, về một Âu Châu cạn kiệt, theo như suy nghĩ của tôi, là nhảm, thật nhảm. Và cũng thật dễ dàng chứng minh, rằng nó nhảm, thật nhảm. Năm chục năm gần đây nhất của nó đã cho chúng ta, chỉ kể một vài trong muôn vàn, những tác phẩm của Albert Camus, Graham Greene, Doris Lessing, Samuel Beckett, Italo Calvino, Elsa Morante, Vladimir Nabokov, Gunter Grass, Aleksandr Solzhenitsyn, Milan Kundera, Danilo Kis, Thomas Bernhard, Marguerite Yourcenar. Bạn có thể làm một danh sách của riêng bạn. Nếu tiện tay, bạn thêm vào đó những nhà văn vượt quá biên giới Âu Châu, thế là bạn có cả một mùa gặt giầu có như chưa từng giầu có như vậy, những nhà văn lớn đang sống và đang làm việc cùng một lúc - rằng cái sự bi quan dễ dãi của Steiner-Naipaul không chỉ làm cho chúng ta chán ngán, mà còn thật khó tin. Nếu Ngài Naipaul chẳng còn ao ước, và không thể viết tiểu thuyết nữa, chắc chắn đây là một tổn thất lớn lao cho chúng ta. Thôi đành vậy, chúng ta bèn tự nhủ thầm, nhưng nghệ thuật tiểu thuyết, không nghi ngờ chi, [sẽ bĩu dài cái môi, rằng vắng em thì chợ vưỡn cứ đông, rằng đường ta cứ đi, ruộng ta cứ cầy, tiểu thuyết ta cứ viết], vẫn sống nhăn răng, đếch cần tới ông ta.

Theo tôi, chẳng có khủng hoảng ở nghệ thuật tiểu thuyết. Tiểu thuyết, chính là dị dạng chân trong chân ngoài, nửa đực nửa cái [hybrid] mà Giáo sư Steiner than thở đó. Trong nó, có phần tra hỏi xã hội, có tính truyền kỳ mạn lục, hồn ma bóng quế, liêu trai chí dị, và có luôn cả cái phần thú tội theo kiểu kể trong đêm khuya, hồi ký viết dưới hầm, lời thú tội của một tên sát nhân... Như thế, tiểu thuyết luôn luôn vượt đường ranh, về tri thức cũng như về phong thổ. Tuy nhiên, ngài giáo sư đúng, khi cho rằng, rất nhiều nhà văn tốt đã làm mù mờ những đường ranh giữa sự kiện và giả tưởng. Cuốn tiểu thuyết tuyệt vời về Haile Selassie, The Emperor, của Ryszard Kapuscinski, là một thí dụ đầy tính sáng tạo, làm sao mù mù ảo ảo giữa hai miền thực và mộng. Cái gọi là thể Tân Báo Chí được phát triển ở Mỹ, bởi Tom Wolfe và những người khác, đúng là một toan tính thẳng thừng trấn lột quần áo của cô tiểu thư có tên là tiểu thuyết. Và trong trường hợp cuốn Radical Chic & Mau-Mauing the Flak Catchers, hay The Right Stuff, của chính Wolfe, toan tính trấn lột này đã thành công một cách thật là thuyết phục. Kiểu vừa đi đường vừa kể chuyện [xin lỗi đã chôm từ này của "Cụ Hồ"], "travel writing", đã bung ra và ôm luôn những tác phẩm nặng tính suy tư văn hóa, Danube của Claudio Magris, thí dụ vậy, hay Biển Đen của Neal Ascherson. (1) 

(1): Nếu nói về nặng tính suy tư văn hóa, Rushdie quên không kể, cuốn vừa đi đường vừa kể chuyện của Claude Lévi-Strauss: Tristes Tropiques, Nhiệt Đới Buồn Hiu. Nhan đề này cũng gây nhiều tranh luận, khi cuốn sách được dịch qua tiếng Anh, do chẳng có một từ tiếng Anh nào dịch nổi "Buồn Thiu", hay "Buồn Hiu", như trong ghi chú của người dịch, John and Doreen Weightman, nhà xb Penguin, 1992.

Kể từ khi cuốn này lần đầu tiên được dịch qua tiếng Anh vào năm 1955, nó đã nổi tiếng toàn thế giới qua cái tên bằng tiếng Tây của nó - và do yêu cầu của M. Lévi-Strauss- chúng tôi đã giữ nguyên tên tiếng Tây cho lần in này. Những cái tít có thể có bằng tiếng Anh, như "Sad Tropics", hay "The Sadness of the Tropics", hay, "Tragic Tropics"... không hoàn toàn chuyển hết nghĩa, hoặc hàm ý của "Nhiệt Đới Buồn Hiu", vì từ này ôm trong nó tính hài, tính thơ... và còn vì lời than, "Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu", của một con hổ nhớ rừng! ["Alas for the Tropics"]. 

Và trước một "tour de force" [một tác phẩm người viết phải đánh vật với nó], thông minh, sáng chói, như Cuộc hôn nhân của Cadmus và Harmony, của Roberto Calasso, trong đó việc tái thẩm định những huyền thoại Hy lạp đã đẩy độc giả tới đỉnh cao của sự căng thẳng và niềm hoan lạc, mà chỉ những cuốn tiểu thuyết bảnh nhất mới có thể làm nổi, và người đó, hoặc vỗ đùi bành bạch, hoặc nghiêng đầu chào đón sự ra đời của một thể loại mới, một cách viết, tuy "hình thức" thì có vẻ như một thứ tiểu luận, nhưng "nội dung" thì tràn trề tưởng tượng [a new kind of imaginative essay writing], hay đúng hơn, sự trở về của lối viết vui nhộn mà lại mang tính bách khoa của Diderot, hay của Montaigne. Tiểu thuyết có thể chào mừng những phát triển như vậy, mà chẳng hề lo sợ, bị đe dọa, hoặc lấn đất giành dân, hoặc đành phải chấp nhận một cuộc ngưng chiến da beo! Có chỗ cho tất cả chúng ta, nào chống cộng cực đoan, nào hận thù nam bắc, nào giao lưu hòa giải, hoà hợp dân tộc!