gau
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

CHUYỂN NGỮ
Ảnh hưởng
2
3
Nguyên tác
Bản Trịnh Hữu Tuệ hiệu đính, trên talawas


Influence

Ảnh Hưởng

[Bài đọc tại Đại Học Turin]

Salman Rushdie

Tiểu thuyết gia và còn là thi sĩ người Úc, David Malouf nói với chúng ta rằng, "kẻ thù đích thực của viết, là nói". Ông đặc biệt cảnh báo những hiểm nguy cái miệng "hại" cái tay, nghĩa là bù lu bù loa trong khi rị mọ viết. Khi viết, tốt nhất bạn nên mím chặt miệng lại, như vậy mấy con chữ mới theo nhau mà ra, không phải từ miệng, lẽ tất nhiên, mà từ mấy kẽ tay. Bạn xây con đập trên sông lời, the river of words, và tạo ra thuỷ điện văn chương, the hydroelectricity of literature.

Do vậy, tôi đề nghị với các bạn, tôi sẽ nói, không phải về viết, mà những gì tôi đã đọc, và đặc biệt những mầy mò trong cõi văn Ý, (và tôi phải nói thêm, phim ảnh Ý), nhờ vậy mà hiểu được làm sao viết, và viết cái gì .

Rõ hơn, tôi muốn nói về ảnh hưởng.

"Ảnh hưởng". Từ này, tự thân, nói lên một điều gì trơn chảy, một cái gì "tuồn vô". Đúng là vậy, và đây là do tôi vẫn thường nhìn thế giới của sự tưởng tượng, không phải như đại lục, mà là biển cả. Bồng bềnh phiêu bạt, sợ hãi đấy, nhưng thật là tự do, không biết đâu là bến, là bờ, trên ngàn ngàn biển lạ, và nhà văn, với hai bàn tay trần, cố nắm bắt chức năng kỳ ảo của sự biến hoá. Như một nhân vật trong một câu chuyện thần tiên, tuồn rơm rạ qua kẽ tay và biến chúng thành vàng, nhà văn trải biển cả qua kẽ tay, cho tới khi nó biến thành đất liền; rõ hơn, cho tới khi,  bất thình lình, quanh anh ta, mới đó còn là "trơn tuột", đột nhiên biến thành "cưng cứng", một hình dáng, một vật thể bỗng hiện ra ở một nơi trước kia vẫn vô hình vô dạng; bỗng nhiên, dưới chân anh ta, là đất cát, thay vì biển cả. (Và nếu anh ta thất bại, thì có nghĩa là anh ta chết đuối, chứ còn gì nữa. Câu chuyện ngụ ngôn này "tuyệt" không thể chê vào đâu được).

Nhà văn trẻ, có thể ngần ngại, có thể ham hố, có khi còn ôm cả hai, bèn ngó ngược ngó xuôi, bớ người ta, giúp tôi [cứu tôi] viết với; và nhìn thấy, mịt mù trong cõi trên trời, dưới biển mênh mông, hình như có cái gì chăng chắc, cưng cứng, giống như những sợi dây thừng, của những người bơi lội, những tay phù thuỷ đã từng bơi theo kiểu này, trước anh ta. Vâng, anh ta có thể sử dụng những cái "tuồn vô" đó. Như những cái phao, anh ta ôm lấy nó, xây dựng tác phẩm, của chính mình, quanh nó. Vào lúc này, anh ta hiểu rằng, anh ta sẽ sống sót. Hăm hở, chàng bèn bắt đầu!

Một trong những cái thú của ảnh hưởng trong văn chương, là, những dòng ý thức của những người khác đó [của những "ông thầy"] chúng có thể tuồn vô nhà văn [đệ tử] từ bất cứ nơi nao. Thường là, chúng du lịch đường dài, tới với bạn từ xa thật xa, chúng đi tìm bạn, tìm người có thể sử dụng chúng.

 

[Kinh nghiệm riêng: Ông thầy của Gấu tôi, như đã nhiều lần nhắc tới, là nhà văn Mẽo, William Faulkner. Nhưng không phải ông này đi kiếm Gấu, mà Gấu cũng không biết tới ông này, nếu không có người giới thiệu. Một cách nào đó, có thể nói, người giới thiệu Faulkner với Gấu là nhà thơ Thanh Tâm Tuyền.

Nhà thơ đàn anh dậy vị chi có hai, nhưng đúng là hai tuyệt chiêu. Chiêu thứ nhất, ông phán, đừng sợ sai, sai thì sửa, và viện dẫn kinh nghiệm đọc và viết của Nguyễn Đình Thi, khi thằng em tập tành đọc, dịch và viết. Chiêu thứ hai, liên quan tới việc tìm thầy học đạo.

Ông khuyên, cậu thấy đấy, sách vở như rừng, biết đọc cuốn nào, ông bà nhà văn nào... Nhưng rừng thì rừng, có thứ rừng nhiệt đới, hợp với tạng của mình. Văn chương, hằng hà sa số như thế, nhưng để ý, có những dòng, những luồng. Trước hết, phải đọc, đọc thật nhiều, và cũng đừng phân chia, đừng đánh giá, cứ đọc, đọc, đọc, và tới một ngày nào đó, thấm, và đột nhiên nhận ra, ông nào là thầy của mình, theo nghĩa, dòng văn nào, hay nói theo Rushdie, sợi dây thừng nào hợp với mình. Tuy Gấu tôi tự mình kiếm ra ông thầy William Faulkner, nhưng là qua sự chỉ đường mách lối của ông anh. Hai tuyệt chiêu ông dậy đúng là hai sợi dây cứu mạng cho một thằng bé, chưa hề tập bơi, ở trong cái biển cả văn học mà Rushdie ví von].

 Tại Nam Mỹ, tôi ngạc nhiên về chuyện, những nhà văn Mỹ châu La tinh tỏ ra rất thân quen với nhà văn Nobel văn chương Bengali, Rabindranath Tagore. Nhà biên tập Victoria Ocampo, vốn đã gặp và rất ái mộ Tagore, sau đó tìm mọi cách cho tác phẩm của ông được dịch thật tới nơi tới chốn, và được xuất bản rộng rãi trên toàn lục địa của bà, kết cục, ảnh hưởng của Tagore có lẽ còn lớn hơn ở ngay chính quê hương của ông, nơi mà những bản dịch từ tiếng Bengali ra rất nhiều ngôn ngữ khác của Ấn Độ, thường rất tồi, và thiên tài của con người vĩ đại này, đồng bào của ông đành phải hồ hởi chấp nhận, và tin cậy, rằng nó là như thế đấy!

Một thí dụ khác, là nhà văn người Mỹ, William Faulkner. Nhà văn lớn lao này vốn không được người Mẽo của ông đọc, vào những ngày này. [Nên nhớ, người Pháp, và sau đó, là thế giới - trong cái cộng đồng thế giới có Gấu tôi - đã khám phá ra Faulkner, và trao ông giải thưởng Nobel văn chương. Ngay cả khi ông được Nobel, tờ Nữu Ước thời báo còn cảnh cáo người đọc, đừng tưởng ở nước Mẽo đâu đâu cũng xẩy ra nạn kỳ thị da đen, và nạn loạn luân, như được miêu tả ở trong những tác phẩm của Faulkner]. Chắc chắn rồi, có một hai ông nhà văn Mẽo đương thời tự nhận họ ảnh hưởng Faulkner, và coi ông ta là thầy. Một lần, tôi hỏi một nhà văn cũng thuộc loại bảnh của miền nam nước Mỹ, Eudora Welty, rằng liệu Faulkner có giúp bà tí ti nào không, bà trả lời, không là không, một tí cũng không. "Cứ như thể có một ngọn núi to tổ bố ngay ở bên hàng xóm. Thật cũng tốt, rằng ngọn núi sừng sững ngay kế bên như thế, nhưng ‘nó’ chẳng giúp đỡ được gì trong việc viết lách". Ôi chao, trong khi đó, ở bên ngoài nước Mẽo - ở Ấn Độ, Phi Châu, và ngay cả ở Mỹ châu La tinh - với những nhà văn địa phương, Faulkner là nhà văn “năm bơ oăn” của Mẽo, một cái giếng sâu đầy hứng khởi, múc hoài còn hoài. Người cầm tay bạn, dậy, bảo, ban cho bạn khả năng viết. Người mở cửa mời bạn vào trong cõi văn chương.

[Lạ một điều Rushdie không nhắc tới nước Pháp, trong khi đây mới là quốc gia khám phá ra Faulkner. Không hiểu ông có đọc những bài viết tuyệt vời, thí dụ của Sartre, của Malraux, hay của Camus... về Faulkner, có nghe tới Maurice Edgar Coindreau, chuyên gia dịch Faulkner, hay có đọc nhà văn Nobel Pháp, Claude Simon, một "đệ tử" của Faulkner, những câu văn "cul-de-sac" (ngõ cụt, tuyệt lộ) trong Những Con Đường Flandres của ông, là từ Faulkner mà ra.

Tình cờ giở một tờ Ngưòi Nữu Ước cũ, Tin Văn gặp một bài viết về nữ văn sĩ Eudora Welty này, mà tác giả bài viết, Claudia Roth Pierpont, gọi là một Phu Nhân Tuyệt Hảo [a Perfect Lady] của miền nam, một thứ "patron saint" của Mississipi. Xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay vào năm 26 tuổi, và trở thành một "monument", của tiểu bang Mississipi. Giải văn chương Pulitzer, huy chương Tự Do của tổng thống, tên của bà trở thành tên thư viện thành phố quê hương, ngày sinh là ngày lễ của tiểu bang... một thứ của hiếm mà miền nam dâng tặng cho Mẽo quốc [a living exemplar of the best that a quaint and disappearing Southern society still has to offer].
Chúng ta tự hỏi tại làm sao Faulkner lại bị quê hương Mẽo của ông ít đọc. Theo Gấu tôi, lý do là, Faulkner có thể là người đầu tiên la to: Yankees go home!, và sau này cứ thế vang động trên toàn thế giới, nhất là vào những ngày chiến tranh Việt Nam, và bây giờ, tại Iraq....
và để gửi đi từ
phương này một tiếng nắng reo vì
bạn cứ hay chào tạm biệt bằng
câu: “Gửi cho chút nắng Sài gòn”.
Nguyễn thị Khánh Minh: Buổi sáng đọc báo
Một giấc mộng, dù lớn lao dù lý tưởng cỡ nào, cũng không thể làm sống lại, chỉ một sợi nắng Sài-gòn: Trong những đêm chập chờn mất ngủ, hồn thiêng của thành phố thức giấc ở trong tôi, tôi tưởng hồn ma của chính mình đang lang thang trên những nẻo đường cũ xưa, sống lại cái phần đời đã chết theo cùng với thành phố, bởi cái phần đời đó mới đáng kể.
Lần Cuối Sài Gòn
Đây cũng là lý do, theo một ông bạn văn của Gấu, giải thích, về trường hợp Gấu tui xin làm đệ tử Faulkner:Trong tiềm thức của mi, vẫn ẩn tàng một tên Yankee [Bắc quân] xâm lược, và mi cảm thấy nhục nhã vì thế, ngay từ những ngày đầu được nắng miền nam sưởi ấm.
Đây là điều Rushdie không nhận ra, khi giải thích tại sao Faulkner lại là ông thầy của nhiều nhà văn, thí dụ như Garcia Marquez, và được rất nhiều độc giả từ rất nhiều quốc gia trên thế giới tìm đọc: Trừ ở Mẽo.]

Từ sự kiện, có chuyện ảnh hưởng xuyên qua rào cản văn hóa, ngôn ngữ, chúng ta có thể suy ra một điều, về bản chất của văn chương: rằng (hãy cho phép tôi tạm quên đi cái ẩn dụ nước nôi trơn tuột ở trên), những cuốn sách có thể  sinh ra từ những bào tử, được gió mang đi khắp nơi, hay là từ những gốc rễ đặc biệt, mang tính địa phương, vốn bám chặt lấy từng tác giả. [Gấu tôi tự hỏi làm sao cái chất miền nam của Faulkner lại có ở trong những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư chẳng hạn, và Rushdie bèn trả lời], có những họ hàng quốc tế của những từ ngữ, cũng như những bộ lạc rất thân quen gần gụi, về đất cát, và về máu mủ. Đôi khi - thí dụ như trường hợp ảnh hưởng của James Joyce lên chính tác phẩm của Samuel Beckett [hai người đều là dân Ái Nhĩ Lan], rồi tiếp liền đó, là ảnh hưởng của Beckett lên tác phẩm của Harold Pinter với cùng một mức độ như của Joyce lên Beckett - chúng ta có cảm tưởng về một triều đại vua chúa tiếp nối nhau, hay một ngọn đuốc chuyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, thật rõ ràng, và cũng thật mãnh liệt. Trong những trường hợp khác, những nối kết quen quen như thế tuy không hiển nhiên bằng, nhưng chưa chắc đã kém phần ác liệt.

NQT dịch giới thiệu