jen 
Tạp Ghi

Ai ĐIếu
 I
III


 

Ai Điếu Nadezhda Mandelstam [1899-1980]
Joseph Brodsky
II

Vào những năm "dư dả" tiếp theo sau việc xuất bản hai tập hồi ký của bà, ở Tây Phương, căn bếp đó trở thành một nơi chốn hành hương thực sự. Gần như đêm nào cũng vậy, cái đám tinh anh nhất, mà may mắn sống sót chế độ, mà may mắn lại ló mặt ra với cuộc đời, vào thời kỳ hậu-Stalin, họ tụ tập nhau ở đây, quanh chiếc bàn gỗ, mười lần rộng hơn cái khung giường ở Pskov. Có vẻ như bao năm tháng vừa qua đã tạo ra hình ảnh của bà, như là  một kẻ cùng đinh. Tôi hình dung như nhìn thấy bà thật rõ, trong căn phòng nhỏ ở Pskov, hay là ngồi ở một góc sô pha, trong căn phòng của Akhmatova, tại Leningrad, nơi thỉnh thoảng bà từ Pskov lén lút về, hay ló ra từ cuối hành lang căn phòng của Shklovosky tại Moscow, là nơi bà tá túc trước khi có một nơi chốn của riêng bà. Tôi nhớ rõ những hình ảnh như vậy, bởi vì có thể, ngay ở trong trong bản chất của bà, đã có bóng dáng một kẻ bên lề, một kẻ chạy trốn, "một người bạn của những người ăn xin, ăn mày" như Osip Mandelstam đã từng gọi bà, trong một bài thơ của ông. Và bóng dáng này ở với bà cho tới cuối cuộc đời.

Vào tuổi 65, bà viết hai cuốn hồi ký như thế quả là một sự ngạc nhiên cho nhiều người. Trong gia đình Mandelstam, ông chồng mới đóng vai, và là nhà văn. Không phải bà. Nếu bà có viết lách lăng nhăng chi đó, trước khi viết hai tập hồi ký trên, thì cũng chỉ là những thư từ cho bè bạn, và những đơn chống án tới Tối Cao Pháp Viện. Bà đâu phải loại người tính sống lại đời mình, bằng những trang hồi ký, vào lúc xế chiều. Bởi vì sống tới 65 tuổi như bà không phải là một chuyện bình thường. Chẳng phải vô cớ mà hệ thống giam cầm của Xô Viết có đoạn chỉ riêng ra rằng, trong một số trại tù một năm phục án được tính là ba năm. Do cái mốc này, nhiều người Nga trong thế kỷ này hóa ra có tuổi thọ xấp xỉ với những tổ phụ trong kinh thánh - bà còn có thêm một điều chung với họ nữa: tận tâm với công lý.

[Đọc tới đây, Jennifer Trần tôi mới hiểu ra, tại sao chính quyền Cách Mạng năm đó lại căn dặn mấy tên ngụy, chỉ cần mang theo mười ngày lương thực: ở nơi chốn được gọi là Thiên Thai, một ngày tính bằng một năm]. 

Tuy nhiên, không phải riêng lòng tận tâm với công lý này đã khiến bà ngồi xuống ở cái tuổi 65 và dùng quãng thời gian hưu nhàn của bà để viết những cuốn sách đó. Điều mang chúng vào đời là sự ôn lại - bằng cái cân tỷ lệ của một người - cũng cái tiến trình trước đây đã có lần xẩy ra trong lịch sử văn học Nga. Tôi nghĩ đến sự hiện xuất của nền văn xuôi Nga vĩ đại vào nửa sau thế kỷ 19. Nền văn xuôi đó, xuất hiện như thể không biết từ đâu ra, mà không thể vạch ra được nguyên nhân, thực sự đơn giản chỉ là những sợi tơ vương từ guồng quay thơ thế kỷ 19 của Nga. Nó đã đặt định cho toàn bộ nền văn viết, bằng tiếng Nga sau đó, và tuyệt tác của truyện Nga có thể xem như là một âm hưởng xa xa, và như là sự trau giồi chi ly cái bén nhạy về tâm lý và từ vựng, mà thơ Nga đã phô bầy trong 25 năm đầu của thế kỷ ấy. "Hầu hết những nhân vật của Dostoevsky," Anna Akhmatova thường nói, "chỉ là những vai chính trong những tác phẩm của Pushkin, nhưng đã già đi - như Onegins, v... v...". 

Có thơ rồi mới có văn, luôn luôn là như vậy, và nó là như thế, hơn một lần, trong đời Nadezhda Mandelstam. Là một nhà văn, và nhà thơ, bà là [nguồn] sáng tạo của cả hai nhà thơ mà đời bà không có cách chi mà có thể tách rời ra khỏi họ: Osip Mandelstam và Anna Akhmatova. Không phải chỉ vì người thứ nhất là chồng và người thứ nhì, bạn thân cả đời của bà. Nói gì thì nói, 40 năm đằng đẵng làm góa phụ có thể làm mờ những kỷ niệm hạnh phúc nhất (và trong cuộc đời vợ chồng của họ, hạnh phúc này thật là thất thường, không phải chỉ riêng là do những đói khát trên toàn xứ sở do cách mạng, nội chiến, và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất). Cũng thế, có nhiều năm, bà chẳng làm sao gặp được Anna Akhmatova, và một bức thư là điều chót, đối đế, đành phải trông vào nó. Thư từ, giấy má, nói chung chung, là chuyện chết người. Điều làm cho cuộc hôn nhân, và tình bạn, thêm bền bỉ, hóa ra lại là một vấn đề mang tính kỹ thuật: hãy cố mà nhớ, những gì không thể trông cậy vào tờ giấy, nghĩa là, hãy cố nhớ, những bài thơ, của cả hai, chồng và bạn.
Làm cái điều vào thời chưa phát minh ra máy in như thế, thời kỳ tiền-Gutenberg - chữ của Anna Akhmatov - chắc chắn không phải chỉ có Nadezhda Mandelstam. Tuy nhiên, ngày đêm nhẩm đi nhẩm lại hoài lời của người quá cố, không chỉ để hiểu biết thêm về chúng, nhưng còn làm sống lại giọng nói của chồng, rất ư là của ông, chẳng thể là của ai, và như thế, bóng dáng chồng vẫn như kề cận, như ngày nào đã từng thề thốt, "nào nem công chả phượng, nào gừng cay muối mặn", "for the better or for the worse - và cái phần gừng cay muối mặn đó, mới đớn đau, mới đáng nhớ làm sao.
Cũng vậy, là thơ của bạn mình, người lâu lắm chưa được gặp lại, và, một khi đã có chớn, cái "kỹ thuật nhớ" như thế đó, sẽ chẳng thể nào ngưng. Điều này cũng được làm, đối với một vài tác giả khác, về một hai tư tưởng, ý nghĩ của họ, cho tất cả mọi chuyện không thể có cách nào khác để mà sống sót, ngoài cách nhớ đó ra.
Dần dà, chúng nẩy nở ở trong bà. Nếu có cái gì thế cho tình yêu, thì đó là hồi ức. Và muốn nhớ nhung, hồi ức, là muốn không chia xa, muốn trở thành thân quen, gần gũi. Dần dà những dòng thơ của những nhà thơ đó trở thành nỗi niềm, con người của bà. Chúng cung cấp cho bà, không chỉ  tầm nhìn, góc viễn, nhưng, quan trọng hơn, chúng trở thành tiêu chuẩn ngôn ngữ của bà. Bởi vậy, khi khởi sự viết những cuốn sách trên, là bà muốn đặt - vào lúc này, nó trở thành, như linh tính, như trực giác ở trong bà - những câu kệ của mình, ở trong thế tương tranh, đối đầu với những câu thơ của họ. Tính trong sáng, sự không hề hối hận, ăn năn ở trong những trang sách của bà, ngoài việc chúng nói lên tâm hồn của bà, còn là những hiệu quả văn phong tất yếu, không thể nào tránh được, của thơ ca, nhờ thơ ca mà có; chính thơ ca đã tạo nên vóc dáng tâm hồn bà. Trong cả hai, nội dung và văn phong, những cuốn sách của bà đúng là một lời bạt cho một ấn bản, thứ tối cao, tối thượng của ngôn ngữ. Mà thơ ca, yếu tính của nó là ngôn ngữ. Với bà, ngôn ngữ, và qua đó, thơ ca, trở thành máu thịt, nhờ nhẩm đi nhẩm lại đến  thuộc nằm lòng những dòng thơ của chồng.

Mượn một câu của W.H. Auden, thơ ca lớn "xô đẩy" bà vào văn xuôi, [great poetry 'hurt' her into prose]. Đúng như vậy. Bởi vì gia tài của hai nhà thơ lớn này chỉ có thể phát triển và tỉ mỉ, chi li mãi ra, bằng con đường văn xuôi. Với thơ, họ chỉ có thể có đệ tử. Và điều này đã xẩy ra. Nói một cách khác, văn xuôi của Nadehda Mandelstam là môi trường độc nhất cho ngôn ngữ-chính nó, bởi vì chỉ có như vậy, ngôn ngữ mới thoát ra khỏi tình trạng ao tù, trì đọng. Tương tự như vậy, nó là môi trường độc nhất khả hữu, cho một cõi tâm linh được hai nhà thơ dựng lên, qua cách sử dụng ngôn ngữ của họ. Do đó, tuy hoàn tất thật là tuyệt vời hai chức năng - hồi ký và chỉ dẫn  về cuộc đời của hai nhà thơ - hai cuốn sách còn làm được điều lớn lao sau đây: Chúng thắp sáng ý thức dân tộc. Riêng phần này, ít ra, chúng thật đáng được lưu truyền, sao chép.

Tuy nhiên, vẫn còn chút ngạc nhiên nho nhỏ, rằng sự thắp sáng ý thức quốc gia dân tộc này, nó là hậu quả của việc tố cáo hệ thống, chế độ. Hai cuốn sách của Bà Mandelstam thực sự là đã nhắm tới Ngày Phán Xét trên thế gian, về thời của bà và văn chương của nó - một sự phán xét rất ư là chính đáng, bởi vì kể từ thời của bà, sự nghiệp vĩ đại có tên là xây dựng thiên đàng trên trái đất này được khởi công thực hiện. Chút ngạc nhiên nhỏ nhoi hơn, là, hai cuốn hồi ức này, đặc biệt là cuốn thứ nhì, đã không được ưa thích bởi phía bên kia Bức Tường Điện Cẩm Linh. Giới cầm quyền, tôi phải nói, họ tỏ ra thành thực [honest] hơn, so với đám trí thức, ấy là nói về mặt phản ứng do mấy cuốn sách gây ra. Họ chỉ nói, việc sở hữu những cuốn sách đó là phạm luật. Nhưng về phía đám trí thức, nhất là đám ở Moscow, họ nhao nhao lên, như là một cái chợ, trước những lời cáo buộc nhắm vào rất nhiều thành viên nổi tiếng, hoặc cũng nổi tiếng, nhưng in ít hơn, của nó, về chuyện thậm thụt với chế độ, và đám người vẫn xun xoe nơi xó bếp nhà bà nhờ vậy mà giảm đi rất nhiều.

Có những lá thư hở, hoặc nửa kín nửa hở, có những quyết định rất ư là tởm lợm, là sẽ không thèm bắt tay, có những tình bạn, những hôn nhân đổ vỡ, do chuyện, không hiểu bà đúng hay là sai, khi chỉ tay vào kẻ đó, và nói, đây là một tên chỉ điểm. Một tay ly khai nổi tiếng vừa tuyên bố vừa lắc lắc chòm râu: "Bà đã ỉa lên cả một thế hệ chúng ta". Những kẻ khác bèn chạy vội về nhà, đóng kín cửa lại, và ngồi viết phản-hồi ký! Đúng thế đấy, những năm đầu của thập niên 1970 đã bắt đầu như vậy, và chừng sáu năm sau đó, cũng đám người đó, đã xào xáo, chia năm sẻ bẩy, trước thái độ của Solzhenitsyn đối với những người Do Thái.

Có một điều gì trong ý thức của văn giới, nó không thể chịu nổi quan niệm về quyền uy tinh thần của một kẻ nào đó. Họ tự nén mình trước sự hiện hữu của một Đệ Nhất Bí Thư Đảng, hoặc một Lãnh Tụ, như trước một cái ác cần thiết, nhưng họ hăng say chất vấn một nhà tiên tri. Điều này như thế, chắc hẳn là vì, bị gọi là một kẻ nô lệ, là một thông tin ít làm ngã lòng hơn, so với bị gọi là một con số không, về mặt tinh thần. Nói cho cùng, một con chó bị suy sụp thì cũng chẳng nên đá nó làm gì. Tuy nhiên, nhà tiên tri đá con chó suy sụp không phải để kết liễu nó, mà để cho nó đứng thẳng chân trở lại. Sự đề kháng trước những cú đá đó, sự chất vấn về những tuyên xưng và cáo buộc của nhà văn, không tới từ ước muốn tìm sự thực, mà tới từ sự đắc chí về mặt khôn lanh, láu cá của kiếp nô lệ. Vậy thì, càng tệ lậu hơn, đối với giới văn học, khi quyền uy không chỉ riêng về tinh thần, mà còn về văn hóa - như là trong trường hợp của Nadezhda Mandelstam.

còn tiếp
Jennifer Tran chuyển ngữ.