*

Thiếu Nhi

 

Nội Cỏ Của Thiên Đường 

Nội Cỏ Của Thiên Đường, truyện ngắn Steinbeck, viết về tuổi thơ, Gấu đọc bản dịch [hình như của Truơng Bảo Sơn], hồi còn đi học, và nhớ hoài đến già.

TBS còn dịch một truyện dài, có tên tiếng Việt là Con Nai Tơ thì phải, cũng thật tuyệt vời. 

Nội Cỏ Của Thiên Đường là câu chuyện của hai bố con, ông bố làm thư ký thành phố, hình như mất việc, về quê sống, và lạc vào Xứ Thần Tiên. Ông bố chỉ tỉnh giấc, khi, tới mùa tựu trường, bà con lối xóm thương thằng bé, bèn kéo nhau tới thăm, với một bọc quần áo. 

Thế là sáng hôm sau, hai bố con đành từ giã nội cỏ của thiên đường, trở lại thành phố. 

Con Nai Tơ là câu chuyện một chú bé với con nai nhỏ xíu của cậu. Nhưng làm sao người và vật cứ nhỏ xíu được mãi. Con nai lớn, gây đủ thứ phiền hà, khiến ông bố đành phải giết con vật. Cậu bé bỏ đi, và thế giới bên ngoài làm cho cậu hiểu, đời sống bắt buộc phải khốn nạn như vậy. Cậu trở về, xin lỗi bố và hứa, sẽ thay ông, làm nốt công chuyện của một người đàn ông trong gia đình. 

Làm sao cứ nhỏ xíu được mãi. Đây chính là câu mà Bông Hồng Đen mắng mỏ Gấu, khi từ giã Nội Cỏ Của Thiên Đường. "Mi đâu có thương ta? Mi thương con bé mười một tuổi, là ta, từ đời thuở nào. Và Hà Nội của mi, ở trong con bé đó!" 

Trong những nhà văn Việt Nam viết cho nhi đồng, có một, ít được nhắc tới, và khi nhắc tới, thì lại bị coi là nhà văn chuyên viết truyện cho người lớn đọc, và thứ văn chương của ông sau thành một "thương hiệu", văn chương triết lý người hùng Lê Văn Trương, với những cuốn để đời: Trường Đời, Người Anh Cả, Ngựa Đã Thuần Mời Ngài Lên, Bốn Bức Tường Máu....
 
Nhưng ông không hề quên thiếu nhi. Trong số những truyện viết cho thiếu nhi của ông, Gấu còn nhớ được hai, thật là tuyệt vời.

Một, viết về hai thằng bé đánh giầy ở Hà Nội. Truyện này, Gấu chỉ nhớ, mang máng cái tên truyện, như trên, khi đọc Dickens viết về những đứa trẻ khốn khổ của Luân Đôn.

Và một, về một đứa bé, con nhà giầu, ở Hà Nội, ham chơi, bố mẹ bèn tống lên ở với một ông cậu, hay bà bác, ở mãi  trên Tuyên Quang, hay Phú Thọ. Thằng bé nhớ Hà Nội, nhớ bố mẹ, không chịu nổi cuộc sống buồn tẻ ở mạn ngược, bèn lùi lũi, cứ thế đi bộ về... Hà Nội.

 Cuộc" vạn lý trường chinh", về "tiếp quản" thủ đô, xuyên qua đồng bằng sông Hồng, những làng mạc ven bờ đê, trở thành một kỷ niệm để đời trong chú bé. Nhưng chú hoàn thành được cuộc "vạn lý trường chinh, chín năm trường kỳ kháng chiến", là nhờ một thằng bé nhà quê. Chính thằng bé nhà quê, khi chú đói lả, đem chú về nhà, cho chú ăn, dậy cho chú cách vo gạo, ở một cái cầu ao, cách nấu gạo thành cơm, từ một cái bếp rơm, từ một cái nồi đất... nghĩa là chỉ cho chú thấy cuộc sống bần hàn, quê mùa, của làng quê, cùng lúc, dậy cho chú bé thành phố con nhà giầu kia, biết, ý nghĩa của cuộc đời. Chú bé thành phố như được gột rửa, và khi về đến Hà Nội, gặp lại người thân, trở thành một thằng bé khác.

 Cuốn sách trên, người đưa cho Gấu đọc, Gấu vẫn còn nhớ. Đó là cậu Toàn, em của mẹ Gấu. Nhớ luôn cả lời bình của ông cậu, ghi ngay ở cuối sách.

 "Cái thằng bé này là một thằng bé vô ơn. Khi nó về đến Hà Nội, gặp bố mẹ, trở thành một thằng bé tốt, nó không hề nhắc tới thằng bé nhà quê đã cứu sống nó, đã đem cho nó ý nghĩa của cuộc đời."

 Về già, Gấu mới hiểu ra được lời mắng mỏ nặng nề của ông cậu, đối với một thằng bé vô ơn. Ông cậu Gấu, khi viết những dòng đó, không hề nghĩ đến một điều, như Gấu nghĩ, sau hơn nửa thế kỷ xa cách Hà Nội, và khi trở về, gặp lại ông cậu, nhớ lại bao chuyện cũ, chuyện mới, và hiểu ra được rằng là:

 Cái thằng bé vô ơn đó, biết đâu đấy, là cả một thế hệ, nhiều thế hệ, của những chúng ông, những ông con trời, ở Hà Nội?

 Như thế, thì lại thành chuyện người lớn mất rồi.

 Nhưng tôi tin rằng, những đứa trẻ của Hà Nội, hay nói rộng ra một chút, những đứa trẻ của cả một miền đất. đã không hề được đọc, những truyện viết về thiếu nhi như thế, của một ông nhà văn của Miền Bắc, thí dụ như Lê Văn Trương.

 Họ được dậy cách cắm cờ đỏ, lên một thành phố Miền Nam, mà sau này, cái hành động vinh dự ngày nào trở thành một "mặc cảm", hay là “cái còn lại”, ở một nhà văn. (1).

 Nói qua nói lại mới toại lòng nhau.

 Gấu tui có được đọc một ông Miền Nam viết về thời học sinh, và kỷ niệm cay đắng của ông, khi phải xếp hàng đón Tổng Diệm, hình như vậy. Cay đắng thiệt, nhưng chưa cay đắng bằng cảnh, một người quen của Gấu kể lại, anh đi coi ciné mà không chịu đứng dậy chào cờ, và suy tôn Ngô Tổng Thống, đã bị mật vụ chìm, ngồi chung với khán giả trong rạp lôi ra tẩn cho một trận để đời!

 Tuy nhiên, không hề có một thầy cô giáo nào thưởng công học trò tiên tiến theo kiểu như trên cả. Thầy cô Miền Nam dậy học trò, những cuốn như Tâm Hồn Cao Thượng, [Hà Mai Anh dịch Les Grands Coeurs, của de Amicis, nguyên bản tiếng Ý, nhật ký của một học sinh, bản tiếng Anh The Heart of a Boy], Kho Tàng Trong Căn Nhà Có Ma [dịch Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer của Mark Twain], Con Nai Tơ, Cuộc Phiêu Lưu Trên Lưng Ngỗng [Lý Quốc Sỉnh dịch The Wonderful Adventures of Nils, của Selma Lagerlöf (1858-1940), Nobel 1909]...

 Miền Bắc chỉ dậy học sinh có một việc: cắm cờ! Kết quả thần sầu, là chiến thắng Miền Nam.

 Nhưng hậu quả của nó, khủng khiếp hơn nhiều, thê lương hơn nhiều!

Bởi vì khi anh đã nói dối con nít, lợi dụng con nít, bao nhiêu thế hệ con nít, một khi mà chúng vỡ ra được, là... bỏ mẹ!

Hơn thế nữa, khi đã quen cắm cờ thì khó mà rũ bỏ đi được.
Đây là điều mà triết gia người Pháp, André Glucksmann, nhận ra, khi ông cho rằng, "họ" (ông muốn nói Cộng Sản Miền Bắc) bị kết án phải gây chiến tranh, như là "yếu tính" của họ [của một miền đất?].
[Đọc Ngợi Ca Mì Gói]

Tất cả những gì gọi là sa đọa, ở nơi thế hệ trẻ ở trong nước, là phản ứng ngược lại với cái việc cắm cờ ngày nào.

Có thể nói, chưa có trẻ con nơi nào ngoan như trẻ con Miền Bắc trước 30 tháng Tư, 1975. Ngoan đến nỗi bố mẹ mà còn đem ra đấu tố, thép đã tôi đến mức như thế, thì làm sao hư được nữa!
Và chưa có trẻ con nào hư, như họ, sau ngày đó.
Ngay cả khi họ học giỏi.
Học càng giỏi, càng hư.
Bởi vì những phần tử ưu việt của chế độ Đỏ, tốt nghiệp đại học Tây Phương, nào Sorbonne, nào Harvard... khi về nước, thay vì cắm cờ như ngày nào, bèn "ngồi lên đầu nhân dân"!
Đó là ý nghĩa của cụm từ "cà rem của cà rem" của Joseph Brodsky, trong bài Diễn Văn Nobel của ông.
*

Salvation or Ruin?

Trong một xã hội tan rã, một khi thế hệ trẻ mù lòa đi theo chân lý muôn đời, hết cắm cờ, thì lại ngồi lên đầu nhân dân, tai ương thảm họa là điều không thể tránh khỏi, và được báo trước. Nhưng chính cứu rỗi, chứ không phải điêu tàn mới là điều "tới mà chẳng ai biết trước, chẳng ai trông chờ, chẳng làm sao tiên đoán...", bởi vì cứu rỗi, chính nó, chứ không phải điêu tàn, tuỳ thuộc vào tự do và ý chí của con người.
[Mô phỏng Hannah Arendt, trong Franz Kafka: A Revaluation, trong Essays in Understanding 1930-1954, nhà xb Schocken Books, New York: In a dissolving society which blindly follows the natural course of ruin, catastrophe can be foreseen. Only salvation not ruin, comes unexpectedly, for salvation and not ruin depends upon the liberty and the will of men].
Chỉ một khi thế hệ trẻ, tốt nghiệp Harvard, trở về nước, bằng tự do và ý chí của chính họ, từ chối không chịu ngồi lên đầu nhân dân, thì mới mong có cứu chuộc được.

NQT

(1) Về chi tiết cắm cờ, xin xem bài viết “Còn Lại Gì”, của Phạm Thị Hoài, trên talawas.
Cái tít bài viết, khi được dịch sang tiếng Anh, biến thành “Cái Còn Lại”, What Remains, không đúng tinh thần của nguyên văn tiếng Việt, theo tôi. NQT