*




22.11.2004
Nguyễn Quốc Trụ

Về Khổ Đau và Cà Rem
Cà Rem của Cà Rem là cái gì?

Bản dịch Diễn từ Nobel 1987, trên talawas, ngay câu mở đầu, là không đúng tinh thần của Brodsky rồi, theo thiển ý.
Bài này, khi được in trong cuốn On Grief and Reason, [Về Khổ Đau và Trí Tuệ] có tựa là “Uncommon Visage” [Khuôn Mặt Khác Thường], và ‘diễn từ Nobel’ trở thành tiểu tựa.
Người dịch có vẻ như không đọc những bài tiểu luận của ông, và tôi sợ rằng, bản dịch đã mắc đúng vào lỗi mà Brodsky đã chỉ ra, và được Coetzee trích dẫn, trong bài viết về Brodsky, in trong tập tiểu luận Stranger Shores [Những bến bờ xa lạ hơn], khi tóm tắt tinh thần bài diễn từ Nobel:
“Trong diễn từ Nobel, Brodsky vạch ra một mỹ tín [aesthetic credo] mà cuộc sống đạo đức của dân chúng sẽ được xây dựng trên nền tảng đó. Mỹ học như ông nói, là mẹ của đạo đức, theo nghĩa, con người càng trọng mỹ tới đâu thì sàng lọc ra cái vô đạo tới đó. Và nếu như vậy, nghệ thuật tốt sẽ ở về phía của cái tốt. [Good art is thus on the side of the good]. Cái ác, cái tà ma, về mặt còn lại, ‘đặc biệt là cái ác chính trị, luôn luôn là một thứ văn phong tồi tệ” [Evil, on the other hand, ‘especillay political evil, is always a bad stylist”. On Grief… trang 49].”

“For someone rather private, for someone who all his life has preferred his private condition to any role of social significance, and who went in this preference rather far - far from his motherland to say the least, for it is better to be a total failure in democracy than a martyr or the crème de la crème in tyranny - for such a person to find himself all of a sudden on this rostrum is a somewhat uncomfortable and trying experience.” (Bản in trong On Grief sửa lại là: la crème de la crème.)

“Quả là khiên cưỡng và cũng là một thử thách lớn khi đột nhiên được hiện diện trên diễn đàn này, đối với một con người mà suốt cả cuộc đời rất đỗi xa lạ với một vai trò xã hội nào đó, ví dụ như đối với Tổ quốc. Tốt hơn hết là làm một kẻ không gặp may cuối cùng trong bầu không khí dân chủ còn hơn ở vị trí thống trị hay một kẻ tử vì đạo trong một quốc gia độc tài.”

Dịch giả đảo lộn tứ lung tung, trong khi Brodsky rất tôn trọng trật tự từ, làm một kẻ cà chớn trong chế độ dân chủ là số dách, không được như vậy, thì đành làm kẻ tuẫn đạo, hoặc khốn nạn hơn, làm kẻ ngồi trên đầu nhân dân. Brodsky dùng cụm từ tiếng Tây “crème de la crème”, là còn muốn nhắc tới tà ma, ác quỉ chính trị, bởi vì Lênin đã dùng từ này, để chỉ Đảng CS, coi Đảng là ánh sáng của ánh sáng, tinh anh của tinh anh, ưu việt của ưu việt, mặt trời của chân lý… (Chi tiết Lenin cũng mê [ăn] cà rem này, là do NTV cung cấp.)

“Rất đỗi xa lạ với vai trò xã hội…. ví dụ như đối với Tổ Quốc.”

Dịch như vậy, độc giả trong nước lại tưởng nhà thơ thèm vượt biên, thèm đi nước ngoài, trong khi ông cực chẳng đã mới phải bỏ đi, vì bị nhà nước đuổi! Cả đời ông, cũng chẳng thèm nhắc đến những năm bị lưu đầy nội xứ, vì tính ông vốn vậy, không thích khoe những vết thương của mình. Bằng mọi giá, đừng coi mình là một nạn nhân, là vậy.

Ngoài ra, total failure mà dịch là không gặp may cuối cùng, thì kẹt quá!

Bản thân người viết cũng rất mê Brodsky, mấy lần tính dịch bài diễn từ trên, mà cứ sờ sợ, chỉ sợ vẽ phật mà thành ra vẽ quỉ!
Sorry about that!

Có một giai thoại về Nguyễn Tuân, liên quan tới Về Khổ Đau và Cà Rem.
Sau 1975, NT vô Sài Gòn. Đám văn nghệ Nguỵ có tới trình diện đàn anh, trong có me-xừ Nguyễn Hữu Hiệu, ông em của Viên Linh. NHH mời NT đi nhậu, tất nhiên là uống rượu Tây, NT lắc đầu, rượu tây thì ở ngoài đó bây giờ cũng có, chỉ thèm cà rem.
NHH mời NT đi ăn cà rem Foremost, lúc đó là số một.
NT chơi một lúc hai ký.
Cà rem Sài Gòn quả có khác kem Hà Nội, cho dù là kem Bờ Hồ!


1.12.2004
Vũ Tuấn Hoàng

Về bản dịch J. Brodski

Tôi dịch theo bản gốc là tiếng Nga và có tham khảo cả bản tiếng Anh trên trang web của Uỷ ban giải thưởng Nobel. Phải nói rằng, câu đầu tiên là câu khó nhất trong toàn bài. Khi đối chiếu bản tiếng Nga và bản tiếng Anh, tôi đã thấy có độ sai nhất định, thí dụ như trong tiếng Nga, tác giả dùng cụm từ “Kẻ không gặp may cuối cùng” thì bản tiếng Anh là “Total failure”… từ đó dẫn đến việc, những người chỉ biết tiếng Anh sẽ hiểu xa bản gốc đi một chút.

Còn về việc “đảo lộn tứ lung tung” như anh Nguyễn Quốc Trụ nói thì tôi cũng xin được giải thích như sau: Các dịch giả khác nhau sẽ có những bản dịch khác nhau. Theo tôi, dịch là một quá trình đi tìm sự thoả hiệp giữa hai ngôn ngữ, giữa hai nền văn hoá. Tôi hoàn toàn có thể dịch đúng theo trật tự như bản tiếng Nga, nhưng vấn đề là làm sao cho không bị Tây hoá mới là cái quan trọng. Một đặc thù của tiếng Nga là: Trong một câu, nếu tác giả muốn nhấn mạnh vào từ nào, cụm từ nào, thì thường đặt chúng ở cuối câu chứ không đưa lên đầu như tiếng Việt. Bởi vậy tôi đã chọn phương án dịch chủ ngữ trước.

Tôi đã xem kỹ phương án dịch của anh Trụ: “Làm một kẻ cà chớn trong chế độ dân chủ là số dách, không được vậy, thì làm kẻ tuẫn đạo, hoặc khốn nạn hơn, làm kẻ ngồi trên đầu nhân dân”. Tôi không thích ngôn ngữ kiểu “anh Hai” như vậy. Chính Brodski đã phản đối đưa ngôn ngữ đường phố vào văn chương, và ngược lại.
[talawas]


2.12.2004
Đoàn Tiểu Long

Thế nào là “kẻ không gặp may cuối cùng” trong bản dịch Brodsky?

Trong tiếng Nga, tính từ “cuối cùng” (poslednyi) khi đi với một danh từ (thường là có nghĩa tiêu cực) thì không mang nghĩa “cuối cùng”, mà có nghĩa “thậm, cực kỳ”. Ví dụ: “kẻ ngu ngốc cuối cùng” chính là “kẻ thậm ngu, không thể ngu hơn”.

Vì thế, “kẻ không gặp may cuối cùng” trong bản tiếng Nga được bản tiếng Anh dịch thành “total failure” là rất chính xác, nghĩa là kẻ xui tận mạng, số đen như mõm chó… Cả câu có thể dịch là “thà làm kẻ mạt hạng trong chế độ dân chủ, còn hơn làm vương làm tướng trong chế độ chuyên chế”. Câu này khá giống câu nói nổi tiếng của Trần Bình Trọng: “Ta thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc”. Dịch như anh Nguyễn Quốc Trụ “làm một kẻ cà chớn… là số dách, nếu không được, thì làm…” e không đúng tinh thần lắm.