ha
Trần Thanh Hà

Viết Ngắn
 




Nghe thấy rồi! 

Nhất Linh, khi viết Đôi Bạn, lăm lăm với ý tưởng, phải làm bật lên hai nhân vật chính là Loan và Dũng, cùng với nó, là một thế giới cũ, mà hai người bị nó nghiền nát, đưa tới một cô Loan giết chồng sau đó. Cứ tạm coi, “nghĩa chính” của cuốn chuyện là Loan. Nhưng về già, khi viết Viết và Đọc tiểu thuyết, ông nhận ra, nhân vật phụ là Hà lại nổi lên lấn át nhân vật chính. Cái cảnh từ giã giữa người yêu và cô khép lại cuốn truyện mới tuyệt vời làm sao! Anh chàng tới từ giã người yêu, để đi làm cách mạng, nghĩ trong bụng, chắc là căng lắm. Nàng tuy căng lắm, nhưng cứ tỉnh như không. Chàng ra về, trên đường, bóp chuông xe đạp leng keng, như một nỗi vui nho nhỏ, rằng cuộc chia ly đã không thê thảm như là chàng nghĩ. Tiếng chuông vọng tới tai người yêu, nàng “đau” lắm, đau hơn cả nỗi đau chia ly [Hà bị bịnh lao, nghĩa là chẳng bao giờ có cơ hội gặp lại người yêu], bĩu môi, buông một câu:
 -Nghe thấy rồi!

 Đây mới là “nghĩa chính” của Đôi Bạn, mà đến chót đời Nhất Linh mới nhận ra!

 Chiếc Lư Đồng Mắt Cua của Nguyễn Tuân cũng kết thúc bằng một câu cà chớn như vậy:
 -Xuyến người bên lương hay là bên giáo?

 Hay câu kết của Bếp Lửa, nói lên ý nghĩa của bếp lửa:
-Anh yêu em, yêu quê hương vô cùng.

  Câu nói đó, là câu nói của bao nhiêu năm sau này, của bao nhiêu con người sau này, đã sống sốt cuộc chiến, sống sót cuộc bỏ chạy, sống sót biển cả, sống sót cuộc hội nhập nơi xứ người - như tiếng chuông xe đạp leng keng vọng về Quê Nhà.

  -Nghe thấy rồi!

  Chúng ta tự hỏi, có gì nối kết những câu nói tưởng như bình thường, vô nghĩa đó?

 
NQT