*

Tribute

























Đọc Weil

Cứ mỗi lần cầm quyển sách của Weil lên đọc được mấy hàng là tôi vội bỏ xuống. Một cảm giác sợ dâng lên trong lòng tôi, tôi không dám đọc tiếp vì cảm thấy bất xứng.

Đọc tiểu sử của bà, tôi biết bà muốn làm một với những người khốn cùng nhất. Xuất thân từ gia đình khá giả, học thức, phóng khoáng nhưng bà từ chối tất cả mọi tiện nghi, mọi dư thừa. Lương chỉ dùng vừa đủ, phần còn lại đóng vào quỹ cho những người thất nghiệp. Tem phiếu thì cho người nghèo. Nằm đất, nhịn ăn để tò lòng đoàn kết với những người đang không nhà, đang đói trên thế giới. Sau giờ đi dạy ban ngày cho sinh viên, ban tối đi dạy cho thợ thuyền. Xinh đẹp nhưng không để ý gì đến diện mạo bên ngoài, áo quần lôi thôi lếch thếch.

Sau khi đọc tiểu sử của bà, tôi mới có chút can đảm đọc trang đầu tiên của quyển sách Trọng Lực và Ân Sủng.

Đọc bà, tôi phải ở trong tư thế là hạt bụi mới mong hiểu được chút ít. Là hạt bụi mà có trọng lực nặng nề sao? Mà có cái tôi to lớn sao? Hạt bụi thì dễ dàng bay lên cao chứ? Sao lại càng ngày càng lún xuống bùn sâu thế này?

Mở đầu quyển sách là câu:

“Tất cả các chuyển động tự nhiên của tâm hồn bị chi phối bởi các luật lệ giống như luật lệ của trọng lực vật chất. Chỉ có ân sủng làm sự khác biệt.

Phải luôn luôn chờ mọi sự xảy ra đúng theo luật của trọng lực, trừ ra được siêu nhiên can thiệp vào.”

Đường đi tất yếu của tội ác là kéo tội ác này dồn dập theo tội ác khác, càng ngày càng mạnh, càng lớn, càng khủng khiếp hơn. Bạo quyền càng bạo quyền hơn, tham lam càng tham lam vô độ hơn, không có gì làm dừng bước đi như thác này. Thế kỷ 20-21 đầy những ví dụ này. Trường hợp của ông Madoff là trường hợp điểu hình. 70 tuổi, lường gạt đến cả thần thánh, các quỹ từ thiện cháy túi vì ông, vậy mà khi bị bắt, thà chết chứ không buông của cải. Đã nhận tội mà còn cố chấp! Trong trường hợp này, một người bình thường biết quý sự sống sẽ nói với quan tòa: “Lạy quan tòa, tôi biết tội của tôi trời không dung, đất không tha. Này đây, của cải còn lại của tôi, tôi xin quan tòa dùng cán cân công minh chia lại cho những người tôi đã làm thiệt hại. Xin mở lượng khoan dung, cho tôi sống nốt cuộc đời còn lại của tôi để tôi có dịp đền tội.”

Một câu nói đơn giản như vậy, lại cần đến lực siêu nhiêu can thiệp sao?

Còn biết bao nhiêu tội ác của các nhà cầm quyền trên thế giới, những nhà cầm quyền độc tài mà chính họ làm quan tòa thì ai là người làm cho họ thấy họ đã phạm tội? Họ dửng dưng nhìn dân đói khát, tiền của vơ vét của họ cứ nằm ngủ đây đó. Kệ! Đầu tư thua lỗ? Kệ! Ăn mấy trăm đời không hết. Kệ!

“Vua Lear là thảm kịch của trọng lực. Tất cả những gì người ta gọi là ti tiện thì đó là một hiện tượng của trọng lực. Và chữ ti tiện chỉ dẫn cho thấy điều này.”

“Trọng lực: một cách tổng quát, những gì mình chờ nơi người khác được quyết định bởi hiệu quả của trọng lực có trong chúng ta; những gì mình nhận thì lại quyết định bởi hiệu quả của trọng lực có nơi người cho. Đôi khi trùng hợp (vì tình cờ) và thường thường thì không.”

Tại sao vậy? Đây là duyên quả trùng trùng?

Vậy muốn bứt ra khỏi duyên quả trùng trùng này thì chỉ còn một cách là buông bỏ hết, buông bỏ đến tận cùng, đến không màng thân xác, không màng trí tuệ. Thân xác nằm đất, áo quần lôi thôi lếch thếch, trí tuệ thông minh cực cùng đi dạy abc bình dân học vụ.

“Cùng một đau khổ mà vì lý do cao cả thì khó chịu đựng hơn là vì lý do thấp (có thể đứng bất động cả buổi sáng từ một đến tám giờ để có một quả trứng, người như vậy thì khó làm một cái gì để cứu mạng người khác), ở một vài khía cạnh, một đạo đức thấp có thể chịu đựng khó khăn, cám dỗ, bất hạnh hơn một đạo đức cao. Ví dụ quân lính của Napoléon. Dùng hung bạo để duy trì hoặc nâng cao tinh thần quân lính. Đừng quên là nó còn liên quan đến vấn đề bại trận.

Đó là trường hợp đặc biệt đã để cho luật của sức mạnh ở phía thấp kém. Ở đây trọng lực là một biểu tượng.

Đứng sắp hàng chờ thức ăn. Một hành động như vậy thì dễ đối với động lực thấp hơn là đối với động lực cao. Các động lực thấp quy tụ nhiều năng lực hơn là các động lực cao. Vấn đề: làm sao chuyển năng lực từ động lực thấp lên động lực cao?”

Chỉ có qua kinh nghiệm tức thì trước mặt mới thấy được hết ý nghĩa của câu này; những kinh nghiệm xa xuôi không làm bật nét được. Tôi vẫn lấy làm lạ trước sức chiến đấu phi thường của quân đội miền Bắc, hy sinh cho một lý tưởng cao cả, nhưng nếu sự hy sinh này không do một động lực tầm thường trước mắt là “đói” thì liệu cuộc chiến có đi tới cùng được không? Tôi vẫn ngạc nhiên làm sao quân lính “đói” như vậy lại dũng mãnh như vậy? Đúng, đứng sắp hàng cả ngày để được quả trứng vẫn đứng, nhưng đứng sắp hàng cả ngày để có được một đức tính tốt thì không. “Các động lực thấp quy tụ nhiều năng lực hơn là các động lực cao. Vấn đề: làm sao chuyển năng lực từ động lực thấp lên động lực cao?”

Không sao chuyển được. Và “những người như vậy thì khó làm một cái gì để cứu mạng người khác,” làm sao họ có thể quên những giây phút này để hy sinh cho người khác được?

“Thử thoát ra khỏi tình trạng này bằng chính năng lực của mình thì cũng như con bò muốn thoát khỏi cái xích thì bị té.

Vậy, muốn giải thoát mình mà lại dùng một năng lực mãnh liệt thì còn làm tệ hơn. Bù trừ bằng năng lực nhiệt động học, một cái vòng ma quái, chỉ có thể thoát ra được nhờ trên cao.”

Vậy mà thế giới bây giờ lại chủ trương mọi sự có thể giải quyết bằng kinh tế, bằng chính trị, bằng tiến bộ khoa học kỹ thuật, bằng giải trí, bằng quên đi!

“Nguồn năng lực tinh thần của con người là ở bên ngoài, cũng như năng lực thể lý (thức ăn, thở hít). Thường thường con người có được nguồn này – và chính vì vậy con người có ảo tưởng – cũng như trong vật lý  – rằng con người mang trong chính nó nguyên lý bảo tồn. Chỉ có sự thiếu thốn mới làm cho con người cảm thấy cần. Và, trong trường hợp thiếu thốn, không thể nào ngăn nó quay về bất cứ cái gì có thể ăn được.

Chỉ một phương thuốc cho chuyện này: lục diệp tố cho phép nuôi dưỡng ánh sáng.

Không phê phán. Tất cả mọi lỗi lầm đều bằng nhau. Chỉ có một lỗi lầm: không có khả năng nuôi dưỡng ánh sáng. Bởi vì khả năng này đã bị loại bỏ, tất cả các lỗi lầm đều có thể.

“Thức ăn nuôi dưỡng tôi là làm theo ý Đấng đã gởi tôi đến.”

Không có một khả năng nào ngoài khả năng này.”

Thức ăn và dưỡng khí là hai nguồn sống của con người nhưng lại ở ngoài con người, vậy thì khi thiếu nguồn sống này, nhưng lại không có một nguồn sống nào bên trong hổ trợ, thì nó sẽ quay về bất cứ cái gì có thể ăn được. Không phê phán. Không có khả năng nuôi dưỡng ánh sáng. Không có khả năng thương mình. Vì vậy, cái gì cũng có thể làm được. Thậm chí tự hủy mình như Madoff.

“Một bất hạnh quá lớn làm cho con người ở dưới mức của tội nghiệp: kinh tởm, khủng khiếp và khinh miệt.

Tội nghiệp có thể đi xuống đến một mức độ nào đó nhưng không ở tận dưới. Làm sao đức ái có thể đi xuống nơi tận dưới này?

Những người rơi tận xuống thấp như vậy họ có tội nghiệp chính họ không?”

Rùng mình là cảm giác của tôi khi đọc những hàng chữ này. Tại sao bà, một người chưa nếm cái đói lại hiểu thấu thân phận con người như thế này? Tại sao bà, chưa nếm nhục hình như bị hiếp lại hiểu đừng để con người rơi xuống tận cái bất hạnh, rơi xuống đó rồi thì nhúng chàm, nhúng chàm với tội ác. Làm sao gột rửa được?

Những người rơi xuống tận thấp như vậy họ còn thương họ không?

Họ không còn khả năng thương nữa sao?

Phải cứu họ.

Cứu họ bằng cách nào đây?

Chỉ còn một cách: là trở nên giống họ.

Không ăn, không uống, chịu nóng, chịu lạnh.

Cho giống họ.

Xin kính trọng bà, Simone Weil.

 

Dịch Weil

Trọng lực và ân sủng
Simone Weil

 

Tất cả các chuyển động tự nhiên của tâm hồn bị chi phối bởi các luật lệ giống như luật lệ của trọng lực vật chất. Chỉ có ân sủng làm sự khác biệt.

Phải luôn luôn chờ mọi sự xảy ra đúng theo luật của trọng lực, trừ ra được siêu nhiên can thiệp vào.

Hai sức mạnh thống trị vũ trụ: ánh sáng và trọng lực.

Trọng lực: một cách tổng quát, những gì mình chờ nơi người khác được quyết định bởi hiệu quả của trọng lực có trong chúng ta; những gì mình nhận thì lại quyết định bởi hiệu quả của trọng lực có nơi người cho. Đôi khi trùng hợp (vì tình cờ) và thường thường thì không.

Tại sao khi có người chứng tỏ cho thấy ít nhiều họ cần đến người kia thì người này lại tránh xa? Trọng lực.

Vua Lear là thảm kịch của trọng lực. Tất cả những gì người ta gọi là ti tiện thì đó là một hiện tượng của trọng lực. Và chữ ti tiện chỉ dẫn cho thấy điều này.

Chủ đích của hành động và mức độ năng lực nuôi dưỡng hành động là hai chuyện khác nhau.

Phải làm chuyện này chuyện kia. Nhưng tìm đâu ra năng lực? Một hành động đạo đức có thể bị giảm nếu không có năng lực dự trữ cùng mức độ.

Cái thấp kém và cái giả tạo bên ngoài đều ở cùng một mức độ. Yêu một cách hung bạo nhưng thấp hèn: câu hợp lý. Yêu một cách sâu đậm nhưng thấp hèn: câu không hợp lý.

Cùng một đau khổ mà vì lý do cao cả thì khó chịu đựng hơn là vì lý do thấp (có thể đứng bất động cả buổi sáng từ một đến tám giờ để có một quả trứng, người như vậy thì khó làm một cái gì để cứu mạng người khác), ở một vài khía cạnh, một đạo đức thấp có thể chịu đựng khó khăn, cám dỗ, bất hạnh hơn một đạo đức cao. Ví dụ quân lính của Napoléon. Dùng hung tợn để duy trì hoặc nâng cao tinh thần quân lính. Đừng quên là nó còn liên quan đến bại trận.

Đó là trường hợp đặc biệt đã để cho luật của sức mạnh ở phía thấp kém. Ở đây trọng lực là một biểu tượng.

Đứng sắp hàng chờ thức ăn. Một hành động như vậy thì dễ đối với động lực thấp hơn là đối với động lực cao. Các động lực thấp quy tụ nhiều năng lực hơn là các động lực cao. Vấn đề: làm sao chuyển năng lực từ động lực thấp lên động lực cao?

Đừng quên là có những lúc tôi bị đau đầu, khi cơn đau đầu đến, tôi có một ước muốn mãnh liệt là làm khổ một người khác, chính xác là đánh vào đúng chỗ đau trên trán.

Những ước muốn như vậy rất thường gặp ở con người.

Nhiều lần ở trong trạng thái này, tôi đã không cưỡng lại được, ít nhất là cũng đã nói vài câu làm thương tổn. Vâng lời trọng lực. Tội lớn nhất. Như vậy là làm soi mòn ngôn ngữ, mà ngôn ngữ là dùng để diễn tả các sự kiện.

Thái độ van xin: một cách cần thiết, tôi phải xoay qua chuyện khác, không hướng về tôi, vì như thế mới giải thoát tôi ra khỏi tôi.

Thử thoát ra khỏi tình trạng này bằng chính năng lực của mình thì cũng như con bò muốn thoát khỏi cái xích thì bị té.

Vậy, muốn giải thoát mình mà lại dùng một năng lực mãnh liệt thì còn làm tệ hơn. Bù trừ bằng năng lực nhiệt động học, một cái vòng ma quái, chỉ có thể thoát ra được nhờ trên cao.

Nguồn năng lực tinh thần của con người là ở bên ngoài, cũng như năng lực thể lý (thức ăn, thở hít). Thường thường con người có được nguồn này – và chính vì vậy con người có ảo tưởng – cũng như trong vật lý  – rằng con người mang trong chính nó nguyên lý bảo tồn. Chỉ có sự thiếu thốn mới làm cho con người cảm thấy cần. Và, trong trường hợp thiếu thốn, không thể nào ngăn nó quay về bất cứ cái gì có thể ăn được.

Chỉ một phương thuốc cho chuyện này: lục diệp tố cho phép nuôi dưỡng ánh sáng.

Không phê phán. Tất cả mọi lỗi lầm đều bằng nhau. Chỉ có một lỗi lầm: không có khả năng nuôi dưỡng ánh sáng. Bởi vì khả năng này đã bị loại bỏ, tất cả các lỗi lầm đều có thể.

“Thức ăn nuôi dưỡng tôi là làm theo ý Đấng đã gởi tôi đến.”

Không có một khả năng nào ngoài khả năng này.

Đi xuống một động tác nơi mà trọng lực không dính phần... Trọng lực kéo xuống, đôi cánh làm nâng cao: cánh của sức lực thứ nhì nào có thể kéo xuống mà không vướng vào trọng lực?

Công trình tạo dựng được làm từ một động tác đi xuống của trọng lực. Động tác đi lên của ân sủng và động tác đi xuống của ân sủng với sức mạnh thứ nhì.

Ân sủng, là luật của động tác đi xuống.

Hạ thấp, là đi lên với trọng lực tinh thần. Trọng lực tinh thần làm chúng ta rơi ngược lên cao.

Một bất hạnh quá lớn làm cho con người ở dưới mức của tội nghiệp: kinh tởm, khủng khiếp và khinh miệt.

Tội nghiệp có thể đi xuống đến một mức độ nào đó nhưng không ở tận dưới. Làm sao đức ái có thể đi xuống nơi tận dưới này?

Những người rơi tận xuống thấp như vậy họ có tội nghiệp chính họ không?

LN