gau

Tin Văn Vắn








Tin Văn
1. Sir V.S. Naipaul (1932- ): Nobel văn chương 2001.
Giải thưởng văn chương Nobel năm nay đã được trao cho nhà văn Anh, gốc Ấn, V(idiadhar) S(urajprasad) Naipaul, sinh tại Chaguanas, gần Port of Spain, thuộc Trinidad, “vì đã nhập làm một - một lối viết tự sự mẫn cảm và một cái nhìn soi mói đừng hòng mong mua chuộc – vào trong những tác phẩm bắt chúng ta nhìn vào những cuộc đời bị vùi giập” (bản tiếng Anh: “… for having united perceptive narrative and incorruptible scrutiny in works that compel us to see the presence of suppressed histories”).

Một tác giả gây tranh luận (“Controversial author”) đã thắng giải văn chương Nobel, theo như một ký giả. Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã đặc biệt nhấn mạnh tới cuốn tiểu thuyết mang tính tự thuật “The Enigma of Arrival” (tạm dịch “Bí ẩn khi tới”, 1987), coi đây là “hình ảnh, cứ thế mà lặng lẽ suy sụp, của văn hoá thực dân cũ, và sự suy tàn của những xóm làng Âu Châu” (“an unrelenting image of the placid collapse of the old colonial ruling culture and the decline of European neighbourhoods”. Luôn cả “cái nhìn soi mói không thể nào bị mua chuộc” đối với xã hội hậu thuộc địa, và những nhận định gay gắt đối với Hồi giáo chính thống (Muslim fundamentalism). 

Naipaul được chọn, trong một danh sách chót gồm năm người. Tên những người còn lại phải 50 năm sau mới được công bố, nhưng theo tin tức hành lang, trong đó có nhà văn người Israel, Amos Oz, nhà văn Nam Phi, JM Coetzee, nhà văn người Canada, Margaret Atwood, và nhà văn người Mỹ, Philip Roth.

Trên VHNT, người viết đã từng giới thiệu Naipaul, trước khi ông được Nobel, nay xin đăng lại, và tiếp đó, xin cống hiến bạn đọc một số nhận xét, và phản ứng của một số tác giả, và của chính Naipaul, trước tin ông được Nobel. 

***

 “Con người và nhà văn là một. Đây là phát giác lớn lao nhất của nhà văn. Phải mất thời gian – và biết bao là chữ viết! – mới nhập một được như vậy.”
 (Man and writer were the same person. But that is a writer’s greatest discovery. It took time – and how much writing! – to arrive at that synthesis)
 V.S. Naipaul, “The Enigma of Arrival”

 Trong bài tiểu luận “Lời mở đầu cho một Tự thuật” (“Prologue to an Autobiography”), V.S. Naipaul kể về những di dân Ấn độ ở Trinidad. Do muốn thoát ra khỏi vùng Bắc Ấn nghèo xơ nghèo xác của thế kỷ 19, họ “đăng ký” làm công nhân xuất khẩu, tới một thuộc địa khác của Anh quốc là Trinidad. Rất nhiều người bị quyến rũ bởi những lời hứa hẹn, về một miếng đất cắm dùi sau khi hết hợp đồng, hay một chuyến trở về quê hương miễn phí, để xum họp với gia đình. Nhưng đã ra đi thì khó mà trở lại. Và Trinidad tràn ngập những di dân Ấn, không nhà cửa, không mảy may hy vọng trở về. 

Vào năm 1931, con tầu SS Ganges đã đưa một ngàn di dân về Ấn. Năm sau, trở lại Trinidad, nó chỉ kiếm được một ngàn, trong số hàng ngàn con người không nhà nói trên. Ngỡ ngàng hơn, khi con tầu tới cảng Calcutta, bến tầu tràn ngập những con người qui cố hương chuyến đầu: họ muốn trở lại Trinidad, bởi vì bất cứ thứ gì họ nhìn thấy ở quê nhà, dù một tí một tẹo, đều chứng tỏ một điều: đây không phải thực mà là mộng. Ác mộng. 

“Em ra đi nơi này vẫn thế”. Ngày nay, du khách ghé thăm Bắc Ấn, nơi những di dân đợt đầu tiên tới Trinidad để lại sau họ, nó chẳng khác gì ngày xa xưa, nghĩa là vẫn nghèo nàn xơ xác, vẫn những con đường đầy bụi, những túp lều tranh vách đất, lụp xụp, những đứa trẻ rách rưới, ngoài cánh đồng cũng vẫn cảnh người cày thay trâu… Từ vùng đất đó, ông nội của Naipaul đã được mang tới Trinidad, khi còn là một đứa bé, vào năm 1880. Tại đây, những di dân người Ấn túm tụm với nhau, tạo thành một cộng đồng khốn khó. Vào năm 1906, Seepersad, cha của Naipaul, và bà mẹ, sau khi đã hoàn tất thủ tục hồi hương, đúng lúc tính bước chân xuống tầu, cậu bé Seepersad bỗng hoảng sợ mất vía, trốn vào một xó cầu tiêu công cộng, len lén nhìn ra biển, cho tới khi bà mẹ thay đổi quyết định.

 

Chốn cũ vẫn như xưa, nhưng chốn mới chẳng hơn gì; cha của Seepersad, chết trẻ; gánh nặng gia đình chuyền qua ông anh lớn, còn là một đứa nhỏ, đã phải lăn lưng vào đời, lãnh 8 xu mỗi ngày, tại một trại trồng mía – nửa thế kỷ sau, kỷ niệm ấu thời làm ông bật khóc trước mặt đứa cháu của mình là Naipaul. Bà chị của Seepersad, một cô gái mù chữ, bị gửi đi xa, làm việc cho một người bà con trong gia đình; bà chịu đựng hai cuộc hôn nhân bất hạnh. Quãng đầu đời của Seepersad cũng chẳng hân hoan thơ thới gì. Ông sống với người chị/em của mẹ mình, ngày đi học, đêm làm việc tới khuya trong một cửa tiệm. Sau này, khi đã có vợ, có thời gian ông phải sống bám vào gia đình bà vợ giầu có. Mãi sau đó, ông cố kiếm đường ngoi lên, bằng một việc làm tại một tờ báo ở Trinidad, tờ Guardian; bà mẹ vẫn sống, và sau cùng chết, trong nghèo nàn cùng cực.

 

Chính cái nền đó, – những thảm kịch nho nhỏ của một nhóm người nghèo đói, bị đánh bật ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, túm tụm với nhau tại vùng West Indies, Trinidad – đã làm cho “Một căn nhà cho Ông Biswas” (1961) - nhân vật chính lấy khuôn mẫu từø người cha của Naipaul - trở thành một trong những cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh tuyệt vời nhất của thế kỷ 20. Hơn thế nữa, nó còn là một tài liệu giá trị, về một phần đất không ai thèm ngó tới - theo nghĩa tinh thần – của thế giới. Không thèm ngó tới, bởi vì đôi khi, nó, và những phần đất tương tự như nó, có vẻ như chẳng có gì đủ quan trọng, để được nhân loại để ý ghi chép, về mặt chính trị cũng như văn hóa, và thường ra, những vùng đất như thế đó chẳng thể nào đẻ ra được những nhà văn, nhà trí thức: chính những người này [mới] có thể ghi nhận sự thịnh suy của chúng.

 

Naipaul đã mượn luôn những câu chuyện về thời thơ ấu ông bố, như là một đứa trẻ nhà quê Ấn Độ, rồi những năm tháng đầu tiên sống đời di dân tại một vùng quê Trinidaa, một cuộc đời mà Seepersad đã cố gắng ngoi lên, và rồi viết về nó. Viết, đối với ông bố của Naipaul, là “tất cả, cho dù nghịch cảnh”: nó là hứa hẹn về một phẩm giá con người, một “từ chối bị tiêu diệt”. Ông đã truyền lại cho người con, và với cả hai, là mong ước “một sự công chính, ở một tương lai nào đó”. Trên tờ Điểm Sách Nữu Ước, Pankaj Mishra, khi điểm những lá thư nhà (“Giữa Cha và Con: Thư  Nhà”, “Between Father and Son: Family Letters”.  V.S. Naipaul, nhà xb Knopf) đã coi nghèo đói, nỗi sợ bị tiêu diệt (extinction), hy vọng một sự công chính (justice), và viết như một cứu chuộc, là những đề tài trao đổi giữa Naipaul và gia đình (Seepersal Naipaul, ông bố là tác giả tập truyện “Những cuộc phiêu lưu của Gurudeva”, được xuất bản “một cách riêng tư”, privately, vào năm 1943, tái bản có sửa chữa và mở rộng thêm vào năm 1976, rồi năm 1995), bắt đầu vào năm 1950, khi Naipaul tới Anh làm sinh viên tại Oxford, nhờ học bổng toàn phần của nhà nước thuộc địa. Ông bố lúc này coi như hết còn làm việc được nữa; Kamla, bà chị của Naipaul, là sinh viên tại đại học Benares Hindu University tại Ấn Độ, cô đơn, và bất hạnh (unhappy), nhưng không làm sao có phương tiện rời bỏ. Naipaul, 18 tuổi đầu, mang trên mình không chỉ trách nhiệm cứu thoát gia đình khỏi nỗi khốn khó, mà còn đèo thêm tham vọng văn chương, chưa biết nó sẽ ra làm sao, và chưa biết sẽ thực hiện như thế nào. “Bí ẩn khi tới” (1987) thoát thai từ những lá thư nhà này, một cuốn tiểu thuyết mang tính tự thuật về một thanh niên nhà quê hết sức ngu ngốc (profoundly ignorant) bị đánh bật gốc, nỗi sợ hãi, chết khiếp, tứ cố vô thân không nơi nương tựa, tại Anh Quốc.
Và như độc giả có thể đoán ra được, vượt lên những bức thư, là một bức điện tín, gửi cho gia đình, vào đầu năm 1956: TIỂU THUYẾT ĐƯỢC CHẤP NHẬN=YÊU, và liền sau đó, ông viết thư cho người chị: “Đó là bức thư mà em hằng mong được viết về cho gia đình, kể từ ngày rời Trinidad. Một bức thư về cuốn sách của em.”

***

 Chính trị hay không chính trị, không ai có thể phủ nhận tính chất văn học của những tác phẩm của Naipaul. Năm nay 69 tuổi, nhà văn người Anh, gốc Ấn, sinh tại Trinidad, hiện đang sống ở Anh, trong vòng trên 45 năm đã cho ra đời tổng cộng 26 tác phẩm, nhưng tuyệt phẩm của ông là cuốn “Căn nhà cho Ông Biswas” (A House for Mr. Biswas). Những tiểu luận, những tác phẩm phi-giả tưởng của ông thật sống động, và cũng thật khiêu khích (provocative).

 Horace England, chủ tịch Hàn Lâm Viện Thụy Điển, người gọi điện thoại cho Naipaul báo tin ông được giải, cho biết, “Ông thực sự ngạc nhiên, và tôi không nghĩ là ông giả đò. Ông thực sự ngạc nhiên, bởi vì cho rằng, như là một nhà văn, ông chẳng đại diện cho một ai, ngoại trừ chính mình.” Đây có lẽ cũng là một trong những lý do, ông được giải văn chương cao quí nhất  của nhân loại, cùng với Cao Hành Kiện, năm ngoái. Nhà văn người Pháp gốc Trung Quốc này cho rằng, câu chuyện văn chương chỉ là tri âm tri kỷ giữa những con người chẳng cần phải gặp gỡ, hoặc chẳng thể nào có duyên được gặp gỡ, mặt nhìn mặt, tay cầm tay nên chỉ còn trông mong vào mớ chữ nghĩa… Có vẻ như Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã phá bỏ truyền thống ban giải thưởng cho những công trình văn học lớn lao, hoặc đề cao vai trò nhà văn với một nhiệm vụ cao cả nào đó…

 “Tôi đã tưởng rằng mình ra rìa rồi.” (“I thought I was no longer in the running, you know? I thought I had fallen away”), Naipaul nói với thông tín viên thông tấn xã AP. Đã từ lâu, thiên hạ xì xào về ông, như là một “chuẩn Nobel”; ông là nhà văn người Ấn đầu tiên được Nobel, kể từ Tagore, vào năm 1913. Ông nói, sự kiện ông được Nobel là “một dâng tặng cho cả hai, Ấn Độ, quê cha đất tổ của tôi và những đất nước khác trong tiểu lục địa.” 

Caryl Phillips, tiểu thuyết gia người Anh mà gia đình cũng tới từ vùng Caribbean, cho biết, ông “ngưỡng mộ tính tổng hợp giả tưởng và phi-giả tưởng của Naipaul”. “Ông ta ôm gọn cả hai dạng văn học, thông minh tài tình, và tràn trề sinh lực, như nhau”. Nhưng Phillips nói thêm, “Naipaul không ưa những người gốc Phi Châu, điều này theo tôi không thể giải thích, chỉ bằng sự kiện ông gốc Ấn. Ông ta cũng ‘thật là không ưa’ người Hồi giáo. Ông ta là một con người có đủ thứ vấn đề, với những con người ở ngoài cái vòng tròn mà ông ta gọi là “trung tâm mang tính lịch sử”. Và cái trung tâm này được đóng rễ ở Âu Châu. 

“Giữa những tín đồ: Một chuyến đi về vùng đất Hồi” (1981), là một ghi nhận về chuyến đi Iran, Pakistan, và Indonesia. Đây là một bức chân dung thật cay nghiệt, về những tín đồ quay lưng về phía tiến bộ và thế giới hiện đại. Ông kết án Hồi giáo chính thống, mà với nó, “lịch sử phải làm đầy tớ cho thần học, luật pháp tách khỏi ý tưởng về sự bình đẳng và học vấn tách khỏi học vấn (learning is separated from learning).” 

Mới hồi đầu tháng (10, 2001), Naipaul đã gây phẫn nộ trong thế giới Hồi giáo, khi so sánh những hậu quả của đạo này trên thế giới, cũng chẳng khác gì của chế độ thực dân thuộc địa. “Nó tạo một hậu quả thê thảm ở  những người cải đạo”, ông nói, đặc biệt nhắm vào Pakistan, “Muốn cải đạo, bạn phải huỷ diệt quá khứ, huỷ diệt đời mình (your history).” Ông mô tả việc “quên mình”, “bỏ ngã” (abolition of the self) mà Hồi giáo đòi hỏi còn tồi tệ hơn sự huỷ diệt căn cước của một con người dưới chế độ thực dân thuộc địa. Một thành viên của Hàn Lâm Viện Thụy Điển, Per Wastberg, đã nói với hãng tin Reuters, Naipaul chỉ trích tất cả mọi tôn giáo. “Ông ta coi tôn giáo là tai họa cho nhân loại, nó thui chột mọi ước ao, nó làm con người hết dám suy nghĩ, kinh nghiệm (nguyên văn: He considers religion as the scourge of humanity, which dampens downs our fantaisies and our lust to think and experiment). Trên mục này, bạn đọc chắc còn nhớ bài phỏng vấn George Steiner của tờ L’Express, và câu khẳng định của ông, “nếu thế kỷ 21 là một thế kỷ của tín ngưỡng thì nó sẽ tiêu luôn” (xem bài “Văn hóa không làm tăng tính người”.)

Thật khó mà tin được, rằng Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã không để ý đến biến cố 911, những diễn biến theo sau, và sự kiện Naipaul luôn tỏ ra “thù nghịch” (hostility) Hồi giáo chính thống. Cũng khó mà có thể tin được, họ đã quên một điều, rằng họ vờ đi không lên tiếng khi cái đầu của nhà văn Rushdie bị ra giá, trước đây, nhân vụ Quỉ Thi.

Tarek Fateh, chủ trì chương trình TV “Ký sự Hồi giáo”, đã tỏ ra không thoải mái (uneasy) về chuyện Naipaul được Nobel, mặc dù ông cho biết rất ngưỡng mộ những khả năng văn học của ông ta. “Tôi thực sự tin rằng, việc ông ta được Nobel sẽ gây ra những rắc rối sâu xa hơn nhiều, vượt ra khỏi tầm tay văn chương”. “Nó gây tổn thương, do quá nhiều những tình cảm chống Hồi giáo.”

Một nhà văn gây tranh luận. Đúng như vậy. Ngay trong giới văn học, ông ta cũng không tỏ ra nương nhẹ những “văn hữu”. Nói về James Joyce: Tôi không thể hiểu nổi tác phẩm của một người mù. Về Dickens: Ông ta cắn phải luỡi (tự nhại lại tác phẩm của chính mình)… 

***

Hình như Borges có nói, người ta không thể sử dụng từ ‘con dao’ trong một thai đố mà câu trả lời là ‘con dao’; Rushdie viện dẫn nhà văn Á Căn Đình, khi viết về cuốn “Bí ẩn khi tới” của Naipaul; và từ mà ông không thể nào kiếm thấy ở trong cuốn sách đó, là “tình yêu”. Và một cuộc đời không có tình yêu, hay một cuộc đời mà trong đó, tình yêu bị chôn sâu tới nỗi không thể nào ló đầu ra, đó là điều cuốn sách của Naipaul nói tới. Bởi vậy, nó thật buồn, thật quá buồn.

 Rushdie gọi, đó là nỗi buồn đồng quê, trong bài viết về cuốn sách, trên tờ The Guardian số ra ngày Thứ Sáu, 13, tháng Ba, 1987, khi nó vừa được xuất bản; sau được in lại trong tập tiểu luận “Quê hương tưởng tượng”. Khung cảnh của cuốn tiểu thuyết, là đồng quê Anh, một thứ “khung rêu” (tên một tác phẩm của Thụy Vũ), hay là câu chuyện về sự tàn tạ của một gia đình miệt vườn ở miền nam nước Anh, với quá khứ thuộc địa, như là gia tài của mẹ để lại, và rồi mang theo ra nước ngoài, của người chủ đất. Rushdie cho rằng, thật có ý nghĩa, vì trái ngược với đa số di dân khác, Naipaul đã chọn cho mình một vùng quê Anh, với những trang viên (manoirs) và những con sông lượn lờ chung quanh, để mà tái định cư.

 Rushdie viết: “Di dân phải bịa đặt ra miếng đất ở dưới chân mình”. (L’immigré doit inventer la terre qui se trouve sous ses pieds).

 2. Khi nào bạn bắt đầu làm thơ?

 Những người lính chuyên nghiệp kể cho Jennifer tôi một kinh nghiệm như thế này: sau khi ăn một quả pháo mà không chết, nói rõ hơn, ngay sau khi một quả pháo nổ kế cận bên họ, là nhẩy vào cái hố vừa mở ra, biết chắc chắn một điều, quả pháo kế tiếp không thể nào nhè chỗ đó mà nổ.

Những cư dân của một thành phố Sài Gòn thời kỳ chiến tranh chắc còn nhớ kinh nghiệm này: khi nghe tiếng hoả tiễn réo xèo xèo ngang đầu, là biết rõ một điều, trái hoả tiễn đó không dành cho mình. 

***

 Richard Murphy, trên tờ Granta số Mùa Thu 2001, đã tự hỏi, không hiểu mình bắt đầu làm thơ vào lúc nào, và ông nhớ ra là đúng vào thời kỳ ăn bom bay của Đức quốc xã. Ông viết: Trong trí nhớ của tôi, cái tham vọng mần thơ đã tóm lấy thằng bé vào đúng cái tuổi xốn xang vừa mới lớn, khi học thuộc lòng mấy vần thơ Shakespeare tại trường trung học Wellington College. Đó là năm 1944. Người Đức đang trút bom bay như mưa xuống Anh Quốc. Khi bạn nghe thấy tiếng, giống xe bình bịch (xe gắn máy) nổ, ở trên trời, là biết, bạn an toàn. Khi nó không nổ nữa, có nghĩa hết nhiên liệu, và “cáùi” thời gian bạn hết nghe tiếng xe gắn máy nổ, biết trái bom sắp rớt, biết đâu lại không ngay trên đầu mình, đó là lúc hứng thơ dâng trào!

 Ấy là Jennifer tôi hơi “bị” cường điệu. Đúng ra, tác giả nhớ lại là, vào lúc đó, ông mê một người bạn cùng một tuổi với ông, một tay điền kinh “mà số phận” (… who was destined) là phải vô Hải quân Hoàng gia. Sợ bom gần chết, lại thêm một ông quản gia vốn sống sót sau vụ “the Somme” (địa danh, nơi xẩy ra những vụ làm thịt người đầu tiên, vì tín ngưỡng) thúc thêm vô, thế là tôi tìm một chỗ ẩn núp, trong cái quan niệm về tái sinh, theo đó, một bài thơ, nếu được làm cho tới nơi tới chốn, nó sẽ thọ hơn người làm ra nó, sẽ đem lại đời sống sau cái chết, cho chính anh ta, và những người thân thương, ở trong trí tưởng của người đọc.

 (Liệu có phải đây là lý do, văn minh “nhân loại” bắt đầu bằng những trận đánh, đầu tiên là giữa những vị thần, những bán-thần, rồi tới người trần mắt thịt. Bởi vì, hết chiến tranh thì lấy đâu hứng mà bắt đầu làm thơ! Tưởng chuyện đùa, nhưng hãy thử hỏi, tại sao văn học Tây phương bắt đầu bằng “Iliade”? Hãy “thử” đọc Simone Weil, “Chiến tranh hay là Bài thơ của Sức Mạnh”, viết về “Iliade”.)

 Tác giả kể tiếp, một năm sau đó, cỡ chừng vậy, khi là một sinh viên 17 tuổi ở Oxford, đói sex gần chết, ông lại quanh quẩn với ý nghĩ trở thành một thi sĩ. Kết quả là, ông trượt kỳ thi kiểm tra.

 Murphy, tác giả bài viết ‘Những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi” trên số Granta nói trên, sinh năm 1927 tại Tây Ireland. Cuốn tự thuật của ông, “The Kick”, sẽ được Granta Book xuất bản vào năm tới (2002). “Tuyển tập thơ” của ông đã được xuất bản ở Ireland và ở Mỹ. Hiện đang sống ở Dublin, Durban và Nam Phi. Trong bài viết, ông kể lại những kinh nghiệm đói sex, đói thơ, và những cuộc gặp gỡ những nhà thơ. Sau đây là trích đoạn, cuộc gặp gỡ thi sĩ W.H. Auden.

 Barbara Epstein, biên tập viên của tôi ở tờ Điểm Sách Nữu Ước, mời tôi ăn tối tại căn phòng của bà ở Nữu Ước, vào bữa 22 tháng 11, 1975. Người khách độc nhất còn lại kia, là W.H. Auden. Cách đó vài năm, tôi đã gặp ông, ở Stratford-upon-Avon, trong một buổi đọc thơ, và nó để dấu ấn ở trong tôi, bởi vì ông thuộc lòng những bài thơ của mình. Khi ông ngần ngừ ở một dòng, trong một bài thơ dài, ông chẳng thèm mò mẫn cuốn thơ của mình, mà lại nhắm mắt lại, ngẩng mặt lên, như hỏi ông Trời, hãy nhắc giùm ông điều gì ông muốn nói, khi mần thơ. Và một khi trở lại với bài nói chuyện, ông như được tạo hứng từ cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với ông Trời như thế đó, và cứ thế chuyển những ý tưởng của mình thành lời. Đó là điều làm cho bài thơ thật là thú vị.

 Barbara kể lại, một lần mời nhà thơ, ông lầm phòng, bấm chuông, và được một cặp, chẳng phản đối phản điếc gì cả, mời vô, ông ngồi bệ vệ trong chiếc ghế bành, đòi một ly martini vodka. Tay cầm ly rượu, ông cứ thế độc thoại, và cặp vợ chồng ngớ người, không dám lên tiếng ngắt cuộc độc thoại, cho tới khi ly rượu cạn. Như nhận ra sự vắng mặt của chủ nhà, Auden hỏi, và được trả lời, vợ chồng Epsrein ở căn phòng tầng lầu bên trên.

 Murphy kể lại, cuộc gặp gỡ chẳng thú vị gì, vì bất cứ chuyện gì, hễ chủ nhà và ông vừa mới mở miệng là bị nhà thơ ngắt lời. Khi “bị gợi ý”, rằng nhà thơ là một tay lang chạ, Auden phản đối, “Các bạn có vẻ không hiểu, tôi luôn luôn tìm kiếm một người bạn thứ thiệt”. Và giải thích thêm: “Mọi lang chạ trên đời là để tìm kiếm một người bạn lý tưởng.” [Ghi chú thêm ở đây: Auden là một nhà thơ đồng tình luyến ái].

 Sau bữa ăn, ông nói: “Tôi hy vọng ông Trời cho tôi đi ở tuổi bẩy mươi. Đừng sống quá khoảng đời tự nhiên của mình.” Ông muốn mọi thư từ của ông được đốt bỏ, khi ông chết, như ông đã từng đốt bỏ thư của người cha, mà không đọc, khi cha ông mất; ông muốn bạn bè đốt bỏ thư của ông gửi cho họ, và điều này được ghi trong di chúc. Bằng cách đốt bỏ mọi giấy tờ như vậy, ông hy vọng chẳng ai có thể viết về cuộc đời của ông. Như những y sĩ của một thời xa xưa, giấu kín mọi khám phá y học, ông hy vọng mọi bí mật về đời mình sẽ cùng đi với ông xuống mồ.

 ***

Và câu chuyện nàng Hélène thành Troie liệu có giông giống chuyện hai ông thần Sơn/Thủy tranh nhau một cô công chúa con vua Hùng?

 Nhưng Hélène đâu còn đáng kể gì nữa, khi Troie sẵn sàng quì mọp trước những người thắng trận:

 Bây giờ người ta chẳng thèm những của cải Pâris
 Kể cả Hélène; bằng ấy kẻ, dù là tên ngu xuẩn nhất, đều nhận ra,

 Troie bây giờ đang bên bờ thất thủ…

“Qu’on n’accepte à présent ni les biens de Pâris,
Ni Hélène; chacun voit, même le plus ignorant,
Que Troie à présent sur le bord de la perte.”

Như vậy là chúng ta lại trở lại với nỗi chết không rời, những trái hoả tiễn, và câu hỏi khi nào bạn bắt đầu làm thơ.

Simone Weil viết:
“Điều mà họ muốn, phải là tất cả: Tất cả những của cải của Troie, như là chiến lợi phẩm; tất cả những dinh thự, đền đài, nhà cửa: tro bụi; tất cả những đàn bà, trẻ em: nô lệ; tất cả những người đàn ông: xác chết.” 

Jennifer Tran