gau

Tin Văn Vắn








Kyôki, bungaku, shakai.

 Bạn có bao giờ “giật mình” tự hỏi, tại sao “mấy thằng nhà văn nhà thơ đều khùng khùng man man”… Nhìn gần, thì thấy, nào là Bùi Giáng., nào là Nguyễn Tất Nhiên… Nhìn xa một chút, nào là Holderlin, Artaud, Dostoevsky…

 ***

 “Khùng điên, Văn học, và Xã hội”, đó là đề tài trao đổi giữa Michel Foucault với ban biên tập tờ Bungei số 12, tháng Chạp 1970, được in lại trong “Nói và Viết” (Dits et Écrits) tập II, nhà xb Gallimard, ấn bản 1994.

 Thời gian này, đa số tác phẩm của Foucault đã được dịch qua tiếng Nhật, và được nghiên cứu từ nhiều góc độ. Nhân dịp ghé thăm đất nước này, tuy ngắn ngủi, Foucault đã thực hiện ba buổi diễn thuyết về Manet (một họa sĩ), “Khùng điên và xã hội”, “Trở lại với lịch sử” tại Tokyo, Nagoya, Osaka và Kyoto. Cuộc gặp gỡ thứ tư, với tạp chí văn học Bungei, là về tương quan giữa tư tưởng của Foucault với văn chương.

 Qua cuộc gặp gỡ, đáp câu hỏi gợi ý, của T. Shimizu, “Tuy có vẻ tóm tắt, nhưng theo tôi, trong hệ tư tưởng của ông, văn chương được sắp xếp theo ba trục. Trục thứ nhất, chung quanh vấn đề khùng điên, với những tác giả đại diện như Holderlin và Artaud. Trục thứ nhì, giới tính, với Sade và Bataille. Và trục thứ ba, ngôn ngữ, với Mallarmé và Blanchot. Rõ ràng quá tóm tắt, nhưng ông có thể nói [thêm] về văn chương, từ hệ thống trục đó”, Foucault đã trả lời, “Ông nhận xét rất đúng, và đã xoáy vào trọng tâm chính của vấn đề. Nhưng không chỉ mình tôi, mà tất cả Tây phương đều bận tâm với chúng, từ năm mươi năm nay.”

 Khi được hỏi, “khùng điên và văn chương”, một đề tài có thể làm cho ngưuời ta nghĩ rằng, khùng điên là “yếu tính” của văn chương; tuy nhiên, theo ông, tương quan giữa khùng điên và văn chương rất rõ rệt, ít nhất cũng ở Tây phương, ông có thể nói thêm về tương quan này; Foucault đã trả lời, khi đặt vấn đề khùng điên, rồi tiếp đó, vấn đề văn chương, một trật tự như thế là cần thiết. Một cách nào, đó, chúng ta chỉ việc bò theo cái sườn dốc này. Trong khi lục lọi những tài liệu lịch sử, tôi nhận thấy, tại Tây phương, cho tới giữa thế kỷ 17, mặc dù bị từ bỏ, người ta tỏ ra khá thông cảm (tolérant) với những người điên và chứng điên khùng, Không hoàn toàn bị tống xuất, họ bị đẩy ra bên lề xã hội. Sau thế kỷ 17, một sự đứt đoạn lớn lao xẩy ra: thay vì kẻ bên lề, người điên bị cho vào nhà tù, hoặc cưỡng bách lao động. Đây là một trong những chọn lựa rất quan trọng của xã hội Tây phương, mà cho tới nay, ít nhà sử học để ý tới. Tôi gọi đây là một chọn lựa nguyên thủy (un choix originel) - như bản thân tôi, đã từng chọn lựa, là một triết gia, nhưng bây giờ, không coi mình là một triết gia nữa, bởi vì kể từ năm mươi năm vừa qua, triết học ở Tây phương không còn là một hành động tự chủ (autonome), mà chỉ là một nghề của các giáo sư đại học, thay vì thực hành, thì là giảng dậy môn triết học - Chính sự chọn lựa nguyên thủy: tống người điên vào nhà tù, hoặc cưỡng bách lao động, từ đó, đề tài này không còn được đề cập ở trong văn chương, kể từ thế kỷ 19. Foucault cho rằng, Sade, theo một nghĩa nào đó, là một trong những sáng lập viên của văn chương hiện đại, mặc dù văn phong hoàn toàn thuộc thế kỷ 18, còn triết học, vay mượn chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa tự nhiên vẫn của thế kỷ đó. Tuy vậy, sự kiện Sade bị tống vào tù, và ở trong tù, viết văn, xây dựng tác phẩm của mình từ một tất yếu nội tại (une nécessité intérieure), từ đó suy ra: ông ta là người sáng lập ra văn chương hiện đại. Nói một cách khác, có một loại hệ thống tù đầy tống xuất cứ bám riết lấy một con người tên là Sade, về tất cả những điều liên quan tới dục tính, ăn nằm với nhau trái tự nhiên, không giống ai… nói tóm lại, tất cả những gì bị văn hóa của chúng ta kết án. “Ghét của nào, Trời trao của đó”: bởi vì có một hệ thống cấm đoán, tống xuất như thế, cho nên có tác phẩm của ông. Sự kiện – ở vào một thời kỳ chuyển tiếp, từ thế kỷ 18 qua thế kỷ 19, một nền văn chương có thể sản sinh hoặc tái sinh, ở bên trong cái xã hội đã ruồng bỏ nó – cho thấy, đây là một điều hết sức cơ bản. Và cũng cùng thời kỳ đó, nhà thơ Đức Holderlin, trở nên khùng. Thơ ông, ở cuối đời, đã vươn tới yếu tính của thơ hiện đại. Chính điều này làm tôi (Foucault) quan tâm đến những nhà thơ nhà văn như Holderlin, Sade, Mallarmé, Raymond Roussell, Artaud: thế giới khùng điên, đã bị gạt ra rìa kể từ thế kỷ 17, đột nhiên nhẩy xổ vào văn chương…