gau

Tin Văn Vắn









Nơi hạnh phúc bị coi là phạm pháp.

Nơi nào vậy?

 Xin thưa, A Phú Hãn (Afghanistan), xứ sở được nhắc nhở tới nhiều nhất, không phải chỉ từ khi xẩy ra cuộc khủng bố tại Mỹ, nhưng mà là trước đó, nhất là từ khi nhà cầm quyền Taliban ra lệnh triệt hạ những tượng Phật.

 Ngã tư quốc tế, lằn ranh giữa Đông và Tây, tiếp giáp Iran, Trung Á, Pakistan. Bị xâm lăng rất nhiều lần, bị chiếm đóng đôi khi, nhưng chưa bao giờ trở thành thuộc địa.

 “Cuộc du hành vào trái tim của sự man rợ” là tên bài viết trên tờ báo Pháp L’Express (số 28 Juin – 4 Juillet, 2001). Một bài phóng sự kèm theo hình ảnh. Để thực hiện phóng sự về một xứ sở, nơi hạnh phúc bị đặt ra ngoài vòng luật pháp (Enquête dans le pays ó le bonheur est hors la loi), nhà báo Marc Epstein và nhiếp ảnh viên Stephan Gladieu đã phải tự coi họ là những tên trộm, bởi vì tại A Phú Hãn của đám người Taliban, luật lệ rất khắt khao: không chỉ trỏ, không nhìn ngó, không nghe ngóng… Không được chụp hình, bất cứ một sinh vật, bất cứ một con người hiện đang còn sống. Nhiếp ảnh viên đã phải giấu ống kính máy thu hình ở dưới áo khoác, chụp một nơi, mắt nhìn một nơi khác… Những bức hình bị đánh cắp, có thể nói như vậy.

 Hình một cửa hàng bán quần áo dành cho mấy cô mấy bà, tại khu sang trọng Shahre Naw, thủ đô Kaboul. Tác giả bức hình giải thích, “Dưới lớp mạng che mặt, bị coi là bắt buộc, những con người thanh lịch mặc những bộ đồ đẹp, mang nữ trang quí giá, những đôi giầy bóng loáng: một dấu hiệu phản kháng, thách đố…”. Đàn bà ở đây bị cấm đi làm, ngoại trừ công việc chăm lo sức khỏe. Thảm nhất là những goá phụ, qua bức hình tại một trung tâm tiếp nhận những con người vô thừa nhận. Hình một lớp học lén lút dành cho nữ sinh. Một cửa hàng thịt: món ăn vượt ra ngoài mơ ước của đa số dân chúng. “Tôi đã quên mùi vị của nó”, một bà xót xa. Hình một đám cưới: “Không âm nhạc, đám cưới như đám ma”, một thanh niên bùi ngùi.  Chưa nói tới cuộc trả đũa, của Mỹ, và của cả thế giới trước khủng bố,  hơn 40% thủ đô Kaboul bị huỷ diệt bởi cuộc nội chiến. Nghĩa địa, xưa là nơi dạo mát, gặp gỡ, đặc biệt của phụ nữ, nay cũng bị hạn chế, chỉ còn những đứa trẻ lai vãng…

 Những ký giả ngoại quốc được thông báo của bộ Thông tin, đúng ra là danh sách những cấm đoán. Cấm thăm viếng cư dân, tại nhà của họ. Cấm chụp hình người và vật.  Cấm nói chuyện với phụ nữ. Cấm đi một mình, phải có thông ngôn nhà nước đi kèm. Bắt buộc sử dụng xe hơi của bộ Thông tin. Bắt buộc ở khách sạn đã được chỉ định. Như một cơn ác mộng của Kafka, nhà nước ra lệnh: Chỉ được quyền nói sự thực!

 Họ có cảm tưởng, không khí ở đây nhẹ hơn ở nơi khác. Cái cảm giác lạ thường này, chỉ là cảm giác giả (fausse impression), khi bạn tới một nơi đồng nghĩa với chiến tranh triền miên, nội chiến từng giờ từng phút. Không khí càng nhẹ hơn, khi buổi chiều sắp sửa chấm dứt, và những đám mây, rồi luôn cả bầu trời nhuốm mầu hồng hồng. Những chiếc bóng trải dài trên hè phố, kế bên những hầm hố, tăng xê, có từ hồi chiến tranh, nhưng chẳng ai bận tâm đến chuyện lấp bằng. Buổi sáng, đài loan tin: một cặp nam nữ bị kết án mỗi người 100 roi, vì đã ngủ với nhau mà không phải vợ chồng. Chàng chừng hai chục tuổi, bị giữ chặt hai tay bởi hai nhân viên công lực Taliban; ba ông toà cầm roi quất, chàng gập đôi người lại vì đau. Đám đông khiếp đảm nhìn, và nghe tiếng roi da quất trên thân thể nạn nhân, được khuếch đại qua những chiếc loa phóng thanh. Rồi tới lượt nàng, chừng 18 tuổi. Sau đòn phạt, ba ông toà tuyên bố, họ là vợ chồng. Một anh chàng thanh niên rỉ tai hai ký giả, “Mấy ông toà này không rành luật. Kinh Koran dậy: Không được ruỗi thẳng tay, khi đánh người. Vấn đề không phải đánh đập người khác như một con vật, mà là trừng phạt trước công chúng.”

 Thoạt đầu, chúng tôi mở rộng vòng tay đón tiếp họ, đám người Taliban hiện đang trị vì; sau bao nhiêu năm chiến tranh, họ là hy vọng, của hoà bình và sự yên ổn; một cư dân nói với ký giả. Người đàn bà bây giờ cố làm quen với miếng vải che mặt. Trước đây, được làm bằng bông, bây giờ bằng polyester, mang nó vào mùa đông đã khó chịu, nhưng thực là thê thảm, vào mùa hè. Những người có đầu óc khôi hài đã ví nó với lá súp lơ (chou-fleur, tiếng địa phương dari gọi là goulpi), bởi vì lá súp lơ, ngoài thì xanh (mầu islam) ở bên trong mầu trắng.

 Tuy nhiên, chẳng còn ai dám tỏ ra khôi hài. Chẳng còn ai, ở thủ đô Kaboul còn có trái tim để mà cười đùa. Một bà mẹ tự hỏi, về số phận những đứa con của mình: “Không hiểu chúng lớn lên, trong một thế giới như thế nào. Lúc đầu, người lớn chúng tôi còn gặp nhau để khóc. Cũng đỡ khổ. Bây giờ, chúng tôi không còn sức để khóc. Có ích chi đâu?”

 Đàn ông bắt buộc phải để râu. Râu phải dài hơn bàn tay (luật 1996). Em trai ông chủ một cửa tiệm đã bị tù 7 ngày, vì râu không đúng luật. Cấm để tóc dài, vì tóc dài là…vọng ngoại (nó làm nhớ đến kiểu để tóc của người Anh và Mỹ). Cấm âm nhạc, cấm khiêu vũ. Chơi cờ là phạm luật đạo. Danh sách cấm đoán cứ thế mà kéo dài ra thêm, mới đây thôi, cấm môn thể thao quyền anh. Trẻ con nam, cấm đồ chơi lính tráng; nữ, cấm chơi búp bê. Một số tài xế tắc xi bị phạt, vì dán hình chú chuột Mickey Mouse trên kiếng xe: chú chuột Disney tuy không phải là một sinh vật, nhưng hình chú chuột: cấm!

 Không phải những người lính Liên xô đã tàn phá thủ đô Kaboul, mà chính là những người A Phú Hãn. Bên ngoài thủ đô, là bãi chiến trường của những vị sứ quân, les petits seigneurs de la guerre civile. Trẻ con bị hãm hiếp, được coi là món hàng trao đổi giữa những băng phái thù nghịch. Ở thôn quê, đâu đâu cũng có những hàng rào kẽm gai, những check-points, và muốn đi qua, là phải nộp lệ phí.

 Một người dân Á Phú Hãn đã tâm sự với ký giả: Tại xứ sở chúng tôi, những người chủ thực sự, là người Pakistan, kẻ đứng sau lưng nhóm Taliban. Họ mới là chủ nhân thực sự của cuộc chơi. Họ đã làm tất cả, để biến A Phú Hãn thành một xứ sở thối nát. Một xứ sở ổn định và yếu ớt, như một xứ bảo hộ, ở biên giới phía đông của họ.