gau

Thư Tín

Bài liên quan
1. Đông A
2. N.H
3. Đông A


  

Cám ơn bạn Đông A

Bài viết của bạn, về từ “tạp ghi”, đưa ra thật nhiều nhận xét thật là thú vị, về những bài tạp ghi của tôi. Rồi những so sánh của bạn, giữa những tạp ghi, tạp ký, tạp bút… cũng thật là thú vị.

Riêng tôi, khi dùng từ tạp ghi, là theo một số suy nghĩ thô thiển như sau:

Ghi, theo nghĩa của chữ ghi chú [note]. Từ này, cũng nhiêu khê lắm, có cả một “băng đảng” đi kèm, nào là note, notice, notation, connotation, dénotation, annotation.... thật khó mà tìm được nghĩa tương đương trong tiếng Việt. Riêng từ ký, trong tạp ký, theo tôi, là có tính biên niên, chronology, tức là còn để ý đến ý niệm thời gian, chuyến đi…  khác với ghi.

Tạp, là tạp nham, bạ đâu ghi đấy, nhớ đâu câu đấy, nhưng cố làm sao đừng quá sa đà, quá tản mạn…. 

Một cách nào đó, bài tạp ghi của tôi thường được viết theo kiểu tản mạn.

 
Về từ tản mạn. Có lần tôi đã sử dụng một ý của Roland Barthes, để diễn tả từ này. Tôi luôn coi đây là mục đích mà những bài tạp ghi cố nhắm tới.

 
Xin trích ra đây, đoạn viết liên quan tới từ tản mạn, trong một bài viết cũ.

 
Như trên đã viết, bài này sẽ viết theo kiểu tản mạn...

Tản mạn ở đây, chữ mượn của Nguyễn Tuân [Tản mạn xung quanh một áng Kiều], ý, lấy ở từ "excursion" của Roland Barthes, một từ theo ông,“mơ hồ một cách thật là kiểu cách” (précieusement ambigu).

Trong Bài đọc [Lecon]  mở ra khóa giảng môn học "Sémiologie littéraire" [Ký hiệu học văn học], tại Collège de France, ngày 7 tháng Giêng 1977, sau được in lại trong tủ sách Points, bộ môn Nhân Văn, nhà xb Seuil, ông cho rằng, cái phương pháp dậy và học bây giờ nó không như trước nữa. Trích dẫn câu của Mallarmé, "Mọi phương pháp là một giả tưởng" (Toute méthode est une fiction), ông coi phương pháp viết và giảng của ông không nhắm phát hiện, không nhằm tháo gỡ, không mong đạt kết quả, mà chỉ là một giả tưởng, qua đó:

Khi viết có tính tản mạn (fragmentation),

Khi trình bầy, lan man lạc đề (digression);

Hay là dùng một từ mơ hồ một cách thật là kiểu cách, excursion (đi ra ngoài, dạo chơi, thăm thú...). Ông viết:

Tôi mong rằng lời nói và lắng nghe ở đây, chúng đan vào nhau, giống như những lối chạy đi chạy về của một đứa trẻ, quanh bà mẹ [quanh một áng Kiều, như Nguyễn Tuân  nói], và mỗi lần chạy về như thế lại mang cho bà một viên sỏi, một sợi len, đứa bé vẽ quanh bà mẹ một vườn chơi, ở trong vườn, viên sỏi, sợi len mang về không quí bằng niềm háo hức của đứa bé.

Trong một bài tạp ghi, làm sao mà gửi tới người đọc, một món quà, là niềm háo hức, mong ước (le désir), mà đứa bé trải lên những lối đi về, quanh bà mẹ….

[Tạp ghi, hay Tản mạn mà được như thế thì thật thích, nhỉ?]

Kính,

NQT

Chú thích:

Về từ ‘vi tính’ có một từ thay thế, thật tuyệt hảo, nhưng trong nước e không thích. Đó là từ “Pi-Xi” [PC].

Tôi nghi là ai cũng nghĩ đến từ này, nhưng lại ngại không dám nói ra.

 NQT