logo




3.9.2005
Nguyễn Quốc Trụ

Ý kiến ngăn ngắn, về hai bài viết

Về bài của Tiêu Dao Bảo Cự:

Cái ghi chú của TDBC, theo tôi, dở. Tác giả tin tưởng vào đâu, khi viết, “quan điểm của người viết về vấn đề có lẽ đã được trình bày rất rõ ràng”? Chính vì nhận thấy, không rõ ràng, cho nên mạo muội có những dòng này. Vả chăng, tại sao lại sợ, chuyện «sẽ có ngộ nhận hay cố tình vu cáo, quy kết người viết là bênh vực cho tội ác màu da cam hay xúc phạm đến sự hi sinh của những Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm, những liệt sĩ của cả hai miền Nam Bắc trong cuộc chiến vừa qua.»? Viết, là «chấp» luôn chuyện này, vậy mới «bảnh» chứ?

Điều tưởng rõ ràng, nhưng chưa rất rõ ràng, là nhận xét của TDBC về hiện tượng Trâm Thạc, khi coi đây chỉ là tuyên truyền. («Điều đặc biệt là các vụ việc này lại do những người nước ngoài khởi phát (trừ nhật ký Nguyễn Văn Thạc) và nhà cầm quyền đã nắm lấy cơ hội đó, một cơ hội bằng vàng, để tiến hành một đợt tuyên truyền rầm rộ quy mô chưa từng thấy, tác động lớn đến dư luận. Mục đích sâu xa của việc tuyên truyền này, xét kỹ, chính là để một lần nữa, giành lấy chính nghĩa về phần mình trong cuộc chiến đã qua và củng cố vai trò thống trị hiện nay. Qua đây ta cũng thấy được trình độ bậc thầy của những người cộng sản trong nghệ thuật tuyên truyền.») Sự kiện độc giả trong nước đổ xô đọc Trâm Thạc, theo tôi, không hoàn toàn do nhà nước tuyên truyền, và đây là một hành động muốn đọc lại, xét lại quá khứ, của lớp trẻ ở trong nước, trong đó, gồm hai lực lượng chủ lực. Một, được hưởng lợi, từ hiện tượng Trâm Thạc. Một, đa số, hơi bị nó làm trở thành điêu đứng. Đây là do tò mò, và như thế, đúng là một việc rất nên khen ngợi.

Về lý tưởng Thép đã tôi thế đấy, mà lại bị phản bội, trong bài viết của Trần Trung Đạo

Tôi sợ rằng, có cái sự phản bội, là do Thép đã tôi thế đấy! Chính cái lý tưởng cao ngất trời kia, ngồn ngộn trong những trang nhật ký, của Trâm Thạc, của Bùi Minh Quốc, của «Đường ra trận mùa này đẹp lắm»… đã đưa đến nỗi cay đắng đoạn trường hiện nay.

Đây là hiện tượng “Chúa sẩy thai”, như tôi có trình bầy, trong một bài viết trên trang nhà của tôi, trang Tin Văn, tanvien.net: Đọc «Hóa thân» của Kafka, áp dụng vào cuộc chiến Việt Nam. Trang này, do server chưa lấy được tiền, nên đang bị treo.

TDBC, có vẻ như cũng có cùng ý nghĩ như vậy, khi cho rằng, ở Miền Nam, do thép chưa được tôi như thế đó, nên đã có những con người chọn cho họ một cái nhìn khác với của chính quyền, bây giờ trở thành thây ma, là VNCH.

[Trích talawas]

Tuồng ảo hóa đã bầy ra đấy.

 Đọc lại ý kiến ngắn của chính mình, về bài viết của TDBC, tôi giật mình, tự hỏi, chẳng lẽ ‘trứng khôn hơn rận’, kẻ ở ngoài bầy đặt lên lớp kẻ ở trong, vốn rất rành những đòn phép của nhà nước ta, nhất là khi vớ được dịp may bằng vàng, cơn sốt nhật ký thời chiến?

 Tự hỏi như vậy, ấy là do tình cờ đọc bài của Kate Brown, điểm cuốn Chính Trị Aỏ - Ngụy tạo dân chủ trong thế giới hậu Xô viết, tác giả Andrew Wilson, [Virtual Politics: Faking democracy in the post-Soviet world, 332 trang, nhà xb đại học Yale University Press, 20 Anh Kim], trên tờ TLS số đề ngày 5 Tháng Tám, 2005.

Nhan đề bài đọc sách mới thật là thú vị: Làm đếch gì có chuyện đó!
[It never happened: Potemkin politics and post-Soviet democracy].

Cuốn sách trên bầy ra một sự thật thật đau lòng: những hành động khủng bố, thí dụ như thảm kịch năm 2003, tại nhà hát Moscow Dubroka Theatre, là đã được đám lực luợng mật vụ dàn dựng, nhằm những mục tiêu chính trị. Sau khi trình diễn, kẻ âm mưu lẫn tên khủng bố sống sót đều được lén trả tự do, hẹn gặp lại trong lần tới, trong một kịch bản mới.

Tôi tự hỏi, không chỉ là tuyên truyền bậc thầy, như TDBC chỉ ra, mà còn là trình diễn bậc thầy, của nghệ thuật nguỵ tạo lịch sử?

Thì huyền thoại đuốc sống Lê Văn Tám còn sờ sờ ra đó!

NQT