*




Ý kiến nhỏ về bài viết mới của HL

Đọc bài viết mới đây của Hai Lúa/Gấu tôi thấy làm sao đó, phần lý luận có vẻ trật trìa, lạng quạng [mượn lại chữ của Hai Lúa]. Chẳng hạn đoạn này:

“Nhưng một khi mô tả một nhân vật y chang một nhân vật có thực ở ngoài đời, rồi sau đó, bị chính người đó chất vấn, lại trả lời là tôi hư cấu, chỉ nội chi tiết đó, là để lộ ra cái tâm của người viết rồi. Sartre đã từng phải lên tiếng xin lỗi, vì tên một nhân vật trong một vở kịch của ông trùng với tên một con người có thực ở ngoài đời. Một khi bạn cố tình nhập nhằng giữa giả tưởng và sự thực, là vứt đi. Theo tôi đây mới là thất bại lớn của cuốn tiểu thuyết. Chỉ một chi tiết như vậy làm đổ cả một tác phẩm văn học. Bạn có nói gì thì nói, độc giả sẽ không tin bạn nữa, vì bạn đã vi phạm một trong những giao ước quan trọng giữa người đọc và người viết, giữa giả tưởng và sự thực.”

Theo tôi, tất cả những gì tác giả viết trong một cuốn tiểu thuyết, là giả tưởng. Bởi nó là tiểu thuyết chứ không phải hồi ký. Sự lầm lẫn [Cái lộn, như chữ của người viết thư này] giữa thực và tưởng là chuyện của người đọc. Hiểu ngược lại lời Hai Lúa, thì chính cái lộn của người đọc lại là thành công của tác phẩm.

Hơn nữa chẳng có một giao ước nào giữa người đọc và người viết. Khi đã không có giao ước thì làm sao có những giao ước quan trọng? Nếu tôi hiểu sai, xin HL chỉ giùm, những giao ước giữa ông và độc giả về những tác phẩm của HL, nói riêng, và những tác giả khác nói chung.

Tôi nghĩ HL dường như có thành kiến về MBĐ hay cá nhân NMG. Với tôi, MBĐ có nhiều cái yếu, nhưng điều HL dẫn trên khó thuyết phục, đó là cái thất bại lớn nhất của tác phẩm, trừ khi NQT viết một bài phê bình thực sự, với những lý luận vững chắc hơn cho điều này, chứ không phải tạp ghi, để đánh giá một tác phẩm như thế [như MBĐ?].

Email cho HL bởi vì tôi luôn đánh giá cao những bài viết của HL.

Chúc HL khoẻ, và viết đều.

Một tác giả (1)

(1) Do chưa xin phép người viết nên chưa nêu tên. (2)


Phúc đáp:
Cám ơn bạn.
Sẽ có bài trả lời sau.
Trân trọng
NQT

(2) Cám ơn.... Không cần để tên... Rất mong được đọc bài trả lời....
Kính
Một tác giả.


Realism, in a narrower sense, was a method of gaining reality for the novel.
Canetti: Realism and New Reality
Chủ nghĩa hiện thực, theo một nghĩa hạn hẹp, đã là một phương pháp nhằm làm sao có được thực tại cho tiểu thuyết.

Hơn nữa chẳng có một giao ước nào giữa người đọc và người viết. Khi đã không có giao ước thì làm sao có những giao ước quan trọng?

Theo tôi, cái giao ước quan trọng nhất, và nhất quyết không được quyền vi phạm, nếu anh là một nhà văn có đạo đức, là, không được cố tình lẫn lộn giữa giả tưởng và sự thực. Hay nói như Nabokov: Coi giả tưởng là sự thực, là sỉ nhục cả hai món đó. (1)
(1) Literature is invention. Fiction is fiction. To call a story a true story is an insult to both art and truth. Nabokov, Good Readers and Good Writers.
Tôi nghĩ HL dường như có thành kiến về MBĐ...
Mùa Biển Động, trường thiên tiểu thuyết của NMG, theo tôi, đã vi phạm cái giao ước trên đây, giữa người đọc và tác giả, giữa giả tưởng và sự thực, khi cố tình để cho một nhân vật mang tên một con người có thực ở ngoài đời, vào đúng lúc xẩy ra những sự kiện như được mô tả ở trong tiểu thuyết.

Ông nói, " Đạo đức là cấu trúc. Tôi chỉ có một sự tò mò lớn lao là hiểu biết những con người, một ao ước lớn lao là khai phá". Ông tính đem đến cho cái từ "đạo đức" này một ý nghĩa chi?
Naipaul: Một nhà văn mất mẹ nó ý thức đạo đức ở trong tác phẩm chẳng là gì dưới mắt tôi, tôi chẳng thèm quan tâm tới thứ nhà văn này. Evelyn Waugh? Tay này có một tham vọng đạo đức? Làm gì có. Nếu có, thì đó là cơ hội. Proust? Bạn đặt trọng tâm đạo đức tác phẩm của ông ta vào chỗ nào? Một thứ kịch xã hội?
Ông thực quá khắt khe với Proust.
Bà vợ, Nadira Naipaul, [tố thêm]: Còn Gabriel Garcia Marquez? Một thằng cha bất lương, bạn của lũ bạo chúa. Salman Rushdie hả? Một gã thủ dâm trí thức.
Vào năm 1967, trong cuốn Lần Viếng Thăm Thứ Nhì, một thứ phóng sự về Ấn Độ, ông đã từng nói: "Tất cả những tự thuật Ấn Độ đều được viết bởi, vẫn chỉ có một người: dở dang". Phải chăng, đây là định nghĩa Willie? [nhân vật chính trong Nửa Đời Nửa Đoạn, La Moitié d'une vie, tác phẩm của Naipaul].
Vâng, đúng như vậy. Cám ơn đã để ý tới điều này.
[Tạp Chí Văn Học Pháp, số Tháng Chín 2005. Naipaul trả lời phỏng vấn]

*

Tôi nghĩ HL dường như có thành kiến về... cá nhân NMG

Hai Lúa xin trích lại một đoạn đã viết về NMG, và sau đó, xin hầu chuyện thêm.

Nguyễn Mộng Giác, ở ngoài đời, là một người rất chí tình với bè bạn. Tôi sở dĩ viết lại được, và lại có được tí tên tuổi, là nhờ “bạn ta”, qua tờ Văn Học của ông. Thời gian giữ mục Tạp Ghi, tình trạng của tôi rất khó khăn về nhiều mặt, vật chất, tinh thần, và sức khoẻ. Khi đó, tôi ở Vancouver, sau một thời gian làm công nhân cho một hãng chế biến đồ biển, do suốt ngày ngâm hai chân trong nước lạnh, tôi bị bịnh tim, phải nghỉ việc, ăn trợ cấp xã hội, và...  viết tạp ghi cho VH. Căn hộ tôi mướn, thuộc một building đa số là dân nghiền, hở một chút là mất cắp, hộp thư chung của building, không hiểu làm sao, bọn đó mở được, và chôm hết thư từ, ngân phiếu..
Ngân phiếu, money order, của ông Giác gửi cho tôi, một lần lọt vào tay chúng, cho dù tôi thường xuyên ở nhà, mỗi ngày mỗi đợi nhân viên bưu điện ghé building, ông ta vừa đi là bèn mở hòm thư riêng trước khi kẻ cắp họp chợ.
Lần đó, NMG đã phải gửi một ngân phiếu thứ nhì.
Tức là trả tiền bài viết tới hai lần.
Thư Gửi Bạn Ta

*
*

Danilo Kis kể chuyện tiếu lâm, thời gian ở Paris, ông nhận "thư nhà", từ Nam Tư, một phong bì dán tem, đóng dấu bưu điện hẳn hoi. Mở ra, trang thư thứ nhất, là con dấu, với những dòng chữ như sau:
Thư này không bị kiểm duyệt.

Câu chuyện tưởng như đùa đó thực sự đã xẩy ra, với một ông Danilo Kis mũi tẹt nào đó, về nước, mang những trang sách đã từng được xuất bản tại hải ngoại, để được đóng dấu chứng nhận: Những trang sách này ở hải ngoại chưa "bị", nay xin "được" kiểm duyệt!

Nhưng biết đâu đấy, ông Kít mũi tẹt này sẽ trả lời, nhập gia tùy tục, cái nước mình nó thế! Nếu bãi bỏ kiểm duyệt, thì ai cũng như ai, làm sao phân biệt được... kiệt tác?

Bạn đừng cho là Hai Lúa này nói dỡn. Chuyện sau cũng đã thực sự xẩy ra, ở trại tị nạn. Một ông tự nhận là thi sĩ, đi thanh lọc, trình ra một mớ thơ con cóc. Anh thanh lọc viên biểu thông ngôn người Việt dịch, theo kiểu mô-tà-mô. Anh ta la lên, thơ thế này đâu có thuộc trường phái Chống Cộng Điên Cuồng? Ông chuẩn thi sĩ bèn giải thích: Thơ của tui là thơ dân tộc, thơ về nguồn, mà VC chúng nó vô tổ quốc, vô thần, rất sợ về nguồn. Cái này còn hơn thơ phản động. Anh sinh viên luật người Thái gật gù, nó nói có lý, cho nó đậu thanh lọc!
Thế là anh chàng kia bèn tuyên bố vung lên, từ nay trở đi, thằng nào dám nói, tao không phải thi sĩ? Tao đã được Cao Uỷ Tị Nạn công nhận rồi đấy nhé!