tt
Hoàng Dược Thảo
&
Thảo Trần

Tác giả Tác phẩm










Nobel Sám Hối


Nhân bài dịch của Thụ Nhân về giá trị giải Nobel văn chương. 

Việc trao giải Nobel cho một nhà văn chẳng mấy ai biết, thí dụ như năm nay, và luôn cả mấy năm trước, theo thiển ý, là một trong những chuyển hướng lớn lao nhất của Hàn Lâm Viện Thụy Điển, và - vẫn theo thiển ý – nó xoay quanh trục Lò Thiêu, và câu nói nổi tiếng của nhà văn, nhà học giả Đức gốc Do Thái, Walter Benjamin, một nạn nhân của Nazi:

Mọi tài liệu về văn minh là một tài liệu về dã man. (1).  

Mượn hơi men từ câu của ông, ta có thể cường điệu thêm, và nói, Nobel mấy năm gần đây, là Nobel của văn chương sám hối.

Khi Kertesz được Nobel, ngay dịch giả qua tiếng Anh hai tác phẩm của ông, trong có cuốn Không Số Kiếp, cũng không nghĩ tới chuyện ông được Nobel. Katharina Wilson, dạy môn Văn Chương So Sánh (Comparative Literature, Đại học Georgia), trong một cuộc phỏng vấn, ngay sau khi biết Kertesz được Nobel, cho biết, bà thực sự không tin, không thể tưởng tượng được lại có chuyện đó. "Tôi luôn luôn nghĩ, đây là một nhà văn hảo hạng (first rate), một thiên tài theo kiểu của ông ta, nhưng tôi chẳng hề tin, ngay cả chuyện ông được đề cử (nominated), đừng nói đến chuyện được giải Nobel.

Khi Cao Hành Kiện được, cả khối viết văn bằng tiếng Anh dè bỉu, chưa kể đất mẹ của ông, là Trung Quốc, cũng nổi giận: Thứ đó mà cũng được Nobel, hử? Rõ ràng là có mục đích chính trị!

Nhưng Nobel quả là có mục đích chính trị, và đây mới là chủ tâm của nó, theo tôi. Chính trị như là đỉnh cao của văn chương, chính trị theo nghĩa của câu nói của Benjamin.

Hãy nhớ lại những lời tố cáo nước Áo của bà  Elfriede Jelinek. Bà đã gây tranh cãi dữ dội, vào năm 1980, vì lời tuyên bố: Áo là một quốc gia tội phạm, vì đã từng tham gia vào các tội ác của phát xít Đức [theo một bài viết trên BBC]. Khi trao giải những người như Kertesz, như Jelinek, hay Cao Hành Kiện, chúng ta nhận ra có sự sám hối ở trong đó. Có thể nói, trong số những người cùng được vinh danh, có Walter Benjamin. Có đế quốc Áo Hung, mà những nhà văn  như Đức gốc Do Thái, Jopseph Roth đã từng coi như đây là “nhà” của mình, hay như Freud đã từng than [qua bài viết của J. M. Coetzee, điểm Tập Truyện Ngắn của Joseph Roth, The Collected Stories]:

“Áo Hung không còn nữa”, Sigmund Freud viết cho chính mình, vào Ngày Đình Chiến, năm 1918: “Tôi không muốn sống ở bất cứ một nơi nào khác… Tôi sẽ sống trong què cụt như vậy, và tưởng tượng mình vẫn còn đầy đủ tứ chi.” Ông nói không chỉ cho chính ông  mà còn cho rất nhiều người Do Thái của văn hóa Áo-Đức. Sự chia năm sẻ bẩy cựu đế quốc, và cùng với nó, việc vẽ lại bản đồ Đông Âu tạo nên những quê hương mới dựa trên sắc dân, chủng tộc - làm bật ra một sự kiện thê thảm: Người Do Thái không làm sao chỉ ra, chỗ này, chỗ kia, vốn xưa kia là nhà của tổ tiên họ. Họ không có nhà riêng trong một Đông Âu mới mẻ đó. Trước đó, họ vẫn coi cái đế quốc Áo Hung, như là nhà của họ, hay nói rõ hơn, cái nhà nước đế quốc siêu quốc gia cũ đó hợp với họ. Sự tái sắp xếp thời hậu chiến là một tai ương với người Do Thái. Và những năm đầu tiên của nhà nước Áo mới mẻ, ốm yếu bịnh hoạn, với sự thiếu hụt thực phẩm, nạn lạm phát là mất tiêu bao chắt chiu dành dụm của tầng lớp trung lưu, bạo lực trên đường phố giữa những lực lượng địa phương, phe nhóm…  chỉ làm tăng thêm nỗi khốn khó của họ. Một số đã nhìn về Palestine như là một nhà nước [a national home]; những người khác quay qua cầu cứu chủ nghĩa siêu quốc gia cộng sản. Cũng vậy khi trao cho Cao Hành Kiện là vinh danh sự sống sót của “chỉ” một con người, trong cuộc chiến chống lại lịch sử của đám đông.

Với riêng tôi, mấy giải Nobel những năm gần đây mới thực sự là Nobel văn chương. Nó thật đúng với tinh thần của người khai sinh ra nó. Giải thưởng được trao cho người nào sản xuất ra trong địa hạt văn chương tác phẩm nổi tiếng có ý hướng lý tưởng, [an award to 'the person who shall have produced in the field of literature the most outstanding work of an idealistic tendency'].
Nên nhớ, Nobel, do hối hận vì đã sáng chế ra thuốc nổ, tưởng là để giúp, mà hóa ra hại nhiều cho người đời, mà đặt ra giải thưởng này.

Trong tinh thần 'đổi mới' đó, nhà văn Việt Nam nhiều hy vọng đoạt giải văn chương Nobel, trong tương lai, là Dương Thu Hương.

Chắc chắn sẽ lắm người phản đối. Có thể “cả một quốc gia” phản đối. Không chỉ ở trong mà còn ở cả ngoài nước phản đối. Thứ đó, đâu phải văn chương, mà là chính trị, mà là phản động, mà là "Chống Cộng Cuội"!
Nhưng như đã nói ở trên, Nobel là chính trị trước đã. Phải có “cái tâm”, rồi hãy: viết gì thì viết.

NQT

Chú thích: (1) Bản tiếng Pháp: “Il n’est aucun document de culture qui ne soit aussi document de barbarie” [Trong lời giới thiệu tác phẩm Đường Một Chiều, Sens unique, [tác phẩm của Benjamin, tủ sách 10/18, domaine étranger], của Jean Lacoste.