*








Giới thiệu nhà văn Áo, Joseph Roth (2)

 Hành Khúc Radetzky,

Đường Ra Trận Mùa Này Đẹp Lắm! 

The Radetzky March, cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất, và cũng là tác phẩm độc nhất Roth viết mà không bị thôi thúc [1], là câu chuyện liên tiếp ba đời của dòng họ Trotta, cả ba đời đều hầu nhà vua: đời thứ nhất, là anh lính quèn cố kiếm được tí phẩm giá nhờ một hành động anh hùng; đời thứ nhì, viên chức hành chánh cao cấp, cấp quận huyện; thứ ba, sĩ quan cao cấp mà cuộc đời biến thành vô tích sự, khi sự bí ẩn vương quyền Habsburg buông ông ra [nghĩa là hết còn chú ý tới ông], và rồi cứ thế tàn lụi, không con cái nối dõi, ở trong cuộc chiến.

 Lớp lang hoạn lộ, con đường công danh ba đời dòng họ Trotta phản ánh con đường của đế quốc. Lý tưởng phục vụ hết mình cho vương quyền ở đời Trotta thứ nhì không truyền được tới đời thứ ba, không phải vì đế quốc đi trật đường rầy, không đạt được mục tiêu mà nó đề ra, nhưng mà là, có một cái gì đó thay đổi trong không gian, và chính thay đổi này làm cho chủ nghĩa lý tưởng “vua biểu chết là… chết”. [“Đảng biểu, sinh bắc tử nam”!] không còn thích hợp nữa. [Sự thay đổi ở trong không khí này là khởi điểm cho cuộc phân rã Cựu Đế quốc Áo, ở trong tác phẩm Người Không Phẩm Chất (bản tiếng Anh, The Man Without Qualities) của Robert Musil]. Anh chàng Trotta trẻ, sinh vào thập niên 1890 có thể đại diện cho Roth và Musil [“Der Leutnant Trotta, der bin ich”: "Đại Uý Trotta, chính là tôi"!]. Nhưng chính cha của anh, cuối đời không chỉ nuốt những thất bại của con, nhưng – nhờ nuốt nhục nhã – mà khám phá ra một điều là, những nghĩa cả cả đời ông ta theo đuổi đã trở nên lỗi thời [độc giả người Việt cứ như gặp một ông tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp ở đây: người ta chẳng đã hơn một lần được nghe những ông vi-xi của thời hậu-đại thắng mùa xuân than thở, tại sao cái đám cha ông của chúng mình… ngu đến như thế!]. “Đường ra trận mùa này đẹp lắm,” đẹp bao nhiêu ngu bấy nhiêu, có thể nói như vậy chăng, và cái hậu quả là, ông bố của đại uý Trotta - độc giả người Việt chúng ta cứ ban cho ông ta cái tên “tướng về hưu”- đã trở thành nhân vật bi thương nhất [the most tragic figure, chữ của Coetzee], trong khúc quân hành “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” [The Radetzky March]. Điều này còn cho thấy, tác giả của nó, Roth, là một nghệ sĩ, chứ không phải là người lên tiếng xin lỗi cho cuộc chiến vừa qua – ấy chết - xin lỗi cho đế chế Habsburg, như sau này Roth tự nhận.

 Trong vũ trụ của Roth, chính những con người ở bờ rìa đế chế, lại là những con người tin tưởng nhất vào nó, [thì cũng vẫn theo kiểu ăn cơm Sài Gòn, mà cổ thì vươn ra tới tận… Hà Nội!]. Dòng họ Trotta, những con người Áo Hung đó, không phải là người Đức, mà gốc gác Slovania. Một trong những người da đỏ  “Mohican” cuối cùng của bộ lạc này, sống sót, và xuất hiện ở trong Die Kapuzinergruft (1938, đuợc dịch sang tiếng Anh là “The Emperor’s Tomb: Mộ Đại Vương], một  tiếp nối mờ nhạt của hành khúc Đường Ra Trận Mùa Này Đẹp Lắm. Đây là cái kết cục bi đát của đế chế, rơi vào thói vô liêm xỉ (xì níc), thoái hóa, của một thành phố Vienna sau chiến tranh.

 Trong thời gian đó, bà vợ Friederike Roth bị bịnh tâm thần và phải nhập viện. Bà trải qua thập niên 1930 ở dưỡng trí viện tại Đức và Áo. Khi Nazi nắm quyền, bà là một trong số những người được lọc ra để “chết một cái chết không đau đớn” [euthanized].

 Sau cùng, vào năm 1933, Roth rời Đức, và sau khi ngao du loanh quanh Âu Châu, ông dừng bước giang hồ tại Paris. Tác phẩm của ông được dịch ra chừng trên một chục ngôn ngữ ngoại; có thể nói, ông là một tác giả thành công. Tuy nhiên, tình trạng tài chánh của ông thì thật là ngao ngán. Hơn nữa, ông còn là một bợm nhậu hạng nặng, kinh niên, và vào khoảng giữa thập niên 1930, ông đành phó thác cả linh hồn lẫn thể xác của mình cho ma men quản lý. Tại Paris, ông đặt căn cứ địa của mình tại một bar rượu, ở ngay trong khách sạn, ở đó, ông uống, viết, và vui chơi với bè bạn.

 Thù nghịch, với cả hai, phát xít và cộng sản, ông tự cho mình là một tay Cà-Tô-Lích [Catholic], và tự mình liên luỵ vào những trò chính trị bảo hoàng, nhất là đã cố gắng tìm cách đưa Otto von Habsburg, vị cháu chit của vì vua cuối cùng, lên ngôi. Vào năm 1938, trước đe dọa bị sáp nhập vào Đức, ông tới Áo, như là người đại diện của phe bảo hoàng, để dụ khị nhà cầm quyền trao chức thủ tướng cho Otto. Chẳng ai thèm nghe, ông trở về Paris kêu gào thành lập lực lượng Austrian Legion, nhằm giải phóng Áo bằng vũ lực.

 Cơ hội đi Mẽo đã tới với Roth, nhưng ông bỏ qua cho chúng đi luôn. “Tại sao bạn nốc dữ như vậy?”, một ông bạn lo lắng giùm ông. “Không nốc thì làm gì bi giờ cơ chứ? Chẳng lẽ bạn cho rằng, có thể thoát. Ngay cả bạn, nốc hay không nốc, rồi cũng đi tàu suốt mà thôi!”, ông trả lời.

 Với những độc giả Việt Nam thường quan tâm tới văn học Việt Nam, và số phận hẩm hiu của những nhà văn An Nam khổ như chó, nhất là của những người thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, đặc biệt là Văn Cao: họ đều mang bóng dáng những nhân vật của Roth, đều cưu mang những đề tài của Roth. Chúng ta cứ tự hỏi, tại sao ông [Roth] không thể đi Mẽo: hãy giả dụ một ông Văn Cao di cư vào Nam, và sau đó vượt biên rồi nhập tịch Mẽo, là thấy ngay sự tiếu lâm của nó! Đề tài cuốn Vị Khách Mời Của Trái Đất [Tarbaras, The Guest on Earth], của Roth, thật hợp với Văn Cao, nhưng với rất nhiều khác biệt. Đây là câu chuyện, một ông giết người sau đó trở thành thánh, và vì ông giết người, sau thú tội, và là người độc nhất thú tội, nên mới trở thành thánh! Như lời giới thiệu trên trang bìa [ấn bản bìa mỏng xuất bản lần thứ nhất, năm 2002, nhà xb The Overlook Press, New York]: Đây là một truyền thuyết xẩy vào những năm đầu Cách Mạng Nga, câu chuyện một người nông dân Nga, ngay từ nhỏ được một bà thầy bói tiên đoán số mệnh: sẽ trở thành một kẻ sát nhân, và một vị thánh. Dưới bàn tay phù thuỷ của Roth, cả một giai đoạn hung bạo của lịch sử đã được nhét vào một “lỗ đen”, là số phận của một con người. Hay như nhân vật trong cuốn Nhà Tiên Tri Thầm Lặng, The Silent Prophet, dựa vào cuộc đời một nhân vật có thực ở ngoài đời là Trotsky, qua đó, Roth khẳng định, cuộc đời [của nhân vật chính] Kargan chỉ có một tí dây mơ rễ má với sự kiện lịch sử, như bất cứ một cuộc đời thực nào khác. Nhất quyết, nó không được đưa ra nhằm để chứng minh một quan điểm chính trị, nhưng mà là một chân lý muôn đời, cổ xưa, là, một cá nhân luôn thất  bại, vào lúc sau cùng [... at most, it demonstrates the old and eternal truth that the individual is always defeated in the end].

 Is Friedrick Kargan destined finally to sink into oblivion?

Chẳng lẽ số mệnh của Friedrick Kargan là sau cùng chìm vào quên lãng?

 Theo nghĩa đó, Nadine Gordimer, nhà văn Nam Phi, Nobel văn chương, trên tờ Điểm Sách Nữu Ước, coi toàn bộ tác phẩm của ông, một “tragédie humaine”,  Bi Kịch của Con Người, được viết bằng kỹ thuật giả tưởng hiện đại. Và ngoài Roth ra, không nhà văn hiện đại nào, ngay cả Thomas Mann, tới gần được cái toàn thể, mục tiêu bất khả của chúng ta – our impossible aim - theo nhà phê bình Mác xít G. Lukacs.

 Jennifer Tran

 Chú thích: [1]. Ngoài The Radetzky March, còn Huyền Thoại về Ông Thánh Say, The Legend of the Holy Drinker, được coi như là cuốn sau cùng của Roth, đã được viết một cách nhẩn nha, [chừng trên 200 trang, chữ khổ lớn, viết trong vòng 4 tháng đầu năm 1939, tức là năm Roth mất], với thú vị và hãnh diện, như ghi chú của Michael Hofmann, khi dịch Huyền Thoại Ông Thánh Say, và dịch giả  nhận xét thêm về Roth: Đôi khi, rõ ràng là Roth không còn có lý do gì nữa để mà tiếp tục còn sống [to remain alive]. Là một nhà văn mà phải lưu vong, chỉ là phụ, nhưng quá nữa, ông là một người chẳng còn một tí viễn tượng, chẳng còn trông mong gì nữa, về chính con người là mình. Thường xuyên bị đe dọa, về chính trị, kinh tế, cảm xúc, và thể chất. Ma men tàn phá sức khỏe của ông. Vào năm 1938 ông bị tim quật [heart attack], và chỉ lê lết chừng vài bước. Ông đưa ra luận cứ, rằng, rượu làm ngắn đời ông, nhưng cũng thật may, là nhờ nó mà ông vẫn còn sống, trong điều kiện ngắn hạn. Và để chứng minh luận cứ này, ông làm việc cật lực. Sau khi khách sạn mà ông yêu quí, Hôtel Foyot, trong vòng 12 năm đã là “nhà” của ông, bị ủi sập, vào năm 1937, ông dời tới khách sạn Hôtel de la Poste, trong một căn phòng nhỏ hẹp đến nỗi, té xuống giường, là đã thấy ở hành lang, té thêm cái nữa, là đã thấy ở quầy rượu, tức là nơi ông qua nốt thời gian còn lại của một ngày, và của đêm, không ngừng làm cả hai việc: vừa uống vừa viết. Bạn bè, văn hữu của ông thưòng là chết trong những trường hợp thật là “nhảm” [grotesque: kỳ quái, kệch cỡm…]. Trong lần đi đám tang Horvath, ông bảo bạn bè, nhớ đừng quên đọc điếu văn cho ông, trong lần tới. Chính cái chết của một người bạn khác, nhà soạn kịch Ernst Toller [tự tử]  đã quật ngã Roth.

Thật là một phép lạ, trong những hoàn cảnh như thế đó, mà Roth vẫn có thể viết, mà không phải viết dở, viết tệ: Huyền Thoại Thánh Say lấp lánh, duyên dáng, tuyệt vời… Từ ‘huyền thoại’ [legend], theo định nghĩa đầu tiên của nó, nghĩa là “cuộc sống của một vị thánh’, thực khó mà coi ma men Andreas, nhân vật chính trong The Legend of the Holy Drinker, là một vị thánh. Nhưng có nhiều thứ thánh ở trên đời, những ông thánh mà không phải là thánh…