*
 
Tạp Ghi




 

Nếu đi hết biển.

II

Còn ở hải ngoại này thì không một ai dí súng vào màng tang bắt viết, thì hà cớ gì phải vừa viết vừa cảnh giác đề phòng cộng đồng biểu tình chống đối?
Hoàng Khởi Phong, trả lời Trần Văn Thuỷ: Ở hải ngoại này có tự do sáng tác hay không?

Theo tôi, quả là có nỗi sợ bị "dí súng vào màng tang", ở một số nhà văn hải ngoại, ở những thời điểm nóng bỏng của nó.


Tôi còn nhớ, thời gian trước 1975, khi phụ trách trang Văn Học Nghệ Thuật cho nhật báo Tiền Tuyến, cũng là thời gian Vũ Hạnh bị bắt, vì bị tình nghi là Việt Cộng. Như để chứng minh một điều, rằng, chuyện đó chẳng ảnh hưởng gì tới Vũ Hạnh, như là một nhà văn, tôi đã điểm cuốn vừa mới ra lò của ông lúc đó, là cuốn Bút Máu. Vì là báo quân đội, và người phụ trách khi đó là "sĩ quan" Dzư Văn Tâm [sau ông trao lại cho Huỳnh Phan Anh và tôi], cho nên ông  khuyên tôi, có lẽ nên bỏ bài đó đi. Tôi cứ để nguyên. Nhà thơ, có thể nghĩ, như vậy mới đúng, nên đã cho đăng.

Khi tôi viết mục Tạp Ghi cho tờ Văn Học,của Nguyễn Mộng Giác, và đưa ra một số ý kiến riêng về vấn đề giao lưu hòa giải, và nhất là đã có những dòng "khen  ngợi" một số nhà văn ở trong nước, như Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp.... Nguyễn Mộng Giác nói: Nếu trước đây, mà anh viết như vậy, là "tụi nó" làm thịt anh rồi!
Nhân đó, tôi hỏi về vụ Mùa Biển Động. Anh nói, nếu không dính đến ["đại cuộc" là] vụ HCM,  tôi đã không làm cái chuyện "xin lỗi"...

Tôi suy ra một điều: Một số nhà văn miền nam ở hải ngoại, nói chuyện giao lưu hòa giải sớm sủa nhất, đều là những nhà văn Việt Nam Cộng Hoà, theo nghĩa, họ băn khoăn nhiều nhất về chế độ đó. Trong tận cùng bản chất,  họ là những nhà văn Việt Nam Cộng Hoà.
Đây là một điều trái khoáy, ngược ngạo, mà ít ai nhận ra, theo tôi.

Thanh Tâm Tuyền là người đầu tiên thực tâm muốn viết về người lính VNCH, nhưng cũng là người đầu tiên từ bỏ ý định đó, qua nhân vật Đạo, trong một truyện dài mà ông bỏ dở. Và sau đó, lại bỏ dở một chuyện dài khác nữa, một thứ giống như tự truyện, viết về những ngày đầu tiên ở trong quân trường, của một người "già" do lệnh tổng động viên nên bị gọi lính trở lại, giữa một đám thanh niên không cùng tuổi với mình, nhưng chịu cùng chung một số phận.
 
Trong tận cùng bản chất,  họ là những nhà văn Việt Nam Cộng Hoà. Trường hợp điển hình nhất: Khánh Trường, và truyện ngắn: Có Yêu Em Không.

Truyện này đã được dịch qua tiếng Tây, nhưng theo tôi, dịch giả đã không nắm được tinh thần của truyện, nên đã làm hỏng nó. Cái truyện ngắn của KT, nó giống như truyện ngắn Con Thú Tật Nguyền của Nguỵ Ngữ, Ngoại Ô, Dĩ An, và Linh Hồn Tôi, của Cung Tích Biền, Dọc Đường của Thanh Tâm Tuyền, chúng đòi hỏi một điều thật là nghiệt ngã: Những ai bỏ chạy cuộc chiến, là không thể nào hiểu nổi chúng.
Giống như trường hợp của G. Steiner, khi ông viết về Lò Thiêu, về cái cảm giác, số phận tôi, là phải chết cùng những bè bạn của mình ở trong đó. Nhờ ông bố nhìn xa, ông thoát chết, và thế là suốt đời, ông sống "Cái Chết Lò Thiêu."
Với những truyện ngắn trên, muốn hiểu chúng, là bắt buộc, tôi lập lại, bắt buộc, phải trải qua cuộc chiến nồi da xáo thịt đó.
Nói theo trường hợp Steiner, bạn suốt đời phải sống "Cái Chết Việt Nam" mới hiểu nổi những truyện ngắn trên.
Nói chuyện Lò Thiêu xa vời, có thể lấy ngay một câu của Linda Lê, "Tôi mang trong tôi một đứa trẻ đã chết, là Việt Nam", hình như bà đã từng tuyên bố như vậy. (1)
Một cách nào đó, có thể nói, tôi "may mắn" vì đã "hiểu" chúng. Cũng như "may mắn", vì đã ở lại, và là một trong những người thuộc loại "trâu chậm uống nước đục".
Như nhà văn Trùng Dương đã có lần than giùm: "Anh qua trễ quá, biển hết động rồi!"

(1): Tôi có cảm tưởng tôi cưu mang một xác chết. Rõ ràng, đó là Việt-nam mà tôi mang trong tôi, như một đứa trẻ chết.
     
Phỏng vấn nhân dịp phát hành Thư Chết

Tôi đọc truyện ngắn Có Yêu Em Không của Khánh Trường ở trong trại cấm Sikiew, Thái Lan, trong lúc chờ kết quả thanh lọc. Chấn động do nó gây nên, sau này phải nhớ lại, tôi thấy chẳng khác, nếu phải so với  lần đầu tiên được nghe bản Ngày Mai Đi Nhận Xác Chồng, của Phạm Duy, thời gian ở trong trại cải tạo, nghĩa là người nghe lần đầu, là tôi đó, đã có một khoảng cách thật xa với lúc bản nhạc ra đời.

Tôi vẫn thường nghĩ, có những tác phẩm, nó như không chịu gặp bạn ngay, vì nó biết rằng, gặp ngay là hỏng!

Bản Ngày Mai Đi Nhận Xác Chồng là vậy đối với tôi. Như thể nó được Phạm Duy sáng tác, để dành riêng cho tôi, bao nhiêu năm tháng sau, khi cuộc chiến đã chấm dứt, để cho tôi gặp nó, bản nhạc, ở trong một trại tù ở miền nam. Tôi nhắc lại, phải là một trại tù, ở miền nam, có thể cũng không xa lắm, cái nơi mà người vợ đã từng tới, để nhận xác chồng. 

Có thể, bởi vì tôi đã ở có lần đi nhận xác thằng em trai, tử trận tại Sóc Trăng, trước Mậu Thân một năm.

Bất thình lình, giữa chốn lao tù không biết ngày nào về, bản nhạc cất lên, và nó làm tôi sống lại những ngày tháng cay nghiệt, thê lương đó.... 

Như một "dấu báo", cho riêng tôi, truyện ngắn KT, Có Yêu Em Không, bản nhạc Phạm Duy, Ngày Mai Đi Nhận Xác Chồng, những sự kiện riêng rẽ chẳng liên quan gì tới nhau đó, lạ một điều, chúng quyện vào với nhau, xung quanh cái chết của đứa em trai. Sự kiện "giả tưởng", trung tâm truyện ngắn KT, cái xen xẩy ra ở trên gác xép, bên dưới đèn nhang khấn bái chung quanh chiếc hòm của người chết đó, đã thực sự xẩy ra, tuy không ngay bên cạnh chiếc hòm của thằng em trai tại nhà hội thị xã Sóc Trăng, nhưng cũng cách đó chẳng xa, giữa một số sĩ quan bạn bè của thằng em, và mấy cô gái làng chơi, sau này tôi được nghe kể lại, từ một người bạn, cũng sĩ quan, đã cùng đi với tôi, xuống nhận xác thằng em.

Lần về, trong khi tôi theo chiếc C130 về Sài Gòn cùng xác thằng em, cô bạn gái của nó, bà mẹ của cô gái, anh bạn đi xe đò trở về Cần Thơ, là nơi đơn vị anh đang đóng quân, chiếc xe đò đi trước xe anh bị mìn. Sau này, anh vẫn tự hỏi, hay là thằng Sĩ đã "xúi" tao đừng nhảy lên chuyến xe đầu tiên? 

Một cách nào đó, nó còn liên quan tới sự kiện giả tưởng ở trong cuốn tiểu thuyết Trăm Năm Cô Đơn, của Garcia Marquez. Bạn có nhớ cái xen làm tình giữa hai kẻ cùng huyết thống, trên chiếc võng, và bao nhiêu mồ hôi, tinh khí , máu trinh... chưa kịp rớt xuống sàn nhà, là đã bị những sợi võng nóng bỏng nuốt sạch, rồi bạn tưởng tượng ra cái cảnh ở trên gác xép trong truyện ngắn KT, và làm một cú so sánh, thì sẽ thấy, cảnh ở trong truyện KT hung bạo gấp mấy lần của Garcia Marquez:  Hãy tưởng tượng những máu lệ, những sung sướng, đau khổ, những rên xiết quằn quại của cặp trai gái... bị những tiếng cầu kinh, những sợi nhang khói nuốt sạch, không để lại một chút nào cho cái cuộc chiến khốn kiếp đó! (1)

Trong những truyện ngắn hay nhất thế giới, có một, của Nhật, kể câu chuyện, một anh chàng sinh ra, lớn lên học hành thành tài, ra đời, lấy vợ, đẻ con, sống [ngu ngốc] cái cuộc đời đầy những hạnh phúc [ngu ngốc] như thế đó, bỗng một bữa, trên đường đi làm, động đất [hình như vậy], phải chạy vội vào một ổ tạm trú. Ở đó, anh gặp một đứa con gái, dơ dáy, bẩn thỉu, thuộc loại ăn xin ăn mày trong thành phố. Trong khi chờ chết, cả hai "hì hục, hăm hở, mê mải.... làm tình" và cho tới lúc đó, anh đàn ông mới hiểu ra được "làm tình" nghĩa là gì, hạnh phúc nghĩa là gì. 

Tôi nghĩ, truyện ngắn Có Yêu Em Không của KT có cái mùi vị hạnh phúc tương tự.

Cho dù là được viết ở hải ngoại, nhưng Có Yêu Em Không là cũng từ những năm tháng đó mà ra.

Thành thử cái tay "gì đó" dịch ra tiếng Tây, đọc không được!

Đọc không được, làm sao dám dịch?

Vậy mà còn dám dịch, những "của quí" như của DTH?

Có những giây phút, những thời điểm "lịch sử" giầu có vô cùng. Khi phải nhìn lại lịch sử văn học miền nam - lịch sử của đám chúng tôi! - văn học những năm 1960 quả là giầu có vô cùng.

Chỉ với một vài truyện ngắn của nó.



Trong những năm chiến tranh, Gấu tui may mắn có được một vài dịp bỏ chạy cuộc chiến, nhưng có thể, bởi vì nó dai như đỉa đói, cho nên, cuối cùng đều hỏng cả.

Thời gian Gấu vừa làm chuyên viên Bưu Điện vừa làm "part time" cho hãng RCA, trụ sở chính ở Manila, đám chuyên viên Phi làm chung thích Gấu quá, cứ xúi, mày đi Manila đi, tụi tao nói với Sếp lo cho.

Chả là, tụi nó biết tôi suýt chết, trong vụ mìn Mỹ Cảnh, trong khi đi cùng hai người bạn Phi. Chính hai người bạn Phi vừa mới chân ướt chân ráo tới Sài Gòn đã che cho Gấu, và hứng hết những mảnh mìn Claymore, tại nhà hàng nổi Mỹ Cảnh bên bờ sông Sài Gòn, trong dịp biệt động thành chào mừng Mẽo đổ quân tại bãi biển Đà Nẵng, 1965. "Sự cố" này, Gấu tôi đã kể trong truyện ngắn đầu tay Những Ngày Ở Sài Gòn.
Chắc là chúng muốn "bắt" một thằng, "thế" cho hai thằng đã chết. Lúc này Gấu tuy chưa vợ con dầm dề, nhưng chỉ mê đi Tây. Cứ muốn "xin một tí Paris để được làm thi sĩ".

Rồi thời gian làm cho UPI, tay sếp cũng muốn tìm cách cho đi Tokyo.

Nói chung là tụi nó đều mê Gấu, không phải vì tài viết văn, mà tài sửa máy. Gấu nổi tiếng là một chuyên viên kỹ thuật, "không sửa máy bằng tay, mà bằng đầu," như một tay chuyên viên Mẽo từ California tới Sài Gòn, đã từng khen. 

Có lần, vào phút chót, tưởng đi mười mươi, lại khựng lại. Lý do khựng lại, không phải do ngoại cảnh, mà như thể có một người nào, ở bên trong Gấu, xúi bậy xúi bạ, này đừng, ra đi là... hết rồi, là khốn nạn đấy con ạ, đi là không thể nào trở về được đâu, mà có trở về, thì cũng chẳng còn gì nữa. Có nhớ chàng Lưu, chàng Nguyễn không? Đến Thiên Thai làm gì cho khốn khổ khốn nạn, khi trở về là hết đời của mình rồi! [Đào thơm đâu cần phải đến Thiên Thai mí có!]

Chỉ vào những năm gần chót đời, khi phải nhìn lại, tôi mới nhận ra một sự thực thê lương là, đời của lũ chúng tôi,  chính là cuộc chiến khốn kiếp đó!

"Đời của mi đâu rồi, hôm nay sao không đi đón mi?"
Gấu tôi chợt nhớ Bông Hồng Đen, và câu nói đùa của bạn cô, những lần Gấu tôi bận việc sở không thể đi đón, khi tan trường...

NQT

Chú thích:

(1) Cái xen ở trong Trăm Năm Cô Đơn, là như thế này:

".... Cô chỉ còn kịp cám ơn Thượng Đế đã sinh ra mình, trước khi lương tri bị chìm nghỉm trong niềm khoái lạc đê mê át cả cái đau đớn, để giãy giụa ở trong lòng chiếc võng bốc hơi nghi ngút. Cái võng như một tờ giấy thấm đã hút ngay máu trinh của cô chảy ra."

[Bản dịch của Nguyễn Trung Đức - Phạm Đình Lợi - Nguyễn Quốc Dũng, nhà xb Văn Học Hà Nội, 2000]