*






Thất Hiền
2

Thất Hiền, tức bẩy đứa bạn thời trung học chúng tôi, trừ Tín ra, là Bắc Kỳ di cư.  Và đều dân bần cố nông, ít nhiều đều có mặc cảm giai cấp.

Chúng ta đi mang theo quê hương. Tôi còn nhớ, Tết năm đó, hình như sau 1954, một hay hai năm thì phải, trên trang bìa báo Xuân tờ Tự Do, là bức tranh của họa sĩ Phạm Tăng, ghi lại ba trò chơi Xuân đặc biệt của dân miền bắc: đánh đu, đánh tam cúc, thổi cơm thi… Thất Hiền, tôi nghĩ, dù chẳng muốn mang theo, nhưng chẳng làm sao rũ ra khỏi, cái mặc cảm nhà quê, và cùng với nó, nỗi sợ đói.

Nói rõ hơn vào nam rồi mà vẫn sợ đói. Và tìm mọi cách để cho khỏi bị đói!

Với bạn Sủng, Gấu biết, trong thâm tâm bạn tôi, và anh cũng chẳng thèm giấu, là làm sao học cho giỏi, đậu cho cao, rồi bắt cho bằng được em nhà giầu, dân trường dược là tốt nhất. Làm ông chủ một tiệm thuốc tây ở Sài Gòn là giấc mộng lớn của chàng.

Và anh đã được như ý. Đời anh lấy tới hai bà vợ. Và đều là dược sĩ.

Về Sủng, tôi có một số kỷ niệm rất ư là thú vị.

Lần đó, anh mê một em, lẽ tất nhiên, phải là dân nhà giầu. Sáng sớm hôm đó, nhớ em quá, mò đến nhà. Em con nhà giầu, đâu dậy sớm nổi. Bồi mời vô phòng ăn, cho thân tình. Bếp lo phục vụ ông chủ bà chủ và các cô các cậu bữa điểm tâm. Trên bàn, là mấy ổ bánh mì nóng hổi, mới lấy từ lò ra.

Sủng chờ, chân tay dư thừa không biết làm gì, bèn cứ thế bẻ bánh mì bỏ vô miệng, một loáng, sạch cả mấy ổ!

Sủng than, chưa bao giờ gặp cái cảnh mấy anh bồi, chị bếp và gia đình ‘người yêu’ thương hại nhìn anh như bữa đó!

Lần khác, cả hai anh Sủng và Quốc gặp nạn, tại nhà anh chàng Tín.

Bữa Tín mời bạn bè đến chơi nhà đó, không có Gấu. Hình như khi đó, Gấu chưa nhập bọn thì phải.

Sủng kể, đó là lần đầu tiên, tao vô một cái toa lét của dân nhà giầu. Ở nhà, mình cứ ngồi chồm hổm. Ông bà, bố mẹ, anh em mình đều ngồi cầu kiểu đó hết, thì làm sao mình có thể tưởng tượng ra được, cái kiểu ngồi ị của dân nhà giầu nó lại khác biệt đến mức như thế!
Anh nói, bữa đó, tao vẫn ngồi chồm hỗm như ở nhà và không thể nào ị nổi!

Sau này, nghe nói, mấy anh bộ đội vô giải phóng Sài Gòn, có anh đã sử dụng cái nơi để ị đó, làm bể nuôi cá!

[Tôi viết ở đây không hề có ý xỏ xiên. Nhưng nghĩ ra được cái việc nuôi cá cảnh ở cái bô nhà cầu, thì… tuyệt thật! Thi vị, và thú vị thật!]

Còn Quốc, thì mắc cái tật lịch sự dởm. Khi người làm đưa ra món đầu tiên, kiểu ăn Tây, thường là một món ăn lỏng (?). Anh lịch sự, khen đi khen lại mãi. Bà cụ Tín bèn gợi ý, cháu dùng thêm dĩa nữa nhé…

Bữa đó Quốc chỉ ăn độc một món cháo! Đâu còn bụng để ăn món khác!

Tín, là bà con Trần Trung Dung. Anh có ông anh Trần Trung Hậu, làm ở toà án Sài Gòn. Anh sau làm bên tòa án nhà binh, uỷ viên chính phủ, như Chất, chắc vậy.

Tín thi tú tài hai cũng lận đận. Rớt mấy năm liền. Thành thử cứ đi thi, là nghĩ rớt. Lần đó, đậu, mà anh vẫn nghĩ là mình thi rớt. Tức cười, tiếu lâm như vậy đó.

Bữa đó, ra bảng. Anh cũng đi coi, cùng với ông anh. Ông anh coi giùm, nói, không có tên mày. Anh cũng chẳng thèm coi lại. Chừng mấy tiếng sau, tôi cũng ghé. Thấy tên, tôi ghé nhà mừng cho bạn. Anh ngạc nhiên, nói, tao coi rồi, rớt rồi. Tôi nói, làm gì có chuyện đó, mày đậu trăm phần trăm. Bà cụ cũng ngạc nhiên, nhưng có vẻ thú vị, nói, hai thằng ra coi lại, bác ở nhà làm món cậu Quốc bữa trước mê lắm, chờ tin mừng!

Bữa đó, cụ ôm thằng Gấu, cười: Nhà này chưa từng được ai đem cho ‘tin mừng’ như thế này bao giờ hết.

Gia đình Tín là dân đạo Thiên Chúa. Người đem tin mừng, là Gấu!

Thú thiệt!

NQT