gau

1
3


Nạn Nhân Đầu Sau 1975 Của VC
2

Lớp đàn anh trong nghề VTĐ của Gấu, như ông trường đài VTĐ Thoại Quốc Tế,  TBT, hay tay Bửu, tay Nhung…. đều tốt nghiệp trường Đại Học Kỹ Thuật Phú Thọ, ban cán sự kỹ thuật. Khi mấy ông kỹ sư viễn thông trẻ, tốt nghiệp bên Tây về, như Trần Văn Viễn, Nguyễn Quang Tuân… do nhu cầu đòi hỏi, trường Bưu Điện được thành lập, với mấy ông này là hiệu trưởng, giáo sư Trường mở ra hai ngành, kỹ thuật, và bưu vụ. Đám kỹ thuật ra trường thay thế lớp trưởng đài VTĐ đã lớn tuổi, đám bưu vụ, trưởng ty Bưu Điện.

Gấu, sau khi thi rớt vô trường Sư Phạm, ban toán, bèn nộp đơn thi vô Bưu Điện, khóa đặc biệt, học hai năm trong khi chương trình thực sự là ba năm. Học Sư Phạm ba năm ra trường, chỉ số lương tương đương với kỹ sư, còn Gấu, nếu ra trường Bưu Điện, lãnh lương cán sự, tức thuộc loại đàn em kỹ sư. Ít hơn. Thành thử, tuy đậu rồi, Gấu cũng chẳng thèm đi học, mà lại ghi tên bên Đại Học Khoa Học. Tới đầu niên học sau, Gấu đến văn phòng trường Quốc Gia Bưu Điện, khi trường này còn học ké trường Quốc Gia Thương Mại - nơi đầu đường Phạm Đăng Hưng, đối diện nhà thơ Phan Xi Cô, cũng ngay khu Nguyễn Bỉnh Khiêm-Phan Đình Phùng - để xin lại hồ sơ, tính thi lại sư phạm một lần nữa, mấy ông thư ký văn phòng, sau khi hỏi ý kiến ông thầy hiệu trưởng Viễn, bèn bảo Gấu: Sao không đi học, bởi vì nghe anh nói, năm rồi anh học MPC, thì cũng như học ở đây, năm nay vô năm thứ nhì liền, cuối năm ra trường, có bạc cắc rồi tha hồ mà học, muốn kỹ sư cũng còn được nữa là ba cái bằng khoa học đại học!

Nghe bùi tai, thế là Gấu cắp sách đi học Bưu Điện. Học đúng một năm, ra trường, làm ngay tại Trung Ương Cơ Xưởng Vô Tuyến Điện, số 11 Phan Đình Phùng, chuyên lo việc sửa chữa máy móc từ đài địa phương, thuộc các tỉnh miền nam, cao nguyên Trung Phần, gửi về, lâu lâu, do nhu cầu, đi công tác, tới đài địa phương, sửa chữa máy móc tại chỗ.
Hết hai năm, do nhu cầu Bưu Điện, được chuyển qua bên quốc tế, làm việc tại Đài Vô Tuyến Thoại quốc tế, số 5 Phan Đình Phùng, đang từ dưới đất, leo lên tầng lầu cuối cùng building số 5 , một bất động sản của người Pháp, Bưu Điện thuê nguyên tầng lầu chót, làm đài VTĐ thoại quốc tế, quốc nội, đài duyên hải, và đài nhận điện tín, lúc đó còn sử dụng tín hiệu morse.

Trên đã nói rồi, khúc ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phan Đình Phùng, nó giống như một cái lỗ đen, nén chặt cả cuộc đời của Gấu vào trong đó!