*




Mỗi trường hợp mỗi khác

Thus it is enough for the poet to be the bad conscience of his age.
(Là ý thức tự vấn của thời mình như vậy là quá đủ cho một nhà thơ)
Saint-John Perse. Diễn văn Nobel

Gửi Điểm Hẹn
JT

[Nhân cuộc tranh luận trên diễn đàn talawas về những lời tuyên bố của Nguyễn Huy Thiệp với báo chí nước ngoài, (báo Pháp), trong chuyến viếng thăm Paris của ông].


Theo tôi, ba nhà văn miền bắc, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, mỗi trường hợp mỗi khác, do hoàn cảnh của mỗi người. Chuyện ưa hoặc ghét người này, hay người kia, cũng còn tuỳ theo "khẩu vị", quan điểm của mỗi độc giả, và trên hết, còn tuỳ thái độ của người đó, đối với cả một nền văn học ở trong nước.

Nguyễn Huy Thiệp, một cách nào đó, là ý thức của một miền đất, trước cuộc chiến nam bắc. Nói khiêm tốn hơn, đây là cái nhìn của một nhà văn sáng suốt, theo nghĩa: nhà văn luôn có một quãng cách với thời đại của mình. Tướng Về Hưu chỉ là giai đoạn chót của cái nhìn sáng suốt đó (1). Một độc giả "sáng suốt" có thể nghĩ, mình "hiểu" NHT, như ông hiểu, về điều này: người dân miền bắc không thể biết sự thực về miền nam, nhưng những nhà lãnh đạo, phải hiểu, phải biết, rằng miền nam tự do hơn, so với miền bắc, mức sống của dân miền nam cao hơn, và đó chính là nguyên nhân của cuộc chiến. Cái Ác ở trong truyện của ông hoàn toàn không phải là Cái Ác của chủ nghĩa Cộng Sản, thoát thai từ tư tưởng Marx, mà là một Cái Ác "ở trong chuồng heo". Kafka đã từng nhận ra trước NHT, trong truyện ngắn Y Sĩ Đồng Quê, qua cách đọc của Amoz Oz [bài viết này đã được dịch, đăng trên báo Hợp Lưu, VHNT trên lưới, trang Tin Văn do Nguyễn Quốc Trụ phụ trách, và trên Việt Báo On Line]: Người ta chẳng biết trong nhà mình có gì, và Cái Ác nằm thu lu ở trong chuồng heo, đã bỏ hoang từ bao nhiêu năm tháng. Cái Ác lưu cữu trong những tầng sâu thẳm, từ đời nảo đời nào, của lịch sử một miền đất, được cơn gió độc là chủ nghĩa CS làm sống dậy. Theo nghĩa đó, nhà văn nữ người Nga, T. Tolstaya cho rằng Chủ Nghĩa CS không phải tự trên trời rớt trúng đầu dân Nga, mà ở trong họ, trong lịch sử lập quốc của họ.

Từ đó, quan niệm "nhà văn luôn có một khoảng cách với thời của mình," đẩy lên một nấc, có nghĩa: nhà văn là một ý thức tự vấn (a bad conscience) của thời đại, như nhà thơ Saint-John Perse đã từng phát biểu trong bài diễn văn Nobel (Thus it is enough for the poet to be the bad conscience of his age: Như vậy là quá đủ cho nhà thơ: là ý thức tự vấn của thời mình), nhưng gốc rễ của từ này, người ta có thể tìm thấy, ở trong tư tưỏng của Nietzsche.
Bởi vì, cứ giả dụ như là tất cả mọi người đều đúng, rằng cuộc chiến kết quả như mọi người mong đợi, cũng không có ông nhà văn NHT ở trong số "mọi người" đó. Solzhenitsyn đã diễn giải ý này, bằng khẳng định, nhà văn là một nhà nước trong một nhà nước, là vậy.


Dương Thu Hương là một trường hợp nhà văn dấn thân, theo như định nghĩa của Sartre. Bà tin tưởng vào chủ nghĩa cộng sản, dấn thân hết mình vào cuộc chiến. Và khi thấy sai, bà lên tiếng, và chống lại cái chủ nghĩa đã một thời mê say đó, hung bạo, mãnh liệt cũng chẳng kém lần tin đầu, vào nó. Thật giống trường hợp của Sartre, khi đã hết tin vào chủ nghĩa CS, khi thấy mình sai, tuy đã mù, ông phải nhờ bạn (đúng ra là thế hệ đàn em, André Glucksmann) dắt tới bàn, ngồi kế bên kẻ thù/bạn cũ của ông, là Raymond Aron, để cầu xin thế giới hãy giúp đỡ những người Việt bỏ nước ra đi. "Hãy cứu những xác người", ông dùng đúng những từ, đã một lần dùng, với một kẻ thù/bạn cũ khác của ông, là Camus.

Trường hợp Phạm Thị Hoài, do hoàn cảnh riêng, bà đã vượt ra ngoài hai cảnh ngộ/tình huống trên. Và bà tiếp tục cái vị thế đặc biệt của mình, ở bên ngoài, để nói về bên trong, mà theo bà, như vậy có ích hơn, theo tôi. Một "Thiên Sứ", đại khái vậy.

Còn về những lời tuyên bố của NHT mới đây, với giới báo chí Pháp, nhân chuyến ông ghé Paris ra mắt tác phẩm của ông được dịch qua tiếng Pháp, về tình trạng tự do dân chủ ở trong nước..., chúng ta nghe, đọc, nhưng đừng quá tin vào đó. Muốn biết về NHT, PTH, DTH, là phải đọc thẳng tác phẩm của họ, đừng đọc những nhà phê bình, đừng tin những cuộc phỏng vấn. Ngay cả những cuộc phỏng vấn cứ coi là trung thực, chúng cũng chỉ nói lên rất ít về con người nhà văn, như một kẻ sáng tạo. Nhà văn Naipaul, trong bài diễn văn Nobel, đã nói rõ về trường hợp này, đại khái, tôi có gì là ở trong tác phẩm của tôi. Ba thứ còn lại chỉ là đồ làm xàm. Một cách nào đó, đây là phản ứng ngược, hay sự trả thù của ông trời cũng được, tại sao mày dám "sáng tạo", như tao? Và ông trời trả thù bằng cách, cho người đó nổi tiếng!

Nhà thơ Pessoa nói về sự nổi tiếng, "Đôi khi tôi nghĩ về những con người nổi tiếng, và cảm thấy tất cả nỗi phiền hà của nó. Nổi tiếng là chuyện tầm phào. Nó gây thương tổn tới cảm tính của bất cứ một ai.... Nổi tiếng là mất tiêu luôn cuộc đời riêng tư của mình... Những bức tường bảo vệ sự riêng tư biến thành những tấm gương... Trở thành nổi tiếng là mất tiêu luôn cơ may trở về lại với cõi u tối. Nổi tiếng là hết thuốc chữa. Như thời gian, làm sao có chuyện đảo ngược. [Xin coi bài "Những Dấu Chân của Một Cái Bóng", đã đăng trên Tin Văn].

Nhà văn người Ý Calvino rất khoái khi nói về "giấc mơ biến thành người vô hình" của ông, và còn khoái chí hơn nữa, khi tuyên bố, "nhà văn mất đủ thứ, một khi chường bộ mặt thịt của mình trước công chúng." Theo ông, "chỉ cần cái tên trên bìa sách, là quá đủ... Đó là một điều kiện tối hảo, cho một nhà văn." Một chi tiết lý thú khác nữa là, nhận định của ông về sự sử dụng văn chương vào chính trị, áp dụng vào văn phong của NHT, thật xứng: "Điều mà chúng ta yêu cầu ở nhà văn, là họ hãy bảo đảm sự sống còn của cái mà chúng ta gọi là tính người, trong một thế giới bầy ra sự phi nhân. ("What we ask of writers is that they guarantee the survival of what we call human, in a world where everything appears inhuman").

Những hệ lụy mà NHT hiện đang phải chịu, chính là vì ông ta nổi tiếng, ngay sau 1975, như là một nhà văn đầu tiên nói lên sự thất bại của chiến thắng miền nam, và tìm ra được nguyên nhân của nó. Bây giờ, ông bị chính những độc giả của ông, yêu hoặc ghét thì cũng xêm xêm, lăm le mang ra "làm thịt", để ý đến từng chi tiết, từng cử chỉ, từng lời nói của ông. Kundera diễn tả một cách khác, cũng cùng một hiện tượng, khi cho rằng: một khi người đời lăm le tìm hiểu đến cuộc đời riêng tư, tiểu sử của Kafka, như vậy là ông lại chết thêm một lần nữa.

Nhưng, một khi độc giả yêu thích một nhà văn, họ tò mò muốn biết thêm, về tiểu sử đời tư của "thần tượng", không chỉ để thán phục, mà có khi ngược lại, nghĩa là để hân hoan hồ hởi khi khám phá ra rằng, mấy tay đó cũng đâu có "ghê gớm" gì, như nhà thơ Nga Pouchkine "bực bội" diễn tả: "Nếu thiên hạ ngấu nghiến đọc những lời thú tội, những ghi chú riêng tư... ấy là vì, trong cõi bùn đen, xấu xa của họ, họ cảm thấy thoải mái khi thưởng thức những nỗi nhục nhã của vĩ nhân hay những yếu hèn của kẻ mạnh.... khi khám phá ra cả một mớ thúi tha đó, họ sướng mê tơi và tự nhủ: mấy tay đó thì cũng nhỏ bé, cũng xấu xa, đê tiện như mình!" (1)

Và vĩ nhân quạt lại liền: "Nói bậy; đúng là họ nhỏ bé, và khốn kiếp, nhưng không như mấy người đâu!"

Vĩ nhân chớ để cho thiên hạ nhìn gần, chớ chường bộ mặt thịt của mình ra trước công chúng, là vậy!


Chú thích:

(1) Từ "sáng suốt" ở đây, ngoài ý nghĩa "nhà văn luôn có một khoảng cách với thời đại của mình", còn được dùng theo nghĩa "ý thức tự vấn của thời mình", của Saint-John Perse. Trong bài viết về George Steiner, "The Triumph of the Hedgehog", "Sự chiến thắng của Con Nhím", [trong "Đọc G. Steiner", nhà xb Johns Hopkins University Press, 1994], Guido Almansi coi vai trò của Steiner trong văn hoá Tây Phương: "là một ý thức tự vấn của tầng lớp trí thức, trong nỗ lực hùng vĩ một cách bi thảm, và gây bực, nếu nói về mặt đạo đức, [đó là nỗ lực] tìm ra cho bằng được cốt lõi của những nan đề sau đây: Làm sao chúng ta 'hòa giải' (conciliate) những đường ranh cận kề giữa văn hóa cao và tính man rợ của thế kỷ 20? Làm sao chúng ta giải thích được vai trò của Hitler, không chỉ về mặt lịch sử mà còn ở mức độ siêu-lịch sử?...

Người viết bài này coi truyện ngắn Tướng Về Hưu là giai đoạn chót của cái nhìn sáng suốt, "ý thức tự vấn" của NHT, trước và vào lúc chấm dứt cuộc chiến. Nỗ lực "hoà giải", của ông, như nhận định của Almansi về Steiner, chưa có.

Trong The Portage to San Cristobal of A.H. [Cuộc di chuyển A.H. tới San Cristobal, tiểu thuyết của Steiner, viết về một toán biệt kích Do Thái, 30 năm sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, đã bắt được một ông già trong rừng sâu ở Amazone. Ông già này chính là Adolf Hitler. Họ thông báo về Jerusalem bằng mật mã dựa trên Cựu Ước; nhưng ở những thành phố lớn trên thế giới như London, Paris, Hoa Thịnh Đốn, Moscow đã bắt được tín hiệu, và giải mã được thông điệp. Trong khi cả thế giới đổ dồn về San Cristobal, toán biệt kích đã trải qua một cuộc hành trình gian nan, khắc khoải, nhằm đưa được Đệ Nhất Ác Nhân ra khỏi rừng sâu, về với thế giới văn minh đang nóng nẩy đợi chờ, và để đưa ra tòa về những tội ác của ông ta,] Hitler đã dựa trên những luận cứ của viên Đại Phán Quan trong Anh Em Nhà Karamazov, để tự biện hộ, theo đó, nếu Chúa Giê Su trở lại thế gian thì Nhà Thờ cũng "làm thịt" Chúa, để bảo vệ Đạo (the Christian doctrine), và Steiner để cho Hitler "khoe khoang" thành quả của mình: cái giá 6 triệu dân Do Thái, là "bắt buộc", để nhà nước Do Thái ra đời.
Nguyễn Huy Thiệp đã từng vượt biên, như trong tác phẩm mới của ông, Hoa Sen Nở Trong Ngày 29 Tháng Tư, [tổng tập 7 vở kịch nói, nhà xb Thời Mới, Canada, do Nguyễn Tiến Văn chủ trương], cho biết: "Tôi muốn ra đi vào lúc có chiến tranh Trung Quốc - Việt Nam năm 1979, tôi đã thuê một người dẫn đường để đưa tôi qua Thái Lan, nhưng nửa đường nghĩ đến mẹ và tôi trở lại. Người dẫn đường muốn giết tôi luôn."
Liệu ông tin rằng, Cái Họa 1975, là bắt buộc, để có được một nước Việt Nam "mới" ra đời, có tên là "Thuyền Nhân" (Boat People)?
(2): Trích Simon Leys, trong "Protée và những tiểu luận khác", nhà xb Gallimard, 2001, nguyên văn:
"Si la foule lit des confessions, notes privés, etc.. avec tant d'avidité, c'est que, dans sa bassesse, elle se réjouit de comtempler les humiliations des grands et les faiblesses des puissants; en découvrant toute espèce de vilenies, elle est enchantée, il est petit comme nous! il est vil comme nous! - Vous mentez, canailles; oui, il est petit et vil, mais différement: pas comme vous."
Tác giả cho biết, ông trích từ Volkov, trong cuốn "Chuyện trò với nhà thơ Brodsky", và cho biết thêm, đây là nhà thơ Nga chỉ trích những kẻ tò mò bới móc đời tư của Byron.