*




Nghệ Thuật Viết Giả Tưởng

[Trích Điểm Sách Paris, The Paris Review Book of,  về những đề tài như Tình Dục, Tình Yêu, Phản Bội, Chiến Tranh, Khùng Điên...  và "mọi chuyện khác nữa, ở trên đời này kể từ năm 1953". Nhà xb Picador, ấn bản bìa mỏng lần I, Tháng Chín, 2004]

****

 Tôi khởi đầu chậm như rùa. Nếu có một ý tưởng cho một cuốn tiểu thuyết, tôi phịa đủ mọi cớ để đừng phải loay hoay với nó. Nếu một tập truyện ngắn, mỗi truyện lại có cú khởi đầu của nó. Ngay những bài báo cũng rứa, cứ mỗi lần tính viết, không có cũng phải phịa ra trục trặc này nọ để trì hoãn. Nhưng được cái, hễ đã bập vào rồi, là cứ ro ro như máy mới đổ dầu nhớt!
Nói ngắn gọn, tôi lẹ lắm, nhưng trước khi lẹ, là những lỗ trắng lớn. Chuyện viết lách của tôi hơi giống một câu chuyện Tầu, về một họa sĩ, được nhà vua yêu cầu, hãy vẽ cho ta một con cua. Nhà nghệ sĩ bèn trả lời, Thưa Hoàng Thượng, hạ thần cần mười niên, một căn nhà tổ bự, và hai mươi nàng hầu. Mười năm qua đi, "Thưa Hoàng Thượng, hạ thần cần thêm hai niên nữa". Rồi thêm một tuần. Sau cùng, ông nhặt cây cọ lên, múa một đường, là xong con cua.
Italo Calvino

****

 Mỗi bài thơ là một khó. Thường xuyên, dòng đầu là quà tặng, tôi không biết, của Giời hay của khả năng bí hiểm mà người ta gọi là hứng khởi. Thí dụ bài Sun Stone, Đá Mặt Trời, của tôi: Tôi viết ba muơi dòng đầu, như có một người nào đó âm thầm đọc cho tôi chép. Tôi ngạc nhiên thấy thơ cứ thế tuôn trào, chúng như ở thật xa, mà cũng như thật gần, như ở ngay trong lồng ngực. Bất thình lình, ngưng! Tôi đọc lại, thấy chẳng phải sửa chữa gì hết. Nhưng đó chỉ là đoạn mở. Và tôi chẳng làm sao tiếp tục. Vài ngày sau, tôi khởi sự tiếp, không phải theo kiểu thụ động, mà là cố đẩy những dòng về hướng này, hướng nọ, và tôi viết thêm được ba muơi, hoặc bốn mươi dòng nữa. Tôi ngưng. Vài ngày sau, lại trở lại với nó. Bằng cách dị mọ như vậy, tôi khám phá ra trọn giọng điệu của bài thơ, và nó hướng về đâu. Nó giống như một cách điểm lại đời mình, một sự tái sinh của kinh nghiệm, nỗi quan hoài, những thất bại, những ám ảnh của tôi. Tôi nhận ra tôi đang sống khúc cuối tuổi trẻ của mình, và bài thơ, cùng lúc, vừa là một tận cùng, vừa là một bắt đầu.
Octavio Paz

****

Luôn mơ và bắn cao hơn là mình nghĩ rằng mình có thể. Đừng ngu si so bì với mấy gã cùng thời, hay mấy tên đi trước. Hãy cố mà so bì, kèn cựa, với chính mình. Nghệ sĩ là loài bị quỉ truy. Anh ta không hiểu tại sao quỉ lại chọn anh ta, và thường quá bận rộn nên cũng chẳng có thì giờ để mà tìm hiểu. Anh ta hoàn toàn vô hạnh đến nỗi trấn lột, mượn đỡ, xin xỏ, hay trộm cắp, bất cứ ai, bất cứ điều gì, miễn sao xong việc.

Nghệ sĩ chỉ có mỗi bổn phận, là nghệ thuật của mình. Anh ta sẽ khốn kiếp vô cùng [ruthless: nhẫn tâm, độc địa] nếu là một tay bảnh, có thớ. Anh ta có một giấc mộng. Nó hành anh ta, cho tới khi anh ta rứt ra khỏi nó. Chỉ tới lúc đó, anh ta mới có được cái gọi là hòa bường, bường an [peace]. Mọi chuyện coi như pha: danh dự, danh giá, hãnh diện, đoan trang, lịch sự, an toàn, bảo đảm, hạnh phúc... tất cả, bởi vì bằng mọi giá, miễn sao viết xong cuốn sách. Nếu nhà văn phải trấn lột [rob], bà cụ thân sinh ra mình, anh ta cũng sẽ chẳng có chút ngần ngại; chẳng bà già nào so được với "Ode on a Grecian Urn". [Tụng Thi về một Bình Cổ Hy Lạp. Tên một bài thơ của John Keats]
William Faulkner

*****

... Hãy mặc xác tao. Tôi nói. Làm sao tao viết, nếu tụi bay không để yên cho tao một mình? Thế là từ trên giường, tôi ngồi dậy, làm một hơi cay [drank the Valdepenas], và nghĩ, nhà văn con củ xê gì thứ mình [what the hell… ] nếu không viết được một cái chuyện cho ra hồn.
Ernest Hemingway

*****

 Một đêm [hồi còn học trung học], một người bạn cho tôi mượn một tập truyện ngắn của Kafka. Trở về nhà trọ học, tôi bắt đầu đọc truyện Hoá Thân. Dòng đầu tiên gần như đánh dzăng [văng] tôi ra khỏi giường. Tôi hết đỗi kinh ngạc. Dòng đầu như thế này: “Buổi sáng khi thức dậy, Gregor Samsa thấy mình ở trên giường biến thành một con bọ khổng lồ….”. Khi đọc nó, tôi ngẫm nghĩ với mình, rằng, tôi chưa từng biết có một người nào được phép viết những điều như vậy. Nếu biết, tôi đã khởi sự viết tự thuở nào rồi. Thế là, liền tức thì, tôi bắt đầu viết truyện ngắn.
Gabriel Garcia Marquez.

*****

 Thoạt đầu có một cái chi mờ mờ ảo ảo, một tình trạng báo động, một tí âu lo, chút quan hoài, một tò mò. Một điều gì đó mà tôi cảm nhận qua một màn sương khói, qua một thềm sương mù, nó dấy lên ở tôi, quan tâm, tò mò, háo hức, và cứ thế nó chuyển qua thành viết, thành ghi chú, thành tóm tắt một cú, một quả [the plot]. Rồi thì tôi có được một cái ‘outline’ [dàn bài], và bắt đầu sắp xếp những sự kiện, tuy nhiên, cho tới lúc này, vẫn còn một cái chi mờ mờ ảo ảo, nó cứ ỳ ra ở đó, cứ một điều rằng, em chả, em chả….

“Sáng Lòa” chỉ xuất hiện trong khi viết. Công việc khó khăn cỡ nào, thì cũng có lúc Sáng Lòa xuất hiện. Nói rõ hơn, chính cái công việc khó nhá đó, nó làm bật ra cái gọi là Sáng Lòa, cái Cảm Nhận Bậc Cao. Chính là sự Háo Hức, nó có thể làm bật ra mặc khải, giải pháp, ánh sáng.

 Khi tôi tới được trái tim của một câu chuyện mà tôi hì hục với nó trong bao lâu, thế là rồi thì, có một cái chi đó xuất hiện: câu chuyện không còn lạnh lẽo, không còn em chả, em chả nữa. Ngược hẳn lại, nó trở thành sống động, tươi rói, rất ư là quan trọng, như thể mọi chuyện ở trên đời này, những kinh nghiệm của tôi về cuộc đời này, chúng hiện hữu, chúng xẩy ra, là chỉ để cho tôi viết cho xong câu chuyện này. Mọi chuyện tôi nghe, nhìn, đọc, bằng cách này hay cách khác, đều như giúp cho việc tôi đang làm đó. Tôi trở thành một loài ăn tươi nuốt sống thực tại. Nhưng để tới được giai đoạn này, tôi phải trải qua tình trạng ép xác, thanh tẩy, trong khi viết. Tôi sống thường trực trong cuộc đời kép như vậy đó.

Mario Vargas Llosa