Author_image
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

TẠP GHI

1. Borges và những hồn ma của ông 2. Từ Liên bang Xô viết trở về 3. Nàng Kha Lệ Ninh tân thời 4.Giữa địa ngục, chung quanh là biển 

Borges và những hồn ma của ông.
 "Tôi đã phạm tội tồi tệ nhất trong mọi tội…
 Tôi đã không… hạnh phúc."
 Borges

 

Mới 23 tuổi, Borges đã tuyên bố, "trò sướt mướt thờ phượng, to mồm về cái tôi đang làm bại hoại nghệ thuật", trong bài viết "Mình là cái quái gì" ("Nothingness of Personality"), được viết năm 1922. Bây giờ, nó mở ra tuyển tập nói trên, hai phần ba trong số đó chưa hề được xuất bản bằng tiếng Anh. Chàng thanh niên người Á Căn Đình, trong cơn bàng hoàng mặc khải đầy chất tranh luận, đã tuyên chiến với chính mình: "Cái tôi không có". ("The self does not exist").

 Từ "không" trong cụm từ "không-giả tưởng" có thể làm nản lòng một độc giả không muốn nhức đầu với ba chuyện nghiêm túc về văn học. Nhưng với Borges, làm sao có chuyện đó. Những bài viết ở trong "Tuyển Tập" hầu hết được chiết ra từ cái giếng sâu của tưởng tượng sáng tạo. Những "giả tưởng" thứ thiệt, nổi tiếng, chưa chắc đã với tới chúng. Hơn thế nữa, chúng giúp chúng ta hiểu rõ hơn, thế nào là giả tưởng. Năm mươi sáu năm, sau khi tuyên bố một cách nẩy lửa như trên, chàng thanh niên bây giờ đã già, mù, nhưng vẫn đáng yêu như thuở nào, nói về bất tử, "Tôi không muốn tiếp tục là Jorge Luis Borges. Tôi muốn là một người nào đó. Tôi hy vọng cái chết của tôi sẽ là hoàn toàn; tôi hy vọng chết, cả về thể xác lẫn linh hồn".

 Chúng ta nhận ra thông điệp của ông. Trong khẳng định trước đó, khi còn trẻ măng: "cái tôi không hiện hữu"; khi về già: "cái tôi đúng là một gánh nặng". Không phải một gánh nặng nào đó, mà là cái gánh nặng. Tất cả những gì Borges viết, cho dù giả tưởng hay không giả tưởng, đều căng thẳng giữa hai đầu mối nêu trên: cái tôi chỉ là một bịa đặt, thật dễ dàng làm cho nó tiêu ma vào cõi vô thường, hoặc chối bỏ nó; cái tôi như là một đòi hỏi quá đáng, gây bực mình…
Nhưng Borges muốn nói gì khi thú nhận, "Tôi muốn là một người nào đó"?
Trong một kỳ tới, Jennifer tôi sẽ trở lại với câu hỏi này. Và với những hồn ma của Borges.
 

Từ Liên bang Xô viết trở về.

Kỷ niệm lần thứ 50 ngày mất của André Gide, nhà xuất bản Pléiade đã trình làng cuốn "Đi và Nhớ" ("Souvenirs et Voyages") của nhà văn người Pháp này; trong có hai bài viết, một về chuyến du lịch Congo, "Voyage au Congo", cho thấy bộ mặt ghê tởm của chế độ thực dân tại đây; và một, rất nổi tiếng của ông: "Từ Liên bang Xô viết trở về" ("Retour de l’U.R.S.S"). 

Từ đầu thập niên 1930, Gide đã tỏ ra có thiện cảm và xoắn xuýt với những người cộng sản: Đảng phái ông tới Berlin đòi trả tự do cho Ernst Thalmann; Tờ "Nhân Loại", báo Đảng, cho đăng nhiều kỳ truyện dài của ông, "Những Hầm Ở Vatican" ("Les caves du Vatican"). Chỉ còn nghi lễ "rửa tội" sau chót: chuyến hành hương về nguồn, hay cái nôi của chủ nghĩa vô sản.

Gide đã thực hiện chuyến đi này vào năm 1936. Ông mở rộng cả tai lẫn mắt để chiêm ngưỡng "thiên đường", và đã nhìn ra cái hố sâu giữa thực tại và tuyên truyền. Trở về Pháp, mặc dù mấy ông bạn thân "năn nỉ", thôi bỏ qua đi, nhưng Gide, vốn dị ứng nặng với những điều dối trá, đã lắc đầu quầy quậy. Thế là "thằng ngu được việc" ("l’idiot utile"), như Stalin "trìu mến" gọi Gide, đã biến thành "con rắn độc dâm đãng".

 Những nhận xét của ông về thiên đường cộng sản, và nhất là khẳng định, "những tình cảm tốt đẹp chỉ đẻ ra một thứ văn chương tồi", đã như một cú sét, giữa trời quang mây tạnh, trong khu trại ngày mai ca hát.

 Trên tờ báo Pháp "Đọc", số tháng Tư 2001, có trích đoạn bài viết của Gide. Ông nhận xét, công dân Xô viết hoàn toàn mù tịt về thế giới bên ngoài. Hơn thế nữa, họ đều bị nhà nước cho ăn cháo lú, và đều tin rằng, bên ngoài Liên bang Xô viết, cái gì cũng tệ hại, ao nhà là số một. Và từ đó, là mặc cảm tự tôn. Ông cho vài thí dụ. 

Về học ngoại ngữ, một học sinh cho biết, "Cách đây vài năm, Đức và Mỹ còn có vài điều để học. Nhưng bây giờ, chúng tôi chẳng cần học gì ở những người nước ngoài. Như vậy, hà cớ gì phải học ngoại ngữ?" Điều họ lo nhất, đó là những người nước ngoài không được thông báo đầy đủ về những cái hay cái đẹp của họ. Để diễn tả hết cái hay cái đẹp ở đất nước họ, sợ nước ngoài không đủ giấy!

Có nhiều nhận xét của ông làm cho Jennifer Tran tôi nhớ lại những ngày, ngay sau 30 tháng Tư, 1975, tại Sài Gòn, nhưng thôi, "nhắc chi chuyện cũ thêm đau lòng quá người ơi!" 

Nàng Kha Lệ Ninh tân thời.
Kha Lệ Ninh, phiên âm tiếng Việt "Anna Karenina", tác phẩm của nhà văn Nga, Tolstoy. Tân thời, là do tác phẩm này vừa có một bản dịch tiếng Anh mới (dịch giả Richard Pevear và Larissa Volokhonsky, nhà xb Viking). Bản dịch mới này vén màn, cho thấy từng lớp xiêm y của người đẹp; nói rõ hơn, nó cho thấy cấu trúc vô hình của cuốn tiểu thuyết.
James Wood, trong bài viết "Bốn bể là nhà" ("At home in the world"), trên tờ "Người Nữu Ước" số đề ngày 5 tháng Hai 2001, cho rằng, bất cứ một độc giả, khi đọc Tolstoy, đều cảm thấy, có cái gì khang khác, về mức độ và thể loại, so với tiểu thuyết của những tác giả khác. Thế giới tiểu thuyết của ông, những nhân vật, hành động, hoàn cảnh của họ… "thực như đếm". Hiện thực ở đây như khí trời. Tìm cách giải thích, là rơi vào vòng luẩn quẩn. Ngay chính Tolstoy cũng lúng túng, khi bị ép buộc phải bảo vệ tác phẩm của ông. Trong một thư gửi bạn, là Nicolai Strakhov, viết khi đang sáng tác "Anna Karenina", ông khẳng định, những gì ông viết không phải là những thu gom (collections) tư tưởng; và những tư tưởng như thế có thể tách ra khỏi bản văn; nhưng đây là một mạng lưới (a network): "tự thân, mạng lưới này không dệt bằng tư tưởng (hay là do tôi nghĩ như vậy), nhưng bởi một điều gì khác, và tuyệt đối không thể diễn tả cốt lõi mạng lưới, một cách trực tiếp bằng những con chữ: chỉ có thể làm một cách gián tiếp, bằng cách sử dụng những con chữ để miêu tả những nhân vật, hành động, hoàn cảnh."

 Thư trên, được dịch giả Richard Pevear trích dẫn trong lời giới thiệu bản dịch mới của ông và Larissa Volokhonsky.

 Độc giả có thể tự hỏi, tại sao một tác phẩm cổ điển, được nhiều người đọc, và đã được dịch ra tiếng nước ngoài, nhiều lần, trở thành một tác phẩm của thế giới, vậy mà vẫn có người dịch lại?

 Theo Wood, những dịch phẩm lớn đều "lão hoá", trong khi những cuốn tiểu thuyết lớn thì cứ thế trưởng thành mãi lên. Gừng càng già càng cay. Thành thử cỡ những ông như Tolstoy, lại càng cần một bản dịch đương thời.

 (Những độc giả mê truyện chưởng Kim Dung chẳng hạn, đọc bản dịch của Hàn Giang Nhạn, đã xuýt xoa, so với bản dịch của Tiền Phong Từ Khánh Phụng. Nhưng hiện nay trên trang web có một dịch giả mới là Nguyễn Duy Chính, ông này dịch kỹ, theo sát bản chính hơn, so với Hàn Giang Nhạn - dù sao vẫn chỉ là phóng tác. Người viết tin rằng, nếu có một "nhà văn" sử dụng bản của Nguyễn Duy Chính, rồi thổi vào đó "hồn văn" của chính mình, nó sẽ trở thành một tuyệt tác. Bởi vì cho tới bây giờ, chưa có một "nhà văn" nào chuyển Kim Dung thành một tác phẩm văn học tiếng Việt. Trước đây, Đỗ Long Vân mê Kim Dung, cặm cụi học chữ Nho để đọc ông; phải chi Đỗ quân thêm được vài tuổi trời, biết đâu có một Kim Dung "cây nhà lá vườn" rồi! Và đây là một thách đố văn chương, đối với những nhà văn Việt Nam rành Trung văn).

 Trên nói, độc giả bình thường hiện nay cần một bản dịch tiếng Anh bình thường hiện nay. Bản dịch mới này hơn những bản dịch cũ, bởi vì dịch giả, ngoài việc dịch cẩn thận, còn có riêng văn phong của họ. Nhờ vậy, hơn bao giờ hết, so với trước đây, độc giả đương thời đã có thể nắm bắt cái chất lãng đãng, chập chờn (the palpability) của những "nhân vật, hành động, hoàn cảnh" của Tolstoy.

 

"Mạng lưới" của Tolstoy được dệt bằng những chi tiết, và những chi tiết này được miêu tả rất đỗi thực; hơn thế nữa, những chúng được xô đẩy bằng chức năng – bằng việc làm (work). Còn điều này, không như những nhà hiện thực hiện đại, Tolstoy chẳng thèm để ý đến chuyện nói cho chúng ta biết, những sự vật giống như cái gì đối với ông, hoặc giống như cái gì đối với chúng ta. Chính vì vậy, [mượn câu nói của Goethe được Benjamin trích dẫn, "tất cả sự kiện tính thì đã là lý thuyết"], trong khi miêu tả những chi tiết, Tolstoy chuyển vào trong đó: ẩn dụ. Trong tiểu thuyết của ông cũng như của Chekhov, thực tại xuất hiện, như nó xuất hiện, không phải với nhà văn, mà với những nhân vật.

 Tolstoy khởi sự viết "Anna Karenina" vào năm 1873, tuy nhiên trước đó, vào năm 1870, ông nói với vợ, ông dự tính viết về một người đàn bà có chồng nhưng bị ô nhục do ngoại tình. Như trường hợp "Bà Bovary" của nhà văn người Pháp, Flaubert, một chuyện thực đã gây hứng cho cuốn tiểu thuyết. Vào tháng Giêng 1872, Anna Stepanovna Pirogov, bồ của ông chủ đất láng giềng, đã lao mình xuống dưới bánh xe lửa, sau khi bị nhân tình bỏ rơi. Tolstoy đã ra sân ga để chứng kiến tận mắt thi thể người đàn bà.

 Có những điểm tương tự, trong một số tiểu thuyết nửa sau thế kỷ 19. Như Bà Bovary, Anna cũng thích đọc tiểu thuyết. Như Tess, trong "Tess of the Urbervilles" của Hardy, Anna cũng phơi phới đang độ. Mấy bà "xồn xồn" này đều căng tràn nhựa sống đến mức trở thành vô trách nhiệm. Đàn ông không làm sao thoát khỏi tay mấy bà. Tuy nhiên cả ba, trong khi mang trong người cái mầm "làm đàn ông khốn khổ khốn nạn, sống dở chết dở", đồng thời, họ cũng sản sinh ra một thứ "kháng sinh", bởi vậy, những nhân vật trầm luân như thế đó [thứ đàn bà trời đánh, cướp giật chồng người… như người Việt mình thường gọi] cuối cùng lại gợi sự thương xót, làm người đọc có cảm tình hơn là bị xét đoán một cách nghiêm ngặt.

 Thời đại lớn lao của nhân vật tiểu thuyết, tức thế kỷ 19, cũng là thời đại lớn lao của những nhân vật nữ, bị cầm tù bởi xã hội, và cố gắng chạy trốn, vượt ra khỏi nó. Chính vì họ cố gắng chạy trốn một xã hội đã đóng cứng họ vào những từ như là con đĩ thối tha, đồ cướp chồng người… cho nên họ đã trở thành những nhân vật thực.

 Giữa địa ngục, chung quanh là biển.

 Vào tháng Tư năm 1890, khi nhà văn thầy thuốc người Nga, Chekhov, khởi sự chuyến đi thăm dảo tù Sakhaline, chẳng ai hiểu lý do tại sao. Chính ông cũng không thể giải thích, và đành coi đây là một "mania". Và nó là một giai đoạn lạ kỳ nhất trong cuộc đời của ông.

 "Tôi chỉ muốn viết một, hai trăm trang, như một món nợ đối với nghề y của mình…", ông viết cho Souvorine.

 Trên đường đi, ông nhớ tới "con quỉ bí mật" đã xúi ông làm bao chuyện rồ dại.

 Nhà văn y sĩ của chúng ta đi trong những điều kiện khùng điên. Không một thứ giấy tờ chính thức, ngoại trừ tấm giấy thông hành. Chẳng có công lệnh, giấy giới thiệu để trình cho nhà chức trách địa phương. Ông còn sợ, vừa đến nơi là bị đuổi về.

 Chuyến đi mất hai tháng rưỡi. Mệt nhoài. Tới Iaroslav, ông dùng xe lửa. Tới Perm, dùng tầu đi trên sông Volga và Kama. Từ Perm tới Tioumen, lại dùng xe lửa. Sau đó, đúng là một cuộc phiêu lưu. Mưa tầm tã, đường xá thê thảm, không biết tối nay sẽ ngủ nơi nao, có xe hơi đi tiếp nữa không… Ngay từ đầu chuyến đi, người hành khách đã ho, rồi ho ra máu… Từ Tioumen tới Tomsk, lạnh khủng khiếp, lại thêm gió. Sông lũ tràn bờ, lâu lâu lại phải xuống xe hơi, dùng thuyền vượt qua những khúc lội. Từ Tomsk tới Krasnoiark, xe và người lội trong bùn. Phía xa xa, là nóng, bụi, những trận cháy rừng. Chỉ từ sông Tình trở đi, cuộc du ngoạn mới tỏ ra dễ chịu.

 Và sau cùng, đảo tù, giữa vùng Sibérie bạt ngàn: "Chung quanh là biển, ở ngay giữa địa ngục."

 Viên Toàn quyền cho phép nhà văn thăm viếng tất cả các nơi, vào tất cả các nhà tù, và những thuộc địa. "Tôi chỉ không cho phép ông một điều, đó là tiếp xúc với tù chính trị, bởi vì tôi không có quyền." Ông cũng đưa ra gợi ý, về tên cuốn sách tương lai của nhà văn: "Mô tả cuộc đời của những kẻ bất hạnh".

 Chekhov đã ở đảo tù Sakhaline ba tháng và hai ngày. Ông đã hoàn tất một công việc với một sự chi ly, tỉ mỉ đến phát sợ. Ông cho in tất cả những hồ sơ (fiches), và ghi chú mọi trường hợp đi tù. Gần như chỉ một mình, ông hoàn tất mười ngàn hồ sơ, qua những cuộc hỏi tra cặn kẽ; lục lọi những con số thống kê về trồng trọt, câu cá, khí hậu, chế độ tù, tình trạng hình sự, tử vong, trốn trại… Như ông cho biết, thống kê chỉ là một phương tiện để gặp gỡ con người. Nhờ những lần hỏi tra tìm tòi như thế, bật ra câu chuyện một người tù, làm mồi cho một truyện ngắn. Những tác phẩm như "Tống xuất", "Một vụ sát nhân"… là từ chuyến đi này.

 Sakhaline, trước hết, là một bản hoà tấu của tiếng động phát ra từ những sợi xiềng, của gió, của biển. Một khí hậu cách biệt (thường là không độ), nơi tống xuất những con người, vì hai lý do trái ngược hẳn nhau: để thi hành bản án tù, và để xây dựng những thuộc địa. Một thế giới phi lý và độc ác.

 

"Tôi viết [về] Sakhaline, và tôi buồn bực, buồn bực" (Tháng Tám, 1891).

 Cuốn sách của ông, lạnh và nhức nhối, như một báo cáo, đã đưa đến một kết quả không ngờ, là bãi bỏ những sự trừng phạt thân xác, và cải thiện điều kiện sinh sống ở trên đảo tù. Chekhov hy vọng cuốn sách của ông, một trăm năm sau, sẽ trở thành "vang bóng một thời", nhưng thảm thay, một trăm năm đã qua, vẫn còn đảo tù Sakhaline, gần như khắp nơi, trên mặt đất.

Có thể do đọc báo cáo của Chekhov mà họa sĩ Lévitan đã vẽ nên bức tranh "Đường lên Cổng Trời" (La Route de Vladimirka). Cắt ngang đường chân trời, trơ trọi, dưới bầu trời đầy mây, con đường, chỉ là một lối đi bụi bặm, cứ thế mà lao mãi vào vô tận. Không một bóng người. Nhưng tất cả mọi người đều hiểu. Cổng Trời, hay La Vladimirka, đó là tên con đường dành cho những người tù, chân bị xiềng, nối đuôi nhau, tiến về Sibérie.

 Ngày nay, Sakhaline chối bỏ [không còn] nhà tù. Lạ một điều, du khách tới đó, để tưởng nhớ Chekhov, để kỷ niệm 100 năm chuyến đi của ông (1990). Có một nhà bảo tàng dành cho ông ở Alexandrovsk-Sakhalinski, trung tâm hành chánh của đảo tù.

 Biết đâu đấy, trong số những du khách, có một người tên là Chekhov.

 6. Chekhov và Tolstoy.

 Như tất cả mọi người, Chekhov đã làm một chuyến hành hương tới Iasnaia Poliana. Đó là ngày 8 tháng Tám 1895. Nhà văn của chúng ta đi lang thang trên những đại lộ, hai bên đường có những hàng cây bu-lô [một loại cây hàn đới, lá nhỏ]. Và trước mặt ông, là ai kia?

 Con người vĩ đại. Đầu đội nón, mặc áo choàng trắng, khăn vắt vai, Tolstoy đi tắm sông, và kéo Chekhov cùng đi tới "khúc nước lười biếng", của con sông nhỏ Voronka. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhà văn là như sau: cả hai đều khoả thân, giấu mình ở dưới nước, chỉ thò đầu lên khỏi mặt sông. Sau đó, họ về nhà, tại một nơi được chủ nhân gọi là "một góc nhỏ êm ái dành cho những câu chuyện nghiêm túc".

 Chekhov ở Iasnaia Poliana hai ngày. Bạn bè của Tolstoy đọc cho ông nghe đoạn mở đầu tác phẩm "Phục Sinh", đang đương thời vào lúc đó. Chekhov, vốn chuẩn xác, khui ra liền một hạt sạn. Nhân vật nữ ở trong truyện bị kết án hai năm lao động khổ sai tại Sibérie. Với một tội như trong trường hợp này, ít lắm cũng phải bốn niên. Để đáp lễ, Tolstoy vớ ngay cuốn viết về đảo tù Sakhaline. Ông bạn viết về, nào là cuộc sống của những tù khổ sai, đưa ra hàng loạt những thống kê… nhưng còn thiên nhiên? Chẳng có một miêu tả nào về thiên nhiên cả. Chekhov lắc đầu, tôi có tới đó để vui thú điền viên đâu, đây là một cuộc điều tra, và nó phải [làm cho người đọc] nhức nhối. Vẫn không lọt tai Tolstoy.

 Nhưng Chekhov tới Iasnaia Poliana để làm gì?

 Vào thời kỳ đó, Chekhov hết còn mê Tolstoy. Nói rõ hơn, cái thái độ, "ai vả má phải đưa má trái cho người ta vả tiếp", tức chủ trương "không-chống trả" (non-résistance) của Tolstoy đã hết còn quyến rũ ông. Trước đó, đã có thời, sách Tolstoy thuộc loại gối đầu giường, rảnh chút nào là lôi ra ghi ghi chép chép. Ông mê lý tưởng khắc kỷ thanh tịnh của Tolstoy. Nhưng cứ ra khỏi ngõ là đụng đầu với nỗi đau khổ của con người, ông bắt đầu nổi loạn chống lại chủ nghĩa Tolstoy, nếu không muốn nói là chống lại Tolstoy. Bởi vì, dù thế nào, ông vẫn tiếp tục coi đây là một nhà văn hàng đầu.

 -Khi Tolstoy mất đi, mọi chuyện đều phó thác cho quỉ sứ, ông nói với Ivan Bounine.

 -Kể cả văn chương?

 -Ờ, kể cả văn chương!

 Ông tuyên bố trước Lazarevski:

 -Có những người sợ, không dám làm những hành động xấu xa, chỉ bởi vì, Tolstoy vẫn còn đang sống.

 Vào năm 1897, ông viết thư cho Souvorine, "Đúng rồi, chúng ta là những tài năng lớn, chúng ta đại diện cho nhân loại, chúng ta luôn luôn có một điều gì để mà nói, nhưng nói phỉ phui, Tolstoy vừa nằm xuống, là chẳng ai viết nổi, dù chỉ một bài viết nho nhỏ."

 Hay là đoạn này, vào năm 1900, cho Menchikov, "Tôi lo ngại cái chết của Tolstoy. Nếu ông mất đi, là có một khoảng trống lớn ở trong đời tôi. Thứ nhất, tôi chưa hề quí một người nào nhiều như quí ông ta; tôi là một kẻ vô thần, nhưng trong tất cả những kẻ hữu thần, chỉ có ông ta là gần gụi với tôi. Thứ nữa, trong đám nhà văn, nếu có một Tolstoy, như vậy ai không cảm thấy áy náy, rằng mình "cũng là nhà văn"!

 Vả chăng, làm sao mà không biết tới Tolstoy cho được? Rozanov, tác giả cuốn "Bộ mặt u tối của đấng Christ", vốn là một trong những cộng sự viên và bạn của Souvorine, có nói, "Là người Nga mà không biết Tolstoy thì cũng buồn như là người Âu châu mà không biết dẫy núi Alpes."

 Với Chekhov, nếu ông yêu con người nhưng chống lại những tư tưởng của Tolstoy, bởi vì đã từ lâu ông quá chán "sự thôi miên của tay phù thuỷ già". Điều này thật rõ ràng, trong một số tác phẩm của ông. "Một câu chuyện tầm thường" ("Une banale histoire", còn được dịch ra tiếng Pháp là "Une morne histoire"), chống Tolstoy, ngay cả trong sự mô phỏng "Cái chết của Ivan Ilitch". Bởi vì, nếu Ilitch, sau khi biết những nỗi khủng khiếp của cái chết, đã nhìn ra ánh sáng, nhân vật Nicolai Stépanovitch cũng sa xuống tận đáy cuộc đời, nhưng chẳng hề có một ảo tưởng về một cứu rỗi, cứ thế lạc lối trong cõi âm u, như Katia, người yêu bé nhỏ mà anh ta đã để mặc cho lang thang lưu lạc cùng với đám bụi đời. Tolstoy, trong chuyện kể "Con người cần bao nhiêu đất" ("Combien de terre l’homme a-t-il besoin"), đã đưa ra câu trả lời: ba tấc là đủ; Chekhov đáp lại, trong truyện vừa (nouvelle), "Những cây lý chua" ("Les Groseilliers"): "Ba tấc là dành cho một xác chết, không phải dành cho một con người".

 Tolstoy, khi quay mình về với tông giáo, đã cho rằng Chekhov thiếu chất "tâm linh" (spiritualité). Ông than thở, "Làm cho Gorky vào đạo, còn có thể, với Chekhov, thật vô phương." Đối lại, Chekhov tuyên bố, "Tất cả những nhà hiền giả lớn lao đều đáng tởm như những viên đại tướng, và cũng vô lễ, vô ơn như là họ, bởi vì họ tin chắc, chẳng ai dám đụng tới họ. Diogène dám nhổ vào mặt người khác, bởi vì biết sẽ chẳng xẩy ra chuyện gì cho ông ta. Tolstoy thì cũng là một Diogène. Đâu có ai dám xách cổ ông ta tới đồn cảnh sát, hay tấn công ông ta trên báo chí."

 Tolstoy tỏ ra ngạc nhiên, khi thố lộ với Lydia Avilova:

 -Tôi quí ông ấy, nhưng tôi không hiểu tại sao ông ấy lại viết kịch.

 Có lần, Chekhov đến thăm Tolstoy tại Gaspra, vùng Crimée, trong toà lâu đài mà nữ bá tước Panine nhường cho ông. Ông nhà văn già còn nằm trên giường. Khi Chekhov cáo lui, ông già nói: "Hãy ôm hôn tôi". Chekhov cúi xuống, Tolstoy ôm hôn, và thừa dịp, thì thầm vào tai Chekhov: "Bạn biết đấy, tôi không chịu nổi Shakespeare, nhưng những kịch của bạn còn tồi tệ hơn nhiều."

 Một lần, vào tháng Tư năm 1887, khi Chekhov đau nặng, phải vô bệnh viện, Tolstoy đến ngồi ngay bên giường. Ông nói gì với bệnh nhân? Tương lai.

 "Nhiều khi trong cái rủi có cái may: L.N. Tolstoy đã đến thăm tôi ở bệnh viện. Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi thật thú vị. Cực kỳ thú vị, đối với tôi, bởi vì tôi lắng nghe nhiều hơn là nói. Chúng tôi nói về bất tử."

 Bất tử, bất diệt: khi cá nhân tan hoà vào với đám đông, một đám đông to tổ bố. Chekhov không thể hiểu được [điều này], có thể là do, một bất tử bất diệt như thế chẳng nói lên được một điều gì đối với ông, và Tolstoy hoàn toàn ngạc nhiên [về thái độ của Chekhov].

 Phải mãi sau đó, thật quá trễ, bởi vì phải tới khi "Chekhov từ giã cõi đời’, vào tháng Chín 1904, Tolstoy mới đưa ra lời tuyên bố, với phóng viên đặc biệt của tờ Rous, tới tận Iasnaia Poliana để phỏng vấn ông, "Những hình thức mới mẻ đã được Chekhov sáng tạo ra, và, hãy vứt bỏ mọi thói khiêm nhường giả tạo, tôi xác định ở đây, điều này: về phương diện kỹ thuật, ông ta hơn hẳn tôi."

 Và sau đó, "Hai ngày nay, tôi đọc Chekhov, và sướng điên lên." ("Je lis Chekhov depuis deux jours, et je suis en extase". Nhật Ký, 29 tháng Ba, 1907).

 Theo Tolstoy, "Douchetchka" là số một, vượt hẳn mọi truyện ngắn khác, cũng của Chekhov. (Tatiana Tolstoy cho biết, ông đã đọc đi đọc lại bốn lần, đọc lớn giọng, cùng trong một ngày, và khẳng định, nó làm cho ông sáng mắt sáng lòng – intelligent - thêm ra!)

 "[Truyện đó] giống như một dải lụa, dệt bởi một cô gái trong trắng. Ngày xưa, có những cô gái cứ mãi mãi là những cô gái trong trắng, suốt cả cuộc đời của họ. Tất cả những giấc mơ, họ chuyển vào trong những tấm lụa mà họ dệt. Những giấc mơ về những gì thật quí giá, thật trong trắng, và cũng thật mơ hồ…"

 Đây là câu chuyện một người đàn bà không thể sống mà không yêu. Bà tiếp nhận một cách thật ngây ngô, lố bịch những tư tưởng, những thói này tật nọ của những người đàn ông mà bà yêu. Chúng thật nhiều, mà cũng chẳng thể nào giống nhau. Cuối cùng, trơ trọi, bà hết còn tỏ ra tức cười nữa, và kể như tiêu luôn, và mọi người muốn cùng khóc với bà.

 Jennifer Tran