*

TẠP GHI




Thời gian của người

Đây là lúc để thừa nhận -

để rú lên, hay để gào khóc -

Ta đã sống đời ta như một con chó...

Ilya Ehrenburg


Đó là những dòng thơ Ehrenburg viết một năm trước khi chết. Nhà thơ, nhà văn, và trên tất cả, nhà báo nổi tiếng nhất trong số những người cùng thời tại Liên Bang Xô Xiết. Chẳng bao giờ được chế độ tin cậy, ngay cả những khi lên đến tột đỉnh của vinh quang. Bị khinh khi bởi những người chống Stalin. Nạn nhân của những mâu thuẫn nội tâm vô phương hòa giải. Cuộc đời của I. Ehrenburg đày những đau thương, ray rứt. Bản chất dễ xúc cảm trước những đau khổ của con người, nhưng chút nhân tính đó chẳng là gì so với sự yếu đuối vì còn phải lo cho an nguy bản thân, phải làm sao đừng thiếu thốn một chút tiện nghi, cuối cùng ông đành xả thân phụng sự hết mình cho chế độ phi nhân, cho dù luôn luôn bị xâu xé bởi tình yêu nước Nga và lòng trung thành với gốc Do thái của mình. Ông chết năm 1967, "nát bấy người", kể cả tinh thần lẫn thể xác, trong niềm hoài nghi về những "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành", trong niềm ăn năn về những thỏa hiệp liên quan đến vấn đề đạo đức, nhân phẩm.
Cuộc đời ông có thể chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu kéo dài tới năm 1932, khi cư ngụ ở Paris, ông trở thành phóng viên cho nhật báo Izvestiya. Từ đó tới năm Stalin chết, 1953, ông là "tuyên truyền viên" nổi tiếng cho Stalin, đàu tiên là để chống Phát-xít, sau tới Hoa Kỳ. Sau khi Stalin chết, ông đóng vai nhập nhằng giữa một kẻ bảo vệ đường lối mới chống-Stalin, trong khi cố gắng cùng lúc, làm sao "ổn thỏa" với quá khứ.

Sinh tại Kiev, trong một gia đình Do thái khá giả, đã được đồng hóa, hội nhập, Ehrenburg luôn cảm nhận gốc rễ Do thái của ông. Năm 1905, 15 tuổi, do ảnh hưởng của bạn là Nicholas Bukharin, ông gia nhập Bolsheviks. Tuy nhiên, không được bao lâu, ông bỏ đảng. Năm 1908, ông rời đi Paris. Nơi đây trở thành nhà của ông, mãi tới năm 1940, khi Đức chiếm đóng. Ở đó ông sống một cuộc đờI lãng du, quen biết đám trí thức nổi tiếng Pháp, đây là một "tài sản quí giá" của ông đối với nhà cầm quyền Xô Viết. Khi cuộc cách mạng tháng Hai xẩy ra, ông trở về Nga. Ông không chấp nhận cuộc nổi dậy của Bolshevik, kết án những kẻ cầm quyền mới là đã ngăn cấm tự do ngôn luận. Để trốn chạy ông rời đi Kiev, ở đó, ông viết báo chống Bolshevik, tố cáo những người theo Lênin là những tên hiếp dâm, những kẻ tiếm quyền, thề nguyền không một thứ quyền lực nào bắt buộc ông phải sống bằng "sắc luật này tới sắc luật khác". Sau khi Hồng Quân chiến thắng Bạch Vệ, chiếm đóng Ukraine, ông xin xuất cảnh. Với sự giúp đỡ của Bukharin, đầu năm 1921 ông trở lại Paris, tiếp tục cuộc sống trước 1917, viết ào ạt. Trong vòng 10 năm, 19 cuốn sách, chưa kể bài viết linh tinh, có vài cuốn được in tại Nga. Cuốn quan trọng nhất, Julio Jurenito, 1921, Berlin, tố cáo sự toa rập giữa chế độ Stalin và Nazi. Cuốn sách làm ông nổi tiếng tại quê nhà và đây là tác phẩm văn học lớn lao nhất, và cũng là độc nhất của ông.
Cùng với việc ngôi sao quyền lực của ông trùm đỏ ngày càng sáng tỏ, và đời sống kinh tế, tiền bạc ngày càng khó khăn, khó kiếm, Ehrenburg từ bỏ văn chương, ngả sang chính trị. Trong những bài viết, bài nói, ông lên tiếng chỉ trích Balan, Pháp, Hoa-kỳ, bảo vệ Liên Bang Xô Viết. Stalin tỏ ra có thiện cảm "vô bờ" với gã émigré, một ứng viên rất hợp khẩu vị của ông: trí thức Do thái, với một quá khứ chống-Bolsevik, giao du với những "tinh hoa, trí thức" tại thủ đô văn hóa Paris. Mối thiện cảm cho thấy cuộc đời Ehrenburg được cứu rỗi, về vật chất, nhưng thảm kịch tinh thần của ông cũng bắt đầu. Vào đầu thập niên 1930, Ehrenburg viết một cuốn tiểu thuyết, theo tinh thần "hiện thực xã hội chủ nghĩa", đặt tên là "Hết thời hỗn mang", ca tụng hết lời chủ trương kỹ nghệ hóa của Stalin. Ông tự mình in lấy vài trăm cuốn, gởi một mớ tới mấy cơ quan lo việc xuất bản ở Moscow, và một mớ, tới Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng. Mớ trước bị vứt vào sọt rác, nhưng trước sự ngơ ngác của tất cả mọi người, Stalin tỏ ra rất thích thú, và ra lệnh cho Radek viết bài ngợi ca. Khỏi nói, sách được in ra cấp thời. Ở Paris, Ehrenburg trở thành nhà văn Xô viết đầy đủ lông cánh. Đừng ai đụng tới ông ta, con cưng của Stalin.
Ông trùm đỏ vốn ban ân sủng theo lối tùy hứng, nhưng trong trường hợp Ehrenburg, Stalin có tính toán trước. Nhà độc tài cần, và Ehrenburg sẵn sàng chấp nhận, vai trò vị đại sứ của Stalin tại khu vực Tả phái Âu châu. Trước hết là chống Phát-xít. Năm 1934, Ehrenburg viết thư cho Stalin, đề nghị thành lập liên hiệp quốc tế chống Phát xít: "Tình hình ở Tây Phương rất thuận lợi. Đa số những nhà văn tài năng nhất, vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất thành thực muốn gia nhập với chúng ta trong việc chống Phát xít." Để thí dụ, ông kể tên Romain Roland, Thomas Mann, Henrich Mann. Lá thư này đã khiến cho chính sách của Xô Viết thay đổi, trước đó vốn không chấp nhận bất cứ một sự cộng tác nào của đám trí thức nước ngoài, những người không "tam cùng" với chủ nghĩa CS. Stalin "chịu" đề nghị của Ehrenburg và ra lệnh cho Lazar Kaganovich và Andrei Zhdanov cùng làm việc với ông. Cuộc xâm nhập văn hóa này tỏ ra rất thành công, kể cả trước và sau Đệ Nhị Thế Chiến. Nó tạo một dư luận thuận lợi cho Liên Bang Xô Viết, vô địch cho tự do và hoà bình của mọi thời, trong khi sự thực đây là thời gian ở trong nước, Liên Xô đang huỷ diệt mọi tự do, và đang trên đường hung hăng điên cuồng sửa soạn chiến tranh. Đám nhà văn, khoa học gia, nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, mù tịt về thực tế Xô Viết, ngây thơ tin tưởng, chỉ còn Russia là có thể cứu vớt loài người khỏi chủ nghĩa tư bản bịnh và Nazi quỷ. Qua tài phù thuỷ của Ehrenburg, các Phong Trào, Mặt Trận... mọc lên như nấm. Hết chống Phát-xít tới đế quốc Mỹ. Hết Hội nghị Nhà văn tới Hội nghị Hòa bình... Chính ông đã "dụ khị" André Malraux và André Gide viếng thăm Liên-xô.
Trong đời, Ehrenburg đã từng trích dẫn lời khuyên của Tolstoy: (1) Đừng bao giờ viết bất cứ một điều gì mà anh không quan tâm. (2) Đừng bao giờ viết vì tiền. (3) Nếu anh không thể viết điều anh muốn, đừng viết gì hết. Ông đã "vi phạm" cả ba, lúc điều này, khi điều nọ, tùy theo nhu cầu, giai đoạn. Với tư cách phóng viên của nhật báo Izvestiya, ông du lịch, viết bài về cuộc NộI Chiến Tây Ban Nha. Là cái loa tuyên truyền cho Xô-viết, ông cố tình lờ đi việc thủ tiêu dã man bởi đám đồ tể của Stalin, tại Tây Ban Nha, đối với những phần tử vô chính phủ (anarchists), và những người xã hội theo Trotsky.
Tiếp theo đó là "thời khổ ải" đối với ông. Thời kỳ 1936-37, ông đành phải nhắm mắt ngậm bồ hòn, trước những "vụ án" đối với đám cựu trào Xô-viết bị buộc tội do thám và âm mưu lật đổ. Ông có mặt tại Moscow khi xử án Bukharin, bạn thời niên thiếu và cũng là người che chở Ehrenburg. Ông trùm đỏ, vốn là một tay sa-đích bậc thầy, đã ra lệnh cho Ehrenburg phải có mặt tại phiên tòa. Ông "mần thinh" trước công lý bị chà đạp, và bạn ông bị xử tử sau đó. Trong thời gian Liên-xô "đi đêm" với Quốc Xã, Moscow cảm thấy cái loa chống-Nazi của ông bất thuận lợi, cho nên Izvestiya vẫn tiếp tục trả lương cho ông nhưng không đăng bài. Rồi hiệp ước bất tương xâm Stalin-Hitler nổ bùng ra. Hiệp ước phản bội tất cả những gì mà Ehrenburg coi là thiêng liêng cao cả. Trong vòng 8 tháng trời, ông không nuốt nổi đồ ăn, sống nhờ rau cỏ, sút 40 pounds. Trong thời gian chiến tranh, mhững bài viết của Ehrenburg trên tờ báo Hồng Quân được đích thân Stalin kiểm duyệt mỗi ngày. Lòng hận thù, sự ghê tởm đối với quân đội Đức do những bài viết tạo nên, đôi khi khủng khiếp đến độ lính Nga tàn sát hàng loạt binh sĩ Đức, cho dù họ đang sửa soạn để đầu hàng.
Hận thù, một phần do lòng ái quốc, do gốc rễ Do thái, nhưng chủ yếu là ông không ưa người Đức, bởi ý thức hệ của họ, cũng như những sắc thái đặc biệt của dân tộc này. Ngay từ khi còn là một đứa nhỏ, trong một lần viếng thăm Đức quốc, Ehrenburg khám phá ra một điều, xe lửa của Đức chạy rất đúng giờ. Đối với cậu bé Ehrenburg, chỉ có quỉ sứ mới làm nổi chuyện đó! Vẫn là chuyện lập thân tối hạ.

(Theo bài điểm sách của Richard Pipes: "Tangled Royalties, The life and times of Ilya Ehrenburg, tác giả Joshua Rubenstein, nhà xb Tauris, 464 trang, 1996, đăng trên tờ The Times Literary Supplement, Oct 4, 1996. R. Pipes là nhà sử học Harvard, cuốn sách sắp xb của ông là The Unknown Lenin)

NQT