*

TẠP GHI


30 tháng Tư 2002, nhìn lại văn học hải ngoại 

1. Lời Ước

Nhìn lại thế kỷ, tuần báo Văn Học Nghệ Thuật trên lưới (internet), do Phạm Chi Lan chủ trương, có làm một cuộc phỏng vấn bỏ túi (mini). Trong số những câu hỏi có một: Anh/Chị coi Y2K là một ý niệm hay một sự kiện?

Văn học hải ngoại hình như mang cả hai yếu tố - như một ý niệm, khi vẫn luôn luôn phải nhìn lại chính nó, tự hỏi về chính nó, liệu có một dòng văn học hải ngoại, sau cuộc tháo chạy tán loạn, mất quê hương, chọn biển cả thay vì đất liền, để dựng nước mới.... - hay như một sự kiện quan trọng: cùng nhân loại chấm dứt thế kỷ hung bạo, với những biểu tượng của nó là Hitler và Lò Thiêu, Stalin và trại cải tại, Pol Pot và cánh đồng giết người... 

Trong một truyện cực ngắn, Lời Ước, Walter Benjamin kể chuyện, sau một bữa lễ sabbath, mấy người Do Thái, từ xóm đông xóm đoài kéo nhau tới một cái quán tồi tàn nhất trong làng. Chuyện bá láp một hồi, một ông đưa ra ý kiến, từng người sẽ nói lên một lời ước của mình. Thôi thì đủ thứ ước ao: thêm căn nhà, thêm tí nhau, thêm tí thu nhập, thêm chiếc xế... Khi đã chán chê, họ mới chú ý tới một "kẻ lạ" ngồi thu lu ở một góc. Chẳng ai biết anh ta. Trông cách ăn mặc, rõ ra một nhân vật cái bang. Anh ta cũng không tỏ vẻ hăm hở nói lên lời ước của mình:

-Tôi ao uớc được làm một vị hoàng đế rất hùng mạnh, trị vì một vương quốc thẳng cánh cò bay; một đêm đang ngủ trong tòa lâu đài của tôi, quân thù thình lình vượt biên giới và trước khi ánh dương đầu tiên xuất hiện, đám giặc đã vào tới bên trong lâu đài... Tôi chẳng còn đủ thì giờ vớ đủ bộ quần áo, cứ thế chạy trối chết, ngày này qua ngày nọ, đêm này qua đêm khác, cuối cùng tìm được một chỗ trú ẩn, là góc quán này. Đó là lời ước của tôi. 

Cả bọn, người nọ ngó người kia, chưng hửng 

-Thế anh có thêm được một món đồ nào không? 

-Có, một chiếc áo thun! 

Liệu chúng ta có thể nhìn lại văn học hải ngoại, bắt đầu bằng lời ước của nhân vật cái bang kể trên? 

Thật khó mà quên được lời ước, với bất cứ một người Việt nào đã từng kinh nghiệm cuộc bỏ chạy tán loạn. Nhưng với thời gian, nó biến đổi, hoặc bị những lời ước khác, tức thời hơn, khẩn cấp hơn, làm quên lãng.

Những tác phẩm văn học hải ngoại những năm gần đây cho thấy, hai mặt của cùng một lời ước đó. Có những cuốn sách mà "người ta" cho rằng, đã hội nhập, không còn hoang tưởng, hết còn ở trong ghetto. Ở đây, cần phải nói rõ một điều, người ta đã lầm lẫn, hoặc đã cố ý đồng hoá, một tác phẩm văn học với một hiện tượng xã hội. Và cái ghetto mà người ta ngụ ý một số nhà văn hải ngoại đã vượt ra ngoài được chính là cái ghetto VNCH. Nhưng cho tới nay, chẳng hề có một tác phẩm văn học nào hoang tưởng đến độ, muốn dấy lên một cuộc chiến, để tái lập một chế độ. Và cũng chưa có tác phẩm nào cho thấy, con người Việt Nam đã hội nhập thực sự ở quê hương mới. Tôi thật sự không tin, những tác giả của những cuộc tình chốc lát ở nơi đất người, trong lúc kiếm sống, lại tự hào mình đã hội nhập! Họ thực ra là đã từ bỏ đề tài những năm ngay sau 1975, mà chủ yếu là tố cáo cái ác của chủ nghĩa cộng sản, và hậu quả của nó, những thảm họa khi vượt biển tìm tự do. Bây giờ, hoặc là đề tài này không còn ăn khách, hoặc là chính tác giả của chúng cũng chán, hoặc nội lực không đủ để đương đầu với nó, bèn quay ra kể chuyện cuộc sống thường nhật của người Việt, đã có một công ăn việc làm ổn định, đã có va chạm chút xíu với người bản xứ. Va chạm chút xíu, nhưng không phải là xung đột, bởi vì ở đâu có hội nhập, ở đó có xung đột; theo nghĩa, anh mới tới muốn nơi đây thoải mái như là nhà của mình, còn chủ nhà thì muốn chui vào tận trong ngõ ngách tâm hồn người khách, để coi nó có gì khác ta.

Nhà văn, nhìn một cách nào đó, là kẻ đến sau biến động. Nếu những năm sau 1975, đề tài trại cải tạo, vượt biển có lượng nhưng thiếu phẩm, trong những năm gần đây, đề tài này trở lại, trầm hơn, nặng hơn, và dĩ nhiên chất lượng hơn. Ở những tác phẩm trước đó, tác giả thi nhau tố cáo cái độc, cái ác, và những đau khổ mà bản thân hay gia đình, và đất nước đã phải chịu đựng. Vô tình, chỉ có tính chính trị, thời cuộc. Kundera đã chỉ đích danh tác phẩm được coi là khuôn mẫu của văn chương chống cộng, cuốn 1984 của Orwell: đây chỉ là chính trị giả danh văn chương. Tác phẩm 1984 giản lược chế độ cộng sản vào danh sách những tội ác của nó, và như thế, vô hình trung, cũng rơi vào thế giới xám xịt của những trại tù! Rồi ông chứng minh, ngay cả trong thế giới mê cung là Vụ Án, hay Lâu Đài, nhân vật của Kafka cứ hở được chút nào là loay hoay kiếm một cái cửa sổ, để thở! Và ông nhặt ra được không biết bao nhiêu là chi tiết thơ, trong một thế giới không thơ, tức thế giới toàn trị. 

Hơn nữa, khi hăm hở tố cáo, chính nạn nhân không biết, không còn có thì giờ nhận ra, cái phần tha hóa ở nơi họ: bất cứ một con người nào, ở trong thế giới đó, cũng bị tổn thương. Nói như Todorov, chủ nghĩa cộng sản là thử nghiệm tối hậu về đạo đức của con người. Nhân vật chính, viên sĩ quan trong Đá Mục của Thảo Trường, có vẻ như thấy hết, hiểu hết, và tỏ ra có một thái độ vượt lên khỏi những đau thương, giận dữ; nhưng được như vậy, là nhờ đệ tử, một anh lính truyền tin. Anh này làm độc giả nhớ tới nhân vật chính trong Một ngày trong đời Ivan Denisovich, của Solzhenitsyn (độc giả Đá Mục chắc khó quên "xen" đệ tử kiếm việc làm nhàn rỗi cho sư phụ, và sư phụ lầm lẫn trứng gà bồi dưỡng; đúng ra là của con heo đực).

Thảo Trường đi tù tất cả 17 năm. Qua đây, ông đã cho xuất bản liền mấy cuốn, riêng trong năm qua là Đá Mục và Tầm Xa Cũ, Bắn Hiệu Quả . Trong một phỏng vấn trên đài Kicon, mạng Internet, ông cho biết, trong tù ông cứ thế nghiền ngẫm, và đã "bỏ túi" năm bẩy cuốn sách, qua đây tuần tự xuất bản. Ông sống lại một lần nữa thời gian dài 17 năm. Nhưng nếu chúng ta theo sát những bài viết của ông, sẽ nhận ra, đã có dấu vết thay đổi, giữa những truyện ngắn đầu, và mới đây. Tác giả tuy bỏ túi vài tác phẩm thực, nhưng khi viết ra, nó không giống như là lúc ông còn ở trong trại tù, đã tưởng tượng mặt mũi của chúng. Ông ngày trầm hơn, văn ngày thấm hơn, vượt lên nỗi cay đắng còn đè nặng hồi ức những ngày tù. 

Ở Lâm Chương cũng vậy. Khi trả lời phỏng vấn, hình như ông cho biết, chỉ vào nhà tù, ông mới biết căm thù nghĩa là gì. Nhưng càng viết, ông càng bớt căm thù. Bởi vì, hận thù, với một nhà văn, là thất bại của trí tưởng tượng. Trong truyện của ông, người đọc nhận ra những cay đắng, nhưng còn nhận ra, vết thương đang lành. Trong một bài tổng quan, thật khó mà đưa ra chi tiết chứng minh, hy vọng sẽ có dịp được viết rõ hơn về từng tác giả. Vả chăng, khi người ta "trung thành" với một điều gì, cùng lúc người ta "phản bội" một điều khác: chống Cộng, ở một số nhà văn Miền Nam mang tính công dân (thù nhà, nợ nước?), hơn là mang chất văn chương. 

Chính chúng ta, độc giả, khi phải nhìn lại (đọc lại) một số tác phẩm văn học, cũng thấy mình đã đổi khác. Tác phẩm có thể vẫn vậy, nhưng con người đổi khác. Trước đây, những độc giả Miền Nam thật khó mà chấp nhận một tác phẩm của một người ra đi từ Miền Bắc, lại có thời rất thân cận với cung đình Bắc Bộ Phủ, như Vũ Thư Hiên. Và người ta nhận ra một điều, ngay cả những lúc phải "ăn nằm" với chế độ toàn trị, tiếng nói của một miền đất vẫn giữ riêng cho nó một khoảng cách. ["Đi tù với một bông hồng", là tên một bài viết của Đỗ Quang Nghĩa, trên báo Diễn Đàn, về tác phẩm "Đêm Giữa Ban Ngày" của Vũ Thư Hiên.] Rõ rệt nhất là ở Lê Minh Hà, với hai tác phẩm xuất bản liền trong hai năm vừa qua, Trăng Góa, và Gió Biếc. 

Có người cho rằng ở Lê Minh Hà, truyện không ra truyện, tủn mủn, manh mún. Với Gió Biếc (1999), có người chỉ thấy những cảnh đời nhếch nhác của một số người Việt, phải bỏ nước ra đi, rồi cố tìm cách để khỏi phải trở về. Nhưng vẫn như trong trường hợp Kundera nói về sự khác biệt giữa Orwell và Kafka: Bạn phải kiếm cửa sổ để mà thở, thay vì cố chứng minh, đây là những nhà tù! 

Vẫn có những tác giả đã không thể quên ước mơ thoạt đầu, ngày xưa. Họ không nói tới, nhưng chúng ta cảm thấy, qua cách viết, qua hành động của nhân vật. Trong truyện ngắn Biển (của Miêng) là chia sẻ tấm áo thun, ở đây là những giọt lệ nhỏ xuống cho một kẻ điên khùng, không còn nhận ra chính mình, nhưng lại nhận ra người vợ, và qua đó, những đứa con đã chết trên biển cả. Hay như Kẻ Lạ (của Hồ Như), khi trở về, và nghe quê hương xì xào: Kìa ai như Cô Thắm... Hay như nhân vật trong truyện Trở Về (tạp chí Hợp Lưu) của Phạm Hải Anh, về để thấy rằng, quê hương không từ chối anh. Hay như nhân vật Nữ Độc Thủ của Linda Lê la lên: Ông ta chết rồi, hãy để cho ông ta yên thân! 

Theo tôi, văn chương Việt hải ngoại trong năm 1999 là một năm được mùa. Mùa gặt mới, trong đó có cả lúa chín muộn: sự góp mặt của một tác giả như Trần Thị NGH. Đây là một tác giả trước 1975 tại Miền Nam, vừa xuất hiện đã gây chấn động giới viết lách ở Sài Gòn, với truyện ngắn Nhà Có Cửa Khoá Trái. Nếu trí nhớ không phản bội tôi, hình như truyện đầu tay của bà là về một người đàn ông có vợ, đến gặp một người đàn bà không chồng, nhưng có con; thằng nhỏ bữa đó bị đau, anh chàng đi mua thuốc cho đứa nhỏ. Chuyện chỉ có vậy, nhưng tôi vẫn còn nhớ cái cảnh cô đơn của người đàn ông gầy còm ốm yếu, ngơ ngơ ngác ngác trước tiệm thuốc tây, trước cuộc chiến, và trước cuộc tình vụng trộm. Ở những truyện viết sau này (trong tập truyện ngắn do nhà Văn Nghệ xuất bản, 1999), nhân vật của bà vui hơn, tuy vẫn chưa quên được những người tình cũ, cuộc đời con gái, cũ. 

Nếu phải chọn một tác phẩm, tôi chọn tập truyện ngắn của Miêng. Do cái phần tâm linh của nó, hơn là do cách dựng truyện, cách dựng nhân vật. Với Lê Minh Hà, tôi chọn ngôn ngữ, hơn là truyện ngắn. Có một cái gì đó, làm tôi phải tự hỏi: làm sao cái mầm sống của chữ nghĩa, của một miền đất, sau bao nhiêu đọa đầy, nhưng vẫn không chịu bị bẻ gẫy, ở đôi chỗ, vẫn tươi mát đến như vậy? 

Walter Benjamin, trong một truyện cực ngắn khác, Chữ Ký, kể câu chuyện xẩy ra tại cung đình nữ hoàng Catherine, ở Nga. Vị cận thần của bà, Potemkine, đang trong cơn sa sút tinh thần trầm trọng, kéo dài ngày này qua ngày khác. Không ai được tới gần căn phòng của ông. Không ai dám xì xào về căn bệnh của vị cận thần sủng ái. Khổ một nỗi, bao nhiêu giấy tờ đệ trình nữ hoàng, là phải có chữ ký của Potemkine. Đám quan chức hàng đầu trong triều không biết phải giải quyết ra sao. 

Bữa đó, may quá, một viên chức thuộc loại vô danh tiểu tốt, tên là Chouvalkine, không hiểu vì lý do nào, lại có mặt tại căn phòng bầu dục. Thấy mấy sếp mặt mày nhăn như bị, anh ta mới rụt rè vấn an, và khi biết được sự tình, bèn xung phong: để em xông vô phòng, với mớ giấy tờ cần chữ ký của Ngài Bí Thư. Mọi người thấy, đâu có mất gì, bèn gật đầu. 

Chouvalkine ôm mớ giấy tờ, mở cửa phòng, thấy Ngài Potemkine đang ngồi mơ màng trên chiếc ghế bành. Anh tới gần, Ngài cũng chẳng biết. Thế là anh cầm cây viết, chấm mực, dí vào tay Ngài; và Ngài cứ thế ký lia lịa, hết tờ này tới tờ khác. Xong, anh trở ra. Mọi người vồ lấy mớ giấy đã được thị thực. Mở ra, tất cả các chữ ký, từ chính tay Potemkine, nhưng đều biến thành... Chouvalkine! 

Với câu chuyện cực ngắn Chữ Ký, chúng ta nhìn về trong nước. Cái me-xừ Potemkine, phải chăng là chủ nghĩa hiện thực xã hội (thứ thiệt?), mà những anh chàng Chouvalkine vẫn hy vọng viết dưới ánh sáng của nó?

 2. Phượng Hoàng

 Trong một bài viết trên một tờ báo địa phương, tôi tình cờ lượm được một chi tiết thật thú vị. Tác giả bài viết cho rằng, có thể vì không còn bám vào đất nữa, cho nên những nhà văn hải ngoại của chúng ta ngày càng sử dụng bừa bãi những con chữ. Ông nêu thí dụ, Mai Thảo, một lần chắc là quá nhớ Sài Gòn, bèn ghé thư viện Cornell, mân mê ba con chữ trước 1975, hiện lưu trữ tại đây. Sau khi đã cơn ghiền, ông rời "phần thư" trở về … đời thường, tức là cuộc đời lang thang vô định nơi xứ người.

 Tác giả bài báo chê Mai Thảo dùng sai từ. Tại sao lại phần thư? Phòng đọc sách, hay văn vẻ hơn, thì phải là… "thư phòng" chứ!

 Mai Thảo rời Việt Nam năm 1978 thì phải. Lần chót tôi nhìn thấy ông, là một buổi sáng ngay sau ngày 30/4. Ông ngồi một mình trong một quán cà phê, hình như quán Sing Sing, một cái tên từ hồi "mồ ma" quân đội Mỹ, ở đường Phan Đình Phùng. Quán chẳng có ai ngoài ông. Tôi gặp lại hình ảnh này, trên bìa số báo Văn tưởng niệm ông: một Mai Thảo ngồi trên băng ghế bên đường chờ xe buýt tại thủ đô Sài Gòn của người tị nạn. Chi tiết về những ngày rong chơi của ông trước mũi súng, trước cuộc săn người của Cộng Sản, đã được Nhã Ca ghi lại, trong Hồi Ký Mất Ngày Tháng. Như vậy là ông có chứng kiến những ngọn lửa đầu tiên của cuộc phần thư 1975. Tôi tin rằng, khi lênh đênh trên một con tầu giữa biển khơi, trong số những hình ảnh ông còn giữ được của quê hương, chắc chắn có hình ảnh ngọn lửa thiêu đốt sách, những cuốn của ông, và của bè bạn. Ông biết rằng, chúng đều đã bị huỷ diệt. Bởi vậy, khi ông vào thư viện Cornell, là để đọc tro than của chúng.

 Cũng theo nghĩa đó, một khi những cuốn sách của Miền Nam, sau này được chính nhà nước Cộng Sản cho in lại ở trong nước, điều này chứng tỏ: chúng đã sống lại từ lớp tro than, từ cuộc phần thư 1975.

 Khi phải nhìn lại 25 năm văn học của người Việt lưu vong, tôi nghĩ nó phải như một loài phượng hoàng, cứ mỗi lần muốn tái sinh, là phải lao vào lửa.

 Phượng Hoàng

 Es-tu prêt à être effacé, nul, anéanti,

à n’être rien?

Perdu dans l’oubli?

 Sinon, jamais vraiement tu ne changeras

 Le phénix ne retrouve que sa jeunesse

que s’il est brulé, brulé vif, jusqu’à se faire

chaude et floconneuse cendre.

Alors le frêle remuement d’un frêle être nouveau dans le nid

au duvet léger comme cendre qui vole

montrer qu’il a retrouvé pareil à l’aigle sa jeunesse,

Immortel oiseau

 (D.H. Lawrence, Derniers Poèmes, bản dịch tiếng Pháp của Roger Munier, trong Cahier de L’Herne, 1988).

 (Tạm dịch:

Mi đã sẵn sàng chưa, để xóa nhòa, thành không, tiêu tùng,

để chẳng là chi?

Chìm vào quên lãng?

 Nếu không, mi đừng mong chi thay đổi.

 Phượng Hoàng chỉ tìm lại tuổi thanh xuân

khi cháy rực như cây đuốc sống

chút tro than còn, nóng, nhẹ như bông,

Rồi lung linh ở ngay tổ,

Là lông tơ, nhẹ, tựa tro bay:

nó đã tìm lại được mình,

Con chim bất tử).

 

Trong bài viết Nhân Văn (Humane Literacy) George Steiner khẳng định: không một chế độ chính trị nào có thể yểm bùa chú lên những tác phẩm của nhà văn, khiến cho nó vĩnh viễn chìm vào trong quên lãng, hay bóp méo nó, và cho dù những cuốn sách có thể bị tiêu huỷ, nhưng tro than sẽ được vun vén, và giải mã. Khi nhà nước CS đành phải cho xuất bản những tác phẩm văn học của Miền Nam trước 1975, điều này chứng tỏ: con chim phượng hoàng đã tái sinh. Ở hải ngoại, nếu nó được tái sinh, thì cũng không do những ông lái buôn làm giầu từ những tác phẩm vơ vét đem xuống tầu cùng với họ; cũng không phải bởi các tác giả may mắn đi từ những ngày đầu, rồi vào thư viện Mỹ sao chép lại… Chúng vẫn chỉ là tro than. Từ đó, một con phượng hoàng song sinh sẽ tái xuất hiện.

 Walter Benjamin nhận xét: không hề có chuyện gì đã từng xẩy ra mà có thể bị coi là mất mát đối với lịch sử (nothing that ever happened should be regarded as lost for history. Illuminations). Nhìn theo cách đó, thời gian 25 năm là quá ngắn ngủi, đối với một dòng văn học, so với chiều dài lịch sử.

 Cùng với thời gian, những con chữ ngày càng thoát ra khỏi những rằng buộc nhất thời, và đủ sức chuyển tải cuộc sống đa đoan phức tạp của những con người Việt Nam xa quê hương. Khởi từ lời khuyên của Don Quixote, "Đừng tìm những con chim ngày hôm nay, ở trong cái tổ ngày hôm qua", văn học hải ngoại của người Việt Nam sau 25 năm bắt buộc nhìn về phía trước. Theo nghĩa đó, tôi tin rằng dịch thuật chính là cánh cửa mở ra văn học Việt Nam hải ngoại. Dịch thuật còn là cái cầu "Ô Thước", cho hai con phượng hoàng song sinh "hội nhập", trở thành một. So với hằng hà sa số những "sáng tác" hiện xuất hiện trên một số báo văn học, và xuất hiện đầy rẫy trên những trang nhà trong không gian ảo trên lưới thông tin toàn cầu, chúng ta mới nhận ra sự quan trọng của dịch thuật, theo nghĩa: chiếm đoạt, cầm tù cái nghĩa (meaning), làm giầu có cho tiếng nói, ngôn ngữ Việt.

 "Đừng gọi ta là Hiệp Sĩ Mặt Buồn nữa. Hãy gọi ta là Hiệp Sĩ Sư Tử", Don Quixote ra lệnh cho người hầu. Hiệp Sĩ Mặt Buồn ám chỉ Đấng Cứu Thế. Hiệp Sĩ Sư Tử là để chỉ con người, trong cuộc phiêu lưu tìm lại chính mình, một khi thần thánh đã bỏ đi. Cuộc phiêu lưu đó bắt đầu bằng tiểu thuyết. Với Âu Châu, tiểu thuyết là thể dạng văn học thứ ba, sau hùng ca và bi kịch (Hy Lạp). Theo G. Lukacs, tiểu thuyết là để diễn tả cõi "không nhà siêu việt"; nói nôm na, nó diễn tả thân phận lưu vong của con người, khi không còn thần thánh nữa.

 Theo nghĩa đó, nhà văn Việt Nam hải ngoại bắt buộc phải là những vị hiệp sĩ sư tử, trong cuộc chinh phục ý nghĩa, về chính thân phận người Việt lưu vong nơi xứ người.

 3. Sự câm lặng

 Chuyện xưa, một ông vua giấu sáu cậu con trai và một cô con gái vào trong rừng, vì bà vợ sau của ông vốn là một mụ phù thuỷ. Tuy nhiên bà phù thuỷ cũng tìm ra sáu đứa nhỏ, và ném lên mình chúng sáu chiếc áo sơ mi bằng lụa đã được phù phép, biến chúng thành sáu con thiên nga. Bà không biết sáu anh em còn một cô em gái.

 Cô bé đi tìm anh. May mắn làm sao, cô gặp được, bởi vì mỗi ngày họ có mười lăm phút trở lại dạng người. Khi từ giã, cô được mấy người anh cho biết: mấy người anh chỉ có trở lại làm người, khi cô ném lên mình họ sáu chiếc áo, do chính tay cô đan trong sáu năm, bằng một thứ cỏ gai.

 Trong sáu năm ròng rã đó, cô không được cười, không được nói.

 Cô bắt tay ngay vào việc.

 Rồi một ngày đẹp trời, một ông vua ghé qua, và nhận ra một nhan sắc. Hỏi thế nào cũng không nói. Nhưng điều này không làm ông vua đổi ý, khi quyết định cưới cô làm vợ. Và họ có được một đứa con trai. Bà mẹ sai người bắt đứa bé, vu cho cô làm chết nó. Đối lại những lời cáo buộc, chỉ là sự câm lặng. Đứa bé thứ nhì, thứ ba, cũng vậy. Cô lặng câm, cặm cụi cúi xuống manh áo đang đan. Ông vua, dù lúc nào cũng thương vợ, nhưng đành phải kết tội chết. Ngày cô lên giàn hỏa cũng là ngày cuối cùng của thời hạn nghiệt ngã. Khi sáu con thiên nga xuất hiện, cô ném sáu chiếc áo lên mình chúng và lời nguyền hết linh. Cậu út, vì chiếc áo chưa kịp đan xong, vẫn lủng lẳng một cánh thiên nga.

 Trên đây là tóm tắt một chuyện cổ (conte) của Grimm [Jakob Ludwig Karl 1785-1863, người Đức, cùng với người anh là tác giả Những Chuyện Thần Tiên (Fairy Tales, 1812-14) dựa theo chuyện kể dân gian].

 Và sau đây là tóm tắt chú giải của Simone Weil.

 Bà cho rằng, trong những tư tưởng tuyệt vời của Platon, có những tư tưởng ông kiếm được, nhờ suy nghiệm về những huyền thoại. Bà tin rằng, những huyền thoại của chúng ta cũng có những tư tưởng đẹp. Và bà đã thử chọn lựa một cách thật tình cờ, chuyện sáu con thiên nga của Grimm, sau khi cẩn trọng người đọc: sẽ là thực những gì tôi sẽ nói.

 Chúng ta phải để ý tới cái thời điểm mà người em gái ném lên mình những con thiên nga những chiếc áo cỏ. Bằng một cú ném áo, họ đã bị trù yếm; cũng bằng một cú ném áo như vậy, họ được giải thoát. Họ bị biến dạng đâu phải do lỗi của họ, và họ trở lại làm người, là do lòng yêu thương của cô em. Nếu họ bị biến dạng do những lỗi lầm mà họ đã phạm, có thể họ sẽ phải trải qua đau khổ, rồi mới được trở lại làm người. Trong câu chuyện, họ nhận điều xấu cũng như điều tốt, là từ bên ngoài. Câu chuyện sẽ khác hẳn, nếu cô em gái đi tìm một thứ dược thảo thần kỳ. Như vậy dược thảo cứu họ, chứ không phải cô em. Chúng ta tưởng rằng những chiếc áo cỏ đã giải thoát họ, không phải vậy. Chính cô em gái, bằng khổ nạn mà cô đã tự ôm lấy: cặm cụi đan áo cỏ trong sáu năm, không được cười, không được nói. Sự câm lặng phá huỷ lời nguyền, làm cho nó trở nên vô hiệu.

 Im lặng. Không nói. Không cười. Trong sáu năm ròng rã. Ở đây, sự câm nín, nhẫn nhục trinh nguyên đã tác động. Tình yêu của ông vua, những lời buộc tội của bà mẹ chỉ làm tăng thêm thử thách. Phải cực kỳ khó khăn, cực kỳ khổ nạn, sự cứu rỗi mới rạng rỡ, đức hạnh mới bật ra. Cỏ gai đâu phải để đan áo! Ngay cả hành động đan áo cũng chỉ có một giá trị biểu tượng, chính hành động "không hành động" (không nói không cười), hay dùng từ của Simone Weil, chính cái gọi là hư vô của hành động (le néant d’action) mang trong nó, đức hạnh. Và theo bà, tư tưởng này đã tới được chốn sâu thẳm nhất của tư tưởng đông phương.

 Bài học từ câu chuyện Grimm, sự câm lặng, bàng bạc trong tác phẩm của Weil, từ những năm chiến tranh. Thí dụ như trong Cahier VI: "Chủ đề về sự thơ ngây vô tội tự nguyện không chống trả. Những con thiên nga." Và vào những giây phút cuối cùng của đời mình, trong "sổ tay ở Luân Đôn", bà hình như tự đồng nhất với nữ nhân vật ở trong câu chuyện cổ tích: "Sự câm lặng của cô gái nhỏ trong Grimm [nhờ vậy] mà cứu được những người anh… Sự câm lặng của Đấng Ky Tô. Một thứ thỏa uớc thiêng liêng, một hợp đồng của Thượng Đế với chính Người, từ đó, thế gian bị kết án: chỉ tới được sự thực bằng [hành động] câm lặng."

 Người viết đọc Weil, và bỗng nhớ những đêm Cali không ngủ vì vụ Trần Trường. Tuy không phải là người Cali, nhưng đúng vào dịp đó, tôi có mặt, và đã thường trực tham dự những đêm không ngủ. Ở đó, tôi đã gặp một anh bạn học từ những năm trung học. Cả hai đã từng sát cánh bên nhau, trong vụ biểu tình đầu tiên sau 1954, tại Sài Gòn, để phản đối phái đoàn CS trú ngụ tại khách sạn Majestic và khách sạn Ga-li-ê-ni những ngày sau di cư. Anh cho biết, kể từ ngày đó, bây giờ anh mới lại đi… biểu tình! Và còn gặp nhiều đồng nghiệp trước 1975, chưa từng bao giờ đi biểu tình. Có anh bạn cả đời chỉ cặm cụi làm việc, khi còn ở Việt Nam cũng như khi đã chạy qua Cali sau khi ra trại tù, vậy mà đêm nào cũng ra ngồi… thiền giữa trời! 

Tôi nhận ra một điều, đa số những người đi biểu tình xử sự như anh: họ ngồi im lặng, không nói, không cười. Như đang cầu nguyện, trong câm lặng.
 

Và tôi hiểu ra một điều: đây là một cuộc lễ cầu siêu vĩ đại nhất, trong câm lặng, vào cuối thiên niên kỷ, cho tất cả những người đã ngã xuống vì cuộc chiến, và sau đó…
 

Và tôi tự hỏi, phải chăng những tiếng hò hét chung quanh sự câm lặng chính là "cú ném áo đầu tiên’, của một con mụ phù thuỷ có tên là "lịch sử của quá khứ"?
 

Nguyễn Quốc Trụ