*

 


TẠP GHI





*

Như lính giữa rừng

Journeys, like artists, are born and not made.
(L. Durrell. Chanh Chát, Bitter Lemon)
(Lãng Du, như nghệ sĩ, có ở trong máu, chứ không làm ra được).
Tôi vẫn thường nghĩ, đi chỉ là để mở ra cõi trong riêng tư, khi đứng trước một cõi ngoài đổi khác. Thú vị hơn, nếu bạn đồng hành là một cố nhân tha phương hạnh ngộ.
Tôi và N. ngồi giữa vườn cây trong lúc hai bà len lỏi giữa lối đi thời gian dẫn về một làng da đỏ tại vùng Bắc Mỹ 500 năm trước đây với tất cả nền văn minh, lối sống của họ, nay được thu nhỏ lại để trình bày cho du khách. N. trước năm 75 là một giáo sư trung học, ngoài ra còn viết văn, làm xuất bản. Thời gian tụi này ở trại cấm Thái Lan, anh thường gửi tiền, và cùng một vài người bạn can thiệp, vận động mong cho tụi này qua được thanh lọc. Tuyển tập truyện ngắn do anh xuất bản năm 1974, trong có bài, hình ảnh cùng vài dòng tiểu sử tụi này tình cờ gặp được trong đám người chung số phận, không ngờ thật hữu ích khi thanh lọc. Tấm hình Cao Lĩnh chụp vào một buổi chiều tại Sở Thú Sài-gòn là tấm hình độc nhất đánh dấu những ngày cá nhân tôi mê mải với những chữ.
N vẫn còn phong độ, nghĩa là vẫn đẹp trai, vẫn còn những nét lỉnh kỉnh như cái ống vố, cách bập bập thuốc, như để giữ ấm hơi đời, ở cõi người lạnh giá này. Và anh vẫn còn đam mê làm nhà xuất bản, vẫn muốn có dịp qui tụ một số cây viết, trong một cuốn sách có những dòng chữ đẹp như những bức hình của Cao Lĩnh ngày nào. Tôi nói với anh, có những cuốn sách tạo nghiệp. Cuốn trước, trong lời tựa, anh coi đây là vốn liếng một đời cho quê hương, cho bạn bè. Chưa đầy một năm, Cộng Sản thôn tính Miền Nam.
Bây giờ anh lại lăm le làm xuất bản, biết đâu cái nghiệp lần này khá hơn, tụi mình lại có dịp ngồi lai rai ở Quán Cái Chùa, tại Sài-gòn.
Tôi vẫn còn nhớ cái nhìn của anh sinh viên Luật, người Thái Lan, được Bộ Nội Vụ và Cao Uỷ Tỵ Nạn mướn làm thẩm tra viên trong buổi thanh lọc. Cái nhìn dừng lại rất lâu trên khuôn mặt tiều tuỵ ở ngoài đời so với trong hình. Có vẻ anh tin. Có vẻ anh thông cảm. Có vẻ anh sợ hãi, không ngờ sự khủng khiếp của một chế độ so với sức chịu đựng của con người.
Trong tuyển tập có một truyện ngắn đã theo tôi từ ngày học trung học. "Con thằn lằn chọn nghiệp", của Hồ Hữu Tường. Thời gian đó, tôi đã phải vô Thư viện Quốc gia ở đường Gia Long, để nắn nót chép từng chữ truyện ngắn trên, bên cạnh những dòng chữ Tây, chép từ cuốn "Biện chứng pháp" của Trần Đức Thảo. Đám chúng tôi vẫn thường tâm sự, hạnh phúc nhất, mà cũng bất hạnh nhất của những người 20 tuổi vào những năm 60, đó là chúng tôi có quá nhiều ông thầy, quá nhiều triết thuyết, chủ nghĩa, nào hư vô, hiện sinh, hiện tượng luận, cơ cấu luận... Những đàn anh chúng tôi, dù sao cũng chỉ chịu khổ với một chủ nghĩa Cộng Sản.
Như nhiều người đã biết, Hồ Hữu Tường lúc đầu theo Trotsky, dính vô vụ Bình Xuyên và bị ông Diệm kết án tử hình, sau nhờ sự can thiệp của một số nhà văn, trí thức tên tuổi trên thế giới, án tử hình đổi thành khổ sai chung thân, tại Côn Đảo. Trong lúc đối diện với cái chết, ông viết "Trầm tư của một người bị tội tử hình", và mơ tưởng Đức Phật lại trở lại với thế gian này. Hồi còn mồ ma tờ Nghệ Thuật, Thanh Tâm Tuyền có viết một loạt bài về cuốn Trầm Tư, qua đó ông cho rằng giấc mơ về sự nhập thế của Đức Phật cũng nát tan như mảnh đồng bằng chằng chịt những bờ của Miền Bắc. Thanh Nam, lúc đó là Tổng Thư Ký tòa soạn, nói đùa, bộ anh tính đụng vô vị thần linh Miền Nam hay sao. Ít người biết chuyện, chính Hồ Hữu Tường đã quyết định con đường cầm bút của ký giả Ba Tê (bút hiệu của Thanh Tâm Tuyền khi viết trên mục Tạp Ghi của nhật báo Tiền Tuyến tại Sài-gòn). Khi Hồ Hữu Tường làm tờ Phương Đông [hay Đông Phương?] tại Sài-gòn, Thanh Tâm Tuyền lúc đó còn là sinh viên ở Hà-nội, có gửi bài tham dự cuộc thi truyện ngắn. Truyện được giải nhì, không được đăng, vì không thể đăng được. Người viết được nghe bà cụ của thi sĩ kể lại, những ngày còn đi học, đám chúng tôi, những bạn bè của người em thi sĩ, vẫn lấy nhà bà cụ làm nơi tụ họp.
Trong Bếp Lửa, Thanh Tâm Tuyền đã để cho một nhân vật nói lên nhận định về tôn giáo: một khi nhập thế trong xác phàm, thần thánh cũng phải chịu đựng, như bất cứ một con người nào, mọi thảm kịch của nhân gian, triết hiện sinh gọi là những hoàn cảnh hữu hạn, và chỉ thoát ra bằng sự thất bại. Tư tưởng này có thể coi như chung cho các đa số các nhà văn hiện sinh tuy cách phát biểu mỗi người một khác. Sartre: Con người bị kết án phải tự do. Camus: Phải tưởng tượng Sisyphe hạnh phúc. (Sisyphe là nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, bị tội vần đá lên núi. Gần tới đỉnh núi, hòn đá lăn xuống, và Sisyphe lại vần đá tiếp.)
Tôi cũng nghe nói. chị NG. phu nhân anh N. là một ca sĩ. Lần trước tụi này lên Montreal, thời gian quá ít ỏi nên không được hân hạnh nghe tiếng hát của chị. Tôi nói với N., cũng vẫn một giọng đùa đùa, chỉ mong chị đừng có tiếng hát của cô Tơ trong Chùa Đàn.
"Nguyệt giãi tàn nhang...ư... Con sông hồ nước biếc... Bá Nhỡ ngồi trước mặt kia, sinh mệnh chỉ còn dính vào cuộc đời bằng một vài khổ đàn nữa thôi. Tắt bản đàn là đời người đang cúi xuống cái gẩy bằng sừng bò tót kia cũng hết luôn".
Cũng lại một cuốn sách tạo nghiệp, Chùa Đàn. Đọc lại tôi thấy tiếc hùi hụi, phải chi Nguyễn Tuân đừng thêm vô Mưỡu Cuối. Cũng vẫn chuyện Ngày Mai ăn bánh khỏi trả tiền, trong một Thị Trấn Ngày Mai, của một Ngày Mai Ca Hát. Ngày Mai to lớn hơn, huy hoàng hơn...
Vâng, cũng những bài xưa cũ đó, buổi tối tại một nhà hàng, đám chúng tôi ngồi nghe chị NG. Cô Tơ đã chết rồi, bây giờ những bài hát không làm sống lại quá khứ nhưng rửa sạch quá khứ, đem lại công bình cho những người đã chết.
"Như lính giữa rừng yêu lá thấp mà thôi...".
Nguyễn Quốc Trụ 

Sao không hát cho người giết giặc trên cầu
Khi bùn lầy còn pha sắc áo xanh
Trong khói súng xây thành
Mắt quầng thâm mất ngủ
Tàn đêm khói lửa
Giờ chỉ cần hai tiếng mến anh

Sao không hát cho những người còn mải mê
Lá rừng che kín đường về phồn hoa
Không hát cho những bà mẹ già từng đêm nhớ con xa
Hay hát cho những người vừa [gục] nằm xuống chiều qua.
Đây có lẽ là bài hát tuyệt vời nhất trong những bản nhạc sến, nhạc vàng.

Từ
Trong khói súng xây thành
chuyển qua
Mắt quầng thâm mất ngủ
thì đúng là khủng khiếp, quái chiêu thật!
Hai câu liền sau đó, cũng thật là thần sầu:
Sao không hát cho những người còn mải mê,
Lá rừng che kín đường về phồn hoa

Gấu này, do chưa từng đi lính, mê thì quá mê, nhưng có mấy câu, mấy chữ không làm sao hiểu được ý của tác giả.
Thí dụ: Tàn đêm khói lửa, giờ chỉ cần hai tiếng... hai tiếng gì? Bên anh, hay mến anh?

Đừng hát như chim trên ngọn lá sầu, hay, vùng lá sầu?
Câu này thật hay, nhưng thật khó hiểu: Ngọn lá sầu? Vùng lá sầu?

Yêu lá thấp là... yêu cái lá đó?
Càng khó hiểu càng hay!
*

Rừng Lá Thấp
Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi
Thành phố sau lưng ôm mộng ước gì
Tôi là người vui chinh chiến dài lâu
Nên mộng uớc đầu tôi nghe đã chìm sâu
Từ máy thu thanh cô nàng vừa ca
Trọn kiếp yêu anh lính khổ xa nhà
Giữa rừng già nghe tiếng hát thật xa
Nhưng giữa rừng già tôi có thấy gì đâu
Sao không hát cho người giết giặc trên cầu
Khi bùn lầy còn pha sắc áo xanh
Trong khói súng xây thành
Mắt quầng thâm mất ngủ
Tàn đêm khói lửa
Giờ chỉ cần hai tiếng mến anh
Sao không hát cho những người còn mải mê
Lá rừng che kín đường về phồn hoa
Không hát cho những bà mẹ già từng đêm nhớ con xa
Hay hát cho những người vừa [gục] nằm xuống chiều qua.
Rừng là xanh xanh lối mòn chạy quanh
Đời lính quen yêu gian khổ quân hành
Nghe từ ngày thơ tiếng súng triền miên
Đánh giặc lâu bền cho non nước bình yên
Lời hát xin gây rung động thật lâu
Đừng hát như chim trên ngọn [vùng] lá sầu
Xin thật lòng trong câu hát đầu môi
Như lính giữa rừng yêu lá thấp mà thôi.

 *