*
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

TẠP GHI




1. Ba trăm năm sau có ai khóc Tố Như ?


-Anh coi thường em quá. Oanh ngăn xúc động dịu dàng nói.

-Rồi em sẽ hiểu, nên để người ta coi thường mình. Kiệt trở giọng giận dữ – Mình là cái quái gì. Anh chỉ mong được mọi người coi thuờng anh…

(Thanh Tâm Tuyền: Một Chủ Nhật Khác)


Nabokov, nhà văn lưu vong người Nga, viết văn bằng tiếng Anh, trong một cuộc phỏng vấn, đã tỏ ra bực bội của ông khi thấy thiên hạ chỉ biết tới Lolita mà chẳng thèm để ý tới cha sinh mẹ đẻ "cô bé" là ai: "Lolita mới nổi tiếng, còn tôi chỉ là một tên tiểu thuyết gia u tối, bội phần u tối, với một cái tên thật khó đọc."

Đây là nỗi bực chung của "thiên tài", theo tôi.

Khi Cái Trống Thiếc ra đời, được thiên hạ vồ vập, Guenter Grass cho biết, ông viết nó ở Paris, quận 13, đại lộ Italie. Ông, người vợ đầu, Anna, đã sống hạnh phúc tại đó, trong một căn nhà nhỏ xíu. Họ cho ra đời một cặp sinh đôi, tại căn nhà nhỏ xíu thêm lên đó. Tuy nhiên ông biết, đang nắm một cái gì đó, và tiên cảm được điều này. "Đây là một đề tài mà tôi đã tránh né trong nhiều năm…. nhưng không thể bỏ qua. Vậy là tôi đối đầu với nó."

Nguyễn Du biết trước, ông sẽ phải đối đầu với một nàng Kiều. Có thể ngay từ khi còn là một đứa bé, theo ông anh đi tới trà đình, tửu quán, nghe một nàng Kiều nào đó thốt lên lời đau thương, ông đã nhận ra cái tâm sự đồng bệnh tương lân giữa nghệ sĩ và nghệ sĩ… Người đời sau tra hỏi, Nguyễn Du viết Truyện Kiều khi nào, trước hay sau khi đi sứ, trước hay sau loạn Tây Sơn… tôi xin được có "ý kiến ý cò" ở đây: ông viết nó, ngay từ giây phút bước chân vào đời, hay nói rõ hơn: ngay từ giây phút bước chân vào một nhà hát ả đào, nghe tiếng hát cất lên: "Đời ca hát ngày tháng, cho người mua vui", "Sống làm vợ khắp người ta"…, và "cậu bé" sững sờ tự hỏi: "Phải chăng lời ca của cô làm chúng ta bay bổng, hay biết đâu, chính sự lặng ngắt dị thường quấn quít quanh sợi tơ, là tiếng hát của cô?" (Josephine the Singer, or Mouse Folk, Josephine Nữ Ca sĩ, hay là Dân Chuột. Kafka).

Đâu có khác nhà tiên tri, chịu không thấu gánh nặng mặc khải: gánh nặng mặc khải của Nguyễn Du, là nàng Kiều; ông biết ông sẽ phải đương đầu với "nó". Và "nó" phải thành công. Và thiên hạ sau này sẽ chỉ biết tới "nó". Ông cầu mong được san sẻ một vài giọt nước mắt, khi thiên hạ nhỏ xuống, cho một "ma không chồng".

"Cuộc đời trăm năm rách nát với văn chương" (thơ chữ Hán, Nguyễn Du). Đâu khác chi Kafka, khi khẳng định: "Ông Trời ‘năn nỉ’ tôi đừng viết nhưng tôi phải viết" ("Dieu ne veut pas que j'écrive, mais moi je dois"). Nguyễn Du, thời gian "trốn đời, ở ẩn", khiêm tốn gọi mình là một tên thợ săn ở núi Hồng Sơn (tài liệu từ cuốn thơ chữ Hán của Nguyễn Du, in ấn ở miền bắc, lọt vào miền nam do ngả Paris, người viết được đọc trước 1975); lúc này ông già, yếu, đói, bịnh, và đói, nhưng "nhằm nhò chi ba cái lẻ tẻ", cuộc đời trăm năm đã dành cho "mắt xanh" mất rồi, đâu có thời giờ đi kiếm tiền chữa bịnh!

Ông than van, ông cầu mong; nhưng "bạn của ông", nhà văn người Pháp, Gustave Flaubert, thì không "hiền khô" như vậy: Flaubert đã từng phát điên lên, tại sao ‘con điếm’ Bovary cứ sống hoài, trong khi ta nằm đây, chết như một con chó ghẻ? (Flaubert cried out against the paradox whereby he lay dying like a dog whereas that ‘whore’ Emma Bovary, his creature… continued alive. G. Steiner, The Uncommon Reader). Đời đọc tính theo giờ, đời sách tính bằng thiên niên kỷ. Pindar là người đầu tiên nhận ra sự trớ trêu này: Khi thành phố mà tôi ca ngợi, đã lụi tàn, khi những con người mà tôi hát hỏng, đã chìm vào quên lãng, những con chữ của tôi vẫn còn hoài. Đây chính là "sợi chỉ xuyên suốt", khởi từ Horace với khẳng định ‘exegi monumentum’* tới Mallarmé, với giả dụ rằng: thế giới hiện hữu là để tiến tới một cuốn sách, cuốn sách sau cùng, bản văn vượt thời gian (the final book, the text that transcends time. George Steiner).


Người viết có một anh bạn, mê văn chương. Mê lắm, nhưng cứ nay lần, mai lữa, vì còn nhiều việc phải làm. Nào lo cho xong cái nhà, kiếm mấy chân hụi cho bà xã để dành tiền lo cho xấp nhỏ… tới lúc rảnh rang, tính viết văn, thì phát giác ung thư đã ăn tới tận cổ họng. Văn chương, ở ngay "làng kế bên" (The next village, Kafka)* vậy mà cả một cuộc đời dài như thế, hạnh phúc như thế, "vưỡn" chẳng nhín ra được một tí thời giờ cần thiết cho nó!

Lại có một anh, lúc tre trẻ cũng viết được một, hai truyện ngắn, cứ tạm cho là được, vì báo này báo nọ đăng, ông bạn ấy, ông bạn ớ gật gù, "Được, Được!". Rồi cũng đầu tắt mặt tối với cuộc nhân sinh cõi người ta, bởi vì "có thực mới vực được đạo", bèn quyết định làm ông…. chủ báo: đây cũng là công việc gạn lọc, ban bố cho đời những "thiên tài"!

Lại có ông cũng đẻ ra tác phẩm này tác phẩm nọ, nhưng hình như không được đời nhắc nhở, khen ngợi, bèn ‘băn khoăn’, không hiểu mình có để lại cho đời một cái gì không, không hiểu ba trăm năm sau, thiên hạ ngu đần có nhận ra những điều cao cả về "thời đại của chúng ta" được gói ghém ở trong đó: ôi chao, ông bạn biết tỏng ra một điều là tác phẩm của mình chỉ đáng vứt vô thùng rác. Cũng chính Flaubert, uất ức với con điếm là như thế, mà còn nhận ra "chân lý": Nhà văn phải làm sao cho hậu thế tin rằng, đếch có một thằng nhà văn như thế, đã từng có mặt ở trên cõi đời này. Đây chính là một trong những lý do, cổ nhân không thèm ký tên dưới tác phẩm của mình. Vô danh thị, vậy là được rồi.

Lại có ông, cứ mong được người đời phỏng vấn, để giơ hai tay lên trời, ngửa cổ than: đây là nghiệp của tôi. Ông khác thì nói: tôi mà không viết thì ngứa không chịu được. Ôi ngứa thì gãi, nghiệp thì đi cúng giải oan, đi chùa bố thí cho hết nghiệp. Đừng để ba trăm năm sau, thiên hạ khóc cho cả… đất nước mình!

Ngay cả khi biết "nó đây rồi", rằng ta đã nắm bắt được chân lý, ta đang đối đầu với "nó", cũng hỏng thôi, bạn ơi: hăm hở trả ơn văn chương, thì cũng là bội bạc với nó, như trong câu chuyện của Kafka, mà người viết xin cống hiến một số trích đoạn sau đây:

2. Cuộc Xét Nghiệm [The Test]


Tôi là một người hầu, nhưng không có việc làm. Nhút nhát, lại ít khi tỏ ra hết mình, thực ra tôi chẳng chịu sắp hàng, chen lấn với người khác; nhưng đây chỉ là một lý do khiến tôi thất nghiệp; cũng có thể chẳng có chi liên can tới chuyện thất nghiệp của tôi, trong bất cứ trường hợp nào, chuyện là thế này: chẳng bao giờ người ta gọi tôi đi hầu; những người khác được gọi, tuy họ chẳng cố gắng gì hơn tôi, mà thực ra có khi họ còn chẳng cảm thấy cái ao ước được gọi, trong khi tôi, ít ra đôi lúc cảm thấy điều này một cách thật dữ dội.

Vậy là tôi nằm dài trong khu sảnh dành cho người hầu, ngó lên chùm ánh sáng trên trần, mơ mơ màng màng, chợt thức, và lại rơi vào giấc ngủ. Đôi khi, tôi bước vào quán, nơi người ta bán bia đắng, đôi khi tôi cũng nốc nó một cách ghê tởm, nhưng những lần khác, tôi uống nó…

Một lần tôi vô quán, một người khách ngồi ở chỗ tôi hay ngồi quan sát mọi người. Tôi không dám nhìn ông ta thật gần, và quay mình tính bỏ đi. Nhưng người khách gọi giật lại; hóa ra cũng là một người hầu, tôi có gặp trước đó, nhưng chưa từng nói chuyện với anh ta.

-Tại sao anh bỏ chạy? Hãy ngồi đây làm một ly. Tôi trả tiền.

Vậy là tôi ngồi xuống. Anh hỏi tôi đôi điều, nhưng tôi không thể trả lời, thực ra là tôi không hiểu ngay cả những câu hỏi của anh ta. Thế là tôi nói: "Có lẽ anh buồn vì anh đã mời tôi, như vậy tôi nên đi thì hơn", và tôi tính đứng dậy. Nhưng anh ta vươn tay qua bàn đẩy tôi ngồi xuống. "Hãy ở lại", anh ta nói, "đây chỉ là một cuộc xét nghiệm. Kẻ nào không trả lời những câu hỏi, là qua được cuộc xét nghiệm".

Chú thích: Exegi monument aere perennius (Horace, Odes III. xxx.1): I have built a monument more lasting than bronze. Đây là nhà thơ tự hào về sự trường tồn của thơ ca của mình.

* Làng kế bên.

Nội tôi thường nói: "Đời vắn chi đâu. Như nội đây, nhìn lại nó, thấy đời như co rút lại, thành thử nội không hiểu nổi, thí dụ như chuyện này: bỏ qua chuyện tai nạn, làm sao một người trẻ tuổi có thể quyết tâm rong ruổi sang làng kế bên, mà không e ngại, một đời thọ như thế, hạnh phúc như thế, cũng không đủ thời gian cần thiết cho một chuyến đi như vậy."

Bản tiếng Anh: The next village.

My grandfather used to say: "Life is astoundingly short. To me, looking back over it, life seems so foreshorthened that I scarcely understand, for instance, how a young man can decide to ride over to the next village without being afraid that – not to mention accidents – even the span of a normal happy life may fall far short of time needed for such a journey".



2. Mua vui cũng được một vài trống canh.


Người ta thường cho rằng, Nguyễn Du đã "khiêm tốn" khi kết thúc tác phẩm của mình, bằng một câu như trên.

Chúng ta có thể tự hỏi, một người để cho nhân vật của mình nói giùm, "anh hùng đoán giữa trần ai mới già", "dọc ngang nào biết trên đầu có ai", một người tự hào về một cuộc đời "trăm năm rách nát với văn chương", nếu người đó cần phải tỏ ra khiêm tốn, chắc là ở chỗ khác, trường hợp khác, nhưng ở chỗ "nhân gian không thể hiểu" này, ông chẳng cần phải khiêm tốn làm chi cho mệt cái mình!

Nói gần nói xa, chẳng qua nói thẳng: mua vui chính là "chân lý" của văn chương. Nhà văn là một kẻ mua vui cho thiên hạ. Một thứ "enchanter", một thứ ảo thuật gia. Một anh chàng quá buồn, nên vui bằng nỗi vui của thiên hạ, qua những trò phù thuỷ giải buồn "của mình".

Theo nghĩa đó, George. Steiner, trong một cuộc phỏng vấn, đã nói về niềm vui lớn lao, "rằng 20 ngàn ngôn ngữ mà con người bịa đặt ra là những phương thức đáp ứng nhằm thoát ra khỏi cõi đơn điệu là cuộc sống, mỗi ngôn ngữ cho bạn một viễn ảnh khác biệt về thế giới." Khi được hỏi, có khi nào không phải "người viết sách", mà "sách viết người", ông cho biết đã gặp trường hợp như vậy, thí dụ như năm hoặc sáu trang trong cuốn Sau Babel: những gì chưa từng có ai nói ra, và cũng chưa từng có người nào đồng ý. Đoạn cuối cuốn Antigones cũng là do chính cuốn sách tự viết. Nhưng toàn cuốn, có thể là The Portage.

Theo nghĩa đó, chúng ta có thể nói, không phải Nguyễn Du bịa đặt ra nàng Kiều, mà nàng Kiều bịa đặt ra Nguyễn Du. Và những điều chưa từng có ai nói ra, ở Truyện Kiều chính là: mua vui cũng được một vài trống canh.

Tại sao vậy?

Hãy nhớ lại quan niệm văn dĩ tải đạo. Quan niệm người quân tử buồn trước cái buồn của thiên hạ (cũng được đi!), vui sau cái vui của thiên hạ (cái này thì không được!). Quan niệm, người quân tử không được để lộ cho người đời thấy những khí ô trọc từ người mình toát ra! (Hãy nhớ những bài thơ vịnh "cái rắm" trong chuyện dân gian, hãy nhớ lại bà dân biểu "nín tè" của nền chính trị VNCH…). Không được "ngáp" giữa công chúng (về nhà mà ngáp!)…

Nói theo Steiner, câu "mua vui cũng được một vài trống canh", là do cô Kiều nói, thay cho Nguyễn Du, về thân phận nghiệt ngã của mình: Đời ca hát ngày tháng, cho người mua vui.

Đây là thân phận nghiệt ngã của người nghệ sĩ. Của nhà văn, tiểu thuyết gia đúng hơn, như một kẻ làm trò ảo thuật, mua vui cho thiên hạ.

Nếu không biết cách làm cho thiên hạ vui, xin hãy kiếm việc khác mà làm, đừng làm nhà văn, cho mệt mình… độc giả!

Trong bài giới thiệu cuốn Littératures I, nhà văn người Mỹ, John Updike kể về những buổi giảng văn chương của Nabokov: ông như muốn truyền hết dòng điện đam mê từ con người của ông qua sinh viên. Bà vợ của Updike, một sinh viên của Nabokov, đã "mang cả cơn sốt đến lớp học, và khi tan lớp, chạy vội tới tiệm thuốc". Một sinh viên khác nhớ lại buổi mở đầu một khóa giảng, ông thầy nói: "Những ghế ngồi đều có đánh số. Hãy chọn cho mình một chỗ, để tôi thấy được sự liên hệ giữa những con số và khuôn mặt của các bạn… Cấm nói chuyện, hút thuốc, đan áo, đọc báo, ngủ, và lạy trời, xin ghi ‘nốt’ (pour l’amour du ciel, prenez des notes). Trong kỳ thi sát hạch: "… trừ khi có giấy xác nhận của bác sĩ, cấm đi tiểu".


Như Từ Hải nhận ra Kiều ở giữa chốn chợ buôn người; như Nabokov, Nguyễn Du nhận ra cái hố thẳm, giữa thực tại và nghệ thuật, giữa "quân tử" và "nghệ sĩ". Ông từ chối vai trò người quân tử, hoặc chỉ chấp nhận nó, trong "đời thường". Một cách nào đó, ông không bắt buộc văn chương làm cái công việc nặng nhọc là tải đạo. Một cách nào đó, ông nhận ra chính cái đẹp của thân thể con người mới là điều đáng ca ngợi, tôn thờ. (Rõ ràng trong ngọc trắng ngà… một toà thiên nhiên). Tuy dọc ngang nào biết trên đầu có ai, nhưng ông không đến nỗi ‘ngang ngược’, như Nabokov, khi khẳng định, "khá nhiều tác giả tuy nổi tiếng nhưng chưa từng hiện hữu dưới mắt tôi. Tên của họ được khắc trên những nấm mồ trống trơn, những cuốn sách của họ chỉ là những cái bìa trống rỗng…" ("Nombre d’auteurs reconnus sont tout bonnement inexistants à mes yeux. Leurs noms sont gravés sur des tombes vides, leurs livres ne sont que des couvertures vides…"). Nhưng chắc chắn, ông gật gù khi nghe Nabokov nói, "Đây là chân lý: những cuốn tiểu thuyết lớn là những câu chuyện thần tiên lớn" (La vérité est que les grands romans sont de grands contes de fée).

Liệu có thể gọi Truyện Kiều: câu chuyện về một nàng tiên bị đọa đầy xuống trần gian, làm một giọng ca, giữa chợ buôn người?…


Trong bài mở đầu cuốn tiểu luận về văn chương Littératures I, "Độc giả tốt và nhà văn tốt", Nabokov viết:

"Văn chương không sinh ra vào cái ngày mà một chú bé hớt hơ hớt hải chạy từ một thung lũng ra bên ngoài, la bai bải, ‘chó sói, chó sói’, và đằng sau chú là một con sói chạy bén gót; văn chương bắt đầu khi cậu bé la, ‘chó sói, chó sói’ và đằng sau chú, chẳng có một con sói nào. Chuyện chú bé nói láo, rồi sau đó bị sói ăn thịt, ở đây chỉ là phụ thuộc. Điều quan trọng là giữa chú sói ở một góc rừng và chú sói ở góc trang sách, có một mắt xích long lanh. Mắt xích đó, lăng kính đó, là nghệ thuật văn chương."

"Văn chương là bịa đặt (invention). Giả tưởng là giả tưởng. Gọi một câu chuyện (là) ‘chuyện thực’ là làm nhục cả nghệ thuật lẫn sự thực. Tất cả nhà văn lớn đều là những nhà ảo thuật gia lớn, nhưng Thiên Nhiên chính là một tổ sư đại bịp. Thiên Nhiên luôn luôn đánh lừa, từ một trò bịp bợm giản dị về tái tạo (de la simple supercherie), tới chuyện mà con mắt tuyệt vời, đa đoan phức tạp trong những công trình nhái đi nhái lại nhằm bảo vệ loài bướm, loài chim… Nhà văn của giả tưởng chỉ việc đi theo con đường mà Thiên Nhiên đã vạch ra."

Bắt chước. Tái tạo. Mà con mắt người ta bằng ba trò ảo thuật. Sáng tạo chỉ có nghĩa là lập lại?

Có người cho rằng Nguyễn Du đâu có sáng tạo, mà là "ăn cắp" Tầu. Khi túng, mượn đỡ Thanh Tâm Tài Nhân.

Ăn cắp, đạo văn… là những từ nặng nề. Nhưng Picasso xúi: cứ việc ăn cắp, và hỏi lại: bạn có gì không, để cho tôi ăn cắp? Một ông nhà văn khác, (tôi quên mất tên) nói thẳng: chỉ có những bậc đại gia mới lấy đồ trong túi người khác như móc từ túi của mình, nói rõ hơn, chỉ những thiên tài mới biết ăn cắp. Còn hạng thường nhân chúng ta, chỉ biết bắt chước, mô phỏng, nhái đi nhái lại (imiter).

Những người coi văn chương là cao quí, là nói về sự thực, làm hiển hiện chân lý chắc buồn khi tôi rẻ rúng văn chương, chỉ là chuyện mua vui cũng được một vài trống canh… Họ có thể tự hỏi: Chẳng lẽ trong văn chương, không có một chỗ dành cho… hiện thực?

Có, có. Như chúng ta đã biết, Lão Tôn khoe với Đức Phật, ta có 72 phép thần thông, trong đó có phép "câu đẩu vân", chớp mắt ở đây, chớp mắt đã cách đây hàng ngàn dặm. Hiện thực ở trong văn chương, chính là dấu vết mà Tôn Ngộ Không để lại, trên bàn tay Đức Phật, sau khi đã đi khắp ta bà thế giới, với trí tưởng tượng của một nhà văn.

Hãy trở lại với chú nhỏ và con sói của chú. Chúng ta có thể tóm tắt câu chuyện như sau: điều huyền diệu của nghệ thuật nằm ở trong cái bóng của con sói mà chú bé bịa đặt ra, trong giấc mơ của chú về chó sói… (la magie de l’art était dans l’ombre du loup qu’il a délibrément inventé, dans son rêve du loup.)

Sau cùng chú bé chết, câu chuyện về chú trở thành một bài học bên những đống lửa trại. Nhưng nhà ảo thuật tí hon, chính là chú. Nhà phát kiến (l’inventeur), chính là chú.

Updike nói về chú bé: Đứa trẻ trở thành một vết thương nhức nhối cho bộ lạc, và bộ lạc bỏ mặc cho nó chết.

Còn cái chết nào đau thương cho Nguyễn Du hơn là cái chết "hoài Lê"?

NQT