*


    

1. Chuyện ở tù

Một phụ nữ đụng chết một học sinh bị xử án khá kỳ lạ: Mỗi năm ở tù một ngày vào đúng kỷ niệm gây tai nạn
Dec 18, 2005

Cali Today News - Một phụ nữ ở Arkansas lái xe vượt qua một xe bus học sinh đang đỗ lại và cán chết 1 em học sinh đã bị tòa kêu án ở tù 10 ngày trong 10 năm tới, mỗi năm đúng vào ngày gây tai nạn thì lại vào tù.
Cô Tiffaty Nix, 25 tuổi, bị tuyên án là phải ngồi tù đúng vào ngày 28 tháng 9 hàng năm cho đến năm 2015 mới hết hạn tù kỳ lạ này, là ngày mà vào năm 2004 cô đã tông xe vào em William Issac Brian, 9 tuổi, gây tử thương cho em.
Nix tuyên bố mình có tội hôm thứ ba qua và nhận có vượt qua xe bus đang đỗ.
Quan tòa còn yêu cầu Nix phải bồi thưởng gần 5,700 đô la tiền tang lễ cho em Brian. Cô sẽ được tạm tha có điều kiện trong 10 năm và phải làm 400 giờ lao động công ích.
Cha của nạn nhân, ông Kelly Brian và vợ Shari nói họ cảm thấy hài lòng với bản án này. Bản án đã trở nên nặng hơn sau khi nhà chức trách khám phá có dấu vết của nha phiến và amphetamines trong máu của cô Nix sau khi gây tai nạn. Lúc đầu cô ta chỉ bị truy tố tội giết người không cố ý, nhưng công tố viên đã tăng mức án sau khi nhận các báo cáo từ phòng thí nghiệm cho thấy như thế.
Sau một tuyên bố viết kèm theo báo cáo của cảnh sát, Nix nói cô đã thấy chiếc xe bus nhưng không thấy cái bảng ra hiệu Stop của chiếc xe. Cô ta nói không biết là chiếc xe đang đỗ lại cho đến khi em Brian chạy băng trước đầu xe của cô.
Cái chết của Brian khiến các nhà làm luật của tiểu bang siết chặt thêm hình phạt dành cho bất cứ ai lái xe mà không chịu ngừng lại sau một chiếc xe bus chở học sinh đang đỗ lại.
Lê Lộc theo CNN
*

2. Câu chuyện thời sự, một người cán chết người, phải ở tù mỗi năm một ngày, đúng cái ngày cán chết người, làm Hai Luá nhớ tới một câu chuyện kinh dị đọc từ hồi còn nhỏ, của Hoffmann, và khủng khiếp hơn nữa, là cứ hơi bị liên tưởng đến ngày 30 Tháng Tư.

Câu chuyện của Hoffmann, như Hai Lúa còn nhớ được đại khái như sau.
Một anh chàng xa quê hương quá lâu, bèn về. Tới làng, thì đã đêm, bèn trọ lại ở quán nước đầu làng. Ở đây, anh ta chú ý tới một ông khách lạ dáng vẻ hết sức bồn chồn, tay đeo một chiếc nhẫn chạm nổi hình một chiếc xe ngựa, bốn con ngựa dáng thật hung hãn, đang phi nước đại.

Sau hồi làm quen, ông khách cho biết, ông là chủ chiếc xe ngựa được khắc trên mặt chiếc nhẫn, và đây là một kiệt tác của một thợ nổi tiếng tại làng này, cách đây năm trăm năm. Ông khách lạ là vị lãnh chúa của vùng này. Mê xe ngựa, mê cho xe chạy như điên trên đường làng, và một lần, đã cán chết đứa con gái nhỏ của ông thợ.
Quá đau đớn, và cũng để trả thù cho đứa con, người thợ này cặm cụi khắc chiếc xe ngựa lên chiếc nhẫn, và nguyền: Mi mê phóng ngựa, thì ta cho phóng ngựa. Cứ mỗi năm, đúng vào ngày mi cán con ta, mi sẽ phải trở về đây, cưỡi chiếc xe này, phóng vòng đua này, rồi sau đó, đi lang lang như người Do Thái phạm tội giết Chúa, đến ngày đến tháng lại trở về.

Khi vòng đua cuối cùng của năm trăm năm được thực hiện, chiếc xe ngựa trên chiếc nhẫn mà ông khách trao tặng anh chàng kể chuyện này, cứ thế mờ dần, và biến mất.

Nhân câu chuyện thời sự, Hai Lúa bỗng nhớ lại câu chuyện ma quái trên, và cứ tưởng tượng một cách thật là ma quái rằng thì là có một dân tộc bị lời nguyền, cứ đến ngày 30 Tháng Tư, là lại diễn lại cái tuồng cuộc chiến 30 năm mới có ngày 30 Tháng Tư này, vui sao nước mắt lại trào?
*

Này coi chừng, bị tẩu hỏa nhập ma đấy, cha nội!
Hai Lúa lại bỗng nhớ đến một lời cảnh cáo của một độc giả Tin Văn.

*
Thư độc giả

Lần này thì không kêu lên “Coi chừng bị THNM”, mà gật gù đồng ý, rằng đúng như thế, dân tộc kia rõ ràng là bị một lời nguyền độc địa, khiến mỗi lần chỉ nghe nói đến 30 Tháng Tư là đã rợn cả người, không biết nên quên hay nên nhớ.

Chao ôi, chẳng lẽ chúng ta cũng bị một ông thợ rèn nào đó trù yểm, một ngàn năm nô lệ chú Chệt, một trăm năm nô lệ thằng Tây, ba mươi năm nội chiến từng ngày, và năm trăm năm sau vẫn còn lang thang chờ khóc một 30-4?

K.