*


    

Nước Cờ Của Hư Trúc 

Độc giả say mê Kim Dung và say mê môn chơi cờ, chắc khó quên nổi ván cờ của chưởng môn nhân phái Tiêu Dao. Ván cờ ma quái, chính không ra chính, tà không phải tà. Dùng chính đạo phá không xong mà theo nẻo tà phá cũng chẳng đặng. Có người ví nó với thế Quốc Cộng ở một số quốc gia trên thế giới. Sau, Hư Trúc, chẳng biết chơi cờ nên cũng chẳng màng đến chuyện được thua, cũng chẳng luận ra đâu là tà, đâu là chính, đi đại một nước chỉ nhằm mục đích nhất thờI là cứu người, vậy mà giải được. Nước cờ của Hư Trúc, cao thủ đều lắc đầu vì là một nước cờ tự diệt, nhờ vậy mà tìm ra sinh lộ.
Tác giả, Kim Dung, thấm nhuần lịch sử, triết học Đông Phương và cái thế "dựa lưng nỗi chết" đã từng được nhiều danh tướng sử dụng.
Thú vị hơn, một lần nữa, sau đó, ông lại sử dụng thế cờ này để giúp Thiên Sơn Đồng Mỗ tìm ra chỗ trú ẩn, là hầm băng nơi nhà kẻ thù.

Là một nhà văn theo ý nghĩa đầu tiên của từ này, tức là một người kể chuyện, ông hiểu rất rõ, trên đời mọi chuyện đã được nói, và sáng tạo chỉ có nghĩa là lập lại. Những tác phẩm lớn chưa được biết tới, không có. (Les chefs-d'oeuvre inconnus n'existent pas). Nói rõ hơn, những tác phẩm lớn đều cưu mang trong nó bóng dáng những nguyên mẫu có trước đó, trong văn chương hoặc trong cuộc đời.
Có những nhà văn suốt đời chỉ viết đi viết lại một cuốn sách. Tất cả những tác phẩm lớn của Kafka đều là những cái bóng được phóng lên từ những truyện ngắn, những "ngụ ngôn, ẩn dụ" của ông.

Bộ tứ khúc Justine, Balthazar, Mountolive, Clea của Lawrence Durell là một câu chuyện về thành phố Alexandria được kể bốn lần, mỗi lần một khác. Nhiều chi tiết được lập lại, nhưng không hẳn như trước mà mang một ý nghĩa mới.
Tác giả giải thích, cả bốn cuốn đều được coi như một tác phẩm đơn (single work), không phải tiểu thuyết-sông, roman-fleuve, mà là "a word of continnum", một từ của liên tục (liên tục không gian-thời gian, theo lý thuyết Einstein). Bốn cuốn là chị em ruột, không phải là hậu quả của nhau. Toàn thể là một thách đố đối với hình thức chuỗi (serial form) của tiểu thuyết qui ước. Chỉ có cuốn chót (Clea) mới tháo bung chiều thứ tư là chiều thời gian, và mới có tính hậu quả, và là "tiểu thuyết thời gian-bão hòa của một ngày" (the time-satured novel of the day).
Với nhà văn mọi chuyện đều có thể xảy ra. Bắc Mỹ chia sách làm hai loại, giả tưởng, fiction, và không giả tưởng, non-fiction, là  để giản tiện vấn đề, nhưng qua đó, là một luật  tối thượng về đạo đức văn học: Một khi bạn ghi "hồi ký" thì bắt buộc, những sự kiện ở trong đó, đều được kể như là sự thực, theo nghĩa sự kiện có thực, đã từng xẩy ra.

Có người còn định nghĩa, nhà văn là người đốt lên một cây diêm đã được dùng rồi. Cây diêm dùng rồi có thể là một hình ảnh, một ý tưởng, một sự kiện lịch sử, một chân lý, một giả tưởng. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, khi đưa ra một hình ảnh khác về Vua Quang Trung, theo thiển ý, chỉ để mọi người, nhất là đồng bào Miền Bắc, có một cái nhìn "thực tế" hơn về vị "cha già dân tộc".  Hình như vào thời điểm này, UNESCO dự định vinh danh Hồ Chí Minh.
Hình tượng "cha già dân tộc", hình tượng hoàng tử Hamlet, vốn đầy rẫy trong văn học cổ điển Nga. Trong "Cô con gái viên đại úy" của Pushkin, anh chàng thiếu úy trẻ bị ông bố đầy ra một tiền đồn heo hút. Anh nằm mơ thấy ông già bị bệnh. Tới bên giường, hóa ra không phải ông già "ruột" mà là Pugachev, một nông dân nổi loạn sau bị Nga Hoàng xử tử.
Không hiểu trong lịch sử Đảng CSVN có bao nhiêu kẻ mong muốn kẻ thù giết cha biến thành cha ruột của họ?

Lập lại không có nghĩa là đạo văn. Không thầy đố mầy làm nên. Trong bách nghệ, học được hết bí quyết của thầy, vậy đã mừng húm. Riêng nghề văn, một nghề cần thầy hơn tất cả mọi nghề, học trò bắt buộc phải vượt thầy, theo nghĩa phải bắt đầu từ chỗ ông thầy bỏ dở, hoặc tưởng rằng đã hoàn tất. Phải sục sạo những gì ông thầy đã bỏ qua.
Nói tóm lại, phải mở ra những thử thách mới, những hy vọng mới cho văn chương và cho chính mình. Có thể hiểu theo nghĩa đó, câu của Mallarmé: Thế giới hiện hữu để tiến tới một cuốn sách đẹp (Le monde existe pour aboutir à un beau livre).

Gabriel Garcia Marquez, lần đầu viết gần ba trăm trang bản thảo, đọc lại, ông vứt bỏ vì thấy giống tác phẩm của một tác giả khác. Viết lại, ông lấy luôn bộ khung cuốn "Absalom, Absalom!" của W. Faulkner làm bệ phóng, và lần này thành công, một tác phẩm lớn xuất hiện.
Đọc "Trăm năm cô đơn", độc giả thấy ngay tác phẩm thoát thai từ Faulkner. Cũng một thành phố giả tưởng. Cũng một kỹ thuật tiểu thuyết qui chiếu về một siêu hình học của thời gian.
Trong Âm Thanh và Cuồng Nộ, Faulkner đập nát thời gian rồi xây dựng lại theo ký ức của một tên khùng, G. Garcia Marquez, cũng "mánh" đó, [mà sau này Sartre đưa ra thành lề luật: Mọi kỹ thuật tiểu thuyết luôn qui về một siêu hình học của tiểu thuyết gia], nhưng, thay vì ký ức của một thằng khùng, thì dùng những vòng tròn thời gian đồng tâm, những nhân vật cùng tên, tạo dựng thế giới Macondo từ những huyền thoại và thực tế Nam Mỹ (dòng văn chương hiện thực huyền ảo). Nhưng tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn hoàn toàn là của G. Garcia Marquez. Faulkner không thể viết như vậy được, ông bị chết cứng như nhân vật của ông trong hai lần địa ngục, hay là hai thảm kịch của nước Mỹ, đặc biệt là của Miền Nam nước Mỹ: Da đen và loạn luân.

Trong "Absalom, Absalom!", địa ngục thứ nhất mở ra khi người anh tố cáo với người yêu thầm kín-cô em ruột, người yêu của cô-bạn đại học của anh, là một tên da đen. Địa ngục thứ nhì: người đó có cùng huyết thống với cô (con người vợ đầu, da đen, của ông bố). Địa ngục khép lại khi anh em giết nhau, vì ghen tuông vì màu da.
Faulkner sau khi được Nobel là xuống luôn còn Garcia Marquez sau Nobel càng đầy mới lạ, khám phá.
Nhà văn như vậy còn là người dám đương đầu với những thử thách văn chương, dám đưa ra những cách viết, cách sống mới. Roland Barthes trong cuốn "Độ không của cách viết", còn đi xa hơn khi khẳng định:
Mỗi nhà văn khi xuất hiện là mở ra trong ngưòi đó một vụ án văn chương. (Chaque écrivain qui nait ouvre en lui le procès de la littérature).
Những thử thách này lại phải chứng nghiệm bằng cuộc sống.
*
Tuần báo Time, số Sept, 25, 95 kể chuyện tuần trước đó, một viên Cảnh sát giao thông người Do Thái giúp một sản phụ "mẹ tròn con vuông" nhờ coi cảnh đỡ đẻ trong phim ER (Emegency Room). Nghệ thuật bắt chước cuộc đời, và cuộc đời tìm thấy trong nghệ thuật lý do hiện hữu của nó.
Lịch sử Việt Nam gần đây thôi, lại cho một thí dụ về chuyện cuộc đời bắt chước huyền thoại văn học. Đó là chuyện Trương Chi, Mỵ Nương. Theo truyền thuyết, anh lái đò Trương Chi, người thì thực xấu, hát thì thực hay. Nhưng những chàng Trương Chi của cuộc đời thì suốt đời không biết hát, hoặc chỉ nghe một câu hát "Đường ra trận mùa này đẹp lắm".
Hiểu theo nghĩa đó, nước cờ của Hư Trúc có thể cắt nghĩa như vầy: Sau khi tiếng hát "thương nữ bất tri vong quốc hận" làm siêu đổ những miếu thiêng, những đền đài, danh tướng, và làm sập luôn cả một miền đất, cũng lại tiếng hát đó kết nối mọi hy vọng, đổ nát, vì lần này nó cất lên từ quần đảo ngục tù, từ mồ sâu biển cả, cuối cùng đã giải oan được lời thề "Phanh thây uống máu quân thù".

Người viết xin kể lại một kỷ niệm, những ngày cuối tháng Tư, đầu tháng Năm 1975, trong dịp nói chuyện với một nhà văn-nhà thơ đàn anh, trước khi ông khăn gói quả mướp lên đường đi học tập "10 ngày". Trong lúc ngồi chờ ly cà phê tại quán cóc nơi Xóm Gà Gia Định, ông anh viết mấy chữ và ký lằng ngoằng vào cuốn tiểu thuyết vừa mới ra lò được ít lâu cho thằng em, gật gù tiên đoán, Miền Bắc sẽ bị chấn thương nặng nề vì chiến thắng này.
*
Có thể cắt nghĩa nước cờ Hư Trúc, khi được áp dụng vào cuộc chiến Việt Nam, qua một hình ảnh mượn từ huyền thoại Hy Lạp: Con ngựa thành Troie. Huyền thoại trở thành hiện thực cùng với cuộc tập kết của những người Cộng Sản Miền Nam, khi họ được lệnh Đảng, mỗi người phải để lại, "ít nhất" là một cái bầu cho một cô gái Miền Nam. Huyền thoại tái xuất hiện khi Miền Nam tan hàng, bỏ chạy, để lại tình người Việt trong từng câu nói, từng cách sống, từng lời hát, nói tóm lại cái được gọi là tình tự dân tộc. Niềm bí ẩn, điều tối kỵ này lần đầu tiên được bộc lộ với đồng bào Miền Bắc, ngay trong ngày 30 tháng 4 năm 75, khi họ đụng chạm thực tế Miền Nam. Đùng một cái, đồng bào Miền Bắc thu hồi, tìm thấy lại cái gọi là khí thiêng dân tộc, hồn sông núi, hồn nhân hậu (nostalgia), cái phần của tiền nhân ở trong họ, mà bấy lâu nay bị chủ nghĩa Cộng Sản lên án, cố tình hủy diệt.

Nhiều người nói cuộc chiến Việt Nam không có kẻ thắng người bại, thực sự người dân Miền Bắc, những người chịu tai họa do đảng Cộng Sản gây nên, cay đắng, dai dẳng, nghiệt ngã hơn dân Miền Nam, chính họ là những người thắng trận. Chiến thắng của họ chấm dứt chiến thắng Miền Nam của những người CSVN. Cuộc giao lưu văn hóa giữa người dân hai miền bắt đầu kể từ ngày đó, không ồn ào, náo nhiệt, không chủ nghĩa, đảng phái, trào lưu, hải ngoại, trong nước. Người viết xin kể lại một kỷ niệm, những ngày cuối tháng Tư, đầu tháng Năm 1975, trong dịp nói chuyện với một nhà văn-nhà thơ đàn anh, trước khi ông khăn gói quả mướp lên đường đi học tập "10 ngày". Trong lúc ngồi chờ ly cà phê tại quán cóc nơi Xóm Gà Gia Định, ông anh viết mấy chữ và ký lằng ngoằng vào cuốn tiểu thuyết vừa mới ra lò được ít lâu cho thằng em, và gật gù tiên đoán, Miền Bắc sẽ bị chấn thương nặng nề vì chiến thắng này.

Khoảng cách giữa cách lập lại và đạo văn nhiều khi thật khó phân biệt và thường chỉ được đo bằng tài năng, lương tâm và liêm sỉ của người viết. Thanh Tâm Tài Nhân chỉ là cái cớ cho thiên tài Nguyễn Du xuất hiện, dù ông khiêm tốn gọi, đây là: "Tiếng hát đoạn trường mới".

Đọc Kim Dung chúng ta thấy ông vay mượn rất nhiều nguồn, nhiều người. Ngay cách mở truyện, từ một chi tiết, một sự kiện lịch sử, vốn do A. Dumas và nhận định của nhà văn Pháp này: Lịch sử chỉ là cái đinh để tôi treo tác phẩm của tôi. Nhân vật Du Thản Chi là từ Masque de fer, Mặt nạ sắt. Tính chất nghẹt thở là của Tây phương, rõ rệt nhất là từ ông vua kinh dị Hithcock Những nhân vật như Vô Kỵ, Kiều Phong, bà con với những đứa trẻ bất hạnh của Dickens. Lập luận của nhà sư già tại Tàng Kinh Các, khi giải thích tại sao Phật pháp lại giong ruổi với Võ học, xem ra như có vẻ vay mượn từ Lý thuyết (Théorie) và Thực hành (Praxis) của triết học duy vật biện chứng: Trên đường giong ruổi, Théorie và Praxis triệt tiêu lẫn nhau, quyện vào nhau, để cùng biến mất và từ đó xuất hiện, con người hoàn toàn (l'homme total), tức giấc đại mộng của Marx. Cái chết của Hồ Nhất Đao mà mỗi người chỉ biết có một phần sự thực, là gợi hứng từ Rashomon của nhà văn người Nhật, Ryunosuke Akutagawa. Những nhân vật nữ "độc, tối độc" như A Tỷ, Chu Chỉ Nhược xem ra vay mượn từ những nhân vật "Série Noire" của J. Hadley Chase, tuy tính chất chung tình của họ hoàn toàn Á Đông. Cách xây dựng nhân vật, cặp Hân Tố Tố-Trương Thúy Sơn vừa nằm xuống, cặp Vô Kỵ-Triệu Minh xuất hiện là thuộc truyền thống Trung Hoa, sóng sau đè sóng trước.

Nhiều trường hợp chính học trò khám phá ra những ông thầy [Ý này của Borges, trong bài Những tiền thân của Kafka].
Hay nói một cách khác, mỗi nhà văn phải sáng tạo, những bậc thầy của riêng mình.
James Joyce đâu dễ đọc, nhưng dòng văn chương độc thoại nội tâm, hay dòng ý thức, cơn lũ của linh hồn, do ông mở ra ngày càng có nhiều thiên tài văn chương gia nhập: W. Faulkner, Hemingway, Claude Simon...
Alain suốt đời chỉ là một ông thầy giáo trung học, ngoài Système des beaux-arts, Hệ thống Mỹ Nghệ, gần như không hề viết một tác phẩm lớn, trừ những bài "Nghĩ về" (Propos sur) nhưng ngoài André Maurois là học trò chính thức, những người học hàm thụ, tôi muốn nói những nhà văn ảnh hưởng lối viết cô động, mỗi câu văn gói trọn vẹn sự bí mật của chính nó, và mọi cây cầu nối kết câu nọ với câu kia bị cắt đứt, trong số này phải kể cả Camus, như nhận định của Sartre, về cuốn "Kẻ xa lạ" (L'Étranger): Mỗi câu văn là một hòn đảo cô đơn. Mỗi câu văn là một khởi đầu viết. [Trong baì viết Giải thích Kẻ Xa Lạ]

Nhưng liệu có một tác phẩm "mồ côi", nghĩa là không họ hàng gì với dòng văn chương thế giới không.

Câu hỏi do một nhà văn nổi tiếng đương thời người Mexico, Carlos Fuentes, 66 tuổi, đưa ra trong một cuộc phỏng vấn cách đây đã lâu. Và ông tự trả lời, chắc là không có. Cắc cớ một nỗi, bản thân nhà văn lão thành này hiện đang bị một nhà văn trẻ cũng người Mexico, thuộc loại chưa được người đời biết tới, tuy có vài tác phẩm được xuất bản, Victor Manuel Celorio, tố cáo là đạo văn, bởi vì những tương tự giữa Kỳ Lân Xanh (The Blue Unicorn) của nhà văn trẻ này và Diana của Fuentes không phải là tình cờ.

Kỳ Lân Xanh lần đầu do tác giả tự xuất bản năm 1989, không kiếm được người mua ngoài 200 bà con và thân hữu, lẽ dĩ nhiên với lời đề tặng và chữ ký của tác giả, theo kiểu văn chương "sinh nhật" hiện đang thịnh hành trong giới businessman-nhà văn. Con số tái bản vào năm 1994 khá hơn một chút, 1000 ấn bản. Đề tài cuốn truyện: Cuộc tình sóng gió giữa một nhà văn Mexico và một người đàn bà Mỹ, được coi như là một ẩn dụ về mối giao tình chẳng đậm đà gì, nếu không muốn nói là gay gắt giữa hai ông bạn láng giềng Hoa Kỳ-Mexico.

Sau khi đọc Diana, tác phẩm mới nhất của Fuentes, xuất bản năm 1994, Celorio giận dữ tuyên bố, anh tìm thấy chừng 110 trường hợp Fuentes "mô phỏng" tình tiết, cách kể chuyện trong The Blue Unicorn. Thí dụ trong hai cuốn, cuộc tình bắt đầu bằng cuộc chiến Việt Nam (lại Việt Nam), như là một cái phông cho những lần gặp gỡ (tội nghiệp thật), và trong mỗi lần "gặp" nhau, anh đàn ông Mexico lại nói về dự tính sáng tác của mình: Cuộc tình giữa kẻ xâm lược Tây Ban Nha, Herman Cortes và cô vợ bé người da đỏ, Malinche.

"Không ai tin tôi", Celorio giận dữ kể lại lần anh tới Bộ Văn Hoá, Phòng lo về bản quyền tác giả. "Họ còn kết tội tôi là một tên nói dối. Riêng tôi, tôi đã mất đi niềm kính trọng Fuentes rồi".
Ít người tin anh sẽ chiến thắng con sư tử già đầy đức vọng Fuentes trong trận so tài tại Tòa án vào năm tới (1996). Nhưng ít nhiều con muỗi đã gây một nốt ghẻ trên thanh danh con sư tử. Tuần báo Time, Oct 2, 95 cho biết Fuentes đang ở Luân Đôn, trong message gửi về cho bà vợ, tuyên bố: "Chuyện bố láo, ngu xuẩn, phi lý".
Tuy tội đạo văn thật khó chứng tỏ, nhưng trong trường hợp này, nó làm sống lại những lời chỉ trích trong quá khứ, theo đó, Fuentes đã "vay mượn nặng nề" những nguồn khác. "Tôi không ngạc nhiên", nhà văn gốc Cuba, G. Cabrera Infante tuyên bố với phóng viên tờ Time ở Luân Đôn. "Theo tôi đây không phải là một trường hợp cá biệt, riêng lẻ". Và ông tố thêm, Fuentes đã mượn một truyện phim của ông để dựng thành cuốn Birthday, và "quên" không chi cho ông một đồng nào.
Nhà văn nữ, vợ cũ của Octavio Paz (Nobel văn chương), Elena Garro, tuyên bố một cách nhẹ nhàng hơn : "Tôi không tin ông ta ăn cắp tư tưởng với ẩn ý xấu. Sẵn có đó thì ông sử dụng. Vậy thôi".

Cây diêm đã sử dụng rồi nhiều khi gây thành đám cháy lớn. Hậu quả của nó tuy vậy vẫn còn nhỏ, cùng lắm là tới Tòa án như trường hợp trên đây. Nhưng "sửa văn", hoặc "sửa ngay chính bài văn dịch của mình" nhằm mục đích chính trị, nhằm ảnh hưởng tới bao thế hệ người đọc, chuyện này khủng khiếp hơn nhiều. Trong Tam Quốc, Khổng Minh đã cố tình sửa hai câu thơ trong bài Đồng Tước và trận Xích Bích kể như đã quyết định.

Giai thoại "Minh nguyệt sơn đầu khiếu, Hoàng khuyển ngọa hoa tâm" cho thấy chớ liều lĩnh sửa văn thơ người khác. Hiện nay có nhiều dịch giả đang bỏ công sưu tầm nguyên bản rồi dịch lại tất cả những tác phẩm của Dostoievsky, Nietzsche... bởi vì những bản dịch cũ, qua tiếng Pháp, tiếng Anh, (và ngay cả nguyên bản bằng tiếng Đức những tác phẩm của Nietzsche) đều có dụng ý sao cho hợp với "thị trường văn học, chính trị, tôn giáo, sắc tộc" thời đó. Có thể vì vậy Nietzsche và chủ thuyết siêu nhân của ông đã bị Nazi lợi dụng.
Cụ thể nhất, một trong những đấng giáo chủ của chủ thuyết hiện sinh, Heidegger, bị tố cáo về sự tham gia của ông vào phong trào quốc xã. Đây không phải chỉ là tình cờ mà là một hành động quyết định, phát sinh từ tư tưởng triết học của Heidegger. Những hoạt động xã hội quốc gia của ông, được coi như là thí dụ cụ thể, chắc nịch, điển hình của "eigentliches", hiện hữu thực, qua những bài diễn văn của ông vào những năm 1930 cho thấy.
Trong bài diễn văn khai mạc khi nhận chức Viện Trưởng Viện Đại Học Freiburg ngày May 27, 1933, để kết thúc, Heidegger đã cố tình "vặn vẹo" (distort) ý nghĩa của từ "episphala", một từ ngữ Hy Lạp trong một câu trích dẫn Republic của Plato, được dịch ra Đức ngữ là "Alles Grosse steht im Sturm", "episphala" được cố tình dịch qua tiếng Đức là Sturm, (Storm, Bão tố). Câu trên có nghĩa "Heideggerian" là: Everything great stands in the Storm,[tạm dịch qua tiếng Việt: Có cứng mới đứng đầu gió], trong khi thực sự ý nghĩa câu của Plato là: Everything great is at risk, [Thuyền cả, sóng to] hoặc That which is great is most exposed to risk.
Bạn đọc để ý đến hai mẫu tự S.A trong câu văn dịch, là Sturmabteilung, Storm Groups, Nhóm Giông Bão, (1) và một trong những tờ báo Nazi bài Do Thái hồi đó có tên là Der Sturmer.

[Tài liệu về Heidegger lấy từ bài viết The French Heidegger Debate, tác giả Richard Wolin, đang trong tạp chí New German Critique, N.45, Fall, 1988].
NQT
(1)
The (SA, German for "Storm Division" and is usually translated as stormtroops or stormtroopers) functioned as a paramilitary organisation of the NSDAP – the German Nazi party.