*


   

Những chuyện tình của thế kỷ...

Cuối thế kỷ, tờ Time ra số đặc biệt về những nhà lãnh đạo, cách mạng. Chọn người viết về những nhân vật như vậy, chắc cũng nhức đầu. Lênin 'về tay' David Remnick, ký giả Mỹ, tác giả Ngôi Mộ Lênin, (Pulitzer 1994). Remnick cho thấy, quan niệm về một Lênin-ông thiện, và Stalin-ông ác đã trở thành chuyện tiếu lâm: Gần như mọi chính sách của Stalin đều bắt rễ từ chủ nghĩa Lênin. Những trại tù đầu tiên, nguỵ tạo nạn đói, và dùng nó như là một vũ khí chính trị; phát động cuộc chiến chống lại tầng lớp trí thức, những tín đồ tôn giáo... là của ông. Trên tất cả, là sự độc ác, như trong một lá thư gửi cho lãnh đạo địa phương: Các đồng chí!  Phải treo cổ (không được để hụt một thằng nào, để cho tất cả mọi người thấy, run sợ), ít nhất là vài trăm mạng... Bertrand Russell, trong lần đầu gặp gỡ Lênin, May 19, 1920, đã ghi lại cảm tưởng: ông ta hay cười... nụ cười có vẻ thân thiện & vui nhộn, nhưng dần dần người ta nhận ra nét nghiêm khắc, vẻ tàn nhẫn.

Ông Hồ 'thuộc về' Stanley Karnow, Pulitzer 1990 với Hình ảnh của chúng ta: Đế quốc Mỹ ở Phi Luật Tân. Còn là tác giả Việt Nam: Một Lịch sử.  Tác giả nhận định, ông Hồ, kẻ mơ mộng mắt sáng, (a cleared-eye dreamer), đã gả 'cô dâu-chủ nghĩa quốc gia' cho 'chú rể-chủ nghĩa CS'; và hoàn thiện tới mức tuyệt hảo, nghệ thuật giết người: chiến tranh du kích. Cả người Pháp, rồi sau đó, người Mỹ, đã coi thường lời cảnh cáo của ông, về những sinh mạng mà ông ta cần, để thực hiện giấc mộng thống nhất đất nước. Ngay năm 1946, ông 'hăm' người Pháp: Các ông có thể giết mười người của tôi, đổi lấy một người của ông. Cho dù chênh lệch như vậy, các ông sẽ thua, tôi sẽ thắng. Với người Mỹ, là qua lời Võ Nguyên Giáp, vào năm 1990. Khi được hỏi, bao lâu, ông Giáp trả lời: hai chục năm, có thể một trăm năm, khi nào thắng thì thôi, bất kể tổn thất. Con số tổn thất, như người ta được biết, là 3 triệu người Nam và Bắc, binh sĩ và thường dân.

Make love, not war

Tạp chí The New Yorker, ngoài số đặc biệt về tương lai (next), là những bài học tình ái, với những lá thư chưa hề được xuất bản, của những thi sĩ văn gia, như Dylan Thomas, Simone de Beauvoir... Chắc thấy thiếu, số mới đây (May 4, 1998), thêm bài về người tình muôn đời (forever a mistress): nữ văn sĩ Pháp, Francois Sagan. Con quỉ nho nhỏ đáng yêu một thời của nước Pháp, bây giờ ở vào tuổi sáu mươi hai, vẫn còn "yêu một chuyện động trời" (a good scandal).

Mỗi một nền văn hóa có những tật xấu riêng của nó, và trong nhiều năm, độc giả Pháp giữ riêng cho họ một người tình bí mật, Sagan, tác giả chừng 40 cuốn tiểu thuyết, hồi ký, kịch, nổi bật nhất, là con chim hiếm, Chào Buồn, Bonjour Tristesse, viết khi 'lạc đệ' tú tài, vào lúc 18 tuổi, giải thưởng Prix des Critiques. Con quỉ nho nhỏ đáng yêu, là lời chào mừng của nhà văn lão thành Francois Mauriac.
Một câu chuyện vô đạo đức, về một ông bố chịu chơi, hai người tình của ông, và con quỉ nhỏ với một lý lịch khá bề bộn, những bậc cha chú: Laclos, tác giả Những Liên hệ Nguy hiểm, Benjamin Constant (Adolphe), Jean Cocteau (Những Đứa Trẻ Khủng Khiếp). Chỉ đôi ba tháng sau khi cuốn truyện xuất bản, Sagan gia nhập hàng ngũ những tinh hoa của nước Pháp: Brigitte Bardot, Maurice Chevalier, Đại tướng de Gaulle... Dần dà, Sagan trở thành nhân vật hàng đầu, không phải của giới phê bình, mà là ký giả, với liên tiếp những vụ scandal, những thói chơi ngông: lái xe bạt mạng, luôn đậu xe trước nhà, những giấy phạt dán trên chiếc Aston Martin đã trở thành một trong những điểm hẹn của khách du lịch Tả Ngạn sông Seine. Năm 1957, thoát chết sau ba ngày hôn mê, hậu quả của một vụ phóng xe. Hai hôn nhân, hai lần li dị, trong vòng 6 năm. Sau đó là say sưa, rượu và ma tuý. Bà đã từng năn nỉ Bộ trưởng Nội vụ ra lệnh cấm (bà) bén mảng sòng bạc, để 'thói hư' được under control!

Trong nhiều năm, tác phẩm của Sagan đưa ra một cái nhìn, về một nước Pháp đã được lý tưởng hóa, và cùng với nó, là một viễn ảnh, về một cõi người 'phơi phới, ngọt dịu', La Dolce Vita, nơi mọi nỗi đau cứ thế dịu dần đi, bằng thi vị của những mối tình lắt léo, bằng thói dửng dưng, vô trách nhiệm. Khi được hỏi, cuộc sống như vậy đã thực sự nở rộ, vào thời điểm nào; Sagan cho rằng, đó là giữa thập niên 50, tới cuối thập niên 60. Tốt hơn so với bây giờ? Trả lời: Đời sống dễ dàng hơn. Con người (khi đó) có những bận tâm khác. Paris (khi đó) là một thành phố 'gay'. Còn những cuốn sách của bà? Cô đơn, và những cố gắng của con người để làm chủ nó... Chúng ta sinh ra cô đơn, chúng ta sống cô đơn, và chúng ta chết cô đơn. Bà có còn đánh bạc không? Ngưòi nữ ký giả của The New Yorker hỏi tiếp. Chút chút, lén lút.  Ma tuý thì sao? Lâu lâu, vậy vậy. (Par harsard, oui).

Ảnh hưởng của Sagan, một cách nào đó, còn hơn Malraux, trên một số cây viết miền Nam trước 1975. Trước Thần Chết chầu chực ngay cửa, các nhà văn nữ của chúng ta lao vào lửa, vào những cuộc tình nóng hổi, thời gian để yêu, trước khi người tình phải chết. Không khí hối hả trong truyện của họ đều có vẻ nghẹn ngào, cay đắng, chua xót, không liên quan nhiều tới chất miền Nam như một vài người hiểu. Nguyễn thị Hoàng chắc chắn phải đọc Buồn ơi chào mi, khi viết Vòng Tay Học Trò. Mai Thảo cũng đã từng dịch Sagan: Cô có thích nhạc Brahms?  Ở miền Bắc, phải đợi cuộc chiến qua đi, chúng ta mới được làm quen với một cô Phương, trong Nỗi Buồn Chiến Tranh, thề huỷ hoại đời mình, 'phủi thui'  anh muốn hy sinh vì mục đích, lý tưởng này nọ, kệ cha anh! Hoặc những người con trai hăm hở vào trận, bởi vì trước khi chết, được 'thăm viếng' đường vào tình yêu (trong một câu chuyện ngụ ngôn của Phạm Thị Hoài).

Thư Gửi Milena

Nhờ 'Người đẹp thành Prague', nhân loại có được Thư  gửi Milena. Kafka, người gửi, coi việc viết thư, là giao tiếp với quỉ thần, với những hồn ma: Khả năng dễ dãi - viết thư - đã đem huỷ diệt, điêu tàn  cho những linh hồn thế gian. Viết thư thực sự là giao tiếp (intercourse, còn có nghĩa là làm tình) với những hồn ma, không chỉ những hồn ma của người nhận, mà luôn cả của chính mình... Bóng ma của riêng Kafka vẫn ám ảnh những lá thư gửi Milena. Trong đó, ông tự bộc lộ, lột trần, 'Không ai khác, ngoài tôi ra, có thể nói cho em biết sự thực... sự thực của cả hai, của riêng tôi, và của em; tôi khám phá sự thực của riêng tôi, qua em.'
Cô gái trưởng giả nổi tiếng ngay từ khi còn trẻ thơ, do phá phách, nổi loạn. Để chống lại ông bố quyền uy, cô sống một cuộc đời buông thả, làm bạn với những tư tưởng xã hội. Lấy chồng vào năm 1918, hai vợ chồng định cư tại Vienne, tới 1924. Ở đó, vẫn tiếp tục cuộc sống phóng túng. Trong số những tình nhân, có tiểu thuyết gia Hermann Broch. Đầu năm 1920, bị cú sốc sau khi đọc những câu chuyện kể (récits) của Kafka, bà dịch chúng, và viết thư cho tác giả. Rồi những lần hẹn hò ở Prague, trong một tiệm cà phê, chắc là tiệm Arco. Hai người thư từ cho nhau từ đó. Từ văn chương, qua chuyện tình cảm. Nàng 23, chàng 37. Nàng ở Vienne, chàng ở Prague. Tuởng tượng, rồi lại tưởng tượng, cả hai bên. Nhất là Kafka. Người nữ  Tiệp phiêu lưu với cặp má hồng, đầy nhựa sống, và niềm vui, và chàng Do-thái xanh tái, khổ hạnh; đôi tình nhân kỳ lạ, Mary Hockaday, nữ ký giả người Anh, tác giả cuốn Milena de Prague (bản tiếng Pháp, nhà xb Calmann-Lévy, 1997), viết. Họ chỉ thực sự là của nhau, trong bốn ngày, tại thủ đô nước Áo, vào tháng Bẩy, 1920. Nàng khuyên chàng tới sống gần nàng. Chàng nghe theo, nhưng liên hệ giữa hai người chỉ qua thư từ. Bất hạnh thay, những lá thư của Milena không còn. Trong căn phòng tại khách sạn Vienne, họ nằm chung giường, nhưng không làm tình. Nói một cách khác: Chàng đã không thể chiếm đoạt thân thể nàng, một cách trọn vẹn. Ai mơ mộng nhiều, lỏng tay ôm! Tới tháng Chín, 1920, dứt liên lạc. Ngọn lửa sống động (le feu vivant)  của đời tôi, Kafka viết cho Max Brod, về Milena.
Sau khi Kafka mất ít lâu, Milena cùng với chồng rời Vienne. Họ trở lại Prague sau những chuyến đi thăm bạn bè. Tới tháng Năm, 1925, li dị. Lấy chồng lần thứ nhì vào giữa năm 1926, và có được một bé gái (1928).  Lại li dị.  Ma tuý, bệnh, chiến đấu viên của đảng CS. Đặc biệt lo tiếp đón những di dân Đức chạy trốn Đệ Tam Reich. Cho rằng Liên Bang Xô-viết không đủ đáp ứng những đòi hỏi chống phát-xít, bà phản bội đảng CS, cho chủ nghĩa quốc tế. Gia nhập du kích, khi Đức Quốc Xã xâm lăng Tiệp. Năm 1939, bị Gestapo bắt, do một bài viết trên báo chui. Sau đó bị đầy đi trại tập trung Ravensbruck. Milena mất tại đây, vào ngày 17 tháng Năm, 1944, khi bà 48 tuổi, do bệnh tật, tuy được sự giúp đỡ của những người CS Tiệp cùng bị giam giữ.

Thư cho Milena  được xuất bản lần đầu, vào năm 1952, bởi Willy Haas, một người bạn của cả hai, người gửi và người nhận. Milena đã giao cho ông, khi người Đức chiếm đóng Prague. Tôi có nhiều lý do để thực hiện việc làm này, và tin rằng Milena không phản đối. Nhiều năm sau, con gái của Milena đã không đồng ý với nhận định của Haas, và cho rằng, cả Kafka, lẫn mẹ bà, sẽ không cho phép xuất bản những bức thư.  Nhưng nhân loại, may mắn thay, đã được đọc chúng. Hơn nữa, ngay trong bài essay, Letters of Notable People, chính Milena đã đưa ra ý tưởng, một khi mà sự hiểu biết về nghệ thuật của chúng ta chưa hoàn hảo, chúng ta cần nhiều hơn là sự khẳng định của nghệ sĩ; một khi chúng ta còn phải đặt ngón tay vào vết thương, như Thomas, chúng ta có quyền thuyết phục chính chúng ta, rằng vết thương vẫn còn đó, rằng nó thì sâu hoắm.

Em nghĩ sao? Liệu tôi vẫn có thư, bữa Chủ nhật? Có thể, phải không? Nhưng đam mê thư thật vô nghĩa. Liệu một cái, là đủ, liệu một cái, là hiểu đủ? Lẽ dĩ nhiên là vậy, tuy nhiên, tôi đang ngả đầu ra phía sau, uống từng lá thư, từng con chữ, chỉ quan tâm một điều, rằng tôi không muốn ngừng uống. Hãy giải thích điều đó đi, cô giáo Milena!

Mong ước độc nhất của tôi, là đặt đầu mình trên lòng em, cảm thấy tay em trên đầu mình, và cứ ở như vậy, cho trọn thiên thu.