logo






Đi tìm một cuộc chiến chưa có tên
Có thể nói, như bùn trong Bẩy Kiếm Sĩ, như đầm lầy-thịt bằm trong Nỗi Buồn Chiến Tranh, chi tiết thượng đế [thượng đế là ở trong chi tiết] của phim, là nước.

Phim Việt đầu tiên Gấu coi, chắc hẳn là Chúng Tôi Muốn Sống. Trước, hoặc sau, Bão Biển, truyện ngắn vượt biển đầu tiên, của Mặc Thu. Câu chuyện một gia đình dùng thuyền bỏ chạy quê hương đất Bắc. Gấu còn nhớ câu chót. Sau bao gian nan, có cả chết chóc, đến được miền Nam, ông bố giật mình choàng dậy, cảm khái:
-Đã đến rồi à!
Sau này, cũng câu đó, Gấu gặp lại, trong một truyện ngắn của một H.O, sau khi đã an cư lạc nghiệp tại Mẽo. Ông cựu sĩ quan, cựu tù cải tạo hùng dũng tuyên bố:
-Không đi đâu nữa!
Giá như câu sau là câu kết thúc Bão Biển thì thật là thú vị. Và thật là tuyệt vời!

"Tôi nhớ rất rõ quần chúng miền Nam, trí thức miền Nam không hề có cái gọi là lý tưởng chống cộng, có cuộc chiến của mình để chống lại người cộng sản, ngoại trừ một số đảng phái chống cộng không có quần chúng. Cuộc chiến mà người Mỹ tiến hành nhân danh “người Việt Nam chống cộng” do đó hoàn toàn không có quần chúng. Chỉ có họ và những người vì quyền lợi riêng tư hoặc bị ép buộc theo họ. Chính vì vậy, người Mỹ ở Việt Nam không chỉ phải chống cộng sản mà còn phải chống lại tất cả những người yêu nước không cộng sản, nói một cách nào đó là chống lại gần như cả nhân dân Việt Nam"
Lý Quí Chung
[Trích talawas, mục thư độc giả]
Giả sử như đúng như ông LQC viết, sẽ không hề có cuộc chiến nào hết, và như thế sẽ chẳng có cái việc bàn cãi về một cái tên của nó. Sẽ không hề có Chúng Tôi Muốn Sống, Bão Biển. Cũng chẳng hề có một quốc gia ở trên biển có tên là Thuyền Nhân.
Xin lỗi, Gấu chẳng thể chia sẻ quan điểm của ông này.

Trích đoạn trên là từ Hồi Ký Không Tên, của LQC, xb năm 2004, tại Sài Gòn. Giá như nó được viết ngay sau 30 Tháng Tư, thì còn có thể hiểu được.
Và mô phỏng LQC,  liệu có thể gọi, cuộc chiến mà chúng ta đang bàn tới đó, Cuộc Chiến Không Tên?

Bản thân Gấu cũng đã cố tìm cho nó, một, hay nhiều cái tên.
Như trong Tên Của Cuộc Chiến
Hay trong  Chuyện Của Gấu


Câu chuyện về cậu bé gác thang máy sau đây thực sự chẳng liên can tới cuộc chiến không tên. Nhưng, so ra, một bên thì tởm quá, một bên thì đẹp quá, nên chẳng đặng đừng, trí nhớ phải lôi ra, kể ra, cho nó đỡ tởm.
Và đỡ tủi.
Đây là một phim của Tây, Gấu coi vào lúc vừa mới lớn, và nó đẹp quá, nên nhớ hoài.

Có một cậu bé chuyên gác thang máy cho một khách sạn năm sao. Công việc của cậu là đưa khách quí lên ngự trong căn phòng nhất dạ đế vương. Cậu chưa từng được vô phòng này, và, trong trí tưởng tượng của cậu, đó phải là thiên đàng.
Thế rồi chủ khách sạn mở cuộc thi chiêu khách. Đề tài, đặt tên cho căn phòng nhất dạ đế vương, thiên đàng ở phương Đông, Hòn Ngọc Viễn Đông... gì gì đó.
Phần thưởng: Ai trúng giải nhất, sẽ được ở thiên đàng một tuần lễ.
Cậu bé bèn dự thi. Và chiếm giải nhất. Tôi không nhớ, chỉ nhớ là câu trả lời của cậu bé thật là tuyệt vời, thật là ý nhị. Thật là thơ! Chắc chắn không phải tân hình thức!
Đến trình diện, ban giám khảo, tức hội đồng quản trị khách sạn, mọi người chưng hửng. Và chán quá. Một thằng nhóc, chuyên hầu hạ điếu đóm quí khách mà lại trở thành khách quí. Không được. Bèn nói, thôi, tụi tao thí cho mày một tí tiền, thay vì bẩy đêm khoái lạc.
Cậu lắc đầu.
Ban giám khảo tức quá, bèn quyết định, thôi lấy thằng về nhì.
Kêu thằng về nhì, thì vẫn lại là thằng bé gác thang máy, với câu trả lời tuyệt vời thứ nhì của nó.
Thằng về thứ ba, vẫn cậu bé!
Gấu không biết cậu có bao nhiêu cái tên tuyệt vời, dành cho thiên đàng.
Dành cho cuộc chiến chưa có tên!


Vả chăng, cụm từ quần chúng, trong "Tôi nhớ rất rõ quần chúng miền nam, trí thức miền Nam không hề... " được dùng theo nghĩa thậm xưng, và phải nói là, liều lĩnh. Cá nhân LQC không thể khẳng định cho cả quần chúng miền Nam, trí thức miền Nam. Chứng cớ là, không có Gấu trong đám quần chúng của LQC đó, và nếu như thế, Gấu sẽ lọt vào đám đảng phái chống cộng không có quần chúng? Tội thay, ông mất rồi, chứ không, xin hỏi nhỏ, Đảng đó là Đảng nào thưa ông LQC?

Bởi vì chỉ cần một người thôi, tôi xin lập lại, một người thôi, là đám quần chúng của LQC trở thành chỏng cẳng liền.
Chỉ cần một Solzhenitsyn thôi, thí dụ vậy, là toàn thể nhân dân Liên Xô theo Đảng không còn là quần chúng nữa.
Ở miền nam, chỉ cần một cuốn Bếp Lửa, và tác giả của nó không thôi, thí dụ vậy, là cụm từ "trí thức miền Nam không hề có cái gọi là lý tưởng chống cộng", của LQC, trở nên vô nghĩa.

"Where two or three are gathered together in my name..."
[Nơi hai hay ba người tụ lại, nhân danh ta..."
St. Mathew's Gospel [Phúc Âm của thánh St. Mathew]

Chỉ cần hai hay ba người thôi, là đủ, chẳng cần cả quần chúng. D.M mở ra chương 35 cuốn Solzhenitsyn, một thế kỷ ở trong ta, để nói về, chỉ một người, làm đổ nhào cả một đế quốc ma quỉ.
Đây là đoạn nói về chuyện làm sao đánh nhanh, đánh mạnh, bằng mọi cách, và cách nào nhanh nhất, hoàn tất Quần Đảo Gulag và tuồn nó ra cho cả quần chúng thế giới bên ngoài.


Trong bài Chân Dung NHT, những viết thương át xít, trên tờ Thế Giới, có trích câu mở ra Tuổi Bụi:
“Tôi là Khuê. Năm nay tôi 20 tuổi. Tôi muốn nói với các người rằng chẳng ai hiểu cóc khô gì. Ví dụ như gia đình tôi. Tôi có bố mẹ và một thằng anh trai ngu hết chỗ nói.”
Câu này ông Tây Sean James Rose dịch sang tiếng Tây là:
"Je m'appelle Khue. J'ai vingt ans cette année. Et je vais vous dire franchement : personne ne capte rien. Tenez, ma famille, par exemple. J'ai un père, une mère et un grand frère qui sont cons comme leurs pieds."
Thoạt đầu đọc, Gấu tưởng ông Tây dịch sai, vì như câu sau, NHT viết: "Bố mẹ tôi không ngu...", như vậy, chỉ có thằng anh của cậu Khuê ngu, và nếu như thế, động từ "être" phải ở số ít.
Nhưng suy nghĩ thêm một tị, Gấu mới ngộ ra là, ông Tây "hay" thiệt. Ông biết, Thiệp định nói: Sao lớp chúng tao ngu thế!
Như cậu Khuê nói, "Bố mẹ tôi không ngu...", nhưng trong bụng, thằng bé chửi thầm: "Nhưng mà ngu, ngu thấy mẹ! Cứ cắm cổ làm ăn, lo... thành đạt!"

Khuê, như tất cả tuổi trẻ Việt Nam, ở miền bắc, sau 1975, họ đều nói: Sao bố mẹ mình ngu thế. Cứ cắm đầu cắm cổ tin vào Đảng.
Đây cũng là cái quần chúng, ở miền Nam, mà me-xừ Lý Quí Chung đã "nhớ rất rõ là" như thế.

Trong quần chúng đó, ở miền Bắc, ít ra có hai người không ngu. Một, là nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Nhờ, ông đi tù suốt: Hai mươi bẩy năm, bằng thời gian ở tù của Mandela. Còn Thiệp, nhờ thời gian ở đỉnh Hua Tát, "Vào giữa tuổi hai mươi và ba mươi của cuộc đời của mình, tôi sống một cuộc sống ẩn dật. Tôi chẳng có một liên lạc nào với thế giới bên ngoài.”

Nhà thơ Noel văn chương, Milosz, cho biết, ông cũng đã từng biết, hai người không ngu như vậy. Bản thân ông, ông tin rằng có thay đổi, nhưng chuyện đó không thể xẩy ra, khi ông còn sống... Nhưng ông biết, có hai tay, tiên đoán, chế độ đó sẽ sụm, liền tù tì, có thể mười năm nữa, quá lắm là mười lăm năm: "I knew only two people who insisted that the imperium would fall, and not just at some time in the future, but right away, in ten, or perhaps fifteen years at the most."
Milosz's ABC's
Kỳ tới, Gấu tui sẽ xin hầu chuyện tiếp, về một trong hai tay kỳ tài này. Tên ông ta là Amalrik, Andrei.

Trong một lần lèm bèm về ông bạn Cao Bồi, người đã đánh bức mật điện cho Bắc Bộ Phủ, hối, "Vô lẹ lên mà chiếm Miền Nam", Gấu tui có đưa ra giả dụ, nếu như Cao Bồi biết, sẽ xẩy ra những vụ Lò Cải Tạo, Lò Kinh Tế Mới, liệu anh có vứt bức điện vào thùng rác của lịch sử.
Kỳ cục thay, đây chính là vấn đề mấy ông quân sư quạt mo của Ngũ Giác Đài, thí dụ như Douglas J. Feith, gặp phải, qua bài viết trên tờ Người Nữu Ước (1), liên quan tới ông ta, và cuộc chiến Iraq.
Và câu trả lời, của Feith, thay cho Cao Bồi, là: Biết đúng sẽ xẩy ra y chang như vậy, vẫn đánh bức điện.
Gấu tôi tin rằng Cao Bồi, tuy không chắc chắn, nhưng... biết: Ba mươi năm ta mới gặp nhau, vui sao nước mắt lại trào?

(1) Jeffery Goldberg: A little learning. What Douglas Feith knew, and when he knew it.
The New Yorker số đề ngày 9 Tháng Năm 2005