logo



 

Cho đến khi câu chuyện thê lương của tôi được kể… 

Trong bài viết của Hoàng Ngọc Hiến, "Đọc văn học Việt Nam hải ngoại", đã đăng trên Tin Văn,  ông nhấn mạnh đến tính văn học, còn chuyện hải ngoại hay không hải ngoại chỉ là thứ yếu. Chống cộng hay không chống cộng, chính trị hay không chính trị, gì thì gì cũng phải có tính văn học. Nhân đó, ông cho rằng, "Không ít tác giả trong những người cầm bút ở hải ngoại tôi thấy gọi đơn giản bằng từ nhà văn như thế là đúng và đầy đủ, chẳng cần kèm theo bất cứ định ngữ nào. Nhà văn Nguyễn Bá Trạc sớm hiểu ra điều này. Trong thư của ông, gửi Phan Nhật Nam sắp rời Việt Nam sang Mỹ, có đoạn viết: "Nước Mỹ không phải là điểm đến. Nó là điểm khởi hành. Từ điểm này, người ta có thể bắt đầu những hành trình mới để nhìn thế giới một cách toàn bộ hơn. Nếu ông còn muốn tiếp tục viết thì cũng tốt lắm. Sau khi ổn định nên viết. Từ điểm khởi hành mới mẻ này, ông sẽ viết như một nhà văn, chứ không phải là nhà văn quân đội".

Nhà văn, đơn giản vậy thôi, nhưng chắc là chỉ…"cho đến khi nào câu chuyện thê lương của tôi được kể".

Đây là một dòng thơ, của thi sĩ Samuel Taylor Coleridge, trong "Bài ca của người thuỷ thủ già":
Since then, at an uncertain hour,
That agony returns:
And till my ghastly tale is told
This heart within me burns.
(v. 582-585).
[Tạm dịch:
Kể từ đó đâu biết giờ nào,
Cơn hấp hối đó trở lại:
Và cho đến khi nào câu chuyện thê lương của tôi được kể
Trái tim này trong tôi bỏng rát.]
***

 Primo Levi là một nhà văn người Ý gốc Do Thái, sống sót Lò Thiêu, trở về căn nhà mà ông dự định sẽ sống hết cuộc đời ở đó, cuối cùng tự huỷ mình, một năm sau khi cho xuất bản tác phẩm chót, "Những kẻ chết đuối và những người được cứu thoát", như là kinh nghiệm sau cùng về Lò Thiêu.

Mấy câu thơ trên được ông dùng làm đề từ cho cuốn sách trên.

 Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Risa Sodi, khi người phỏng vấn cho biết, sử gia H. Stuart Hughes đã liệt kê ông là một trong sáu nhà văn Ý gốc Do Thái, hay nói gọn nhẹ, "nhà văn Do Thái", và hỏi, "cái định nghĩa ‘nhà văn Do Thái’ có hơi quá đối với ông không", Primo Levi đã trả lời:

 -Ở Ý, chụp cái mũ "nhà văn Do Thái", hay "nhà văn không Do Thái", là điều không thể xẩy ra. Cái mũ này, người Mỹ ban cho tôi đầu tiên, chứ không phải người Ý. Ở Ý, người ta biết tôi là nhà văn, và "chuyện cũng thường thôi," có người còn biết thêm, tôi gốc Do Thái; theo kiểu, ông ấy là con ông A, ông B nào đó. Ở Mỹ lại là chuyện khác. Khi tôi tới đó vào năm 1985, người ta làm cho tôi có cảm tưởng, lại được gắn cho ngôi sao Do Thái ở trên ngực! Nhưng tôi chẳng cần…. Ngoài ra, tôi nhớ, sử gia Hughes đã gọi tôi là "người Do Thái độc nhất", hay "người Do Thái thực sự đầu tiên", (le premier vrai juif), tôi không nhớ rõ đúng từ ông dùng. Riêng về phần tôi, những cuốn sách khoa học giả tưởng chẳng mắc mớ gì tới Do Thái, cuốn "Chiếc mỏ lết" cũng chẳng phải là một "cuốn sách Do Thái". Nhưng nói gì thì nói, tôi thoải mái (de bon gré) chấp nhận cái định nghĩa "nhà văn Do Thái".

 Người phỏng vấn hỏi tiếp, "Ở đầu cuốn ‘Những kẻ chết đuối và những người được cứu vớt’, ông trích dẫn những dòng thơ trong ‘Bài ca của người thuỷ già’; sau khi đọc cuốn sách đó, tôi [Risa Sodi] tự hỏi, liệu có thể ngưng ‘kể’ được không".

Primo Lévi trả lời:

-Người ta có thể tìm thấy câu trả lời ở trong cùng cuốn sách đó. Một số bạn tôi, những bạn rất thân, chẳng bao giờ nói tới [Lò Thiêu] Auschwitz. Ngược lại, một số khác, không bao giờ ngưng nói. Tôi thuộc một trong số sau đó. Tôi hơi lố (exagéré), khi trích dẫn nhà thơ Coleridge. Trái tim của tôi không thường trực bỏng rát…. Có thể nói, tôi hơi làm dáng (rhétorique: sử dụng tu từ) khi trích dẫn những dòng thơ đó.

Nhưng quả là những dòng thơ thật là tuyệt vời!

 Trong một bài viết về NHT, PTH, DTH,  ba nhà văn miền bắc, ba trường hợp khác nhau, một nhà văn ở trong nước, nhưng đã xuất ngoại, theo cái kiểu Tôn Phu Nhân Qui Thục, nhưng vẫn không thể nào quên ông anh Tôn Quyền, ở đây, là nhà nước VC, đã quạt Gấu tui: Tại sao không ba nhà văn Việt Nam, mà lại phải rạch ròi ra là ba nhà văn miền bắc? Ra ý, nước nhà độc lập rồi, thống nhất về một mối rồi, bi giờ có thể gọi là nhà văn Việt Nam là đủ rồi.

Theo Gấu tui, cái gọi là nhà văn Việt Nam chưa có. Lại càng chưa có cái gọi là nhà văn ngắn gọn, theo cái nghĩa của HNH.

Chỉ khi nào “ngưng” kể, thì hy vọng mới có được.

 

Nguyễn Quốc Trụ

tanvien.net