*




NGUYỄN LƯƠNG VỴ 

VĨNH BIỆT LỬA THIÊNG
 

Vĩnh biệt Lửa-Thiêng-Huy-Cận 

“Chiều ơi hãy xuống thăm ta với
Thiên hạ lìa xa đời trống không”*
Thơ bay như ráng đỏ sang sông
Bãi chiều tuổi dại cháy mênh mông
Mang theo tiếng dội ùm hư không…
 

Vĩnh biệt như là lời chia tay?!
“Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”**
Thơ chìm trống chầu đáy tràng giang 

Bi thương hồn Việt huyết gào ngàn
Sắc chàm ưu hận thấm qua trang…
Vĩnh biệt như là lời thương tiếc?!
Thơ không đủ gọi gió giang hồ 

Chân giả lộn đường huyết cũng khô
Đành thôi nhang khói nhắn huyền hồ
“Lòng quê rờn rợn sầu con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”***
 

Vĩnh biệt như là lời hẹn ngộ?!
Về sau mây trắng cũng hài nhi
Thơ bi bô gió thổi xanh rì
Thì ra thi sĩ khoái đại nghi 

“Trang giấy trắng có oan hồn thức đợi
Có ta xưa trẻ nhỏ một đôi lần
Nghe rấm rức một giọng hò khắc vợi

Đã tàn phai trên sóng nước miên man…”****
 


 

Tán nhảm về bài thơ của NLV. 

Thơ bay như ráng đỏ sang sông:
Câu này ví cảnh HC, " sang sông, bỏ thuyền bỏ bến, bỏ thơ, theo KC" [Kháng chiến, vô bưng, theo Cách Mạng]? 

Bãi chiều tuổi dại cháy mênh mông
Mang theo tiếng dội ùm hư không:

Cũng theo hư không mà đi, như một câu nhạc vàng, nhạc sến? 

“Không cầu gợi chút niềm thân mật":

Tớ vĩnh biệt Lửa Thiêng, chứ không phải vĩnh biệt Huy Cận.

Nhà thơ, từ bữa ráng đỏ qua sông, thì đâu còn là thi sĩ nữa. 

Tolstaya, vĩnh biệt Brodsky, mất năm 1996: Chỉ cần ông sống thêm bốn năm nữa thôi, thế kỷ chúng ta sẽ có được một kết thúc thật là tuyệt vời. Bây giờ ông mất, căn nhà Nga mới thực sự trống rỗng. 

Theo ý đó, Vĩnh Biệt Lửa Thiêng là một bài thơ muộn. 

Bi thương hồn Việt huyết gào ngàn
Sắc chàm ưu hận thấm qua trang…

Đây là nói về cuộc chiến. Sắc chàm ưu hận thấm qua trang... là số phận đau thương của cả một miền đất, như là hậu quả của cái vụ ráng đỏ qua sông?
 

Chân giả lộn đường huyết cũng khô
Đành thôi nhang khói nhắn huyền hồ
“Lòng quê rờn rợn sầu con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”***
 

Hai câu đầu, có vẻ như là kết cục bi thương của cuộc chiến. Nhưng hai câu sau, lại là cái số phận của thi sĩ, khi ở hải ngoại?
 

NQT