logo




Nhật Ký Thời Chiến

Tôi như nhiễm độc văn chương (I am feeling poisoned by literature).

Khi nhà văn Ba lan gốc Do Thái Mihail Sebastian quyết định viết nhật ký, vào năm 1935, ông 28 tuổi, và đã nổi tiếng như là một ký giả, kịch tác gia, và tiểu thuyết gia. Là một Do thái “hội nhập”, ông cảm thấy quá chán chủ nghĩa bộ lạc, và tỏ ra hoài nghi những khẩu hiệu, theo kiểu “yêu nước tức là yêu xã hội chủ nghĩa”, hay rõ hơn, “những sự nghiệp lớn lao mang tính ý thức hệ”. “Tôi có niềm tin ở con người cá nhân (the individual man), nhưng niềm tin ở đây cũng chỉ là một thoả thuận giữa hai con người”, ông viết vào năm đó (1935).
Là một thành viên trong một nhóm gồm toàn thứ dữ: Mircea Eliade, Eugène Ionesco, Camil Petrescu, E. M. Cioran, nhưng đến khi, nhiều bạn bè của ông ăn phải thuốc lú, cập kè với một nhóm cực tả có tên là Vệ Binh Sắt, ông bèn giãn ra. (Eugène Ionesco, “giáo chủ” trường phái Kịch Phi Lý, là người độc nhất “không thèm chơi với hủi” (the only one who refused to embrace totalitarianism: người độc nhất từ chối ôm ấp chủ nghĩa toàn trị).

Trong thời kỳ khủng hoảng chính trị-xã hội của thập niên 1930, chủ nghĩa bài Do Thái nở rộ, ở đám đông cũng như trong số những thành phần được coi là tinh hoa của xã hội. Ngay đầu năm 1938, chính quyền Octavian Goga (một nhà thơ có tài), đã ra lệnh thu hồi thẻ công dân của hàng trăm ngàn người Do Thái. Vào tháng Chín, 1940, nhóm cực tả Vệ Binh Sắt, có khuynh hướng  phò Nazi, bài Do Thái, lên cầm quyền. Tướng Ion Antonescu, một trong những đồng minh của nhóm, trở thành nhà “dìu dắt” đất nước. Tuy nhiên, chỉ mấy tháng sau, ông đập tan cú đảo chánh của Vệ Binh Sắt, và ban hành chế độ độc tài riêng của ông ta.

Chiến thuật bài Do Thái của chế độ Antonescu rất “uyển chuyển”: thật cứng rắn trong những năm đầu, thận trọng hơn khi chiến thắng của Đức không còn “chắc ăn”; cực kỳ dã man tại những vùng biên giới phía đông với Bessarabia và Bukovina, nơi người Do Thái bị tống xuất hàng loạt tới những trại tập trung ở Transnistria, bị Romania chiếm đóng. Phần đất nước còn lại, là một chính sách đỡ hiểm độc đi một chút. Tuy nhiên, ngay ở Bucharest, nơi Sebastian trải qua những năm tháng chiến tranh với bà mẹ và em trai, thường xuyên xẩy ra những đợt hung hăng xuống đường bài Do Thái, làm nhục họ, chơi trò blackmail, và những đợt cưỡng bức lao động.

Nhật ký của Sebastian cho thấy: đây là một trong những chứng liệu quan trọng nhất  về thảm kịch Do Thái trong giai đoạn trên, có thể so sánh với “Sống sót tại Auschwitz” của Primo Levi, hay nhật ký của Anne Frank. Không như Levi và Frank, là những người viết từ bên ngoài Địa Ngục, miêu tả cuộc sống ở những trại tập trung hay trong khi ẩn trốn, Sebastian viết, với một sự chân thành và một cái nhìn sắc bén, từ lò luyện ngục, là chính căn phòng riêng của mình ở Bucharest, nơi ông “sống với nỗi chết không rời”, trong sợ hãi có thể bị gõ cửa mời đi bất cứ lúc nào, tới một nơi là trại tập trung, hay tử thần. Trong những lúc tạm cho mình thoải mái, ông tra hỏi đời mình: thú nghe nhạc, những cuộc tình, đọc, viết, hay học tiếng Anh.

Khi ông mất vào năm 1945, một trong những anh em của ông đã giấu nhật ký, gồm 9 cuốn sổ tay, sợ chính quyền theo Stalin tịch thu. Nhật ký được lén đưa qua Israel, rồi đưa lại cho một người anh/em ông, đã dời đi Paris sau thời kỳ trên. Mãi tới năm 1997 gia đình ông mới đồng ý cho xuất bản.
(Sebastian bị xe tải cán, mất vào ngày 29 tháng Năm, 1945). 

Trên đây là tóm tắt bài giới thiệu nhật ký của Sebastian, đăng trên tờ The New Yorker (Người Nữu Ước, số Oct 2, 2000). Tác giả bài giới giới thiệu là Norman Manea, nhà văn Romania đào thoát qua Tây Phương; Jennifer tôi đã giới thiệu ông với độc giả Tin Văn, qua bài “Số phận một nhà văn lưu vong”.
Dưới đây là một vài trích đoạn, từ nhật ký của Sebastian, dưới nhan đề “Bạn và Phát xít” (Friends and Fascists) trên tờ The New Yorker số đã dẫn.

1936

Ngày 3 tháng Năm:
Đại hội của Hội Nhà Văn. Làm sao họ có thể tỏ ra trịnh trọng, với những trò hề lố bịch như vậy, nhỉ?…

Tôi như nhiễm độc văn chương (I am feeling poisoned by literature). Tại sao mình không làm một nghề bình thường – luật sư, công chức? Tại sao không chọn phần số, một con người được sinh ra là để có một căn nhà của riêng mình, một đời của riêng mình, một tình yêu của riêng mình – mà chẳng có một tí rắc rối nào hết?

Ngày 25 tháng Sáu:
Tôi gặp Camil Petrescu sáng nay. Ông lập lại những gì ông nghĩ, về những vụ tấn công người Do Thái mới xẩy ra.
-Thật đáng tiếc, bạn già ơi. Nhưng tất cả những người Do Thái đều có trách nhiệm về chuyện xẩy ra.
-Thế là thế nào, Camil?
-Bởi vì có quá nhiều Do Thái.
-Nhưng cũng có quá nhiều người Hung Gia Lợi vậy?
-Có thể, nhưng ít ra họ cũng ở cùng một chỗ, một vùng.
Ông cứ thế tiếp tục, “Bạn thân ơi, những người Do Thái gây ra hết. Không thể tin họ được, đã vậy lại hay xía vô chuyện chẳng liên quan tới họ.
Đó là Camil Petrescu nói. Ông là một trong những bộ óc tuyệt vời nhất ở Romania.
Một trong những con người đa cảm nhất ở Romania.

Ngày 25 tháng Chín. Chiều hôm qua, đang trò chuyện êm ả với Mircea [Eliade] về chính sách ngoại, ông bất thình lình trở giọng hung hãn.
-Titulescu? [Một vị bộ trưởng ngoại giao bài Đức]. Ông ta đáng bị xử tử. Kéo ông ta ra trước đội hành quyết.
Chẳng lẽ tôi mất một người bạn chỉ vì những chuyện không đâu như vậy? Làm sao tôi quên nổi mọi điều tuyệt vời ở ông: ngây thơ, trẻ con, thành thật…
Ông bạn của tôi có thể làm việc thoải mái cho nhật báo bài Do thái Vremea. Chuyện bình thường, chẳng có chi là ghê gớm.
Dù sao tôi cũng cố giữ cho được người bạn của mình.

1937

Ngày 8 tháng Giêng. Sinaia.
Trong cỡ chừng 4 tiếng đồng hồ, tôi nặn ra được ba trang, nhưng vẫn còn cả lố phải sửa chữa.
Hôm qua, trong lúc đi dạo núi, tôi cứ suy nghĩ hoài. Tôi thiếu tính tự phát (spontaneity), mà thiếu nó gần như thiếu tất cả, Thành thử, tôi chỉ có thể viết những câu chuyện chừng hai trăm trang, với giọng điệu nhật ký riêng, chẳng ra vẻ tiểu thuyết. Tôi cũng nghĩ, mình có thể viết kịch, mà món này sẽ khá hơn nhiều….

Ngày 15 tháng Giêng. Bucharest.
Đã hơn nửa tháng, tôi chưa đi coi Marietta [một nữ nghệ sĩ]. Bà vừa mới giáng một đòn cho đám Do Thái:

“Tụi khốn giật bánh mì khỏi miệng chúng ta; chúng bóc lột chúng ta, làm chúng ta nghẹt thở. Đuổi chúng ta khỏi đây. Xứ sở này là của chúng ta. Không phải của họ. Romania là của người Romania.”

Ngày 25 tháng Hai.
Chiều qua, có một bữa xum họp bè bạn tại chỗ tôi ở. Có vợ chồng Mircea, Marietta và chồng… Tôi tự hỏi không biết có phải đây là lần họp bạn cuối cùng. Thật khó mà kéo dài sự giả dối, kể từ khi họ chơi với đám Vệ Binh Sắt. Liệu có thể có tình bạn với những người mà những ý nghĩ, tư tưởng thật xa lạ với mình? Xa lạ đến nỗi, vừa thoáng thấy bóng tôi, là họ ngưng câu chuyện, trong dáng điệu tủi hổ và bối rối?…
Nếu tôi không phải là một tên Do Thái, những vở kịch của tôi có thể được trình diễn, và tôi sẽ là một “kịch tác gia”, được như vậy là hết xẩy, tôi đâu còn muốn gì hơn thế nữa cơ chứ!…

Lương tâm nhà nước (The national conscience) không cho phép một vở kịch của Mihail Sebastian được trình diễn tại nhà hát Bucharest
Tôi phải thú nhận, tôi chẳng thèm đặc biệt lo lắng cho những bản thảo của tôi. Chuyện tôi lo, là những cuốn sách không thể viết ra được nữa, nhất là cuộc đời này, cho tới nay, tôi vẫn chẳng làm được một chuyện gì cho ra hồn…
Jennifer Tran chuyển ngữ