logo



 

Lưu vong và ngôn ngữ

            Vấn đề ngôn ngữ là sinh tử nhất, và cũng phức tạp nhất đối với một nhà văn lưu vong. Với con người bình thường, khi chạy trốn (một thế giới toàn trị, thí dụ vậy), là để có tự do cho bản thân. Với nhà văn, còn cộng thêm tự do cho ngôn ngữ, thoát khỏi sợ hãi, bách hại.

Một con người tự do, khi thất bại, không đổ tội cho ai. (A free man, when he fails, blames nobody), Joseph Brodsky khẳng định trong Phận Lưu Vong (The condition we call exile). Đây là một bài đọc trong một hội nghị tại Vienna vào tháng Một (Nov) 1987, khi làn sóng người Việt bỏ nước ra đi đang làm nhức nhối lương tâm nhân loại: Hôm nay chúng ta tụ họp ở đây, trong căn phòng quyến rũ, ánh đèn sáng chưng, vào một buổi tối tháng Chạp lành lạnh như thế này, để nói về số phận của nhà văn lưu vong. Xin hãy trầm tư đôi ba phút để nghĩ tới vài người trong số họ... Hay là hãy tưởng tượng tới những thuyền nhân Việt Nam đang cố vượt lên trên đầu những đợt sóng dữ, nơi biển cao, hoặc đã tạm yên ổn, về nơi ăn chốn ở trong một trại tiếp nhận, đâu đó trong vùng Đông Nam Á....

Cho dù bạn có thể đặt cho nó (nhà văn lưu vong) bất cứ một cái tên riêng như thế nào, cho dù bất cứ nguyên nhân, mục đích, nơi chôn rau cắt rốn mà họ đành đoạn bỏ đi; nơi tới, quê hương thứ nhì mà họ mong có được; chỉ có một điều này là thật hiển nhiên, rõ ràng: Thật khó khăn vô cùng cho họ khi nói chuyện về số phận nhà văn lưu vong mà phải nhìn thẳng vào người đối diện.

Và nếu phải cho nó, văn chương lưu vong, một thể loại, thì đây là bi-hài. Bởi vì, vốn đã có những hiểu biết (do sự nhập thân trước đó), nhà văn lưu vong có thể "hưởng thụ" những tiện nghi xã hội và vật chất của chế độ dân chủ hơn những người bản xứ. Nhưng cũng vì lý do đó, (và điều này chủ yếu là do hàng rào cản ngôn ngữ, như một phó sản phẩm chính), họ cảm thấy hoàn toàn bất lực khi (phải) đóng một vai trò có ý nghĩa nơi xã hội mới. Chế độ dân chủ mà anh ta tới được, cung ứng cho anh ta một sự an toàn về vật chất, nhưng lại làm cho anh ta trở thành vô nghĩa về phương diện xã hội. Và thiếu, mất ý nghĩa (lack of signifiance) là một điều mà nhà văn, lưu vong hay không lưu vong, đều không thể chịu đựng được. Một bạn văn của người viết, và còn là chủ nhiệm một tạp chí văn học, đã nói về nỗi đau "viết như vào hư vô, chẳng có âm vang vọng lại - từ phía độc giả, ít ra", của nhà văn Việt Nam lưu vong viết bằng tiếng mẹ đẻ. Nghe kể lại, Võ Phiến đã từng than: nhà văn Việt ra khỏi nước, không mang theo được độc giả (của người đó), cùng với mình. Đây là hậu quả tất nhiên của số phận nghiệt ngã của cái gọi là văn chương lưu vong, vốn bi-hài như trên đã nói.

Buồn thật, nhưng J. Brodsky "an ủi" chúng ta, nếu có một điều gì tốt, thì đó là văn chương lưu vong dậy chúng ta: sự khiêm nhường.

Đẩy thêm bước nữa, hãy giả dụ như thế này: văn chương lưu vong dậy chúng ta một bài học tối hậu về đức hạnh. Và nó thật vô giá đối với nhà văn, bởi vì nó cho anh ta một viễn tượng khả hữu lâu dài nhất. Và nghệ thuật của anh sẽ còn hoài với nhân loại ("And thou art far in humanity"), như Keats nói. Bị thất lạc, "bỏ đi" (viết như vào hư vô) giữa nhân loại, giữa đám đông, (đám đông: người Việt ở hải ngoại?), giữa cả tỉ người (thế giới tự do?); trở thành cái kim đáy bể, nhưng lại là cái kim mà một người nào đó đang tìm kiếm: đó là tất cả cái gì được gọi tên là lưu vong. Vô thường thôi, bạn là gì, may ra chỉ là hạt cát trong sa mạc. Vinh quang và cũng là bất hạnh: Hãy đo lường chính bạn, không phải đối với những bạn văn, nhưng với cái vô cùng của trời đất con người.

Còn một sự thực liên quan tới vấn đề này là, nhà văn lưu vong hay tra xét quá khứ, hay hồi phản (retroactive). Như những nhà tiên tri dởm trong Inferno của Dante, cái đầu của anh ta cứ quay hoài hoài về phía sau, trong khi nước mắt, nước miếng chẩy ra ròng ròng xuống hai bờ vai: bị trầm luân bởi một diễn đàn người đọc giới hạn, tiếc nuối hoài hoài mớ ngàn ngàn triệu triệu độc giả mà anh ta bỏ lại phía sau (không mang theo cùng với mình được); thế là cứ một Bếp Lửa (Hà-nội?) của một thuở di cư, đành bỏ lại (Merde!, nhân vật Thạch của Thanh Tâm Tuyền văng tục, khi ngồi trên máy bay nhìn xuống vực thẳm ở dưới đó. Hạnh phúc thay, còn văng tục được! Bởi vì vẫn còn yêu thương, vẫn hy vọng được tha thứ, hoặc được thốt lời cầu xin tha thứ, vì đã bỏ đi?). Cứ một Sài-gòn muôn đời muôn thuở của một Miền Nam đã mất. Dù muốn dù không, bất cứ một nhà văn lưu vong nào cũng muốn làm cho một miền đất (Bình Định, chẳng hạn), một thành phố, một người yêu (như một biểu tượng cho một quê hương ruồng bỏ?) trở thành bất tử, như một La-mã của Ovid, Florence của Dante - và Dublin của Joyce. 

Joseph Conrad là một trong những nguyên mẫu hiện đại, về nhà văn lưu vong: ông viết toàn bằng tiếng Anh. Ngoại trừ hai truyện ngắn, ông không hề viết bằng tiếng Ba-lan, thay vì vậy, ông viết về biển, về Đông Nam Á, Nam Mỹ, Marseilles, London. Như trong tất cả tiểu thuyết của ông, nỗi cô đơn "cốt tuỷ" của lưu vong không "mắc mớ" gì tới tính đặc thù Ba-lan.

Conrad sinh ra là đã lưu vong rồi, bởi vì nơi chôn rau cắt rốn của ông, miếng đất Ba-lan gần Berdyczow đã bị sát nhập vào Nga, dù ý nghĩa về một nước Ba-lan và tiếng nói Ba-lan rất mạnh ở đây. Cha ông là một nhà hoạt động, nhà văn hóa, gia đình sau đó bị đầy đi xa, khi Conrad mới 7 tuổi, trước là tới Vologda phía bắc Moscow, sau trở lại phía nam Chernikov, không xa Kiev. Sau khi mẹ mất ông trở về Lwow, lúc này là một phần của Áo quốc, rồi cam phận làm một đứa trẻ mồ côi dưới sự bảo bọc của một người chú (bên phía mẹ), tại Cracow (cũng là một phần của nước Aó). Giấc mơ của ông là biển, và khi đưọc 17 tuổi ông rời nhà đi Marseilles. Ông là một người sinh ra, lưu vong bất đắc dĩ ở Đông phương, rồi trở thành lưu vong tự nguyện ở Tây phương. Nhưng hiểu biết của ông về văn chương Ba-lan thật là đậm đà. Cái nền của ông thật là phức tạp.

Ngay cả bây giờ, Ionesco, Nabokov, và Beckett vẫn là những thí dụ hiếm hoi, về một hội nhập ngôn ngữ hoàn tất, và về khoảng cách cần thiết, để chuyển hoá những đề tài mang tính miệt vườn/quốc gia hòa nhập vào những điều được gọi là thân phận con người ở bất cứ đâu đâu.

Nguyễn Quốc Trụ