logo




Hỏi nát lương tâm hề, nhân loại… 

Mỗi lần lịch sử sang trang, nó bỗng tối sầm lại, giống như cảnh trời đất lúc sắp sửa bắt đầu một ngày. Bởi vậy, nhân loại vẫn muốn nhìn ngoái lại những đau thương của một thời, bằng tiếng cười, trước khi bước vào thời sắp tới.  Khi chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà ở Miền Nam chấm dứt, người dân Việt đã từ giã nó, không phải bằng cái chết đau thương của ông Diệm, ông Nhu, mà bằng nụ cười “hóm hỉnh” trước cái trò mạt cưa mướp đắng, kẻ cắp bà già… của hai cú đảo chính Bravo 1, Bravo 2. Và khi Miền Nam sắp sửa đi đoong, tổng thống Mỹ đang bận chơi golf, ký giả hỏi, phát ngôn viên của Người đã tỉnh bơ trả lời: tổng thống không chơi golf thì biết làm gì… bi giờ? Mới đây thôi, khi xẩy ra thảm kịch Kursk, ngài tổng thống Nga đang bận nghỉ xả hơi tại một bãi biển (hình như vậy). Nhưng cái chết âm thầm của trên trăm thuỷ thủ đoàn đã gây nhức nhối, làm bật lên những câu thơ, những bài viết, ở một số nhà thơ, nhà văn… Tôi xin ghi lại ở đây, một bài thơ bằng tiếng Anh, của tác giả Ian Bui, và sau đó, là hai bài dịch, một của chính tác giả, và một của bạn của ông, đăng trên tuần báo VHNT trên lưới do nhóm Ô Thước chủ trương, và do Phạm Chi Lan chủ biên.
Bài thơ dịch của chính tác giả đã gây nên một cuộc “tranh luận nho nhỏ”, chung quanh một ý thơ.
Và sau hết, là trích đoạn bài viết của ký giả Mỹ, David Remnick,  trên tờ The New Yorker, số Sept 11, 2000

1.      Kursk! 

From once a fabled battleground,
your name now lives in tragic infamy!
One hundred plus eighteen, drowned
one hundred metres under the sea. 

Their gasping cries, though never heard,
would not deny their bravery
in that enclosed, eutrophic hearse
their last moments before release.

Let there be war-if that's man's end,
unfathomed shall our anguish be
knowing each one had died in vain,
but to protect whose secrecies? 

We the living have no answers
to give (nor lame apologies
for what was our moral failu
to rise above old tendencies) 

Mothers and sisters, lovers and wives
their pain is graver than that sea
which stole these swift but fated lives
when its dark crypt had them buried. 

Fare thee well, men and sons of Kursk,
your battle's done. Done are your days.
One hundred plus eighteen, cursed
one hundred metres beneath the waves.

Ianbui 

Kursk!

Chiến địa lưu danh! Kursk huyền thoại
trầm trong bể nhục kể từ đây:
Một trăm mười tám người nằm xuống.
Một trăm thước nước, vực trần ai! 

Những tiếng gào vang trong tuyệt vọng
Biển dang tay đón cỗ quan tài
như  chiếc nôi, đưa người cảm tử
lên đài vĩnh quyết phút xuôi tay. 

Thế chiến sang trang hề, ta đứng
ngậm ngùi xem thế kỷ đầu thai.
Những trái tim không người bảo chứng
sống vì ai? Chết bởi vì ai? 

Hãy hỏi đời sau, và sau nữa,
Hỏi những hoàng hôn, những sớm mai,
Hỏi nát lương tâm hề nhân loại
Còn giá nào hơn để trả đây?

Hỏi chị, hỏi em vàn yêu dấu,
Hỏi mẹ già nua, bé thơ ngây
Niềm đau không đáy trời soi thấu
Là đêm biển lạnh kẻ vùi thây. 

Vĩnh biệt anh, đàn con của Kursk!
Địa chiến mang tên. Chứng tích này:
Một trăm mười tám người thiên cổ.
Một trăm thước nước, mộ vừa xây
Ianbui
(tác giả dịch sang Việt ngữ) 

 Kursk! 

Huyền thoại xưa,
bi kịch bây giờ ...
Một trăm mười tám người,
đại dương mênh mông ...
Những tiếng khóc tắt nghẹn,
chẳng tạo nổi âm vang
Nhưng vinh quang vẫn còn
trong chiếc tầu ma đóng kín
phút sau cùng ...
Chiến tranh ơi ...
thà đây là định mệnh
Còn hơn những khổ đau không đáy
của cái chết vô danh
bảo vệ cho một bí mật nào?
Người sống không trả lời,
không ân hận,
cho một đạo đức điêu tàn ...
Đã quen cúi đầu theo thói cũ !!!
Hỡi những người đàn bà tang chế
nỗi đau có đầy hơn nước biển
đã cướp đi mạng người
Trùng dương tối âm thầm chôn xác ai ...
Vĩnh biệt thôi, những đứa con của Kursk
chiến trường xưa đã tàn ...
trăm lẻ mười tám người,
một định mệnh,
đại dương mênh mông ...
(Phạm Thiên Mạc chuyển ngữ)

2.      Thư thân hữu VHNT: Hỏi nát lương tâm hề nhân loại… 

Đã lâu rồi, trên một số báo VHNT, tôi được đọc một bài thơ. Cao ngạo, đầy chất nam nhi trượng phu! Nhưng bút hiệu cho thấy, đây là một nữ sĩ. Hỏi qua email: how to explain it?
Mấy bữa sau, đọc một truyện ngắn, của cùng tác giả. Nhân vật nữ ở trong truyện, khi được chồng hỏi, khi sắp sửa ra phố, tại sao em không mặc áo dài? Người vợ đáp (tôi nhớ đại khái): em mặc, nhưng thấy cũng không làm giảm được cái dáng vẻ cứng cỏi của em…
Một cách trả lời thật kín đáo. Thật VHNT! 

Mới đây, đọc bài thơ của Ian Bui, dịch bài Kursk, trong có đoạn:
Hãy hỏi đời sau, và sau nữa
Hỏi những hoàng hôn, những sớm mai
Hỏi nát lương tâm hề nhân loại
Còn giá nào hơn để trả đây? 

Tôi mê ba câu đầu quá! Thật cao ngạo ngất trời! Nhưng câu thứ tư, tôi thấy không chở nổi ba câu trên (giá nào thì cũng thua thôi!). Cứ tưởng tượng hỏi tác giả, (1) có thể ông sẽ trả lời: sao, ông chê thơ tôi hả? Vậy thử thay bằng một câu khác, coi được không?
Tôi liều lĩnh thay bằng câu:
Hãy hỏi đời sau, đời sau nữa
Hỏi những hoàng hôn, những sớm mai
Hỏi nát lương tâm hề nhân loại,
Lạnh lẽo nào hơn huyệt mộ này? 

Đinh Hùng hình như có câu:
Nằm trong huyệt lạnh chắc em sầu?

Bài thơ đề tặng Liêu Trai của Vương Ngư  Dương (?) mà Vũ Hoàng Chương dịch, tôi nhớ đại khái:

Chuyện đời chán ngấy người lên được,
Nghe quỉ trong mồ… xướng thi
[Ái thính thu phần quỉ xướng thi]

 Liệu có phải Kursk cũng là một “chuyện đời chán ngấy người lên được”? Biết đâu bài thơ của Ian Bui, là mở đầu cho những dòng thơ, từ trong mồ… Kursk ngàn đời sau vọng lên?
(Một thân hữu VHNT)

(1) Chú thích: Sự thực tôi có hỏi, ông trả lời, thật lịch sự:
“… thật ra ý tôi trong đoạn đó rất đơn giản…. Cũng có thể câu đó là điểm yếu trong toàn bài, hơi bấp bênh, không chắc như những câu khác. Chỉ sợ nếu sửa câu thơ một tí mà làm sai ý của nguyên bài thì hỏng. Quả thực là việc nguy nan…”
Ôi chao, thật nguy nan, cái việc sửa thơ, và thật vô cùng nguy nan, cái việc sửa thơ của người khác!

3.      Phong Hỏa Đài
Đời xưa, một ông vua vì muốn mua một tiếng cười của Người Đẹp, đã ra lệnh nổi lửa trên Phong Hoả Đài. Chư hầu thấy hiệu lửa cầu cứu, vội vàng kéo quân tới. Nhìn thấy những đoàn quân ùn ùn tới, rồi tẽn tò lui, Người Đẹp quả nhiên bật cười.
Không hiểu ký giả người Mỹ, David Remnick có biết tới nụ cười La Joconde đã biệt tích theo hạc vàng của Đông Phương hay không, nhưng trong bài viết về thảm kịch Kursk, ông đã liên hệ tới ngọn lửa cháy trên tháp cao nhất của nước Nga, (và của Âu Châu?). Ông viết: Nước Nga là một xứ sở lớn lao của… ẩn dụ (Russia is a great country for metaphor), chính vì vậy mà tuần lễ vừa rồi, khi tháp truyền hình Ostankino bốc cháy trên nền trời Moscow, người ta cố tìm cho được ý nghĩa của nó. Liệu có thể coi đây là ngọn đuốc tưởng niệm những người con của nước Nga, nằm dưới đáy sâu biển cả, trong nấm mồ lạnh lẽo là tiềm thủy đỉnh nguyên tử Kursk? Hay đây là ngọn lửa bùng lên vào phút cuối cùng, báo trước sự cáo chung của một chế độ? Hay đây là ngọn lửa cho thấy cơn giận dữ của chính quyền, trong nỗ lực bóp nghẹt tự do báo chí?