logo




4. Ngài Henry thân mến,
(Dear Henry,)
Henry ở đây, là Henry Kissinger, ông vua đi đêm, ảo thuật gia trong ngành ngoại giao. Nếu Stalin có một hồ sơ nho nhỏ, về những năm tháng còn mang bí danh là Koba, và đã tìm đủ mọi cách để cho nó ngủ yên, cùng với những người không may biết đến nó, sau đây người viết xin được cống hiến, khuôn mặt giấu kín của ông vua đi đêm, qua bài viết "Dear Henry", trên tờ "Người Quan Sát Mới" (Le Nouvel Observateur), số đề ngày 9 tháng Năm 2001. Theo tác giả bài báo, cần phải đưa Kissinger ra toà án quốc tế.
Bài báo là một trích đoạn, từ cuốn "Những Tội Ác của Ngài Kissinger" ("Le Crimes de Monsieur Kissinger", tác giả Christopher Hitchens, nhà xuất bản Saint-Simons, 206 trang, 99 F).

 Trong mười năm, từ 1969 tới 1977, Henry Kissinger là kiến trúc sư về đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ. Trùm Cố Vấn Quốc Gia về An ninh, và, từ năm 1972, Bộ trưởng Ngoại Giao, ông cho áp dụng lý thuyết về những liên hệ quốc tế, đã từng được ông điều nghiên và đem ra giảng dậy khi còn làm giáo sư môn khoa học chính trị tại đại học Harvard.

 Xuất thân từ một gia đình tiểu-trưởng giả (petite-bourgeoisie) Do Thái, tị nạn Nazi tại Mỹ vào năm 1938, con người - được coi là bộ não chiến thuật của Richard Nixon, và sau đó của Gerald Ford – đã từng say mê Metternich và "trật tự Âu Châu" nửa đầu thế kỷ 19. Viễn ảnh thế giới của Kissinger - ông ta đã cố gắng đem ra áp dụng, từ Việt Nam tới Cận Đông, từ Moscow tới Bắc Kinh – là một viễn ảnh dựa trên sự khinh miệt đối với những ý thức hệ, và một tiếp cận mang tính thực dụng, những tương quan quyền lực. Đi đêm với Bắc Kinh, kết quả, Hoa Kỳ công nhận Trung Quốc. Đi đêm với Lê Đức Thọ, kết quả, chấm dứt chiến tranh Việt Nam, người Mỹ ra đi trong danh dự; kết quả, đồng nhận giải Nobel Hòa Bình với họ Lê vào năm 1973. Luôn luôn đóng vai trò con người bình dị, khiêm tốn, trên chính trường quốc tế, nhưng đằng sau "Ngài Henry thân mến", là khuôn mặt giấu kín, sặc mùi máu. Chính bộ mặt này đã được ký giả Christopher Hitchens quan tâm. Dựa trên những hồ sơ mật tại Bạch Cung, tại Bộ Ngoại Giao, tại CIA, bây giờ đã được để cho công chúng coi, ông đã cố gắng chứng minh, thật khác xa con người được những kẻ ái mộ coi là một ảo thuật gia trong ngành ngoại giao, Kissinger đã chơi một trò chính trị mù mờ (confuse), không đem đến kết quả (inefficace), và mang tính tội ác (criminelle), và phải đem ông ta ra tòa án quốc tế.

 Bài báo trích dẫn, là về vai trò của Kissinger, trong vụ làm thịt tổng thống Salvador Allende của nước Chile, và kết quả là sự lên ngôi của nhà độc tài Pinochet.

 Từ năm 1962, tại Chile - cũng như tại Ý và một số quốc gia khác - CIA đã tài trợ những đảng phái "ngoan ngoãn". Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Chín 1970, ứng cử viên tả phái, Salvador Allende đã thắng thế. Chỉ nội tên Dr Salvador Allende không thôi, đã là một cái gai đối với những đảng phái cực hữu, những công ty đầy quyền lực như ITT, Pepsi-Cola, Ngân Hàng Chase Manhattan, và CIA.

 Cái gai chẳng mấy chốc làm "nhức nhối" tổng thống Nixon, gì thì gì cũng còn chút ân tình với Donald Kendall, chủ tịch hãng Pepsi-Cola, thời gian Nixon không thành công trong chính trị, "đành" gia nhập một văn phòng luật nơi Phố Tường. Mười một ngày sau khi Allende chiến thắng bầu cử, một chuỗi hội họp đã diễn ra tại Washington, số mệnh của ngài tân tổng thống tả phái, và tương lai chính trị xứ Chile đã được quyết định. Sau khi bàn bạc với Kendall, với David Rockefeller (Ngân Hàng Chase Manhattan), và với Richard Helms, trùm CIA, Kissinger cùng Helms tới Văn Phòng Bầu Dục tại Bạch Cung. Qua những ghi chú của Helms, Nixon chẳng úp mở gì, cho biết ngay "ao ước" của ông: Allende không được rớ tới cái ghế tổng thống (Allende ne devait pas occuper ses fonctions électives). "Bất kể những rủi ro có thể xẩy ra. Không được để dính dáng tới tòa đại sứ. Trước hết là 100 ngàn đô la tiền mặt, sau cần nhiêu chi nhiêu. Làm việc ngày đêm. Chọn toàn dân xịn, thứ cừ nhất mà chúng ta có. Chương trình hành động: 48 giờ đồng hồ."

 Những tài liệu bây giờ cho thấy, Kissinger, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, khi đó chẳng biết gì về Chile, một xứ sở mà ông ta mô tả, "mũi dao nhọn nhắm thẳng vào trái tim Nam Cực". Nhưng gì thì gì, Sếp muốn là Trời muốn. Một nhóm người được triệu tập tại đại bản doanh CIA ở Langley, và một kế hoạch "đòn kép" được đề ra: một đòn "dương", nghĩa là công khai, về mặt ngoại giao, và một đòn "âm": đòn đánh lén. Bộ Ngoại Giao và Đại Sứ Hoa Kỳ tại Chile coi như không biết tới đòn này. Mục tiêu: tạo bất ổn định, bắt cóc, ám sát…. nhằm đưa tới một cú đảo chánh bằng quân sự.

 Kế hoạch gặp một số trở ngại, ngắn và dài hạn, nhất là trước khi Allende làm lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Trở ngại dài hạn, là do truyền thống của đất nước Chile, quân đội vốn giữ vị trí trung lập, đối với quyền lực chính trị. Trở ngại ngắn hạn nhắm vào Tướng René Schneider. Với chức năng Tổng Tư Lệnh Quân Lực, ông công khai bầy tỏ sự chống đối, bất cứ một âm mưu dùng quân đội đảo ngược kết quả bầu cử. Chính vì vậy, sau một cuộc họp vào ngày 17 tháng Chín 1970, một quyết định được đề ra: phải cho ông Tướng đi chỗ khác chơi.

 Kế hoạch "đốt nhà" được giao cho những sĩ quan cực đoan, rồi đổ tội cho những phần tử tả phái, ủng hộ Allende, là "đích danh thủ phạm". Phải làm sao tạo được một sự hỗn loạn khiến quốc hội không chấp nhận Allende làm tổng thống. Tiền thưởng 50 ngàn đô sẽ chi cho một, hoặc một nhóm sĩ quan chịu chơi. Helms và viên phụ tá đặc trách chiến dịch đòn ngầm, Tomas Karamessines, giải thích cho Kissinger họ không được lạc quan về chiến dịch. Thành phần sĩ quan tỏ ra ngần ngại, hoặc chia rẽ, hoặc trung thành với Tướng Schneider và hiến pháp Chile. Như ghi chú của Helms cho thấy: "Chúng tôi cố gắng làm cho Kissinger hiểu chuyện thành công là rất mỏng manh". Kissinger ra lệnh thật là minh bạch cho Heilms và Karamessines, tiếp tục chơi, với bất cứ giá nào.

 Ngày 15 tháng Chín 1970, Kissinger được thông báo, đã kiếm ra viên sĩ quan chịu chơi, tướng (général) Roberto Viaux; tay này có những liên lạc mật thiết với nhóm cực hữu Patria y Libertad, bản thân ông ta cũng là một tay cực hữu. Ông chấp nhận lấy 50 ngàn đô để trừ khử tướng Schneider. Danh từ được sử dụng để chỉ viên sĩ quan chịu chơi là "kẻ bắt cóc", tuy nhiên lại có lệnh hãy cung cấp súng máy, và lựu đạn cay cho những cộng sự viên của Viaux, họ cũng chẳng hề hỏi lại đàn anh, sau khi bắt cóc tướng Schneider, thì phải cư xử ra sao với ông ta.

 Sau đây là trích đoạn, một "thông điệp mật" của CIA, đề ngày 16 tháng Mười, sau cuộc họp mật cấp cao của viên chức Hoa Kỳ, vào ngày 15 tháng Mười, nhằm kiểm tra đánh giá những hoạt động của bọn chủ mưu. Thông điệp này được coi là "hướng dẫn chiến dịch", gửi cho những nhân viên CIA ở Santiago:

 … Allende phải bị lật đổ bằng một cú đảo chánh… Tốt nhất là trước ngày 24 tháng Mười (ngày tổng thống chính thức nắm quyền). Nhưng những cố gắng nhằm đạt được mục đích vẫn tiếp tục sau thời hạn trên. Chúng ta phải tạo áp lực tới mức tối đa, sử dụng mọi phương tiện thích ứng.. Bắt buộc phải hành động trong bóng tối, phải làm sao cho chính quyền Hoa Kỳ không bị mang tiếng…

 [Viaux và đám đệ tử, theo như đánh giá sau đó, là không thể kiểm soát được, có thể gây phiền nhiễu cho CIA và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, cho nên bị loại bỏ, và kế hoạch Schneider được giao cho một bộ phận quân đội được kính trọng hơn, cầm đầu bởi tướng Camilo Valenzuela, sĩ quan trưởng đạo quân ở Santiago.]

 Chiều ngày 19 tháng Mười 1970, nhóm Valenzuela, được tăng cường bởi vài người thuộc nhóm Viaux, với lựu đạn cay do CIA cung cấp, đã toan bắt cóc tướng Schneider khi ông rời một bữa ăn tối. Thất bại, do Schneider không dùng công xa như thường lệ, mà lại dùng xe riêng. Sau cú bắt cóc hụt này, CIA Washington ra lệnh phải khẩn cấp hành động, bởi vì phải trả lời cấp trên vào sáng ngày 20 tháng Mười, và hai phong bì, mỗi cái 50 ngàn đô, được trao cho Valenzuela, và phụ tá chính của ông, với điều kiện phải thực hiện bằng được mục tiêu. Cú thứ nhì diễn ra vào chiều ngày 20 tháng Mười, nhưng cũng thất bại. Ngày 22 tháng Mười, những khẩu súng máy "đã được sát rrùng" (có nghĩa là không thể nào tìm ra xuất xứ), được trao cho nhóm Valenzuela nhằm thực hiện cho được âm mưu kể trên, nhưng trong cùng ngày, tướng René Schneider đã bị nhóm Roberto Viaux ám sát.

 Cuộc đảo chánh đẫm máu lật đổ tổng thống Salvador Allende xẩy ra vào ngày 11 tháng 9 năm 1973, trong lúc Ngài Henry thân mến đang điều trần trước Thượng Viện, trước khi được phong chức Bộ Trưởng Ngoại Giao. Ông ta đã nói dối, khi quả quyết chính quyền Hoa Kỳ không có mắc mớ gì tới chuyện làm thịt tổng thống Allende. Những hồ sơ bây giờ được cho công chúng coi, cho thấy ngược lại. Trong số đó, có một, của tùy viên quân sự (thuỷ quân lục chiến) Hoa Kỳ, Patrick J. Ryan. Viên sĩ quan này đã ghi lại từng chi tiết, những liên hệ chặt chẽ giữa ông ta với những viên sĩ quan phản loạn dính líu vào âm mưu lật đổ tổng thống Allende. Viên sĩ quan này đã coi ngày 11 tháng 9 năm 1973 là "Ngày J", tương tự như ngày đổ bộ Normandie của quân đội Đồng Minh chống lại Quốc Xã, và nhận xét một cách hoàn toàn thỏa mãn, là "cú đảo chánh tại Chile gần như hoàn hảo" ["le coup d’Etat (sic) au Chili était presque parfait).

 Jennifer Tran