logo




The Spy Who Loved Us: Tên Điệp Viên Thươn[g] Chúng Ta.

Ẩn dẫn tôi qua vườn của anh, một khu vườn nhiệt đới xum xuê hương hoa cây trái. Dõi theo chúng tôi, từ bên trong mấy cái chuồng dưới gốc cây, là một con diều hâu, thứ chim cắt chuyên săn mồi, và ba con gà chọi của Ẩn. Chúng tôi ngừng ở giữa vườn để ngắm một bức tượng, bằng sành, một trong những chú chó săn cừu nòi Đức thân thương của Ẩn.  Ẩn nói, anh học cách dùng chó trong tình báo từ một tay Xịa: Đại tá Edward Lansdale - người được coi là khuôn mẫu cho nhân vật chính trong Người Mỹ Trầm Lặng của Graham Greene. “Tôi huấn luyện chúng, để chúng có thể báo động, khi mấy anh cảnh sát xét nhà, khi còn cách xa cả kí lô mét.”, Ẩn nói. "Nó là một điệp viên tốt".
Bass: The Spy Who Loved Us

Chuyện mấy anh Mẽo hay nhắc tới Greene khi viết về Ẩn, và Ẩn, khi thú nhận, mình học từ ông thầy Xịa cách luyện chó để trị cảnh sát, tất cả đều có nguyên nhân sâu xa của chúng.
Norman Sherry, trong bộ ba khổng lồ, Cuộc Đời Greene, của ông, có đưa ra nhận xét, anh phóng viên Mẽo nào, trên đường tới Việt Nam, vào những năm tháng nóng bỏng đó, đều lận lưng một bửu bối, là cuốn Người Mỹ Trầm Lặng.
Trong truyện ngắn, gần như là một thứ tự truyện, Cõi Khác, Gấu đã lầm, khi nghĩ rằng, mấy anh Mẽo này mơ tưởng viết một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh Việt Nam có vóc dáng Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh của Remarque.
Tại sao lại có sự "lầm lẫn" như thế? Liệu có phải Greene hơn Remarque? Gấu vẫn thường tra vấn mình, và sau cùng, nhân đọc một số tác giả, trong số đó, có Steiner, Benjamin, Milosz... và ngộ ra là:
Sau Remarque, hay rõ hơn, sau Đệ NhấtThế Chiến, không thể có một Mặt Trận Miền Tây nào, cho bất kỳ một cuộc chiến nào.
Remarque là nhà văn chấm dứt  thứ tiểu thuyết viết về chiến tranh như cuốn của ông. (1)
Đây là điều những nhà phê bình nước ngoài nhận ra, khi đọc Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh, và coi nó cao hơn Mặt Trận Miền Tây. Cao hơn không phải là do Bảo Ninh có tài hơn, mà là, chiến tranh, con người, ở trong Nỗi Buồn Chiến Tranh khác với chiến tranh, con nguời như được miêu tả trong Mặt Trận Miền Tây.
Tiếp theo đó, cũng thế, số phần của Greene, là phải viết Người Mỹ Trầm Lặng. Những so sánh nhắc nhở tới ông, là vì ai cũng muốn được như... ông.
Toan tính rõ rệt nhất, và, thất bại rõ rệt nhất, là trường hợp cuốn Thời Gian Của Người của Nguyễn Khải. Nó thất bại, là do muốn hay hơn cả Người Mỹ Trầm Lặng, theo nghĩa, lọc bỏ hết cái xấu xa, cái ác quỉ, của cả con người lẫn cuộc chiến, và nhất là của con người, như là một tên điệp viên. Nó thiếu cái phần sự thực cay đắng, chua chát nhất, ở một nhà văn Ky Tô như Greene, [so với một nhà văn Cộng Sản như Khải], khi ông tuyên bố:
“Tôi phải kiếm cho ra một tôn giáo để đo lường cái phần quỉ ma ở nơi tôi”.
Nhân vật Quân [hoá thân của Ẩn,] trong Thời Gian Của Người "thánh thiện quá" [theo nghĩa thép đã tôi thế đấy], nhà văn như Nguyễn Khải, một lòng một dạ biết ơn Đảng, viết dưới ánh sáng của Đảng, thành thử chỉ đẻ ra một thứ phẩm, đúng như Gide nói. [Những tình cảm tốt đẹp đẻ ra một thứ văn chương tồi].
Một cách nào đó, cuốn Người Mỹ Trầm Lặng có một vị thế [position,status], của cuốn Bóng Đêm Giữa Ban Ngày của Koestler.
Nó cũng chứa trong nó, vụ án của thế kỷ.
*

(1) ... Steiner, đã chỉ ra sự khác biệt của văn chương Tây Phương, giữa hai Cuộc Chiến Lớn. Cuộc chiến 1914-1918 đưa tới những tác phẩm cổ điển như "Thôi Đừng Diễn Hành" (No More Parades), của Ford Madox Ford, "Lửa" (Feu), của Barbusse, "Phòng Lớn" (Enormous Room) của Cummings, "Giã Từ Vũ Khí" (Farewell to Arms) của Hemingway, âm hưởng chiến trường và thái độ của người dân ở chương cuối của Proust. Những tác phẩm lớn về thảm họa thứ nhì là phóng sự và chứng nhân tức thời: "Bay Đêm" (Vol de Nuit) của Saint-Exupéry, "Hiroshima" của Hersey, "Nhật Ký" của Anne Frank, "Ghi Chú từ Ghetto Warsaw" của Emmanuel Ringleblum. Không một nhà thơ, không một tiểu thuyết gia nào, cho tới nay, có thể đem đến cho thực tại trại tập trung, sự sáng suốt nghiêm ngặt, làm chủ kinh nghiệm, như là chúng ta nhận thấy ở trong nghiên cứu xã hội "Trái Tim Biết" (The Informed Heart), của Bruno Bettelheim. Giả tưởng ngậm câm trước tính lớn lao của sự kiện; trước uy quyền lồng lộng như thế, chỉ có phóng sự không hoa hòe hoa sói mới có thể làm bật ra được.
[Đọc Đó Đây của Trúc Chi]

"Đại tá Edward Lansdale - người được coi là khuôn mẫu cho nhân vật chính trong Người Mỹ Trầm Lặng của Graham Greene".
Bass
Một anh Xịa cáo già như Lansdale làm sao lại có thể là nguyên mẫu cho một Mẽo gà mờ cù lần như nhân vật Pyle trong Người Mỹ Trầm Lặng?
Như Norman Sherry cho thấy, Pyle là tổng hợp của nhiều người. Có cả Lansdale trong số đó. Nhưng Sherry chứng minh, Pyle bản chất là một anh Hồng Mao: Pyle is straight out of a good quality public school - in essence he is  English.
Có thể Ẩn giống Pyle, theo nghĩa này, bản chất của anh   một Cộng Sản. Một người Bắc vô Nam trước 1954 và là một Cộng Sản, làm việc cho Bắc Bộ Phủ.
Đây là sự khác biệt giữa Trung [phi công ném bom Dinh Độc Lập] và Ẩn.
Trung là một con người, với lòng hận thù rất con người của anh. Có thể, chuyện anh ta theo CS chỉ giản dị như thế này: Tụi bây giết cha tao, tao thù tụi bay, tao theo Cộng Sản, chủ nghĩa đó tốt xấu tao đếch cần biết, nhưng chắc chắn, nhờ nó, tao sẽ trả thù được cho cha tao.
Ẩn, không. Anh chẳng thù hằn gì cái miền đất đã nuôi dưỡng anh, nhưng, có thể, anh tin rằng, miền đất này sẽ còn khá hơn thế nhiều, nếu nó được Bác và Đảng chăm lo. Cái tay Hoàng Tùng [?] dâng Đất Thục, cho, hết Tào Tháo đến Lưu Bị, đâu phải hắn là một tên phản quốc khốn kiếp! Hắn nghĩ rằng, như vậy là tốt cho Đất Thục!
Có thể Cao Bồi đã nghĩ như vậy, khi "nằm gai nếm mật", ăn cơm quốc gia, giả đò làm việc cho Mẽo, nhưng thực tình thì là một con ngựa Hồ hướng về, hí về... Đất Bắc! Tâm sự của anh là như vầy:
Từ thuở mang gươm đi dựng nước,
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long!