*

 
 SÁNG TÁC


Tự Truyện

1945. Cách mạng, Độc lập, Tự do, Dân chủ, Hạnh phúc... đến thăm gia đình anh rất sớm, đem cha anh đi biệt tích, để lại lá thư mời dự tiệc tất niên của một người học trò cũ, khi đó cầm đầu nhóm võ trang chiếm giữ huyện lỵ, nơi ông làm Hiệu Trưởng trường Tiểu Học.

Không ngờ đó là một cái bẫy. Trong đầu óc non nớt của anh vẫn còn giữ lại cảnh tượng, buổi sáng đám người vũ trang chận đường khám xét, chủ ý là đòi tiền mãi lộ, đòi thịt cá, con gà, con vịt, mớ rau, mớ tép... của những người dân quanh vùng đổ về thị xã những ngày họp chợ. Có thể cha anh, với tư cách một người Hiệu Trưởng, một người thầy cũ, đã khuyên bảo người cầm đầu một điều gì đó. Nhưng tôi không hiểu, khi nhà trường đã đóng cửa nhân dịp Tết, và cha anh đã đem mấy đứa nhỏ về quê ở ngay bên kia sông, mẹ anh vì tiếc phiên chợ cuối năm nên nán ở lại, tại sao tới lúc đó người học trò mới có ý định thủ tiêu người thầy cũ. Nếu có thì giờ, anh nên tra cứu tìm tòi tài liệu, xác định thời điểm đám người vũ trang bỏ chạy khỏi Việt Trì, Vĩnh Phúc, có thể anh tìm ra nguyên nhân cái chết của cha anh.

Ông không ưa người Pháp. Suốt quãng đời dạy học, ông bị đổi đi nhiều nơi. Lục Yên Châu, Vĩnh Yên (Phú Thọ) và Việt Trì (Vĩnh Phúc) là ba nơi sau cùng trên con đường trở về khúc sông định mạng. Ông như bị nó ám ảnh , dẫn dụ. Hồi nhỏ ông thường bơi từ bên này sông ra tới giữa sông, và những lần lặng sóng, tới tận bờ bên kia, tới Việt Trì, rồi lại bơi về. Có thể đám người vũ trang muốn ông theo bọn chúng, nhưng cái cảnh chận đường chiếm đoạt tiền bạc, tài sản đã làm ông bất bình, và lá thư mời là cơ hội, hoặc tội ác cuối cùng người học trò cũ hy vọng thực hiện trước khi bỏ chạy, hoặc trước khi chịu cùng một số phận như vậy.

Ông bị đám người vũ trang thủ tiêu bằng cách buộc đá bỏ xuống sông, như lời một người bạn tù nào đó kể lại. Theo lời kể, cha anh đã không giả ngu giả dại như người khác. Cái tính lì lợm, bướng bỉnh nhưng dễ tin người, di truyền tới anh, trở thành ngu ngơ, khù khờ, nếu không muốn nói là đần độn. Có lần nghe anh kể tôi thấy tội nghiệp, đời thuở nhà ai chỉ vừa nghe nói tới tên cô bạn đã nghĩ ngay đây là người của mình, rồi lặn lội lên tận Đà Lạt, tới tận khu nội trú, chỉ để nghe, ở đây có một cô sinh viên có tên như thế nhưng đã về Sài-gòn.

Em anh tử trận tại một khúc sông tại xã Trường Khánh, Sóc Trăng. Còn anh suýt mất mạng ở nhà hàng nổi Mỹ Cảnh, nơi bờ sông Sài Gòn. Có thể cha anh đã linh cảm được số phận của mấy đứa con trai nên tên đứa nào cũng mang sẵn dấu ấn của định mệnh.

"Thù oán cá nhân... Cái thằng đó, ngoài tao ra, không coi ai là Thầy." Ông giáo Dực đã có lần giải thích khi anh từ vùng "hậu phương", tức vùng kháng chiến, về Tề, vùng quốc gia, khoảng 1950, 51. Ông là thầy học của cha anh, và gần như của tất cả thanh niên trong làng. Sau khi người Pháp nhảy dù xuống đồng bằng Sơn Tây và cho lập một đồn binh ngay trên đê cuối làng, ông giáo Dực trở thành người thông ngôn cho dân quanh vùng, mỗi khi có bắt bớ, ruồng xét, chắc có sự đồng ý của đám du kích xã. Một lần ông dẫn anh theo tới tận đồn, và đó là lần đầu tiên anh nhìn thấy một người ngoại quốc.

Hồi nhỏ ông cũng dạy anh học, và có thói quen phạt học trò bằng cách bắt nằm ngửa trên một cái ghế đẩu, hai chân, hai tay chạm đất. Ông nói với anh, bố mày ngày xưa cũng bị phạt như vậy, khi tao ra coi thì thấy bố mày ngủ khì. Ông lấy bà cô ruột của anh, theo thư của em anh cho biết. Chú Trực, một trong những người con trai của ông, hơn anh chừng một hai tuổi, khi đó có khiếu về âm nhạc. Chú dạy anh chơi đàn mandoline, và những bản nhạc thịnh hành hồi đó. Qua thư của em anh cho biết, chú vẫn còn giữ được một số tập vở, hình ảnh của anh, trong có tập "lưu bút ngày xanh", hình như vậy.

"Không ngờ đó là một cái bẫy", Bà nội anh khi còn sống vẫn thường đay nghiến người con dâu, phải chi mẹ anh giấu biệt lá thư, tai họa đã không xẩy ra. Nhưng theo tôi, mọi chuyện không giản dị như vậy. Gia đình bên nội anh ngèo. Cả vùng đất vốn nghèo nhưng được tiếng là đất văn học, có người đỗ đạt ra làm quan với triều đình. Làng Vân Xa, quê ngoại anh là một làng nổi tiếng về nghề trồng dâu, nuôi tầm, dệt tơ lụa. Ông ngoại anh, ông Bá Quán, là một điền chủ giầu có nhất làng. Năm đói, nhà ông bị cướp viếng. Họ tính bắt Bà Ba, bà vợ kế nổi tiếng khắp vùng vì độc ác với con chồng, với người ăn kẻ ở, tá điền, và cũng là người giữ tay hòm chìa khóa. Nhưng may cho bà đã kịp đóng chiếc cửa sắt, ngăn chặn bọn cướp không kịp tấn công vào sào huyệt là nơi cất giữ, chôn giấu vàng bạc, của cải. Sau này khi miền Bắc phát động đấu tố, bà cũng may mắn trốn thoát về Hà-nội, để ông chồng ở lại chịu tội với nhân dân, với đám tá điền. Nghe nói ông bị bỏ vô cũi, bị phơi ngoài nắng, bị đám tá điền tố đủ thứ tội nhưng mục đích chính của đội cải cách vẫn là của cải, vàng bạc. Trong một lần dẫn bọn họ đi tìm vàng, ông đã nhảy xuống sông tự tử.

Hình như anh có quá nhiều kỷ niệm cay đắng về bà Ba, vợ kế của ông ngoại anh. Những buổi bơi lội bất đắc dĩ, gần như suốt ngày dầm dưới nước, đuổi theo đàn vịt trên con đầm chạy vòng từ làng Vân tới làng kế bên. Mấy đứa con của bà, Cậu Cầu, cậu Tiệp, cậu Lùn là những bạn học thời thơ ấu của anh. Cậu Toàn em ruột mẹ anh là người thương yêu, lo lắng kỳ vọng và sau này đã thất vọng về anh rất nhiều. Sau 54, về Hà-nội, cậu làm việc trong ban tuyên huấn, lo tờ Le Courrier du Viêtnam dưới quyền Nguyễn Khắc Viện. Cậu nói, suốt thời gian theo cách mạng, khi ở rừng không nói, khi được về thủ đô, ao ước lớn nhất của cậu là có một cái bàn để làm việc.

"Giàu có không phải là một cái tội", mấy chục năm sau, gặp lại cô bạn ở xứ người, nghe cô bực mình tuyên bố, khi biết được trong thâm sâu người quen cũ vẫn nuôi dưỡng mầm thù hận đối với những con người xuất thân từ những gia đình giầu có, vẫn tin rằng đằng sau của cải vật chất là những âm mưu, lọc lừa những tội ác, vẫn khẳng định một điều, sự nghèo đói rồi sẽ cứu chuộc thế giới. Sau câu nói biết đâu còn một chút trách móc giận hờn, phải chi anh đừng ngu si đần độn, cứng đầu cứng cổ như vậy, mọi chuyện có thể đổi khác. Nhưng thế giới quá rộng cớ chi đâu mà anh lại đâm đầu về cái xó xỉnh địa đầu trái đất, tận cùng cuộc đời, để tái diễn thảm kịch.

"Anh chị ạ, câu ngạn ngữ có nói, sông có khúc, người có lúc. Hay câu thịnh, suy, bỉ, bái. Sự vinh quang của dòng họ ta, gia phả ghi rất rõ. Họ Nguyễn ta ở đất Thanh Lạng, Thanh Trì, nay Phú Thịnh, Phú Cường, đã tồn tại 20 đời. Em và anh thuộc đời thứ 17. Các đời trước em không kể, vì quá dài dòng. Như anh đã viết trong thư, trường hợp anh cần, như một tài liệu để dựng lại lịch sử của một vùng đất xuyên qua sự thịnh suy của một dòng họ, biết đâu có thể tìm ra một chút nguyên nhân cái tai họa xẩy ra cho cả một dân tộc, em rất mong và sẽ sưu tầm dùm anh. Ở đây em chỉ tính đời thứ mười bốn trở đi, tới đám con cái của tụi mình.

Đời thứ 14, cụ Nguyễn Ngọc Chất, đỗ cử nhân, vào Huế thi hội lấy Tiến sĩ, cụ qua được hai trường, đến trường thứ ba bị loại vì phạm húy. Như vậy cụ chỉ sau Tiến sĩ có một bậc. So với cả khu vực, tính từ Kiều Mộc trở xuống mấy xã lân cận, cụ đã đỗ đạt cao hơn cả. Lúc còn sống, cụ được làng Tiên Cát tôn làm Thành Hoàng. Sau cụ về làm giáo thụ tại huyện nhà và mất tại quê hương, thọ 64 tuổi, được 7 trai, hai gái. Ông nội của hai anh em mình, cụ Nguyễn Tái Tịch, được 4 người con, hai trai, hai gái, không phải chỉ có hai người con trai như anh đã viết trong tự truyện gởi về cho gia đình. Bố chúng ta và Bác Giáo Thái đều là giáo học, công chức chánh ngạch, thuộc loại đàn anh trong làng, ngoài xã hội..." "Em và anh, Bá Hiền, Bá Phúc, anh Sĩ (đời thứ 17) là chịu nhiều cay đắng hơn cả. Bố bị đảng phái thủ tiêu. Mẹ góa con côi. Bây giờ em có con, có gia đình em mới hiểu được lòng mẹ. Nhà ta ông Nội thì mất sớm, bà Nội bán thân bất toại. Ông Ngoại, Ông Bá Quán giầu nhất làng Vân Xa, nhưng cũng chỉ nhờ được những khi lỡ bữa. Cái khổ của Mẹ từ khi góa chồng, cái khổ của anh chị em mình có lẽ là từ năm 51, 52 gì đó..." 

 "Cái họa của gia đình mày là do trong dòng họ đã có một người được thờ làm Thành Hoàng sống", Bà Trẻ có lần nói. "Theo như kể lại, vùng đất khi đó xẩy ra bệnh dịch, người chết như rạ. Sau cùng phải hỏi nguồn cơn ở cõi âm. Cô Đồng cho biết phải nhờ một người có đủ đức độ, có chức sắc, võng lọng của nhà vua ban cho, cầu xin người đó làm Thành Hoàng sống, chấp nhận lễ bái phẩm vật, rồi nhờ cái đức của người đó trấn áp, quỷ ma mới không làm nguỵ." "Chẳng biết trận dịch có lui không...", Bà Trẻ buồn rầu nói tiếp, "nhưng hình như bao nhiêu tai họa của cả một vùng đất, của bao nhiêu con người, đều dồn vào dòng họ mày, con trai đều bất đắc kỳ tử. Ông Giáo Dương, bố mày chết lúc hăm mấy tuổi. Ngày xưa đúng ra là... Em mày, thằng Sĩ chết năm hai lăm, hai sáu tuổi gì đó phải không, hình như trước Mậu Thân một năm. Nếu có may mắn sống sót như mày thì cũng sống một cách khốn khổ khốn nạn... Nhiều lần lẩn thẩn suy nghĩ, tao vẫn tự hỏi hay đây cũng là số phận chung cho cả... " 

 Ngày nào, nếu trí nhớ của anh không bị lầm lạc giữa những điều tưởng tượng, và những gì có thực, nếu anh tự cho mình may mắn sống sót, thực sự đau khổ để hiểu được những chuyện đó, có lẽ anh nên viết. Anh nên viết về người vợ, mấy đứa nhỏ, và một, hai người bạn. Một, hai người, vì tôi biết anh không có nhiều, một phần anh chỉ lo tìm bạn trong mớ sách vở, tôi muốn nói những người đã chết, một phần vì anh vốn chậm lụt so với cuộc đời. Anh luôn đến muộn, ở một cuộc vui đã tàn, mọi người đã bỏ đi hết. Có thể anh thực sự muốn đến sau mọi biến động. Khi mọi người cố gắng muốn quên đi, anh sợ hãi la hoảng: "Không được, không được!". Nếu anh cứ tiếp tục sống như vậy, một ngày nào quá khứ sẽ đánh gục anh. Vả lại, trong những lần ham vui, anh ưa nói về mình, về cái tôi đáng ghét, và tôi nghĩ, một ngày nào, một, hai người bạn anh cũng chẳng còn.

Anh nên viết về vợ con anh, như thể anh đã được yêu thương và được tha thứ, như thể họ đã bỏ qua cho anh tất cả những điên khùng rồ dại muốn tàn phá không chỉ đời mình mà luôn cả của họ, như thể anh đã sống lạm sang phần đời của vợ con anh. Bà mẹ anh khi còn sống vẫn thường nói, mấy đứa nhỏ thật vô phúc mới sinh nhầm cửa nhà này. Anh nên bắt chước một người bạn của anh, lấy giấc mơ thầm thường, giản dị của vợ con làm của mình, quên đi những mộng lớn, nhỏ, cũ, mới... Chúng quá đẹp nên không thực, hoặc chúng có quá nhiều ý nghĩa nên cuối cùng chẳng có một ý nghĩa nào. 

Anh nên viết về cha anh, mẹ anh, đứa em trai đã tử trận như thể họ đi xa và mang theo một phần đời của anh, như một dự trữ cho một cuộc đời sẽ tới, may ra, biết đâu có thể có được; nhưng cũng như thể anh đang sống đây là sống cho họ. Luôn cả cho người chị và đứa em trai còn ở Miền Bắc mà có thời anh muốn quên đi như cố thù ghét thời thơ ấu của mình. 

 Viết, chỉ cho họ, bởi anh đâu cần một thiểu số trí thức chọn lọc hay không chọn lọc, mắt xanh hay không mắt xanh; một đa số thầm lặng hay không thầm lặng, đặc quyền hay không đặc quyền, nhân dân hay không nhân dân. Anh đừng trông mong hai ba trăm năm sau có người nhỏ lệ. Anh không thấy bao nhiêu con người không kịp sống cuộc đời này chỉ vì một cuộc đời ngày mai. Bao nhiêu con người nhỏ lệ hôm nay, chỉ vì hy vọng hão huyền ngày mai ca hát. Anh chỉ cần những người thân hiểu, và tha thứ cho anh. Họ đã trông mong, chờ đợi ở anh quá lâu rồi. Bởi vì họ cũng chỉ có một đời để sống, và họ cũng sẽ già, sẽ chết, và anh sẽ hối hận vì không bao giờ dám thú nhận anh thương yêu họ và làm cho họ đau khổ biết là chừng nào. 

 Cách Mạng viếng thăm gia đình anh rất sớm, đem cha anh đi biệt tích, để lại một bà mẹ với bốn đứa nhỏ, đứa lớn nhất chưa đầy 10 tuổi. Ông bị một người học trò cũ thủ tiêu. Một kỷ niệm anh còn giữ được về cha anh, đó là một bữa ông từ đâu chạy vội về nhà la lớn: "Nước nhà độc lập rồi!". Kỷ niệm ngày càng nặng chĩu sự đói khổ cơ cực, mặc cảm mồ côi ăn nhờ ở đậu hết ông chú bà bác bên nội bên ngoại, thêm nỗi lo sợ một ngày nào đó mẹ anh sẽ bước thêm bước nữa vì không chịu nổi những lời đay nghiến của mẹ chồng, sự độc ác của xã hội. Khi anh viết về những chuyện đó, tôi nghĩ anh cố gắng tìm ra ý nghĩa đầu tiên của thảm họa. Anh muốn nhìn một lần cho tất cả, từ khởi thủy đến tận cùng. Tôi biết anh còn muốn kể lại, lần đầu tiên anh đọc được ở đâu hai chữ kỳ lạ, tuy không hiểu nghĩa nhưng anh mang áp dụng ngay vào đứa em ruột: "Mày là một đứa bé mồ côi". Câu chuyện xảy ra ngay vào giây phút cuối cùng của cha anh, đúng những ngày Tết kinh hoàng năm đó. 

 Tôi biết anh còn muốn kể lại, lần đầu tiên anh xuống xe đò, đi lang thang trên con lộ dẫn vào quận lỵ, khi đi ngang cây cầu gỗ, rồi tiếng đạn từ chi khu bắn đi nghe chát chúa bên tai. Đó là lần đầu tiên anh nhận ra chiến tranh có thật, và tất cả những gì anh tưởng tượng về cô bạn đều có thật. Mặt nước sông nhăn nhó để lộ sự giận dữ của thiên nhiên, vẻ gớm ghiếc của số mệnh. Cùng lúc anh nhận ra nỗi đau khổ, sự thông cảm. Sau mặt nạ đầy hăm dọa của dối trá, anh nhận ra một khuôn mặt khác, một cuộc đời khác, đúng không, đúng không?... 

 Bà Nội anh, chồng chết sớm, ở vậy nuôi hai người con trai. Mẹ anh có lần nói về sự hà tiện của cụ. Câu chuyện chắc do cha anh kể lại. Cụ kho một nồi cá, không dám cho con ăn một lần, cứ bắt để dành, sau cùng nồi cá biến thành ròi. Những ngày cuối cùng cụ bị bán thân bất toại, không một người con trai, con dâu nào kế bên, ngoài hai đứa cháu nội còn nhỏ, ham chơi. Tôi không hiểu bằng cách nào anh vẫn còn nhớ ước muốn cuối cùng của cụ. 

 Cụ thèm một tô phở Trung Hà (tên một thị trấn địa đầu tỉnh Sơn Tây, tiếp giáp Phú Thọ). Tôi nghĩ khi còn trẻ, phải chạy ngược chạy xuôi, buôn bán tảo tần nuôi con ăn học, chắc cụ đã có lần được thưởng thức một bát phở của một tay đầu bếp nhà nghề ở nơi thị tứ đông đúc đó. Đó là hương vị cuối cùng cụ còn giữ được của thế gian này. 

 Hồi nhỏ, thời gian dài anh sống thường trực với nỗi ám ảnh về cái chết của cha anh. Mỗi lần bơi lội cùng chúng bạn, anh thường lặn thật sâu, rồi cố gắng nín thở cho đến khi không còn chịu đựng nổi. Mẹ anh kể có lần bà trông thấy người mặc bộ đồ complet của cha anh. Tuy biết rằng chồng mình không còn, nhưng bà vẫn mơ hồ hy vọng, vẫn tất tưởi nơi này nơi nọ, mỗi lần nghe một ngừơi nào đó đã gặp một người tương tự như vậy, ở đây, ở kia. Cho đến khi bà mẹ chồng hết còn cáng đáng nổi, bà đem mấy đứa con gửi mỗi đứa mỗi nơi. Bốn anh chị em xa nhau từ ngày đó. 

 Một ngày nào, anh nên viết về những chuyện đó không phải bằng thứ ngôn ngữ vay mượn từ mớ sách vở mà cũng chẳng cần văn hoa chải chuốt. Anh thử viết bằng một thứ tình cảm không phải của anh mà của vợ con anh. Tôi biết anh là người thường che giấu tình cảm và đó là một trong những nguyên nhân gây ra thảm họa. Riêng về chuyện cô bạn, tôi hiểu và tha thứ cho anh. Tôi thông cảm những ngày tháng đó, những lần anh chạy xe như điên trong thành phố, tìm gặp từng hồn ma Mậu Thân để hỏi thăm tin tức đứa em trai. Tôi thông cảm nỗi đắng cay và tâm sự không sao tỏ bày. Tôi biết cô bạn đã tha thứ cho anh trong việc làm vô ích, tìm lại quãng đời đã mất...
 

 Xì Lô thân thương,

 Xì Lô, cô Út sinh ngày 13 tháng 4 năm 1975. Sau này những lúc gia đình quá khổ sở, bố mẹ cô vẫn thường than thở, phải chi không có cô chắc là gia đình đã đi Mỹ từ những ngày tháng Tư năm đó rồi. Bữa nay sinh nhật thứ 21, bố mẹ chỉ có cô ở bên. Mấy anh chị của cô ở quá xa, biết ngày nào gặp lại. Bố mẹ chỉ còn biết cầu nguyện tất cả đều khỏe mạnh, an lành. Bố mẹ chỉ mong Xì Lô được hạnh phúc.
 Người ta nói, những đứa trẻ sinh ra từ một gia đình vợ chồng không hòa hợp, nói rõ hơn, những đứa trẻ bất hạnh thường dễ thành công trên đường đời nếu chúng vượt qua được những mặc cảm tuổi thơ. Có lần cô nói, từ khi con qua đây, mới đó mà đã gần nửa năm, gạt nỗi nhớ anh chị qua một phần trái tim, mỗi lần thấy bố mẹ vui đùa con ứa nước mắt vì sung sướng. Suốt tuổi thơ chúng con chưa hề biết đến những giọt nước mắt hân hoan hạnh phúc đó. 
Thật cũng may, cuối cùng bố mẹ lại tìm thấy nhau, cho dù bố mẹ biết rất rõ, nếu cuộc đời được làm lại từ đầu, thì mọi chuyện vẫn y nguyên như vậy. Chắc là bố sẽ lo cho mẹ thêm một chút xíu, nhờ vậy mẹ sẽ bớt đi một chút, niềm tủi thân.

Như con biết đấy, gia đình mình, ngoài chú Sĩ đã tử trận, bố còn một người chị và một đứa em trai út ở miền Bắc. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, chú Bảo bị qui thành phần có mẹ và anh di cư nên không được quyền đi bộ đội, sau đó chú làm công nhân cho nhà máy đường Việt Trì, nhờ vậy mà còn sống. Bá Hiền lấy chồng có được một đứa con gái. Chồng vào Nam chiến đấu mất tích. Qua đây gần một nửa thế kỷ, bố mới nhận được tin tức của chị và em. Đúng là nửa thế kỷ, bởi vì khi ông Nội mất tích ngay từ năm 1945 vì tai họa đảng phái, bà Nội phải đem mấy đứa con gửi mỗi đứa một nơi, bố không gặp bá Hiền, chú Bảo kể từ ngày đó. 

Con đã đọc thư chú Bảo thì biết gia đình mình ở ngoài Bắc. Đó là quê hương mà bố phải từ bỏ, theo bà Nội vào Nam, và khi chú Sĩ chết, bố tự nhủ sẽ chẳng khi nào trở về. Đấy là một phần lý do tại sao bố lấy mẹ. Bố muốn các con có một quê hương Miền Nam, các con sẽ cần tới nó như bố cần tới mẹ vậy. 

Trước tháng tư năm 75, ngoài công việc của một công chức, bố còn làm thêm cho một hãng thông tấn nước ngoài. Khi hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh Việt Nam được ký kết, bố thôi làm cho họ, tính bỏ Sài-gòn đưa gia đình về một tỉnh lỵ. Nhưng biến cố 30 tháng 4 năm 75 đã xóa sạch mọi dự tính. Ngày 28 hay 29 tháng 4 bố không còn nhớ rõ, thành phố đang trong cơn hỗn loạn, bố gặp lại người sếp cũ, lúc này làm cho tờ báo Time, tới Sài-gòn làm phóng sự về cuộc di tản. Lúc đó cơ quan DAO của Mỹ đã đóng cửa, không còn máy bay C.130, anh ta bảo chỉ có thể đi bằng trực thăng ra Đệ Thất Hạm Đội, và như vậy chỉ một mình bố đi được thôi. Bố không thể bỏ mẹ và các con trong lúc mấy chục binh đoàn Cộng Sản Bắc Việt đang chờ sẵn ở ngoại ô thành phố và viễn tượng biển máu đang chờ đợi người dân Sài-gòn. Chết một đống còn hơn sống một người, Bá Hiền viết thư qua cho biết, ngày xưa bà Nội đã nói với Bá như vậy, lần về đón Bá cùng đi vào Nam, nhưng Bá không đi vì còn mê phong trào. Bố đã ở lại. Phải chi ngày đó bố chạy theo người Mỹ, gia đình mình đã không gặp những cảnh ngộ đói khổ, tủi nhục như hầu hết những gia đình Miền Nam khi Cộng Sản Bắc Việt thắng trận. Nhưng chính những ngày tháng sống dưới chế độ Cộng sản, những ngày tù đầy, những nỗi đói khổ mà gia đình mình đã trải qua khiến bố mẹ hiểu nhau hơn. Vả lại, sự thành đạt ở nước người nhiều khi phải trả một giá quá đắt. Chắc chắn một điều, con không thể quên tiếng Việt. Đó là khí giới hữu hiệu nhất để chống lại sự tha hóa mà đôi khi người ta lầm lẫn là hội nhập. Và để chống lại sự cô đơn, niềm lãng quên, và tuyệt vọng.

Hôm nay là sinh nhật của con, đúng ra chẳng nên nhắc chuyện đau buồn nhưng tháng Tư vẫn luôn luôn làm những ngưòi như bố mẹ cảm thấy bứt rứt. Có lẽ đã đến lúc bố mẹ đem cất kỹ lá cờ phủ trên quan tài chú Sĩ vào một nơi thật yên ổn, thật thiêng liêng là trái tim của mình...

 Nguyễn Quốc Trụ