*
 SÁNG TÁC



kh              

Hòa Mun
Tôi là bạn của Hòa Mun.
Năm đó lúc Hòa Mun vừa chun ra khỏi bụng má nó, thì đấng Sáng Tạo đang ngủ gục trên bàn làm việc vì say rượu, tiếng khóc của nó làm ổng giựt mình và giữa lúc nửa mê nửa tỉnh, nhớ tới nhiệm vụ phải cho nó sự sống, ông lật đật ban ngay cái trí tuệ đang mơ màng giữa mộng và thực của mình, cho cái sinh vật bé nhỏ kia, đến khi tỉnh táo ổng ngồi ôm mặt khóc, "Trời ơi! Ta đã làm hỏng một con người!"
Tên nó là Hòa nhưng mọi người kể cả bạn nó đều gọi là "Hòa Mun" bởi vì còn có một đứa nữa cũng tên Hòa nhưng trắng hơn nó.
Hòa Mun mồ côi cha lúc còn trong trứng, má nó đem cho người ta nuôi khi chưa được hai tuổi. Hòa Mun thông minh hơn bạn bè cùng tuổi, học giỏi số dách, nó vừa khôn lanh quỷ quyệt mà lại cũng vừa rất ngây thơ; khôn ngoan lắm thì oan trái nhiều, cuộc đời của nó dường như đã được báo trước từ một biến cố xẩy ra vào năm nó học lớp nhứt.
Năm đó Hòa Mun học lớp nhứt 7 do cô Việt Hoa dạy. Ba má nuôi không có con, ông bà thương nó như con ruột, thấy nó thông minh cũng ráng cho ăn học. Họ nghèo nên Hòa Mun thua sút chúng bạn đủ thứ, nhiều khi nó còn bị đám con nhà giàu ăn hiếp trong đó có cả tôi, và cô giáo nữa, cũng binh đám học trò giàu con chủ tiệm tàu, con chủ nhà máy cưa. Đám bạn học con nhà giàu ghét Hòa Mun bởi nó nghèo mà học giỏi hơn chúng, nó lại giỏi nhịn. Có đứa trêu chọc, "Mầy là cái thứ đồ trôi sông lạc chợ ở đâu tới đây thì đừng có làm tàng nhen", nó cũng không thèm trả lời.
Bữa đó thứ bảy, tụi con nhà giàu bàn mưu hại Hòa Mun, và làm bộ mượn tập để chép bài, rồi chính tôi là người gò tuồng chữ của nó, nét chữ của hai đứa rất giống nhau, để viết một câu bậy bạ tục tĩu lên sau lưng bảng đen. Đến sáng thứ hai, khi cô Việt Hoa vô lớp tụi nó chỉ cho cô. Nhìn tuồng chữ, cô Việt Hoa nghi thủ phạm là Hòa Mun, cô làm bộ kêu bé Trương ngồi kế bên Hòa Mun đứng dậy, rồi hỏi:
-Phải em viết không?
 Con này tủm tỉm cười, liếc qua Hòa Mun.
Tháng đó Hòa Mun vẫn đứng hạng nhứt nhưng mất bảng danh dự vì lý do hạnh kiểm. Nó ngậm đắng nuốt cay, giữ mối oan khiên trong lòng. Và cũng từ đó, nó tin rằng mình đã bắt đầu trưởng thành, và tự rèn luyện cho mình một võ khí để tự vệ, và cũng mất dần lòng tin đối với cuộc đời.
Cuối năm, Hòa Mun thi đậu tiểu học. Khi tới trường coi kết quả, cô Việt Hoa kêu nó ra ngoài trước cửa lớp và hỏi nó, như để kiểm tra lại:
 -Phải hồi trước em viết bậy lên bảng không?
Hòa Mun lắc đầu, nước mắt nó ứa ra.
-Cô biết rồi, hồi đó cô nghi oan cho em. Cô Thạnh nói cho cô biết là tụi con Thảo ghét em nên bày kế hại. Thôi đừng có giận cô nghen.
-Em đâu có dám giận cô. Mà sao cô Thạnh biết vậy?
-Bé Huệ nói.
Huệ là con gái của ông Phó Quận Trưởng. Nó học lớp nhứt 2 của cô Thạnh. Huệ chơi thân với Hòa Mun, và tình cờ nghe được tụi kia kể chuyện hại bạn mình.
Nỗi oan tuy giải nhưng vết thương đã thành thẹo.
Tôi vừa đi làm về thì nghe có người nhắn trong điện thoại là có một người bạn đang bịnh nặng nằm trong bệnh viện muốn gặp, không kịp cơm nước tôi lật đật chạy vô nhà thương theo địa chỉ để lại.

Hòa Mun đang nằm trên giường bịnh. Kể từ khi Hòa Mun đi lấy chồng, khi gặp lại, là ở xứ người. Có lẽ đã hơn ba mươi năm.
-Mầy sao vậy Hòa?
-Tao hả, ung thư máu. Nó trả lời tỉnh bơ.
-Trời ơi, hồi nào vậy.
 -Mới biết đây thôi. 

Tôi thở dài. Bạn tôi nằm đó, mặt mày tuy nhợt nhạt, nhưng không có vẻ lo lắng hay sợ hãi, cặp mắt vẫn đầy tự tin, và nhứt là nụ cười vẫn ngây thơ rạng rỡ không khác gì ngày xưa. Thời còn đi học, Hòa Mun là một đứa lãng mạn, đam mê. Nó mê môn văn, và luôn đứng đầu lớp về môn này, nhưng toán thì dở ẹt. Nó có nhiều bạn trai hơn bạn gái, nhiều đứa chết mê chết mệt vì nó, còn nó thì lúc nào cũng ỡm ờ, lửng lơ con cá vàng, đùng một cái nghe tin nó lấy chồng, một thằng bắc kỳ di cư, xa lơ xa lắc, làm cho bao nhiêu đứa bàng hoàng. 

Thằng Điền nhảy cầu đúc tự vận, nhưng không chết, Ba Lực vô bưng theo Việt cộng, rồi thằng Bá bỏ nhà, nộp đơn vô trung tâm ba, đi binh nhì, không thèm khai bằng cấp, trong khi nó là con một, đủ điều kiện miễn dịch, bà già nó nguyền rủa Hòa Mun, kêu là con tinh cái. Thiệt như vậy, tôi không hề thêm bớt gì đâu. Ba má nuôi nó lúc đầu không chịu gả con cho cái thằng bắc kỳ di cư, sống mất quê hương, chết vô địa táng, nhưng ổng bả phải đành, vì nó đã có tí nhau trong bụng. Đám cưới nó cũng ì xèo lắm, nhà trai ở Sài Gòn xuống rước dâu, xe hoa đậu ở ngã ba Trung Lương vì nước lụt, phải đưa dâu bằng xuồng ba lá, tôi làm phù dâu cho nó. Bữa đó Hòa Mun khóc, ai biết được tại sao nó khóc, sau này nó nói với tôi, bữa đám cưới mầy biết tại sao tao khóc không, tại vì tao thấy mặt bà già chồng tao ớn xương sống. Vậy mà nó đã làm dâu cái bà già bắc kỳ nhà quê có bộ mặt ớn xương sống đó hai mươi lăm năm, cả họ nhà chồng ai cũng phải ngán nó.

-Tao không biết ngoài cái lý do là tao không muốn cho mấy đứa con tao trôi sông lạc chợ như mẹ nó, còn có lý do nào nữa không mà tao phải chịu đựng ê chề như vậy, cũng có thể tao không có nơi nào để mà trốn, không có nơi nào để mà nương náu cho nên đành phải chịu.

Từ ngày Hòa Mun đi theo chồng, thì gần như nó mất tăm mất tích, không ai trong cái quận lỵ nhỏ bé mà nó đã sống, và lớn lên ở đó, gặp nó hay nhìn thấy nó, chỉ có một lần má nuôi Hòa Mun chết, nó về với chồng, dẫn theo một thằng con trai mặt mũi thông minh sáng láng, vợ chồng nó vô nhà đưa tiền cho ba nuôi nó, quì xuống cho ông hòa thượng đội khăn tang lên đầu rồi lật đật đi, không ở lại được tới ngày chôn cất.

-Tao không biết phải bắt đầu từ khúc nào, nhưng Thảo ơi, tao gặp mầy trong những ngày cuối cùng này thiệt là sung sướng cho tao, tao chọn mầy để nói, bởi vì không phải dễ nói thật, cho ai nghe cũng được. 

Và Hòa đã nói cho tôi nghe về cuộc đời của nó, tôi đau khổ, tôi xót xa lắng nghe, tiếng cười hòa lẫn những giòng nước mắt, tôi cũng không biết cuộc đời của nó là cuộc đời của bồ tát hay là của quỷ vương. Hòa Mun đã sống như một kẻ mộng du, đến khi tỉnh giấc thì đã hết cuộc đời. 

Hòa Mun ra đi vào một sáng mùa thu, xứ người, trời đầy sương mù, đám tang của nó chỉ có người thân và một ít bạn bè, tôi lặng lẽ đi sau quan tài, chỉ có đứa con gái út bên cạnh nó, còn ba chiếc khăn tang vắt trên đòn, để dành cho ba đứa con bên kia đại dương. Những chiếc lá phong đủ màu lẫn trong những tờ giấy tiền vàng bạc. Tiếng tụng kinh siêu độ của hai vị đại đức khiến tôi chạnh lòng nhớ đến lời Phật dạy: Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô thọ giả tướng, vô chúng sanh tướng, vạn vật giai khôngà sở dĩ ngưới ta thành tâm thanh pháp siêu độ cho u linh là cầu cho người sống được yên, sự siêu độ đó là cho người sống. Hòa Mun trối với con nó là mang tro cốt rải xuống biển hay xuống hồ và đừng cúng giỗ gì cho nhọc lòng, sinh ký tử quy. Ngày cuối cùng tôi vô bệnh viện thăm, Hòa Mun nhờ tôi gởi một bức thư về cho má nó. 

-Má ruột tao đó mầy, chứ không phải ba má nuôi tao đâu, ổng bả chết hết rồi. Hòa Mun luồn tay xuống dưới gối kéo ra một bao thơ đã nhàu nát có lẽ vì đã bị lấy ra, cất vô nhiều lần.

-Ê Thảo, mầy chép lại sạch sẽ rồi gởi đi giùm tao nhen, tuồng chữ của mầy giống tao y hịch mà. Tôi nghe ruột mình thót lại, thì ra nó vẫn nhớ chuyện xưa, rồi bỗng dưng hai đứa cùng cười ngặt nghẽo. 

-Từ hồi biết mình mang bịnh tới giờ bữa nay là ngày tao vui nhứt đó nhe. 

Hôm đó cũng là ngày cuối cùng của Hòa Mun.

*** 

Ngày tháng năm

Má,

Con đang viết thơ cho má, người chín tháng cưu mang, hai năm nuôi dưỡng, từ lúc còn đỏ hỏn. Đây là những dòng chữ tạ tội. Con biết mình không còn sống bao lâu nữa cho nên việc đầu tiên khi con biết mình bịnh nặng là viết cái thơ này cho má.

Má, xin má hãy tha thứ cho con. Khi còn nhỏ dại con đã nhiều lần xúc phạm đến má. Tuổi trẻ vô tri tàn nhẫn, thậm chí con còn trả lời bạn bè: tao mồ côi cả cha lẫn mẹ, bà đó khùng, tao đâu phải con bà. Con còn làm nhiều điều đại nghịch, bất hiếu bất nghĩa với má mà giờ đây mỗi khi nghĩ lại con đau khổ vô cùng. 

Ngay từ khi bắt đầu bước chân ra đời con đã nhận ra ngay lầm lỗi của con đối với má, nhưng bản tánh ngoan cố con đã ngụy biện đổ thừa cho hoàn cảnh này, hoàn cảnh nọ. Điều con nhận ra trước hết là khi sanh con ra, má mới 21 tuổi đời, chồng thì chết, nhà ngoại lại nằm trong vùng Việt Minh kiểm soát, Tây ruồng bố mỗi ngày lại thêm bọn cường hào ác bá dựa hơi tác oai tác phúc, mà má lại trẻ đẹp thì làm sao có thể ở vậy nuôi con. Lầm lỗi thứ hai của con là oán trách má đã không nhìn nhận con khi ngoại dẫn con đi thăm má sau 12 năm con sống với ba má nuôi, với người dưng nước lã, dù ba má nuôi con rất thương yêu con, nhưng những kẻ ác mồm ác miệng họ gọi con là đồ trôi sông lạc chợ. Lúc đó mọi chuyện đã an bài. Má không thể nhìn con để bỗng chốc đổ vỡ cái hạnh phúc mong manh của má và của mấy đứa em cùng mẹ khác cha với con. Lúc đó con nghĩ là má hạnh phúc trong cảnh nhà cao cửa rộng, lắm bạc nhiều tiền nên đã không ngó ngàng gì đến đứa con côi cút mà chính mình đã rứt ruột đẻ ra rồi bỏ rơi nó từ khi hai tuổi. Con nào hiểu được là ngoại đã đưa con đi thăm má không đúng lúc, ngoại cũng đâu biết gì, thấy con vừa thi đậu trung học đệ nhứt cấp, ngoại mừng quá nên muốn chia sẻ với má.

Người chồng sau của má, con trai thừa tự của một gia đình thế gia vọng tộc, đã có một người đàn bà khác, và sẵn sàng kiếm cớ để bỏ má. Vì phải bảo vệ quyền lợi của mấy đứa con, nên má đã ngậm đắng cay sống nhịn nhục, khổ đau và buộc lòng từ chối không nhìn nhận đứa con tội nghiệp mà mình đã bỏ nó hơn 12 năm trời. 

Khi má ly dị xong xuôi, được hưởng phân nửa gia tài, lúc này má mới yên lòng và tìm cách đi thăm con, con còn nhớ năm đó con đã học xong trung học và đang học sư phạm, con đã từ chối không gặp má, không nhận bất cứ thứ gì má mua cho con dù con rất cần, vì ba má nuôi con nghèo, không thể cho con đủ những thứ cần thiết, mà một thiếu nữ ở tuổi con thời đó cần, con không thể quên được lần cuối cùng má đến trường thăm, con đã giận dữ đuổi má ra khỏi cổng trường, ném theo sau quà bánh vật dụng mà má đã mang cho con. Má bước đi chan hòa nước mắt, con đã làm cho má hết sức bẽ bàng với bạn bè con.. Má ơi mỗi lần nhớ đến đoạn này là con nghe tim mình đau buốt. 

Ngày cưới con má cũng không về, năm đó nước lụt ngập tràn quốc lộ, phải rước dâu bằng thuyền, con sắp bước vào cuộc đời làm vợ, làm mẹ mà không hề nghe được một lời dặn dò thân thiết nào của ngay chính người đã sanh đẻ ra mình. Sau này con mới biết là ba má nuôi con không cho má hay, khi má hay thì con đã theo chồng. Ba má nuôi con đã yêu thương con như ruột thịt đã nuôi nấng cho con ăn học nên người, họ cũng không muốn mất con và cũng có nói xấu má, những điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức con, rồi khi lớn lên thêm ba mớ chữ nghĩa lại làm cho con hợm mình và tưởng đâu chính mình mới là người có quyền tha thứ cho đấng sanh thành. 

Sau ngày hòa bình, chồng con đi cải tạo, một mình con phải lo gánh nặng gia đình, má đã nhiều lần tìm cách giúp đỡ con, nhưng vốn ngang nghạnh và ngoan cố con đã từ chối vàợ còn nói năng hỗn hào, làm má khóc lên khóc xuống, thiệt tình tội của con không nước nào rửa sạch, giờ đây nơi đất lạ, nơi xứ người, tuổi đời chồng chất, con cũng đã trải qua không biết bao nhiêu là linh đinh thống khổ, con đã hiểu được lòng má, Xin má hãy tha thứ cho con để con ra đi được nhẹ nhàng.

Con của má, 

Nguyễn thị Hòa.
 

Có lẽ cũng gần một tiếng đồng hồ tôi mới chép xong bức thơ, ba lần tôi phải dừng lại để lau nước mắt, một phần là bức thơ của Hòa Mun cũng nhòa nhẹt nước mắt, khó đọc. Gởi đi rồi tôi thấy nhẹ nhàng, tôi gởi bảo đảm vì sợ rủi thất lạc thì mình sẽ ân hận, vì không giữ tròn lời hứa với người đã chết, đâu khoảng gần ba tháng sau, con gái Hòa Mun gọi điện thoại cho tôi nói là bức thơ đã bị trả về, lý do: người nhận đã chết. Tôi bàng hoàng như người vừa qua một cơn sốt nặng, tự nghĩ nếu mình gởi thường thì chắc lá thơ không bị trả về, đứng là số mệnh. Bức thơ sau đó đã được đốt chung với những tờ giấy tiền vàng bạc trong ngày giỗ đầu của Hòa Mun. 

Thảo Trần