*
 SÁNG TÁC



kh 

Gạo chợ nước sông

 

Ông bà Tám Chẩn có ba người con nuôi: cậu Ba Nhu, cô Tư Bé và cô Năm Vân. Gọi là Cậu Ba Nhu vì bà Tám đã có sanh nở một lần nhưng không nuôi được. Cô Năm Vân thì thỉnh thoảng có một ông chệt tới thăm, thiên hạ xầm xì, đó là ba cô.

 

Ông Tám làm việc cho nhà giây thép tây. Cậu Ba Nhu vừa chợt lớn đã lén lút theo Việt Minh. Gia đình không ai hay, cho đến khi cậu bị bắt vì bắn chết người tây trưởng đồn, do người này mấy lần định hãm hiếp

 

cô Hai Liên là người yêu của cậu. Ông bà Tám rụng rời tay chân, chạy chỗ này chỗ kia để thăm nuôi và nhìn mặt con, nhưng cuối cùng nhà nước bảo hộ nói, chờ ra tòa áo đỏ thì sẽ được gặp. Bữa ra tòa, chỉ có bà Tám đi với cô hai Liên. Đó là lần gặp cuối, thăm nuôi cũng lần cuối, vì cậu bị án tử hình. Cậu ba Nhu không buồn, chỉ trăn trối với bà tám là phải nuôi con bé, con của cô hai Liên vì cậu đã nhận nó làm con.

 

Cô hai Liên về ở với ông bà Tám, cúng đủ thất tuần cho cậu Ba thì cô từ giã. Bà Tám nói với cô để con bé lại cho bà nuôi; Bà muốn giữ lời hứa với cậu Ba, phần cô hai Liên còn quá trẻ mới 21 tuổi mà coi như đã hai đời chồng. Mới đầu cô không chịu nhưng sau đó thấy bà Tám thiệt tình thương con nhỏ nên cô bằng lòng.

 

Năm đó nó mới được hai tuổi.

 

Vậy là gia đình ông tám Chẩn có thêm một đứa cháu nội. Bà đặt tên cúng cơm cho nó là con bé Hai. Ông Tám có một tiệm thuốc bắc, ông là đông y sĩ. Ông còn là thầy bùa lỗ ban nhưng không hại ai chỉ giúp người và cứu người. Gia đình ông rất bề thế trong làng Mỹ Hạnh Trung. Do giặc giã, ông tản cư ra chợ Cai Lậy, mua căn nhà ba gian ở bờ sông dưới dốc Cầu Kinh. Sau năm 1954, ông vẫn tiếp tục làm ở nhà giây thép quận nhưng chỉ còn giữ chưn đi phát thơ trong chợ.

 

Con bé Hai năm đó học lớp sáu. Nó rất thông minh, nhanh nhẩu. Ông Tám cũng đã già. Mỗi lần ông ra nhà giây thép lãnh thơ về, bé Hai lo lựa thơ mang đi phát. Nó rất thích nghề này, vì mấy tiệm tàu trong chợ mỗi lần có thơ là đều cho nó tiền, thơ năm đồng, điện tín mười đồng. Mỗi ngày tan học, nó còn có nhiệm vụ ra sạp lấy nhựt trình cho ông Tám. Khi không có giờ học, nó cũng ra sạp báo, đó là sạp bán sách báo duy nhứt của chợ, ngồi hàng giờ không chán, chờ cho được tờ báo từ Sài Gòn theo xe đò xuống tới Cai Lậy, để đọc truyện chưởng "Cô Gái Đồ Long", trước khi đem báo về nhà. Sau khi đọc xong phải vuốt tờ báo thẳng thớm như chưa có ai rờ tới. Ông nội nó rất nghiêm, không ai được đọc trước khi ông mở tờ báo ra. Nếu bữa nào phải chờ ông nội nó buông tờ báo ra mới được đọc "Cô gái Đồ Long" thì không gì đau khổ cho bằng.

 

Đối diện sạp báo là dãy nhà gồm có tiệm uốn tóc của cô Mai Hoa, tiệm sửa xe đạp của Lê Minh Viên, kế bên là phòng ngủ của ông Hai Khanh, tiệm chụp hình Huê Thinh, rồi tới cái xe bán bánh mì thịt của bà tư Liệu. Bánh mì của bà Tư rất ngon. Bà có bịnh nói liệu: ai hù bà một cái là bà giựt mình, nói lung tung, biểu làm gì cũng làm theo. Con bé Hai còn nhớ trận đòn chí tử của ông nội khi nó và mấy đứa bạn hù bàTư làm bả đẩy luôn xe bánh mì xuống sông. Đối diện nhà ông Tám là trường tiểu học, có sân chơi quần vợt. Chiều thứ bảy và chủ nhựt, nó giữ chưn lượm banh lấy tiền ăn bánh.

 

Hôm đó, được nghỉ hai giờ, vì thầy Trứ dạy Anh văn bị bịnh; không muốn về nhà, nó lang thang ra sạp báo đánh búng với mấy đứa bạn, chờ lấy báo, vô tình nó nhìn thấy cô tư Bé đi vô phòng ngủ với một người đàn ông. Hai ngày sau, cô đi uốn tóc và hai tháng sau, anh thiếu úy biệt động quân, tức người đàn ông đi chung với cô tư vô phòng ngủ của ông Hai Khanh, bị Việt cộng bắn chết. Rồi cô sanh thằng Hoàng, thế là ông nội nó có thêm một đứa cháu ngoại không chờ đợi.

 

Những người xấu miệng trên thế gian này không thiếu; họ gọi nhà ông tám Chẩn là viện mồ côi. Cô năm Vân thì cục mịch hiền lành làm đủ hết mọi thứ công chuyện trong nhà, từ giặt đồ cho đến cơm nước. Bà tám Chẩn chỉ có việc sáng xách giỏ đi chợ rồi về bỏ đó. Mấy năm trước, mấy tá điền thỉnh thoảng còn nghĩ tình, sau mùa gặt chở ra cho ông Tám chút đỉnh lúa đủ ăn cả năm, nhưng từ khi giải phóng quân nổi lên rần rộ, họ viện cớ phải đóng thuế cho hai bên nên không thể đong lúa ruộng cho chủ điền, thế là cả cái đại gia đình gồm sáu bảy người phải ăn gạo chợ.

 

Cô tư Bé sau khi sanh thằng Hoàng, nhờ ông Tám hốt thuốc bắc bồi bổ, trở nên đỏ da thắm thịt. Cứng cáp rồi, cô nghĩ tới chuyện làm ăn sinh sống nuôi con. Cô là người sắc sảo, miệng mồm nhanh nhẩu nên được lòng ông bà Tám. Người thiệt thòi nhứt trong nhà là cô năm Vân, cô cũng chẳng bao giờ muốn tranh hơn tranh thua gì với ai, tới lớp năm, cô nghỉ học, rồi bà Tám cho cô đi học may.

 

Con bé Hai vẫn tiếp tục đi phát thơ, đi lấy báo cho ông nội nó. Đếãn năm học đệ ngũ nó bắt đầu biết xấu hổ, không còn cởi trần xuống sông tắm, cũng không còn muốn đi phát thơ vì mấy tiệm tàu trong chợ đều có con cái là bạn học của nó, như ông chủ tiệm bánh Hiệp Thành Hưng là tiệm hay cho nó tiền, lại là ba của con Hồng Lâm; ba con Ngọc Anh là chủ tiệm Quảng An Đường. Mỗi lần họ có thơ, nó bắt cô Năm đi đưa, nhưng phải chia tiền cho nó. Nó luôn lấy phần hơn, cô Năm tuy hiền lành vậy mà có bận cũng nổi sùng, "Nè ăn dọng gì thì ăn hết đi".

 

Khi bắt đầu trổ mã con gái, nó không còn muốn đi lượm banh ở sân quần vợt. Cô tư Bé có thêm hai thằng con trai, và cũng không ai biết ba tụi nó là ai. Ông bà Tám sẵn sàng nuôi thêm hai đứa cháu ngoại không cha, tụi nó đều mang họ Lê của ông. Thời buổi càng lúc càng khó kiếm ăn, cô năm Vân đã rành nghề thợ may cũng có khách lai rai nên giúp đỡ thêm cho ông bà Tám, còn cô Tư thỉnh thoảng phụ tiền chợ cho bà Tám. Không ai biết cô làm nghề gì.

 

Có lẽ chỉ có một mình con bé Hai biết, nó nghĩ vậy.

 

Buổi chiều khi nước lớn đầy, trời cũng vừa tối, bé Hai mới lội xuống sông tắm, nó thèm trầm mình ở dưới nước, lặn thiệt sâu xuống đáy sông để xem nín thở được bao lâu, nó lội rất giỏi nhưng từ khi nghe ông Tám rầy, tắm sông vào lúc trời chạng vạng tối sẽ bị mắc đàng dưới, mới đầu nó không hiểu mắc đàng dưới là gì, sau nghe ông Tám nói, đó là bị con ma ở dưới sông thương rồi theo bắt về làm vợ, nó không còn dám tắm sông nữa. Rồi bà Tám bắt nó mặc áo nịt ngực, không được ngồi chung chiếu với con traià bà đâu biết nó có rất nhiều bạn trai và nó thích chơi với con trai hơn con gái. Nó ghét con gái nhiều chuyện, con bé Lang, cháu ngoại ông Hai Khanh phòng ngủ vẫn thường hay nói xấu cô Tư nó, con bé Sáu con ông Lê Minh Viên thì nói cô Tư mầy làm bé người ta, không biết xấu hổ, còn mầy, ba má mầy đâu?.. Có lúc nó có ý nghĩ, nó là người cô đơn nhứt trên thế giới này, không còn đi lấy báo cho ông Tám, không còn leo lên cây trứng cá ngồi vắt vẻo trên cháng ba để kiếm những trái trứng cá chín, và cũng không còn ăn hiếp cô năm Vân nữaà nó bắt đầu ngồi chép những bài thơ, nào là "Hai sắc hoa ti-gôn" của TTKH rồi "Những đồi hoa sim" của Hữu Loan, "Hai đứa" của Tế Hanh v..và nó rút lui khỏi cái thế giới nhộn nhịp chợ búa, kiếm ăn hằng ngày của cái gia đình mà nó đang sống, nó mơ hồ biết mình là cây tầm gởi.

 

Năm đó hạn hán kéo dài, hàng lu chứa nước mưa của bà Tám cạn dần, chỉ còn hai cái cuối cùng chứa nước mưa ngâm bí đao để dành uống cho mát mẻ trong mùa hè. Cô năm Vân phải canh cho nước lớn thiệt đầy để xách nước vô lu, lóng phèn dành nấu ăn. Con sông chảy ngang qua cầu Kinh không lớn lắm, nhà ở san sát hai bên và người ta nuôi heo, làm cầu tiêu, giặt đồ, làm cáà cái gì quăng được xuống sông là họ quăng, khi nước ròng cứt trôi lều bều tấp vô bơ , họ phải lấy cây đẩy cho nó trôi ra ngoài sông cái, bởi vậy mấy con cá lòng tong câu ở dưới sông lên lúc nào cũng mập ù ăn béo ngậy.

 

Ông tám Chẩn có thói quen dậy đúng năm giờ sáng, súc miệng rửa mặt xong xuôi, ông mặc áo bành tô xách ba ton đi ra ngã tư Cai Lậy uống ly cà phê, ăn cái bánh bao. Ông có lối uống cà phê kỳ lạ là đổ tách cà phê ra dĩa rồi từ từ nhấm nháp, sau khi về nhà ông mới bắt đầu đọc báo. Đó là tờ báo chiều hôm qua.

 

Trên tầng trên của tiệm cà phê tàu là tiệm chụp hình Mỹ Phương. Chủ tiệm là một người thanh niên độc thân, lấy tiệm chụp hình làm nơi ăn chốn ở luôn cho tiện. Con bé Hai quen Trần Thu Vân ở đó, lúc đến chụp hình để làm hồ sơ thi trung học đệ nhứt cấp. Tiệm hình Mỹ Phương chụp rẻ và đẹp hơn tiệm hình Huê Thinh trong chợ nên mấy đứa học trò nghèo hay đến đó. Trần Thu Vân là một người có nét mặt rất đàn ông, đôi mắt sáng quắc dưới cặp kính trắng, điềm đạm và thu hút, Vân là bạn của Mỹ Phương, con bé Hai chỉ biết vậy. Lần đầu tiên nó đã bị nụ cười của gã đàn ông lớn hơn nó gần 20 tuổi chinh phục, lúc nó đến lấy hình thì Mỹ Phương nói nó rất ăn ảnh và muốn chụp vài tấm ảnh kiểu, đứa nào nghe khen mà không khoái nên nó chịu, mà ảnh nó đẹp thiệt chứ không phải Mỹ Phương khen lấy lòng, và bữa đó Vân đưa cho nó một cuốn tập dầy 200 trang, trong đó hầu hết là những bài thơ tiền chiến, toàn là những tác giả mà nó thích mê mệt như Huy Cận, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Thâm Tâm, Lưu Trọng Lư... cuối cùng là hai bài thơ của chính người đưa tặng tập thơ viết, để tặng cho cô bé con, dưới ký tên là người lữ khách cô độc. Tình bạn của nó và người "lữ khách cô độc" càng ngày càng thân, Vân không thường xuyên ở Mỹ Phương, có khi đi đâu cả tuần hoặc hơn nửa tháng lại về và mỗi lần về Cai Lậy là đều đến cổng trường, lặng lẽ âm thầm đứng dưới gốc cây me tây, trường nó không có phượng mà chỉ có hai cây me tây, những cánh hoa màu hồng nhạt có một mùi thơm rất dễ thương, và mỗi lần như vậy Vân thường hay nói chuyện với thầy Kim là giáo sư lý hóa của nó.

 

Không biết ai nói tới tai ông Tám là tiệm hình Mỹ Phương chưng hình con bé Hai làm kiểu. Nó bị ông nội rầy một bữa nên thân, tấm hình để mái tóc dài phủ một bên mặt, đôi mắt mơ màng với nụ cười buồn đã được Mỹ Phương tô điểm thêm rồi treo ngay trước cửa tiệm khiến nó bị nổi tiếng ngang xương.

 

Sắp nghỉ hè, lớp đệ tứ là lớp buồn nhứt vì bạn bè chia tay rồi sẽ không còn gặp lại, đang lúc mọi người sửa soạn ăn liên hoan cuối năm thì bỗng có một chiếc xe Jeep chạy vô trường và ba người đàn ông xuống xe vô văn phòng, họ đến mời thầy Kim về Ty cảnh sát Mỹ Tho để làm việc.

 

Con bé Hai bỏ hai giờ học cuối cùng đến tiệm hình Mỹ Phương, lâu lắm rồi nó không đến đó vì nó biết chú Vân của nó chưa về, và Mỹ Phương đưa cho nó một cái thơ. Đêm đó, bé Hai khóc, nó biết tại sao thầy Kim bị bắt và chú Vân của nó thì đã đi rất xa rồi.