*


Phỏng Vấn





      
ttd

Thứ Bảy 25/3/2006       
 

‘Tôi yêu Tây Nguyên như yêu quê hương mình’

Thu Huyền

Nhà văn Trung Trung Đỉnh tự nhận, bàn chân mình đã đi khắp nơi trên đất nước, song những ngày tháng sống và chiến đấu ở Tây Nguyên có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời ông. Dưới đây là cuộc trò chuyện với nhà văn.

 - Duyên nợ của ông với người dân và núi rừng Tây Nguyên đã diễn ra như thế nào?

 - Tôi là lính chủ lực, được huấn luyện chính quy để vào Nam chiến đấu. Đơn vị tôi hành quân đến vùng rừng Quảng Nam thì tôi bị sốt rét, phải đưa vào Bệnh viện đường dây 559 điều trị. Ra viện tôi về trạm giao liên, định bụng sẽ nghe ngóng tin tức đơn vị, và nếu có thể thì đuổi theo, nhưng được một anh cán bộ đường dây bảo, đơn vị cậu vào tuốt trong Nam Bộ rồi, phân tán hết rồi, chịu khó chờ sẽ có đơn vị khác đón. Thế là tôi thành lính thu dung. May mà tôi không phải chờ lâu, vào một buổi sáng tôi thấy có một đồng chí cán bộ đeo cái ba lô rất to, bên hông khẩu K59 bé tẹo rất oai vệ. Bên cạnh anh là một đồng chí công vụ người dân tộc rất to khỏe và đẹp mã, đeo một cái ba lô nặng trịch. Anh cán bộ ấy đứng lên một cái ụ mối, huơ cái ba-toong một vòng trên đầu, nói lớn: Gia Lai gạo trắng nước trong. Anh nào muốn về Gia Lai chiến đấu thì xếp hàng theo tôi đây!

 Tôi và mấy bạn mới nữa chỉ cần thấy tướng tá hai thầy trò anh này là đã đủ tin rồi. Chúng tôi lần lượt khoác ba lô theo. Đó là thủ trưởng Điểm, tham mưu trưởng Tỉnh đội Gia Lai, đi họp quân khu về, ra trạm “kiếm” ít quân cho tỉnh. Thế là tôi về Gia Lai.

 - Cảm nhận đầu tiên của ông khi đặt chân đến quê hương của anh hùng Núp?

 - Về đến trạm đường dây của tỉnh thì đồng chí Điểm... biến mất. Chúng tôi được biên chế về các đơn vị: Trinh sát, thông tin, trợ chiến của tỉnh đội. Tôi được điều về Huyện đội Khu 8 (An Khê) và đư­ợc một đồng chí giao liên người BahNar dẫn đường. Trong đầu tôi tưởng tượng huyện đội chắc phải đông anh em và lán trại chắc khang trang lắm. Ai ngờ chỉ có mấy người, cỡ một tiểu đội còn thiếu, lại ở trong một hang đá.

 Thực ra đó là một tổ công tác cánh Bắc đường 19 của huyện đội. Thế là tôi nhập cuộc. Không thể kể hết chuyện vui buồn của đội công tác cánh Bắc đường chúng tôi. Những năm tháng sống và chiến đấu ở Huyện đội Khu 8 là những dấu ấn đậm nhất về cuộc chiến tranh nhân dân, nhiều kỷ niệm nhất đối với tôi. Huyện đội chúng tôi sống và chiến đấu chung với làng Đê Chơ Rang - một ngôi làng BahNar nguyên sơ, rất tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc BahNar ở Tây Nguyên. Tôi học tiếng BahNar ở đây, học việc của một người đàn ông BahNar cũng ở đây. Tôi ở An Khê từ 1969 đến 1972, năm 1973 tôi về Huyện đội Khu 10. Anh hùng Núp lúc ấy là Bí thư Huyện ủy Khu 10. Tôi cảm nhận được cuộc đời tôi gắn bó với miền đất này thân thương không kém gì quê hương của mình vậy.

 - Liên lạc giữa ông với các bạn bè ở Tây Nguyên bây giờ thế nào?

 - Tôi có rất nhiều bạn bè người Tây Nguyên. Bây giờ đến bất cứ buôn làng nào cũng có chỗ để... nghỉ chân. Bạn chiến đấu có Đoàn Minh Phụng hiện nay là Tổng Biên tập Báo Gia Lai. Hồi tôi 19 tuổi vào đến Huyện đội Khu 8 thì Phụng mới 13 tuổi, vậy mà đã rất lanh lợi. Có thể nói Phụng là người thầy đầu tiên dạy cho tôi biết sống trong chiến tranh. Sau này về Trường Huấn luyện tân binh tôi gặp và thân với anh Rơ Lan Thơng, Rơ MahChuốt ở ChPơrông. Đặc biệt tôi rất thân với họa sĩ Xu Man. Ông đã kể cho tôi cả cuộc đời ông và tôi đã viết một cuốn truyện về ông. Tôi cũng rất thân với vợ chồng nghệ sĩ H’Ben và anh Thịnh ở KôngChơRo - chị H’Ben lúc nào cũng coi tôi như em. Hiện tại tôi vẫn thường xuyên liên lạc với các bạn tôi.

 - Ông thấy người Tây Nguyên thế nào?

 - Mình gắn bó với họ là vì tình cảm. Họ chân thành, trong sáng, luôn hết lòng vì người khác dù cuộc sống rất nghèo khổ. Đôi lúc ở bên họ mình cảm thấy “ngượng” vì cái sự tính toán cứ luôn ở trong đầu mình.

 Gần như năm nào tôi cũng về ít nhất một đôi lần, mỗi lần vài tuần, có khi vài tháng. Mục đích gì? Đi và về cho đỡ nhớ. Mỗi lần trở lại buôn làng là một lần tắm gội. Tắm gội bụi trần bon chen thị thành, trở về với cuộc sống vô tư hồn nhiên trong sáng.

 - Ông có bằng lòng với những sáng tác của mình về Tây Nguyên không?

 - Tôi yêu Tây Nguyên như yêu quê hương mình. Những cuốn sách viết về Tây Nguyên của tôi chỉ nói được một phần rất nhỏ, rất rất nhỏ về cuộc sống văn hóa và con người nơi đây. Tôi rất buồn vì những sáng tác đặc sắc về Tây Nguyên như: Đất nước đứng lên, Bài ca chim Chơ-rao được dịch ra nhiều thứ tiếng và được độc giả nhiều nước ngợi ca, đón nhận, nhưng đồng bào Tây Nguyên lại chưa hề được đọc. Tôi đã đề xuất nhiều lần với Sở Văn hóa, với Hội Văn nghệ rằng cần dịch những tác phẩm trên ra tiếng BahNar, tiếng JRai cho đồng bào dân tộc đọc, nhưng đều rơi vào sự im lặng!

 - Đánh giá của ông về văn học sáng tác về miền núi nói chung và Tây Nguyên nói riêng?

 - Theo tôi lực lượng thì rất đông nhưng chất lượng thì rất... hạn chế. Có người ở Tây Nguyên hai, ba chục năm nhưng vẫn không nói được, hiểu được một thứ tiếng nào của đồng bào. Sáng tác thì quanh đi quẩn lại chỉ có rượu cần với lại dã quỳ. Hết dã quỳ lại sang tượng nhà mồ với cồng chiêng... Rất hời hợt. Thật là đáng buồn, đáng tiếc lắm thay!

 - Ông thấy Tây Nguyên đã đổi thay như thế nào?

 - Tôi thấy sự đổi thay ở Tây Nguyên rất lớn, nhưng rất đáng tiếc là nhiều nơi chưa đi đúng với quy luật của tự nhiên. Ví như rừng bị tàn phá nhiều quá. Rừng không còn, văn hóa làng rừng bị mai một, biến thể, rất nguy hiểm. Muốn bảo tồn văn hóa các dân tộc Tây Nguyên thì trước hết phải bảo tồn được môi trường văn hóa của nó, đó là văn hóa làng rừng. Bảo vệ đư­ợc rừng tức là bảo vệ được môi trường văn hóa. Không còn rừng thì lấy đâu ra môi trường cho văn hóa Tây Nguyên tồn tại chứ chưa nói gì đến phát triển.

 ***

Thu Huyền thực hiện

e_Văn