&


 

Gunter Grass: "...Tôi tìm điều không tưởng"

"Tất cả văn chương lớn đẻ ở miệt vườn"

(Toute grande littérature nait en province)

Sau khi được Nobel, nhà văn Đức, G. Grass, đã dành cho báo văn học Pháp, Magazine Littéraire (số 381, Nov 1999), một cuộc nói chuyện dài.

Olivier Mannoni, người thực hiện, là dịch giả, viết tiểu luận, tác giả "Một nhà văn phải đốn: nước Đức chống lại Gunter Grass", (Un écrivain à abattre: l'Allemagne contre Gunter Grass; nhà xb Ramsay, 1996).

Nobel chẳng làm Grass thay đổi; tác giả "Cái Trống" vẫn trung thành với đam mê, với ý chí kiên cường...



-Từ 25 năm, tên ông hầu như thường trực, trong danh sách những nhà văn "dự cảm" sẽ được Nobel. Năm nay, ông đã đoạt giải. Ông giải thích thế nào về phần thưởng này? Một vòng hoa cho tác phẩm? Một "tiếp sức" (renfort), từ nước ngoài, sau bao khó khăn, nhất là từ giới phê bình Đức?

-Không thể nói, một vòng hoa cho tác phẩm, một khi nó chưa hoàn tất. Tôi còn dự án, cho cả thế kỷ tới. Tôi khỏe mạnh, khoan khoái trong người, và dự định tiếp tục công việc viết văn, điêu khắc, ký họa, tranh mầu nước, luôn cả (vai trò) một "citoyen" (công dân).

Giải thưởng, một trợ giúp? Thật khó nói. Tất cả còn liên can tới những điều (mà người ta) mong đợi, theo tôi. Tôi nhận được điện của Gabriel Garcia Marquez (Nobel văn chương 1982). Chúc mừng, nhưng liền đó, ông viết: "Mặt khác, tôi ái ngại. Rõ hơn, tôi biết những gì đang đợi ông." Đây là một cách báo động: ông ta biết, người ta sẽ mong đợi ở nơi tôi những vai trò xã hội. Tôi sẽ cố gắng tiếp tục như tôi vẫn tiếp tục, ngay từ ngày đầu. Có một cuộc hẹn với nha sĩ, tôi sẽ tới đó. Tôi muốn tiếp tục đời mình như trước, và dành dụm thì giờ rảnh rang mà cái nghề lạc thời lỗi điệu, là nghề văn, đòi hỏi. Tập trung, khép mình, sống ẩn dật. Yêu nỗi cô đơn, ròng rã theo năm tháng, đối diện với bản thảo chưa hoàn tất. Chuyện trò với những nhân vật chỉ thuần từ tưởng tượng. Tất cả cái đó, tôi muốn gìn giữ. Đây là ưu tiên số một của đời tôi.

-Ông không cảm thấy, một sức nặng mới mẻ, về mặt tinh thần, đè lên vai ông?

-Không, không, không. Điều này, trước đây, tôi có cảm thấy, sau khi Heinrich Boll (nhà văn Đức, Nobel văn chương 1972) mất. Ở đây, nước Đức, nói đúng ra là chúng tôi cứ phải chia nhau ra mà làm, về dấn thân chính trị, một điều không thể không làm, trong đó bao gồm hành động trước công chúng. Khi ông ta mất, tôi có cảm giác một gánh nặng mới đè lên tôi. Phải ít lâu tôi mới quen. Đối với tôi, thật không thể tiếp tục một vài điều mà Boll đã nói, trong khi lựa chọn thái độ tinh thần, niềm tin Ky tô giáo của ông. Đó là một cách thế nói khác với cách của tôi. Nhưng tôi thử nối tiếp công việc này. Người ta đâu cần viện cớ này cớ nọ. Biết bao điều trái cựa đã xẩy ra, biết bao nhiêu hoàn cảnh thảm khốc... Và những nhà trí thức trẻ chẳng thèm tiếp tục truyền thống Âu châu, cũng là truyền thống Đức, cái truyền thống há mồm ra.

-Người Đức sau cùng đoạt Nobel là Heinrich Boll...

-Tôi phải ngắt lời ông để làm sáng tỏ điểm này. Với tôi, giải Nobel không gắn liền với một quốc gia. Tôi là một nhà văn của ngôn ngữ Đức. Tôi quốc tịch Đức, và về những vấn đề chính trị, tôi quan tâm trước tiên tới những câu hỏi liên quan tới liên bang Đức - trước đây, đó là hai Nhà Nước, Cộng Hòa Dân Chủ Đức, và Cộng Hòa Liên Bang Đức. Có thể nhờ ngôi trường mẫu giáo mà tôi có dịp giao tiếp với Nhóm 47; vào thời kỳ đó, tôi là một tác giả trẻ măng. Tôi đã nhìn thấy Hans Werner Richter (sáng lập Nhóm 47) xử sự ra sao, một người mà tôi ngưỡng mộ và vẫn còn ngưỡng mộ - một trong những người cần đọc lại trong viễn tượng sách của họ được xuất bản ở Pháp. Ngay từ khởi đầu, ông đã không tổ chức những cuộc hội họp mang tính quốc gia, ông mời những tác giả ngôn ngữ Đức, tới từ Đức, Áo, Thụy Sĩ. Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, vào thập niên 50 và 60, ông ta không ngừng cố gắng, mỗi năm, mời những nhà văn Cộng Hoà Dân Chủ Đức. Mặc dù thành quả chẳng là bao, bởi vì người ta không cấp phát chiếu khán, hoặc chiếu khán tới quá trễ, sau khi đã bế mạc, vẫn những chuyện bực mình như vậy. Nguyên tắc này là thiết yếu đối với tôi. Tôi lớn lên từ cái nôi văn chương tiếng Đức. Cũng vậy, tôi quan niệm về giải thưởng Nobel. Nó không dính tới một quốc gia, nhưng mà tới một cõi ngôn ngữ rộng hơn nhiều.

-Tôi hiểu. Nhưng Boll và chính ông còn là hai người bạn rất thân. Khi được Nobel, vào năm 1972, ông ta đã la lên: "Tại sao không là Grass"?

-Khi được tin, ý nghĩ đầu tiên của tôi là: "Này Heinrich, bạn nói gì bây giờ đây?" Tôi tin ông hẳn là hài lòng.

-Ông có nghĩ, có một sợi dây, một liên tục giữa hai giải thưởng?"

-Ông biết đấy, đủ thứ chuyện đồn đại, dự đoán, sau giải thưởng. Ông cũng đã nói, tên tôi có đó, cả mấy thập niên. Mỗi năm, người ta lại nói về tôi. Họ háo hức gọi, để có được một cuộc phỏng vấn trước khi giải được phát, hoặc liền sau đó. Và năm nào cũng như năm nào, tôi nói với người thư ký, trước ở Berlin, sau ở Lubeck: người ta không nhúc nhích gì đâu, sau giải thưởng, chúng ta sẽ có một mùa thu tuyệt vời. Và khi (phải) nghĩ về giải Nobel, tôi đặt cho tôi câu hỏi này: tại sao những người ở Stockholm không có ý nghĩ trao giải năm nay cho hai tác giả ngôn ngữ Đức, cho Christa Wolf (1), và cho tôi - vào thời kỳ đó, nước Đức còn chia cắt thành hai. Người ta đã thành công, tiếp theo sau chiến tranh và Chiến Tranh Lạnh, chia cắt Âu Châu, và cùng với nó, nước Đức. Cái nước Đức đó đã tuyệt đối bị chia cắt, về phương diện ý thức hệ, kinh tế, quân sự (Liên Minh Đại Tây Dương, OTAN, ở Tây Phương), tất cả là chia cách. Nhưng văn chương, không. Hai nền văn chương vẫn có giao tiếp với nhau, mặc dù nếu xung đột. Và cuộc thoại đó chẳng bao giờ bị đứt quãng, mặc dù người ta vẫn cố gắng, hoặc là ngăn cản du lịch, về phía Cộng Hòa Dân Chủ Đức, hoặc cấm trình diễn những vở kịch của Brecht, tại Cộng Hòa Liên Bang Đức. Một điều tốt, vào thời kỳ đó, như tôi nghĩ, đó là khuyến khích cái ý chí đề kháng của văn chương yếu, bằng cách cho cả hai, Christa Wolf và chính tôi, giải thưởng. Chuyện đã không xẩy ra. Nhưng bà và tôi, cả hai đã sống sót.

-Khi "Cái Trống" ra đời, một thành công tức thời đối với ông, nhưng cuốn tiểåu thuyết cũng còn gây kinh ngạc, thậm chí tạo "sốc".

-Tôi viết nó ở Paris, quận 13, đại lộ Italie. Người vợ đầu, Anna, và tôi, chúng tôi đã sống hạnh phúc tại Paris, tuy không có nhiều phương tiện, trong một căn nhà nhỏ xíu. Chúng tôi có những cháu đầu, hai cháu sinh đôi, ở Paris, tại căn nhà nhỏ xíu thêm lên đó. Tuy nhiên chúng tôi chẳng quan ngại. Cả tôi nữa, tôi không lo lắng nhiều cho cuốn sách. Tôi biết, tôi đang nắm một cái gì đó, tôi tiên cảm được điều này. Đây là một đề tài mà tôi đã tránh né trong nhiều năm, trong tác phẩm nghệ thuật, mỹ thuật. Nhưng đề tài này, tôi không thể bỏ qua. Vậy là tôi đối đầu với nó, và cuốn sách đầu tiên của tôi đã ra đời, rất nhanh, rồi "Mèo và Chuột" và "Những Năm Chó". Khi "Cái Trống" xuất hiện tại Đức, sau khi được giải thưởng của Nhóm 47, thành công đã đáng kể, trước tiên ở Đức. Rồi tôi nhận được một lời mời của nhà xuất bản nổi tiếng Kurt Wolf. Khi còn trẻ tại Đức, trước Đệ Nhất Thế Chiến, ông ta cùng Rowolt cũng còn trẻ, thành lập một nhà xuất bản, giới thiệu Kafka và những tác giả biểu tượng đầu tiên. Vào năm 1933, ông ta phải di cư. Từ đó, ông điều hành một nhà xuất bản tại Mỹ. Ông ta mời tôi làm một cuộc nói chuyện, và ông hỏi tôi: "Ông có thể tưởng tượng, độc giả Mỹ quan tâm tới cuốn sách?" Tôi trả lời: "Không, tôi không thể tưởng tượng được chuyện đó. Cuốn sách diễn ra ở miệt vườn, người ta nói tiếng miệt vườn (dialecte), tiếng đường phố Đức, người ta nói tiếng Cachoubes (2). Tôi cũng không chắc chắn, ở Bavière, người ta hiểu nó...". Và ông ta bảo tôi: "Đừng nói gì thêm nữa. Chúng tôi sẽ in nó ở Mỹ." Và ông nói thêm một câu mà tôi thấy thật tuyệt vời :"Tất cả văn chương lớn sinh ra ở miệt vườn." Ông ta có lý. Cái nơi chốn từ đó tôi viết, khung cảnh tiểu tư sản, xém chút là cùng đinh, người ta thấy nó ở khắp nơi. Những niềm vui, những hoài nhớ, mong mỏi chút cơ may, những gì tôi diễn tả, trên thế giới ở đâu mà chẳng có. Nói ngắn gọn, câu chuyện về Dantzig của tôi có thể bao gồm Nhật Bản, Nam Mỹ. Nhưng với tôi, đây là một ngạc nhiên.

-Thành công của ông tại nước ngoài thực nhanh chóng, và rất kinh ngạc. Tại Pháp, trước tiên, rồi tại Mỹ. Và những cuốn sách của ông bây giờ được dịch trên toàn thế giới.

-Tôi cố gắng diễn tả điều đó với ông bằng những nguồn gốc văn chương của tôi. Tôi khởi đầu bằng thi ca. Tôi chỉ quan tâm đến chuyện viết văn xuôi khi nghĩ rằng tôi có khả năng chuyên chở thơ trong cái khung tiểu thuyết. Tôi phải tìm ra một hình thức tiểu thuyết cho phép trí tưởng tượng cứ thế tuôn chảy. Vậy là không, tiểu thuyết tâm lý; không, tiểu thuyết nhắm mâu thuẫn, xung đột. Không, chuyện tình tay ba. Và tôi chọn tiểu thuyết phiêu lưu (roman picaresque), một kiểu viết trải rộng khắp Âu Châu. Một dòng từ văn chương Tây Ban Nha và người Maure (một giống dân thuộc Mauretania cũ, một vùng ở bắc Phi Châu, CTND), những tiền thân của Cervantès, rồi Cervantès đích thị. Những người Tây Ban Nha đã mất khá thời giờ để hiểu ra một điều, dòng văn chương đó không chỉ mọc trên đất Tây Ban Nha, mà còn trên đất của người Maure. (Nhưng) ông ta (Cervantès) đã đẻ ra cái nghệ thuật tự sự (art de la narration). Và người ta nhận ra dòng này trong tất cả văn chương. Ở Đức, có Grimmelshauen (3). Ông là điểm qui chiếu trực tiếp của tôi. Ở Pháp, hãy chỉ nghĩ tới Rabelais, và truyền thống này lâu nay bị mai một, nhưng giờ này tái sinh: một việc làm không phải với tiếng Pháp cổ, mà với tiếng miệt vườn, với tiếng lóng.... Và Thời Kỳ Ánh Sáng cũng lấy lại truyền thống này. "Candide", "Jacques le Fataliste": tất cả được viết trong truyền thống tiểu thuyết phiêu lưu. Thực tế mà nói, nó là dạng văn chương có tầm vóc Âu Châu. Rồi tới tận Nga, với Oblomov. Và nếu ông muốn, có thể kể luôn vào loại này "Ulysse" của James Joyce. Trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của tôi, "Tất cả câu chuyện", cũng có hai nhân vật phiêu lưu, Fonty và Hoftaller; tôi cũng được khuyến khích rất nhiều bởi hai nhân vật chính trong "Bouvard et Pécuchet", một cuốn tiểu thuyết cũng sử dụng cách kể chuyện phiêu lưu. Tất cả những điều đó đưa ra lời giải thích, rằng cách viết của tôi đã gặp nhiều tiếng dội vượt ra ngoài biên cương.

-Người ta thực sự cũng đã nói nhiều về Rabelais, nhân "Cái Trống"...

-Ông làm tôi nhớ tới một chuyện... Tôi đã rất bực bội, khi người ta nói tôi từ Céline mà ra, một Céline của Đức. Vào lúc đó, chuyện so sánh như vậy có vẻ gượng ép đối với tôi, mặc dù Céline là một tác giả tôi rất ngưỡng mộ. Ngay từ thời trẻ nít, việc tôi ở trong đoàn Tuổi Trẻ Hitler đã bị chú ý; tôi là một trong những đứa trẻ được đánh dấu bằng sắt nung đỏ đó, tôi luôn luôn khinh bỉ những người bài Do Thái. Nhưng chúng ta phải sống với sự kiện là, có những tác giả lớn đã để cho họ bị mê hoặc, dẫn dụ. Có những thí dụ thật là kinh khủng. Nhà thơ lớn Gottfried Benn, cũng bị chế độ này mê hoặc, ông đã viết lá thư ghê rợn cho Klaus Mann (4).

-Doblin cũng là trong những khuôn mẫu Đức của ông...

-Vâng, Doblin, với toàn bộ quan niệm tự sự của ông. Ông biết đấy, chúng tôi, những tác giả trẻ, tại Đức sau chiến tranh, chúng tôi đều bị thúc đẩy bởi sự tò mò. tất cả đều tìm kiếm bậc thầy của mình. Nếu gần gụi Thomas Mann hay Bertolt Brecht - tác phẩm của họ gắn liền với một quan điểm về giai cấp - sẽ đưa tới những trò đạo văn. Với Kafka cũng vậy. Doblin thật cởi mở, người ta ít coi ông là một tác giả cổ điển, ông gần như vô danh (trước cũng như sau tác phẩm "Berlin Alexanderplatz"); không chỉ tôi mà cả nửa thế hệ trước tôi, Wolfgang Koeppen, Arno Schmidt, và thế hệ tôi Peter Ruhmkorf: tất cả chúng tôi đều học ở ông. Tôi còn viết hai bài về ông, một bài là: "Về ông thầy của tôi, Doblin".

-Ông đã ở Pháp thời gian 1955-1956. Ông cũng nói tới Camus...

-Camus, vào thời kỳ trước đó, đầu những năm 50, khi tôi là sinh viên mỹ nghệ ở Dusseldorf. Những buổi bàn luận buổi đêm của chúng tôi thường là về ông, về cuộc đụng độ giữa Camus và Sartre. Trong những buổi trò chuyện như vậy đã đưa đến việc chọn bên. Với tôi, việc chọn lựa Camus, bên cạnh rất nhiều ảnh hưởng khác nữa, đã là một quyết định rất quan trọng.

-Tôi tin rằng ông luôn luôn có những khó khăn với Sartre.

-Ông ta quá mang tính ý thức hệ, quá đề thuyết đối với tôi. Ông ta quá chăm chú tới mục tiêu của ông, tới cái xã hội xã hội chủ nghĩa hay một cái khác. Điều mà tôi quan tâm, đó là hòn đá không bất động ở trên đỉnh núi. Điều Camus đòi hỏi: khi người ta không ngừng vần hòn đá lên cao (điều mà chính tôi làm), phải coi mình là một người hạnh phúc!

-Ông cũng có những phản-kiểu mẫu, trong triết học. Hegel, thí dụ vậy...

-Vâng, bởi vì đây vẫn là một lệch lạc chủ nghĩa duy tâm Đức, phải không. Đem đến cho Lịch sử một ý nghĩa gia nhập (un sens par anticipation), một lý thuyết Quốc gia thành lập trên tư tưởng: rằng Lịch sử luôn luôn có lý. Nếu điều này thật, những tội ác phạm trong Lịch sử đều đúng. Như vậy là đem lẽ phải, cái đúng tới cho độc tài, không phải chỉ ở hữu mà còn cả ở tả. Nước Phổ, sau đó, đã coi đây là triết học Quốc gia. Đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai, tôi, tôi không nhìn tinh thần thế giới như một tác phẩm. Tôi nhìn, vẫn theo Camus, sự phi lý của cái mà người ta gọi là Lịch sử.

-Một phi lý mà ông còn tìm thấy ở Heidegger, theo tôi. Ông đã đùa giỡn nhiều với ngôn ngữ triết học của ông ta...

-Vâng, đây là một nhà chế tạo từ thật đáng yêu, bằng ngôn ngữ hậu-biểu hiện của mình. Nhưng ý nghĩa thật là rỗng tuếch, đầy những cú nhẩy ngữ nghĩa (bonds sémantiques); những ý niệm của ông ta thì thật là đáng yêu, phải không, cái kiểu "nichts-nicht-unausgesetzt", thật là tuyệt vời, nhưng giống như tự-nhại (autoparodie). Ngược lại, tôi luôn luôn ngưỡng mộ Schopenhauer. Cách bi quan của ông, và tiếng nói của ông thật đáng yêu. Người ta cũng có thể nói như thế, với những đoạn văn lớn lao của Nietzsche, nhưng ở đây, ta lại thấy cái kích thước ý thức hệ mà tôi vẫn nghi ngại.

-Bây giờ tôi muốn nói về những hoạt động của ông trong giới viết lách. Suốt đời, ông cố gắng tạo một kiểu cộng đồng giữa những nhà văn. Ông đã hết mình tham gia vào những hoạt động của Nhóm 47, từ năm 1955 tới phút chót của nhóm này. Vào năm 1969, ông là một trong những sáng lập viên của Hội Nhà Văn. Ông cũng tham dự những cuộc hội họp với những nhà văn phía Đông, ông thường xuyên lên tiếng bảo vệ những nhà văn bị bách hại. Và ông cũng viết một cuốn sách về cộng đồng nhà văn, "Một cuộc gặp gỡ ở Wesphalie". Những cộng đồng khác biệt đó, làm sao chúng sống được? Hãy bắt đầu bằng Nhóm 47...

-Như tôi đã nói với ông, khi nhận được lời mời phát biểu trước công chúng, tôi là một tác giả trẻ, hoàn toàn vô danh. Bài nói có một tiếng vang nào đó, và tôi tham dự những buổi họp cho tới mãn cuộc, vào năm 1968. Tôi học được rất nhiều điều. Thí dụ, sự bao dung trong cõi văn chương. Những bản văn chưa in ấn được đọc, chúng bao gồm mọi mầu sắc, từ chủ nghĩa tự nhiên rất thô thiển tới văn chương kinh nghiệm. Chúng tôi học cách bao dung tất cả cái đó. Sau đó, tôi học điều, đừng đưa ra công thức, một ý kiến, quan niệm của mình, về điều đã đọc, những phát biểu như là "Thật tuyệt vời" hay "Chẳng ra chó gì cả", mà phải chứng minh nó. Tôi gặp gỡ những đồng nghiệp cùng tuổi, lớn tuổi hơn, và sau này, những người trẻ hơn, với họ thật là một niềm vui được có những giao tiếp nghề nghiệp.

Về chuyện bản thân tôi dấn mình bênh vực những nhà văn bị bách hại: truyền thống này cũng có ở Pháp. Hỗ trợ giai cấp thợ thuyền, kêu gọi sự đoàn kết. Đầu tiên, chúng tôi tạo sự đoàn kết trong cõi riêng của chúng tôi, đối với đồng nghiệp bị đe dọa bởi kiểm duyệt, nhà tù, sự tra tấn. Những người khác đã làm, tôi cũng thế, và khi có nhiều người cùng làm, thí dụ Boll và tôi, chúng tôi có được thành quả.

-Ông cũng tham gia những cuộc gặp gỡ giữa những nhà văn Đông Đức và Tây Đức, như tôi biết, trong những năm 1970.

-Vâng, nhưng điều này, chúng tôi làm mà không có quảng bá. Chỉ một nhúm nhà văn Tây Bá-linh, cứ mỗi 6 hoặc 8 tuần lễ, đi Đông Bá-linh, gặp những nhà văn ở đây trong những căn hộ tư. Về chuyện thực hành, chúng tôi làm như đã là ở Nhóm 47. Chúng tôi đứng đọc những cuốn sách của mình, trước một cái giá, và chúng tôi phê bình lẫn nhau. Nhưng không có mặt giới báo chí, chuyện diễn ra trong vòng bí mật, lén lút. Hiển nhiên là (cơ quan mật vụ) Stasi biết. Nhưng sau đó, khi công chúng hay được, họ cũng lờ đi. Chúng tôi biết tất cả chuyện này sau đó, qua báo cáo của Stasi. Chúng tôi còn cho rằng, trong những buổi gặp gỡ như thế, có những "con rệp", những máy vi-phát tín giấu trong phòng, nhưng chuyện này đã không xẩy ra. Họ chẳng biết chúng tôi đọc cái gì trong những buổi hội họp như thế. Chuyện độc nhất mà đám người đáng thương đó biết được, đó là chúng tôi xuống ga xe lửa, vào một căn hộ đó. Rồi cứ thế, họ ngồi canh, hàng giờ đồng hồ, trong giá lạnh, cho tới khi chúng tôi rời căn hộ, vui vẻ, với chút hơi men. Bởi vì tới nửa đêm là chúng tôi phải trở lại ga.

-Lúc này, tôi thích nói về những chuyến du lịch của ông. Ông sinh ra tại Dantzig, bây giờ mang tên Gdansk, ông hiện đã sống một thời gian khá dài tại miền bắc nước Đức. Nhưng ông không ngừng du lịch, rời xứ sở của ông, thỉnh thoảng, những thời kỳ khá dài, như ở Ấn Độ chẳng hạn. Ông học được gì, sau những chuyến du lịch như vậy?

-Chúng mở rộng chân trời của tôi. Ở Calcutta, bởi vì ông lấy thí dụ này, tôi học cách sống như là một khách lạ. Nhưng tôi cũng học được một điều là, tại một nơi như Calcutta, người ta không chỉ khám phá ra những vấn đề của Ấn Độ, mà còn của "Đệ Nhất Thế Giới", tức là thế giới giầu có, kỹ nghệ hóa. Kể cũng thiệt thòi cho bà xã, tôi thường thích du lịch, không bám vào một chỗ, thật sự không làm sao mọc rễ ở một nơi. Để dễ bề thông cảm, đây là do tôi mất quê (terre natale). Khi cuộc chiến bắt đầu, người Đức đã phạm những tội ác ghê rợn tại vùng này, tống xuất dân cư; khi chiến tranh kết thúc, bạo lực mà họ khơi ra, quay ngược lại, nhắm vào họ. Gia đình tôi cũng thuộc thành phần "Vertriebene", những kẻ bị trục xuất, những "kẻ tị nạn". Tôi yêu nơi tôi hiện sống, Lubeck, nhưng thật khó mà nói đây là một tổ quốc mới. Nhưng rồi qua năm tháng, tôi lại học được, kiểu đổi dời như thế cũng có lợi. Tôi nhận ra điều này, nhất là khi nói chuyện với những đồng nghiệp Tây Đức; họ vốn chẳng bao giờ bị bó buộc phải rời khỏi thành phố, xứ sở quê hương của họ, điều này thật sự quá đẹp, nhưng nó dẫn tới một kiểu bất động, trái với điều - sự kiện đơn giản tôi là là một đứa con của những kẻ tị nạn - đã che chở, gìn giữ cho tôi. Tất cả những điều này cũng chẳng ngăn được tôi, cứ lâu lâu lại chui vào một xó, từ ba tới bốn tháng, để đánh vật với một bản thảo. Đó là những thời kỳ cấm phòng của tôi.

-Ông cũng đi du lịch Hoa Kỳ nhiều lần, được tước vị tiến sĩ danh dự hai lần tại đây, tờ Time cũng đưa hình ông lên trang bìa, và khẳng định ông là nhà văn của thế kỷ ở Đức. Làm sao cắt nghĩa sự quan tâm của những người Mỹ với tác phẩm của ông?

-Tôi không thể giải thích được. Một trong những yếu tố, có lẽ là sự kiện này: trong những xứ anglo-saxon, văn chương được đọc, và được phê bình bởi giới Đức học (germantistes), giới đại học, và họ không tự coi mình là quá kiệt xuất, khi viết cho báo chí. Ở Đức sẽ chẳng có chuyện này. Người Mỹ không có thứ phê bình chuyên nghiệp bây giờ đi tới điểm số không, họ không có sự vắng bóng hoàn toàn trao đổi giữa công việc được dẫn dắt bởi giới đại học, và cái điều được viết ra trên báo chí. Vả chăng, tôi cũng chẳng có khoái những trò thổi phồng kiểu Mỹ.... Nhà văn lớn lao nhất, những trái chuối vĩ đại nhất...

-Ông từ chối nói rằng, giải Nobel 1999 được trao cho một nhà văn Đức. Phải chăng, ông tự coi mình là một nhà văn toàn cầu (cosmopolite)?

-Không, tôi không dùng từ đó. Giản dị thôi, tôi là một người luôn luôn tò mò về thế giới. Tôi cố khai phá nó, không dừng chân tại những biên cương quốc gia hay tiếng nói. Tôi làm điều này trước khi được Nobel rất lâu, và tôi cứ tiếp tục làm như vậy, khi mà sức lực còn cho phép. Ngược lại, điều làm tôi đặc biệt thích thú, đó là cùng thời gian tôi được Nobel, một người Đức khác đã được Nobel "xoay chiều" (alternatif): Hermann Scheer, một khoa học gia, và một nhà dân chủ-xã hội đã hết mình cho một nền kinh tế toàn cầu thành lập trên năng lượng mặt trời. Thế giới không thể tiếp tục mãi như thế này, phí phạm tài nguyên, tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu... huỷ hoại tầng ozone... Giải thưởng của ông đúng là một Nobel "xoay chiều".

-Tôi mong được trở lại với những hoạt động chính trị của ông...

-Nhưng đây là một hoạt động chính trị. Tôi tìm những viễn tượng cho một thế giới, nó đang tiêu tùng trong chủ nghĩa thực dụng, tôi tìm điều không tưởng, vốn không giản dị chỉ là không tưởng, mà còn là một giải pháp, một chọn lựa (alternative), một cách để thoát ra khỏi cái vòng tròn luẩn quẩn, ghê rợn. Đây làø một mục tiêu chính trị.

Chú thích:

 (1)Christa Wolf (1929-): nữ tiểu thuyết gia Đức, sinh tại Landsberg, trước thuộc Đức, sau thế chiến II thuộc Ba-Lan. Học đại học Leipzig, Jena. Tác phẩm phần lớn phát hành hạn chế ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức cũ. Cuốn quan trọng nhất của bà: Kiếm Tìm Christa T. (The Quest for Christa T.; bản tiếng Anh, 1976). Ngoài ra còn những tác phẩm: Casandra, (tiểu thuyết và 4 tiểu luận, bản tiếng Anh 1985), Patterns of Childhood (tên cũ là A Model Childhood), No Place on Earth. Triệt để chống chiến tranh. Tranh đấu cho nữ quyền. Chuyên soi xét phận người trong cuộc sống riêng tư trước bối cảnh toàn trị, không chỉ ở những xã hội CS mà còn trên toàn cầu. (CTND)

 (2) Một sắc dân gốc slave, cư ngụ tại Ba Lan. Bà mẹ của Grass, Helene Grass, là người Cachoube.


 (3) Nhà văn, tác phẩm đáng kể nhất: "Simplicissimus".

 (4)Lá thư nổi tiếng được viết tháng năm 1933, là một hình thức xin lỗi huyền bí của sắc dân trắng, và tính bất thuần lý (une sorte d'apologie mystique de la race blanche et de l'irrationnel): "Sau cùng hãy hiểu rằng, những biến động ở Đức đã làm bật ra một kiểu mẫu sinh học mới, rằng lịch sử đang chuyển hóa, rằng một dân tộc muốn chế ngự chính nó." (2,3,4: Chú thích của người phỏng vấn).
Jennifer Tran chuyển ngữ