*


PHỎNG VẤN


Phan Huyền Thư trả lời SVVN

Gửi chị Phan Huyền Thư.

Chị vui lòng trả lời SVVN mấy câu hỏi này nhé. Em cũng muốn hỏi chị một vài điều gai góc hơn chút nữa, nhưng vì báo em đang bị sự cố  nên chủ trương là nhẹ nhàng một chút. Hẹn chị vào một dịp khác nhé. Cám ơn chị.

          Chị cứ viết thoải mái những điều chị nghĩ, không sợ dài chị nhé. Em cần nộp bài trong ngày thứ 3, chị giúp em nhé.
 

1.Những năm gần đây thơ trẻ Việt Nam đang có những bước chuyển động đáng chú ý, và chị  là một giọng nói gây nhiều tranh cãi. Theo chị thì thơ trẻ của chúng ta đang đi trên một lộ trình có gì khác biệt cơ bản so với các thế hệ đàn anh đi trước?

          Tôi nghĩ rằng, thơ trẻ không có lộ trình nào khác biệt với các thế hệ cha anh. Lộ trình của chúng tôi, những người làm thơ là đến với rung động của độc giả, cống hiến cho họ cảm xúc, tạo nên giá trị của nghệ thuật ngôn từ. Chung một lộ trình duy nhất như vậy, nhưng thơ trẻ có những khác biệt rất rõ ràng.

          Khác biệt lớn nhất là thế giới đã thay đổi quá nhiều, điều kiện sống đã phát triển rất nhanh về nhiều mặt, vị trí của thơ ca trong cuộc sống ngày một mờ nhạt dần. Người ta đứng trước quá nhiều lựa chọn cho cuộc sống riêng của mình. Nếu như trước đây, người ta dành ra đôi lúc tìm đến với những vần thơ hay thì bây giờ, người ta đứng trước những thú vui khác, hưởng thụ trực tiếp hơn, vật chất hơn: Tivi, báo chí, phim ảnh, thể thao, thư giãn, câu cá, karaoke, nhậu, showgame...vv. Nàng thơ ngày càng bị công chúng bỏ rơi như một cung nữ già... Thế rồi, không ít những "nghệ nhân dễ rung động " đang lạm dụng thơ ca như một thứ trọc phú chữ bên các bàn nhậu, trong các cuộc họp cơ quan, trong những buổi tiệc tùng đường phố, trên các sân khấu hài... Thơ đang có nguy cơ chạy về với "vè" dân gian.

          Chúng tôi đang làm thơ ở một môi trường như vậy nên chỉ cần một cá nhân đứng vững đã đáng khích lệ vô cùng. Còn nếu như không có một sự khác biệt nào với thế hệ đi trước thì...thật khủng khiếp! Chúng tôi là ai?

2.Cởi trói hoàn toàn khỏi những vướng víu của hình thức và đạt đến sự tự do trong tư tưởng dường như là cách mà bạn đang hướng tới, nhưng sự thật thì cách viết ấy làm không ít người đọc mệt mỏi, khó hiểu. Chị có tin vào chân lý, thơ hay có thể chỉ có một bạn đọc thích?

          Chân lý của thơ chính là một bài thơ hay. Tôi chỉ tin vào một chân lý đó thôi. Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng thơ trẻ đang tìm cách cởi trói hoàn toàn khỏi những  vướng víu của hình thức. Tôi thấy, thơ trẻ đang có nguy cơ sa vào cái mạng nhện hình thức của chính mình. Hình thức rất quan trọng, đặc biệt là khi nó chuyên chở cùng lúc sự rung động và giá trị của ngôn từ.  Làm gì có sự tự do trong tư tưởng nào mà người làm thơ phải hướng tới? Bản thân người viết trước hết đã phải ở trong sự tự do ấy rồi!

          Với riêng tôi, tôi chỉ muốn mình được bay bằng đôi cánh của truyền thống. Chúng ta làm thơ tiếng Việt, ngôn ngữ vừa là hình thức vừa là nội dung, vừa là cảm xúc vừa là tư duy. Tôi chỉ loay hoay với mỗi một chuyện là  viết ra những câu thơ hay. Với thơ trẻ, hay cũng có nghĩa là làm mới những giá trị cũ nữa đấy!

 
3.Một số nhà văn già không yêu nổi cách viết của một số người trẻ cách tân cũng là điều dễ hiểu. Nhưng chính những người trẻ chúng ta đôi khi cũng không muốn thừa nhận nhau. Căn bệnh này tương đối phổ biến ở Việt Nam mình, thực sự thì trong các cuộc tranh luận gần đây hầu như không thấy người trẻ nào lên tiếng bảo vệ những người cùng thế hệ mình, có cùng tư duy cách tân như mình, chị có thể nói gì về điều này?

          Những người trẻ không muốn thừa nhận nhau còn dễ hiểu hơn những người già không chịu thừa nhận lớp trẻ. Bạn viết trẻ nào không nhận thấy những thành công của người khác có nghĩa là bạn viết đó đã già. Việc của thơ trẻ bây giờ là khẳng định cái trẻ, cái mới của mình bằng tác phẩm chứ không phải  mất thời gian đi bảo vệ mình hay bảo vệ người khác trên các diễn đàn "dao thớt".

          Tôi ngạc nhiên khi nhiều người tỏ ý thất vọng rằng "Thơ trẻ hôm nay sao mà thưa thớt, không tạo thành lực lượng, không tạo thành thế hệ". Tôi không thấy một tác phẩm thi ca nào của nhân loại được ký tên của một thế hệ hay một lực lượng cả. Chúng ta ai sinh ra cũng là một cá thể độc lập, kể cả sinh đôi đến sinh sáu. Nếu có trường hợp dính này dính nọ thì y học đã phải vội vã can thiệp  như các bạn đang thấy trên báo chí truyền thông. Vậy thì tại sao tôi không là chính tôi trước khi là một nhóm nào đó. Một trong những sự khác biệt của thơ trẻ hôm nay còn là: "Ai, chính là người đó". Nếu nhà xuất bản có sai sót in nhầm tên tôi dưới một bài thơ của Vi Thuỳ Linh hay Nguyễn Hữu Hồng Minh thì tôi tin rằng độc giả sẽ phát hiện ra ngay. Nếu đủ sức là mình thì nhà thơ không phải cần đến một lực lượng nào cả. Và, bạn nghĩ mà xem, nếu chúng tôi: "Ai cũng đang cố gắng là người đó" thì không có nghĩa là chúng tôi đã bảo vệ được nhau hay sao?

 
4. Con đường của người đi tìm cái mới bao giờ cũng rất đơn độc. Một người đơn độc, để đi tới đích thì lòng dũng cảm, theo chị, có ý nghĩa
như thế nào?

          Tôi thấy lòng dũng cảm là một thức xa lạ đối với thi ca. Đơn độc là bản chất của cả loài người. Thi sĩ lại càng không thể dung dăng dung dẻ trên con đường sáng tạo được. Trí tưởng tượng, những rung cảm và quan trọng nhất là tài năng sẽ dẫn dắt thi sĩ trong thế giới ảo và thực của chính anh ta. Lòng dũng cảm chỉ cần thiết đối với những ai muốn trở thành thi sĩ và...bất tài. Có thể bạn nghĩ đến một lòng dũng cảm để nghe những lời phê bình nghiêm khắc  và chính xác về tác phẩm của mình? Tôi cho rằng đấy là sự tự trọng và khiêm tốn của một tài năng. Còn một chuyện nữa mà bạn đề cập trong câu hỏi: "để đi tới đích ..."  thì... lòng dũng cảm chẳng giải quyết được gì đâu! Hay là bạn muốn liên tưởng đến thơ ca thời kỳ đấu tranh cách mạng?

          Cảm ơn những câu hỏi thú vị của bạn.