*

Phỏng Vấn




* 

Mạc Ngôn

Sinh năm 1956 tại Shandong, Guan Moye, bố nông dân, lớn lên tại miền quê, gia nhập quân đội nhân dân giải phóng 1976, bắt đầu viết 1981. Tới 1985, dùng bút hiệu Mo Yan [kẻ không nói] khi cho xb cuốn Le Radis de cristal , và lập tức nổi tiếng. Sau đó, là chừng tám chục cuốn, tiểu thuyết, tiểu luận, tuyển tập truyện ngắn. Trong số đó, Bộ Lạc Cao Lương, Le Clan du sorgho (1986), dựng thành phim bởi  Zhang Yinou, Trương Nghệ Mưu  với cái tên Cao Lương Đỏ, Le Sorgo Rouge, hay Xứ Nhậu, Le Pays de l' alcool (2000).  Cuốn sách cho thấy, tính hiện thực quái dị của tác giả thừa sức xâm nhập vào những đề tài hắc búa của chính trịị

-"Mông To Vú Nẩy" "Phong nhũ phì đồn, chắc là gây chấn động, khi vừa ra lò?

Mạc Ngôn: Trước khi bị chỉ trích thậm tệ, nó đã được xb lần đầu vào năm 1995. Kiểm duyệt lúc đó còn căng lắm. Tôi bị chửi, về một quan điểm lịch sử không thể chấp nhận được. Trong cuốn truyện, tôi cho hai anh em chọn hai hướng đối nghịch nhau, một gia nhập Đảng CS, một theo Quốc Dân Đảng. Chưa hết, cái tay theo Tưởng Giới Thạch lại rất ư là khả ái, trong khi tay kia thì bị Đảng coi là đồ vứt đi, vì không có lập trường. Cuốn sách bị cấm, trước khi được tí ti giải thưởng và được tái bản mùa thu năm rồi.

Như vậy là, chân dung người mẹ và biểu tượng nhập thân vào nhân vật này, lại không gây sốc?

-Cái tít cuốn sách nói lên tính mắn đẻ của bà. Với tám đứa con, trai và gái, bà tượng trưng cho sự mầu mỡ, rộng lượng của đất mẹ Trung Quốc. Suốt sáu chương đầu, là một bà mẹ cao cả, vĩ đại, chịu đựng những đau khổ của cuộc chiến, rồi của nạn đói. Nhưng sau đó, người ta khám phá ra rằng, những đứa con của của bà có tới bẩy ông bố khác nhau, vì chồng bà bất lực, và nếu không có con trai, bà sẽ bị phế truất, thế là bà phải ngủ với những người đàn ông, dù không yêu. Khi cuốn sách ra lò, người ta chê trách tôi là vẽ nên một bà mẹ Trung Quốc chẳng ra gì, nhưng không phải như vậy, tôi tố cáo sự sống dai như đỉa của cái ác có từ hồi phong kiến, nó bắt người đàn bà phải ngủ với những người đàn ông, dù không yêu, để được là mẹ và để giữ địa vị của bà trong gia đình.

Một trong những đứa con không thể rời vú mẹ cho tới khi năm tuổi. Ông muốn nói gì qua hình ảnh này?

-Đây là mặc cảm Oedipe được nói huỵch toẹt ra. Đứa con yêu  bà mẹ, và chỉ muốn sống bằng cách bấu vú mẹ, dứt không ra, quyết không rời. Người ta có thể coi đây là hình ảnh những đứa con không bao giờ muốn rời khỏi đất mẹ, nhưng tôi muốn tố cáo tính phụ thuộc của người đàn ông Trung Quốc, nhất là mấy ông đảng viên. Có ông nào muốn ra khỏi Đảng đâu. Có muốn phản kháng, li khai thì hãy ráng đợi tới lúc chót đời.

Nhưng chính ông cũng là Đảng viên?

-Đúng như thế, và thế mới thảm. Bởi vì, bỏ Đảng là một chuyện rất nhiêu khê, phiền phức, và hơn nữa, thật giản tiện cho tôi biết bao nếu vẫn cứ là đảng viên. Lại càng dễ dàng hơn, nếu tôi không chĩa mũi dùi vào Đảng.

-Cấu trúc tiểu thuyết của Xứ Nhậu thật tuyệt, thật tế vi: nó giấu được sự tố cáo khốc liệt của ông, nhắm vào xứ nhậu luôn luôn gào mồi đó, khi trình bầy đề tài ăn thịt người: như là một chuyện mà độc giả không thể nào biết được, là thực hay là hoang đường. Đó là "tuyệt chiêu" của ông?

Tôi không thể nào miêu tả những đứa trẻ bị ăn thịt như là một sự kiện có thực. Đúng là một "mission impossible"! Chính vì thế, trong cuốn truyện, đây là một đề tài của một cuốn tiểu thuyết, được trao đổi qua thư từ giữa một nhân vật và người kể chuyện. Cuốn tiểu thuyết ở trong một cuốn tiểu thuyết, như thế đó, sau chót đã đạt tới độ bão hoà, đạt được vị thế, phong cách của một giả tưởng, une fiction, cho dù ở cuối cuốn sách, những khác biệt ôm lấy nhau và trở thành một. Cấu trúc của nó khiến tôi không thể mượn thể loại cổ tích để kể nó ra, bởi thế, chắc chắn rồi, đây là cả một cuộc bài binh bố trận, với những mục tiêu mang tính chiến thuật.

-Với những ai không rành về văn học Trung Quốc, tác phẩm của ông gợi ra một món nộm, không phải của Đông Phương, mà là Tây Phương: Trộn ở trong đó, là Rabelais (với những quá đáng của ông Tây này), Kafka (những ẩn dụ), Gunter Grass (sự rạch ròi trong những vấn nạn chính trị và gia đình), Garcia Marquez (hơi thở nóng bỏng của sử thi). Nhưng có thể, tất cả những thứ đó đều đã có sẵn ở trong văn học Trung Quốc?

Những tác giả mà ông vừa kể ra đó, tôi đều ảnh hưởng, khi khám phá ra họ. Như ông biết đấy, lý thuyết văn hóa của Đảng Cộng Sản Trung Quốc nhấn mạnh vào tính "hiện thực tiểu thuyết" [réalisme romanesque], và văn học có đó, là để xác định và làm cho thực tại hiển hiện ra. Vào đầu thập niên 1980, khi chúng tôi có thể đọc Kafka hay là Grass, chúng tôi ngộ ra một điều là chúng tôi có thể viết khác đi: bằng cách nói quá đáng [theo kiểu Rabelais] về thực tại, hoặc nhấn mạnh tính phi lý của nó. Biết bao trở ngại dựng lên ở trong tôi. Tôi nhớ lại những quãng đời thơ ấu của mình, và nhận ra rằng, tôi có thể nhét nó, cùng với những kinh nghiệm đọc, vào trong cuốn sách của mình. Đây đúng là một mặc khải đối với tôi.

-Ông nói sao?

Bây giờ, tôi biết rõ ra một điều, là tôi có thể viết. Trước đây, tôi rõ ra một điều, là tôi không thể viết. Thời gian 1984-1985, khi tôi đọc những tác giả trên, tôi đã viết Le Radis de cristal, Củ cải pha lê,  cuốn sách có một ảnh hưởng nào đó ở nước tôi. Sự khám phá ra những cuốn sách trên làm cho tôi càng thêm an tâm, rằng mình có thể thẳng tiến trên con đường tiểu thuyết mà mình muốn theo đuổi.

-Ông xoay sở lúc thoạt đầu ra sao?

Tôi không phát triển một hệ thống lý thuyết, nhưng chỉ loay hoay với một vài nguyên tắc. Trước hết, nhà văn, theo tôi, phải sử dụng hết mọi cảm quan của mình vào việc viết, chính vì vậy mà một cuốn tiểu thuyết có thể có những mầu sắc, mùi vị, âm thanh. Sau đó, nhà văn không được cọp dê [copier] thực tại, mà phải vượt [dépasser] nó: một cuốn tiểu thuyết trước hết phải là một diễn tả, biểu hiện về một thế giới tưởng tượng, như một lăng kính, nó cho phép độc giả nhìn khác đi, cái thế giới mà người đó đang sống. Sau cùng, một cuốn tiểu thuyết phải có ngôn ngữ của riêng nó: giống như một ca sĩ với giọng hát riêng, cũng vậy, một cuốn sách phải có cái giọng riêng của nó. Chính vì vậy, nhà văn có phần đóng góp vào sự tiến hóa và cuộc sống của tiếng nói, của người đó; vai trò của họ không giản dị chỉ là: viết những câu chuyện.

-Những cuốn tiểu thuyết của ông thường là những ẩn dụ, trong đó, ông không đặt để sự thực, hay một nguyên nghĩa, cho độc giả?

Một cuốn tiểu thuyết tốt không đặt để sự thực mà làm sao cho độc giả có thể xây dựng riêng cho họ, một quan điểm, về sự thực.

-Một quan điểm mang tính đạo hạnh về tiểu thuyết như thế đã đưa đến việc chọn lựa bút hiệu là Mạc Ngôn? Ông có thể cho biết ý nghĩa chính xác của bút hiệu này?

"Mo Yan" nghĩa là "Không nói" [ne pas dire]. Tên này bây giờ là tên căn cước của tôi. Từ tên khai sinh, Guan Moye, tôi lấy chữ đầu, trong họ [prénom], đọc là Mo, để tạo bút hiệu. Chữ Mo gồm hai phần, một là phần lời nói, nếu tách riêng ra, có thể đọc là Yan, phần kia có nghĩa phủ định, khi đọc lên cũng là "Mo". Hai phần tử này, đảo ngược, tại thành tên mới của tôi: tên, Mo [không], họ, Yan [Nói].

Khi chọn một bút hiệu như thế, là tôi muốn cảnh giác chính tôi: Đừng nói nhiều quá. Còn nhỏ, khi xẩy ra vụ Cách mạng Văn Hoá, tôi nhận ra, nói là rất nguy hiểm cho chính mình, và cho những người thân. Cha mẹ tôi lúc nào cũng dặn tôi một điều là không nói. Người ta có thể nói, ở trong nhà, nhưng ra ngoài đường, là phải nói dối.

-Tình hình này đã có thay đổi?

Vâng, nhưng cũng chẳng đi tới đâu! Nói chung, nó là như thế này: Những công nhân viên nhà nước thì luôn luôn nói dối, trong khi nhân dân có khuynh hướng nói thực. Những trang nhất của báo chí đều là những lời dối trá, nhưng tình hình chung có vẻ sáng sủa ra một tí, chủ yếu là nhờ Internet. Món này, nhà nước khó kiểm soát so với những phương tiện truyền thông khác.

-Lời chót dành cho Mông To Vú Nẩy: Cuốn tiểu thuyết vừa to lại vừa nẩy này [nguyên văn: cuốn tiểu thuyết đồ sộ], chiếm vị trí nào, trong trước tác của ông?

Rất quan trọng, vì nó nhắm làm bật ra cuộc tiến hóa của những liên hệ gia đình ở miền quê Trung Quốc, cũng như sự đụng độ và phối hợp, những nền văn hóa Tây Phương và Trung Quốc suốt thế kỷ vừa qua. Tôi muốn nó là một thế kỷ 20 của Trung Quốc được thu nhỏ vào trong một truyện kể [récit].  Từ khi được tái xuất bản, chưa có những bài phê bình chính thức của nhà nước. và tôi rất mong họ chiếu cố tới, trước khi Tháng Giêng Là Tháng Ăn Chơi [nguyên văn: những hội hè đình đám đầu năm] kết thúc.

 

Người thực hiện: Renaud Ego và Frédéric Koller

Báo: Đọc, Lire, số tháng Tư, 2004.

Dịch thuật: Jennifer Tran