*






Cái ác đến từ đằng xa

 

Pháp trường là một bãi đất khá rộng nằm sát chân lèn Đô lương, ranh giới Đô lương và xã Bạch Ngọc. Cách ngã ba Rạng Đông khoảng 200 m.

 

Đây là ngã ba định mệnh cho các tù nhân: trong vòng bán kính 20 Km, theo hướng Đô lương qua Thanh chương là trại tù Yên sơn, ngược về phía Bạch Ngọc là trại tù Kim Nhan, và về hướng pháp trường, đường lên Phủ Qùy là trại tù Bến Hới.

 

Đó là 3 trại tù lớn nhất của tỉnh Nghệ an.

 

Bến Hới, nơi rừng thiêng nước độc, tù chết như rạ. Khổ quá, tù hay tìm cách vượt ngục. Vì vậy, sau 1949, trại tù bị bỏ, đa số tù được đưa về Yên Sơn và một số nhỏ về Kim Nhan. Cả hai trại tù này đều nằm bên núi đá vôi nên thường được gọi là lèn Yên Sơn, Kim Nhan.

 

Đứng ở pháp trường, có thể thấy lèn Kim Nhan, cao xanh , nhọn hoắt, mà bọn nhỏ chúng tôi nhìn từ xa, thường có cái cảm giác bí ẩn , rờn rợn của ngọn núi Văn Dú trong Vàng và máu của Thế Lữ. Thực tế, Kim Nhan là trại tù ít khắc nghiệt nhất.

 

Tử tội, 3 người: Bửu Viêm, Minh Châu (về sau có người đồng chí cho biết tên ông là Thanh Châu) và Kim Anh.

 

Bửu Viêm là luật gia, Minh Châu và Kim Anh là hai võ sĩ nổi tiếng Đông Dương. Tất cả đều là Quốc Dân Đảng, bị giam ở Bến Hới. Nhân một tối mù sương, cả ba thừa cơ hội, cướp súng cảnh vệ, trốn trại. Nhiều tù khác cũng thừa dịp trốn theo.

 

Vượt ngục, bị bắt lại và bị tuyên án tử hình tại đình Đô Lương.

 

Một ngày trước, loa làng kêu gọi đồng bào, nam phụ lão ấu, đi xem cho đông đảo.

 

Đối với bọn nhỏ, vụ này cũng có vẻ đặc biệt như mấy trò chơi bài chòi hay leo cột mỡ trong dịp Tết. Theo thông báo, xử tử vào xế chiều để tránh máy bay Pháp. Thế mà chưa đầy ba giờ, Chút Em với bọn con Điu đã nằng nặc xin tôi dẫn đi. Chỉ cần qua hói Hai Quai đầu làng, đi thêm 6,7 trăm thước là vào lèn. Nơi đây không lạ gì với bọn nhỏ, đã nhiều lần rủ nhau vào xem người ta nung vôi, và nhất là xem bầy dơi đen thui, to tổ bố đong đưa trong lèn.

 

Quá sớm. Chỉ có đâu chục người đứng ngồi tránh nắng dưới tàn cây. Trước lèn, ba cọc gỗ đứng chơ vơ cách nhau khoảng 5 thước. Phía trái, một manh chiếu nhỏ. Phiá sau, sát chân lèn, lấp ló ít đất mới qua mấy bụi gai.

 

Không có gì đặc biệt . Chúng tôi lân la đến bên mấy anh cảnh vệ nghe chuyện.

 

-Mãy ông đang ở quán nước làng bên cạnh. Ông nào cũng vui vì tưởng được đổi trại về Kim Nhan, có ông mua theo cả xâu bánh ú.

 

Một người làm ra vẻ hiểu biết:

 

-Chút nữa bắn xong, người ta chỉ lấp tạm. Tối đến, họ sẽ đào lên, đổi quan tài lẫn nhau để giữ bí mật.

 

Bỗng có tiếng thảng thốt: Coi kià!

 

Từ ngả ba, lù lù đi vào ba xe ba gác, chở ba chiếc hòm. Cả đám im lặng. Cái chết bắt đầu lởn vởn đâu đây. Chút Em, thằng liến thoáng nhất đám, bây giờ mới thấy sợ.

 

Con Điu đòi về. Tôi cũng nổi da gà.

 

Năm giờ, trời hơi dịu nắng. Dân làng Tập phúc, Nhân bồi và phía trên là Đô lương, Cát ngạn đến đã khá đông. Ba tử tội được dẫn vào, áo quần bà ba nâu. Người cao nhất là võ sĩ Minh Châu, người thấp nhất là Bửu Viêm. Tất cả đều cao lớn hơn dân làng.

 

Họ ngồi vào chiếu, bữa cơm cuối cùng được dọn ra, có cả rượu nếp.

 

Chúng tôi đứng khá gần. Tôi vẫn áy náy trong lòng: tâm trạng họ thế nào, khi chợt thấy cái chết đến đột ngột thay cho niềm vui đổi trại!

 

Hình như không có gì khác lạ cả. Họ vẫn nói chuyện với nhau, ăn uống bình thường và có cả nụ cười. Nụ cười của Bửu Viêm, mặt ửng hồng với cốc rượu nếp.

 

Họ đến cọc tử tội cũng với bước đi rất bình tĩnh. Bửu Viêm ở cột giữa, nhìn thẳng vào công tố viên đang đọc bản bác đơn ân xá cuả chủ tịch Hồ chí Minh. Đôi mắt sáng, sáng lắm.

 

Phía sau là 3 tốp cảnh vệ dàn hàng ngang, mỗi tốp 5 người với súng mousqueton. Bản đọc rất ngắn và sau đó các tử tội được bịt mắt.

 

Pháp trường không một tiếng động.

 

Tiếng hô của Bửu Viêm sang sảng:

 

- Việt nam độc lập muôn năm

 

- Quốc dân đảng muôn năm!

 

- Hồ chí Minh muôn năm!

 

Tiếng lặp lại của hai võ sĩ, mỗi câu hai lần vang dội cả pháp trường.

 

Loạt súng đầu tiên, tiếng hô im bặt, người các tử tội hơi run lên nhưng vẫn giữ thẳng người.

 

Chút Em, mặt xanh lè. Một tay bụm cu, một tay bíu xiết tay tôi. Chỉ nghe tiếng lên quy lát.

 

Loạt súng thứ hai, có viên đạn cày trên đất trúng bàn chân Minh Châu, đầu gối của ông co lên. Và phía Bửu Viêm, đạn trúng lưng quần, quần hơi bị trễ xuống.

 

Các tử tội hơi gập người xuống, đầu gục về tim.

 

Có tiếng xôn xao, một số người dời chổ đến gần tử tội.

 

Chúng tôi ra về, không dám ngó lại.

 

Sau lưng có tiếng súng lục. Những phát đạn ân huệ nghe như tiếng đập vào mo cau.

 

Điu, con mắt đỏ hoe và Chút Em không hé răng một lần.

 

Sợ. Vâng. Đây không phải là trò chơi của trẻ nhỏ. Điu và Chút Em chưa quá tám tuổi.

 

*****

 

 Ba năm sau, vào cuối 52, tôi gặp bà Bửu Viêm tại nhà cậu mợ tôi.

 

Kể lại chuyện này.

 

Cậu tôi thắc mắc: Con có lầm không? Có ai lại hoan hô người đã ra lệnh giết mình!

 

Vâng, có lẽ tôi lầm, vì những người lớn sau này cho biết tiếng hô cuối cùng là Nguyễn thái Học muôn năm... muôn năm... muôn năm... Nhưng sao hồi đó, trong cái kinh khiếp đó, đầu tôi vẫn bập bùng tiếng hô Hồ chí Minh muôn năm!?

 

Bây giờ đã hơn 50 năm qua, tôi còn nhớ rõ đôi mắt sáng đó, nụ cười đó, tiếng súng mousqueton xé tai và cả khuôn mặt người quả phụ đẹp quý phái đó.

 

*****

 

 

 

Hà nội - Tháng bảy 2001 Tôi gặp lại Chút Em và Điu, một lão ông tóc bạc rễ tre, răng cửa thiếu hai cái và một lão bà xí xọn, giọng Hà ni còn hơn cả Hà ni.

 

- Bọn em mừng lắm.

 

- Tôi cũng vậy, nhưng các cậu nói giọng Nghệ đi, tôi không quen giọng Hà nội. Và tôi như kẻ đi xa trở về nhà.

 

- Các cậu có nhớ hôm xử tử ở lèn Đô lương không?

 

- Ghê quá, quên sao được anh. - Có nghe họ hô: Hồ Chí Minh muôn năm không?

 

- Có anh - Chút Em nhanh nhẩu trả lời.

 

- Em thì chả nghe chả thấy gì cả, sợ quá, mắt cứ nhắm tít, đái ra cả quần.

 

Tôi gợi lại thắc mắc của ông Cậu. Chút Em đăm chiêu.

 

- Kỳ thật, ở tuổi đó, em đâu có phân biệt được gì. Cũng không có gì lạ đâu anh. Anh có nhớ ông Bá làng ta không?

 

Nhớ chứ. Không những nhớ ông Bá mà nhớ cả anh Học.

 

Ông Bá giàu nhất làng, nhà có sân gạch, năm sáu mẫu ruộng, vườn rộng, có đủ thứ: nhãn, xoài, cam, quềt. Mùa nhãn, bọn tôi hay hái trộm. Có lần bị bắt gặp, ông Bá lấy sào thọc. Chút Em nhỏ nhất, không leo được cao, ở cành thấp nhất, bị thọc trúng, rớt xuống như quả mít, tắt thở đến mấy giây đồng hồ.

 

Ra khỏi vườn, một tay bụm cu, một tay xoa cổ.

 

- Điu, sờ coi. Điu nắn nắn cái cổ: Sưng rồi.

 

Chút Em hốt hoảng:

 

- Chết tau rồi, tọt lên cổ rồi.

 

Rồi khóc bù lu bù loa, làm con Điu sợ xanh mặt.

 

Mới thở lại được, cổ tất nhiên phình lên.

 

Dái con nít, khi có khi không. Sợ thì tọt đi đâu mất, huống hồ bị té như trời giáng.

 

- Sao?

- Hồi cải cách ruộng đất, Đội nâng ông lên thành địa chủ. Cho đủ chỉ tiêu. Khi bắn, ông cũng hô Hồ chí Minh muôn năm. Và em cũng chứng kiến nhiều người hô như vậy.

 

- Phản ứng tự nhiên anh ạ, ngày nào cũng hoan hô, riết rồi thành thói quen, y như cái đùi của võ sĩ Minh Châu co lên ở loạt đạn thứ hai! Cũng có thể vì thương con cháu, kêu tên Thần Linh, để mong rằng con cháu khỏi bị hệ lụy 3 đời. Và cũng có thể, những ngày kháng chiến, dân chúng vẫn xem Bác là linh hồn của dân tộc. Như một thứ hào quang.

 

Và nó cười.

 

- Bây giờ ít ai để ý hào quang đó, một phần lo làm ăn, một phần vì đã thấy nhiều nỗi oan khiên sau cái hào quang đó. Chỉ có mấy chú xích lô, mấy chú công an và mấy cụ (Bộ Chính Trị) còn lo lắng và quan tâm đến Bác thôi.

 

Mấy chú xích lô: xích lô, Bố.

 

Không dám gọi khách bằng Bác vì đã có trường hợp, một chú láo lếu đón khách ở gần lăng Bác, khách từ chối, nó chưởi thề sau lưng: Đ.M.  Bác. Phạm thượng. Bị công an lôi về bót.

 

Tối đến, trong quán càfé, Chút Em nói nhỏ vào tai tôi.

 

- Đây cũng là cái oan khiên đây anh. Nhà của cụ Vũ Đình Huỳnh. Cụ bị tù đày ngút ngàn trong vụ án Xét Lại. Cụ là người thân cận của Bác. Nhóm Duẩn-Thọ bắt cụ. Nhiều người nghĩ rằng: Nếu Bác biết hay nếu Bác còn sống thì mọi sự sẽ không đến nỗi.

 

Không phải vậy. Bác biết và Bác im lặng. Chính cái oan khiên nó nằm ở đó.

 

Anh có đọc cuốn "Lưu thiếu Kỳ & Ân oán Trung Nam Hải"? Đọc đi, anh sẽ hiểu vì sao!

 

Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ đồng hương, cùng tỉnh Hồ Nam, cùng học trường Sư phạm số 1 Trường Sa, ra trường cùng năm, và cùng tham dự thành lập ĐCS Trung quốc năm 1921. Những năm 20, vị trí của Lưu trong ĐCS cao hơn Mao. Mao lo về nông vận, Lưu chỉ huy phong trào công nhân, học sinh toàn quốc.

 

Sau cuộc vạn lý trường chinh, Mao trở thành nhân vật số 1 và Lưu luôn luôn là nhân vật số 2 của ĐCS. Cuối năm 1943, Lưu đề xuất thuật ngữ Tư tưởng Mao Trạch Đông. Từ đây, Mao bước lên địa vị lãnh tụ tối cao không chỉ trong Đảng, trong quân đi mà cả trên lĩnh vực lý luận. Và năm 1945, đại hội 7 của ĐCS Trung quốc ghi vào điều lệ Đảng: Lấy tư tưởng MTĐ làm tư tưởng chỉ đạo trong toàn Đảng. Năm 1949, thành lập nền Cộng hoà Nhân dân ở Trung quốc, Mao thực sự đã là một vị hoàng đế mới, nắm giữ tất cả mọi quyền hành.

 

Từ 1955, Mao phát động phong trào cải tạo xã hội chủ nghĩa. Khởi đầu cho bước đại nhảy vọt: nào là cải cách ruộng đất, nào là trăm hoa đua nở... để tiêu diệt kinh tế cá thể và thanh trừng hữu khuynh hay những kẻ bất đồng chính kiến.

 

Một sớm một chiều, tất cả đất đai đều bị truất hữu, xí nghiệp, cửa hàng đều thành công doanh, chủ nhân biến thành công nhân. Tất cả đều tập thể hoá. Đẻ thì có xưởng đẻ, con sinh ra thì có trại nuôi, ăn thì có nhà ăn chung, sản suất thì có chỉ tiêu: hai vạn cân mỗi mẫu ruộng, khoai tây một triệu cân, heo một ngàn cân mỗi đầu người và 700 triệu tấn gang thép cho 700 triệu dân.

 

Và tiêu diệt hữu khuynh cũng có chỉ tiêu: Khởi đầu tìm được 4500 phản động. Không đủ, tăng thêm 10.000, lần này Đặng Tiểu Bình vô rọ. Vẫn không đủ, tăng thêm 60.000, và lần này nhân dân loại thêm được anh chàng Chu dung Cơ.

 

Một năm đại nhảy vọt, ba năm đói kém. Hơn hai mươi triệu dân chết vì đói và vì bị thanh trừng. Nhiều làng chết không còn một mống!

 

Lưu thấy rõ hiểm họa này ngay từ đầu, nhưng không dám phản bác, chỉ cố kìm lại khí thế hăng say ban đầu của phong trào, và khôn khéo dựa theo chủ trương tập thể chỉ huy của Mao để rút tư tưởng MTĐ ra khỏi điều lệ của Đảng. Đó là tội thứ nhất của Lưu!

 

Uy thế của Mao bị giảm sút. Mao bị phê bình, tạm rút lui vào hậu trường, nhường chức Chủ tịch nước cho Lưu (1959) và để Lưu lo việc cứu vãn Kinh tế.

 

Kinh tế dần dần được vãn hồi. Dân chúng biết ơn, nhiều người khóc và hô lớn: Lưu chủ tịch muôn năm, bất kể sự có mặt của Mao. Đó là tội thứ hai của Lưu!

 

Mao nhiều vợ, con cái người mất, người điên. Giang Thanh là vợ sau cùng. Gia đình không mấy hạnh phúc, Giang Thanh bản tính chua ngoa, Mao cấm cửa it khi cho gặp. Mao chỉ thích gái trẻ.

 

Lưu 5 vợ, Vương Quang Mỹ là vợ sau cùng, từng du học ở Mỹ, vừa là vợ hiền, đã xây dựng được một gia đình hạnh phúc và gương mẫu trong Trung Nam Hải, vừa là cộng tác viên đắc lực của Lưu, thường có mặt bên Lưu trong các buổi tiếp tân hay công du nước ngoài. Lưu rất thương quý người vợ này.

 

Còn Giang Thanh, người bị lãnh cung nơi Tĩnh viên, vô cùng ngứa mắt khi nhìn thấy vợ chồng Lưu bên nhau, ganh ghét vì những cuộc tiếp đón long trọng hai vợ chồng ở nước ngoài. Thề sẽ có dịp trả thù.

 

Đó là tội thứ ba của của gia đình Lưu.

 

Mao ngậm đắng, chờ dịp trả thù. Và bây giờ có thêm Giang Thanh. 1968, với sự đồng ý của Mao, nhóm Giang Thanh khởi động phong trào Cách mạng Văn hoá.

 

Tại đấu trường Đại học Thanh Hoa, bọn Hồng vệ binh đấu tố, lột quần áo Vương quang Mỹ, buộc bà mặc áo trường bào xẻ đùi, đi giày cao gót, mang tất nylon cao tới bẹn, đứng thế đi máy bay phản lực. Chúng buộc tội bà gián điệp, đặc vụ nằm vùng của CIA, theo tư bản chủ nghĩa. Chứng cớ là bà có du học ở Mỹ, và có vài đồ trang sức nhỏ mua ở ngoại quốc nhân dịp công du. Bà không nhận tội. Chúng dùng sách đỏ Lời Mao chủ tịch vả vào mồm đến toé máu. Bà phải kêu thét lên:

 

- Mao chủ tịch, Mao trạch Đông, Mao Nhuận Chi..., chúng nó võ đấu (hành hung), chúng nó đánh người.

 

Và ở một đấu trường khác, Lưu Thiếu Kỳ bị ấn đầu cúi xuống, cứ đứng như vậy hàng giờ, nghe lăng nhục mà không được đối đáp một lời. Chúng ngụy tạo lịch sử, một sự cố 40 năm về trước, để kết tội phản tặc, nội gian và công tặc.

 

Củng bị đánh vỡ miệng bởi cuốn sách đỏ Lời Mao Chủ tịch.

 

Trong nhà giam, Lưu bị cắt gân chân, phải bò lê như chó, liếm vài bãi cháo đổ, hay gặm miếng bánh bao khô. Lưu bị đày đọa như vậy cho đến ngày chết (1969).

 

Mao vẫn nhai trà, làm thơ và giữ im lặng. Bọn cận thần đã làm đúng ý nguyện của Mao.

 

Mười năm sau, ra tù (1978), Vương quang Mỹ đi tìm xác chồng. Một hũ tro để quên đâu đó, mang tên Lưu Vệ Hoàng - dân lang thang vô nghề nghiệp!

 

Hai năm sau (1980), Trung ương ĐCS thông qua nghị quyết phục hồi danh dự cho Lưu. Kể tội Lâm Bưu và nhóm Giang Thanh. Không một lời nói về Mao. Người ta cố quên đi câu nói của Giang Thanh trước toà:

 

Tôi chỉ là con chó của Mao, Mao chỉ đâu tôi cắn đó. Và người ta cũng cố quên đi, hơn 300 đại công thần đã cùng Mao dựng nước Trung hoa mới, cũng bị đấu tố nhục nhã như Lưu. Tội ư? Họ không phản bội Mao, mà chỉ vì một vài lời phê bình hay một vài ý kiến bất đồng!

 

Lễ truy điệu Lưu được long trọng tổ chức tại đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, được Hoa Quốc Phong và Đặng Tiểu Bình nhắc lại công lao to lớn của Lưu, xác nhận đây là một vụ án oan lớn nhất trong lịch sử.

 

Và... dưới bức chân dung vĩ đại của Mao trong đại sảnh đường!

 

Mao là cha già dân tộc. Mao càng vĩ đại hơn. Mao chủ tịch muôn năm!!!

 

Trong giấc ngủ chập chờn trên chiếc Air France trở lại Paris, tôi vẫn bàng hoàng với tiếng kêu thảng thốt của Vương quang Mỹ:

 

Mao chủ tịch, Mao trạch Đông, Mao Nhuận Chi..., chúng nó võ đấu, chúng nó đánh người.

 

Lẫn với tiếng đạn nổ bên lèn Đô lương!

 

Nhớ đến anh Học, người mà bọn trẻ vừa quý mến, vừa sợ.

 

Chỉ vài hôm sau vụ xử bắn. Chút Em thằng nhát nhất trong đám, bắt đâu được con ếch khá bự, nó dùng gai bưởi găm chân tay vào thân chuối rồi rủ bọn nhỏ phóng tên.

 

Anh Học đi qua.

 

- Bọn bây chơi trò gì vậy?

 

- Tui xử tử Việt gian.

 

Chút Em vênh váo trả lời.

 

Nhìn con ếch sống dở chết dở, một đùi ếch bị sổ gai, run run co lên co xuống. Anh lôi đầu Chút Em lại, cốc một cái nên thân.

 

- Bọn bây học cái ác ở đâu vậy?

 

Cái đầu trọc lóc không dám khóc.

 

Đợi anh Học đi khỏi, nó xoa đầu.

 

- Lủng sọ tau rồi. Điu sờ coi.

 

Điu dãy nảy.

 

- Không. Cho đáng kiếp.

 

Lần này Điu khôn rồi. Không dại gì đụng đến thằng thích ăn vạ.

 

 

 

Cái ác không có trong làng.

 

Vâng, cái ác đến tự đàng xa.

 

Và khuôn mặt đăm chiêu của Chút Em.

 

Bây giờ nghĩ lại, em thấy họ (nhóm Bửu Viêm) không thể hô như vậy. Họ bất khuất quá mà. Bình tĩnh trước cái chết vì biết không chết cách này cũng chết cách khác. Khái Hưng đâu có vượt ngục, mà vẫn bị cột đá thả sông!

 

Những thứ như Rèn cán chỉnh quân, Cải cách ruộng đất, thuế nông nghiệp, đánh Tư sản mại bản, Trăm hoa đua nở, Bọn xét lại, Tư tưởng Hồ chí Minh, Ban tôn giáo chính phủ , Tận diệt đối lập..., đều không phải “của mình”. Họ dịch từ chữ Tàu rồi đưa oan khiên về nước về làng.

 

Cái khủng khiếp mà em thấy là người Việt mình, hình như có giòng máu nô lệ anh ạ.

 

Ừ, thằng thỏ đế này, về già cũng có chút gan cóc tía của cụ Nguyễn Văn Trấn.

 

Có lần anh chị em Nam B đại biểu, tôi (Nguyễn văn Trấn) đến gặp ông già Tôn (Tôn đức Thắng, Chủ tịch nước) mà hỏi: tại sao ông để cho cải cách ruộng đất giết người như vậy?

 

Bác Tôn đang ngồi, nghe tôi hỏi, liền đứng dậy bước ra khỏi ghế, vừa đi vừa nói:

 

- Đụ mẹ, tao cũng sợ nó, biểu tao còn dám nói cái gì ?

 

Nó, là mấy ngài cố vấn Chệt. Nó bảo Phóng Tay thì mình cứ Phóng Tay giết thả cửa!

 

Chóp bu thì vậy, còn dân chúng thì sao? Cơm độn quanh năm, nhiều khi chỉ húp cháo, vẫn phải luôn luôn cúi đầu: Cảm ơn Đảng, Cảm ơn Bác.

 

Cái ngu đần làm con người hèn nhát, cái hèn nhát làm con người trở nên tàn ác.

 

Không khỏi giật mình, nhớ trong Đại Việt sử kể:

 

Sáu trăm năm trước, Hồ Quí Ly cướp ngôi nhà Trần, đặt tên nước là Đại Ngu.

 

Bây giờ là thời đại hậu Hồ.

 

Một giấc ngủ triền miên.

 

Paris 10/2001

 

[Trích Đàn Chim Việt trên lưới. Không thấy ghi tên tác giả.]