*








Frankfurt am Mainz, mùa hè, một chiều, một tối

Lê Minh Hà


Sân khấu nhỏ, chiếc dương cầm, và những người khách rưng rưng, và những người chủ rưng rưng. Những người khách: một nhà thơ, hai nhạc sỹ, đến từ nước Mỹ. Những người chủ, tạm gọi là thế đi: là những người Việt đến từ nhiều miền nước Đức.
Đấy không phải là đại nhạc hội, nơi người hát có thể gào thét hoặc rũ rượi, người nghe có thể vừa ăn trứng vịt lộn, cháo lòng, vừa xem, không cần phải lắng nghe. Muốn nghe, có thể chìa tiền ra, khuân về nhà vài ba cuốn băng video kèm vài ba chục trứng vịt lộn để nhâm nhi lại và xem hay nghe lại.
Người viết bài này, thật không may, không có được hứng thú trước những đại nhạc hội như vậy. Đôi khi muốn tìm về một miền ký ức, nghe lại một giọng Hà Nội hát những bài hát về Hà Nội, chẳng hạn, Hồng Nhung, hay Mỹ Linh, hay Thanh Lam, thì lại không thể.

Đến Frankfurt không vì tình cờ. Đã đợi chờ từ lâu một ngày được gặp mặt chàng Du Tử họ Lê để hiểu thêm câu "Nhìn nhau chợt thấy ra sông núi", để có thể hỏi thi sĩ, vì sao, vâng, vì sao "đi với về cùng một nghĩa như nhau, ".... Đã đợi chờ từ lâu một lần gặp gỡ người nhạc sỹ tài danh Từ Công Phụng, người đã có hạnh phúc xa xôi: Ca khúc của anh đã được hát giữa Nhà Hát Lớn Hà Nội trong đêm 50 năm tân nhạc Việt nam. Và còn là để chiêm ngưỡng tâm hồn đã khai sinh Những bài không tên ám ảnh những gái trai một thủa, sau 1975, trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, tôi không ngờ đông đến thế, và cũng vắng đến thế. Đông bà con người Việt thuộc thế hệ tỵ nạn thứ nhất ở nước Đức này, những người Việt nói giọng Nam, đi từ miền Nam sau 1975, trên những con thuyền mỏng manh, qúa mỏng manh giữa triều dâng và bão tố. Họ, hai mươi năm trước, đã chọn chết để hy vọng sống, giữa trời và đất tự do. Từ những miền nước Đức xa xôi, họ đã đến Frankfurt với nhà thơ của họ, với nhạc sỹ của họ, với nhau.
Đông bà con người Việt thuyền nhân, nhưng lại rất vắng bà con người Việt Đông Âu. Một nhà phê bình văn học, và chúng tôi. Hình như chỉ có thế. Chưa tới năm người.
Trong khi đó, ở các đại nhạc hội, nơi người ta có thể tìm tới với những thú giải trí thuần túy, lại có sự góp mặt của đông đảo bà con người Việt vẫn được gọi là người Việt Đông Âu. Người Việt Đông Âu nghe Chế Linh, Trang Đài, Đon Hồ, Tuấn Vũ, thạo mặt và cả đời tư của các ca sỹ hải ngoại có lẽ chẳng kém bà con thuyền nhân. Tạm rời xa chuyện thơ nhạc, tạt ngang lĩnh vực chính trị, có thể thấy người Việt Đông Âu sát cánh thường xuyên với bà con thuyền nhân trong nhiều cuộc biểu tình chống chính quyền trong nước, và, đôi khi, chống cả các nghệ sỹ đã một thời được họ ngưỡng mộ khi các nghệ sỹ đó ra nước ngoài biểu diễn.
Thế nhưng, đêm DUTULE, TUCONGPHUNG, VUTHANHAN lại hầu như vắng mặt bà con người Việt Đông Âu.

Không phải vì họ không biết. Họ không đến vì không thích. Đơn giản và đáng buồn khi thực tế là vậy.
Tại sao? Những người Việt nói tiếng Nam đã say mê lắng nghe nhà thơ Du Tử nói về những cố gắng đổi mới thơ ca của mình bằng một giọng Hà Nội gốc. Những người Việt nói tiếng Nam đã nồng nhiệt vỗ tay khi Từ Công Phụng, bằng giọng Bắc thứ thiệt, hát tiếng lòng mình trên ngày tháng, trên mưa nắng, "Nghe mùa thu đã trở mình trên gác nhỏ". Đấy, ca từ của Từ Công Phụng. Và, trước Vũ Thành An, lặng im, cảm thông, kính trọng chan hòa. Tác giả những bài Không tên đầy ám ảnh yêu đương và dục tình, cũng bằng giọng Bắc, đã làm sáng danh Chúa bằng những yêu thương chân thành khác lạ, dù sau lưng anh là mười năm ngục tù.
Như thế, rõ ràng, sự hiện diện đông đảo của bà con thuyền nhân và sự vắng mặt của bà con người Việt Đông Âu trong đêm sinh hoạt nghệ thuật hết sức văn hóa này đã buộc ta phải đặt lại vấn đề: Có thật có một cách biệt tư tưởng giữa người Nam và người Bắc.
Câu trả lời là có. Nhưng không nên đơn giản hóa vấn đề, quy sự cách biệt này vào những cách biệt địa lý, nếp sống. Những diều này đã mất ý nghĩa ngay cả với đồng bào trong nước, đừng nói gì là đối với ngưòi việt sống ở Đức hay ở bất kỳ đâu trên thế giới này ngoài dải đất Việt nam. Cũng không nên tìm cách cắt nghĩa bằng những khác biệt chính trị. Những đấu đá Nam Bắc , như ông Nguyễn Văn Trấn trình bày trong "Viết cho Mẹ và Quốc hội " có lẽ chỉ tồn tại trong nội bộ lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Không ai có thể thay đổi được qúa khứ. Không dễ tìm cho mình một chỗ đứng khả dĩ tồn tại được trong qúa khứ Nam Bắc hai mươi năm nội chiến từng ngày. Do đó, cần phải lý giải vấn đề trên bằng sự khác biệt giáo dục được thụ hưởng bởi mỗi cá nhân ngưòi Nam, người Bắc, trong truyền thống gia đình, trong cá tính mỗi người dưới sự quy định của những điều kiện lịch sử đã qua. Với đông đảo bà con người việt hải ngoại, thức ăn tinh thần một thời là thơ, là nhạc, là họa, mà trong đó, rất nhiều khi, thơ, nhạc, họa ấy lại là sản phẩm cũa người Bắc di cư, tỷ như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyên Sa của ngôn từ, Thái Tuấn, của hình khối, đường nét, màu sắc, Phạm Duy của tiết tấu và giai điệu... Đến với thơ DUTULE, nhạc TUCONGPHUNG hay VOTHANHAN là bà con mình đến với những yêu thương, thiết tha cũ, của một thời đã mất. Thời đó, người Việt Đông Âu, hầu hết trong độ tuổi trên dưới ba mươi lại thường chỉ nghe những Chiếc gậy Trường sơn, Bão nổi lên rồi, hay Tiến về Sài gòn, nếu có học hát thì chỉ là những bài ca cách mạng như Vừng trời Đông, Giải phóng miền Nam, hay Đảng đã cho ta một mùa xuân... Sau này, họ say mê Thúy Nga Paris và vv.. thì đó chỉ là một cách giải tỏa những ẩn ức tinh thần bị dồn nén, bóp nghẹt suốt thời non trẻ. Trong bản chất, người Việt Đông Âu và bà con thuyền nhân, người Việt từ miền Bắc ra đi và người Việt từ miền Nam ra đi vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Thiếu ý hướng muốn hiểu nhau này, khó có thể cảm thông với nhau thật sự. Như thế, mọi hoạt động mang tính đoàn kết, nếu có, chỉ mang ý nghĩa giai đoạn, và còn dễ bị coi là lợi dụng lẫn nhau. Khi người Việt hải ngoại tự mình đặt mình trong thế phân tán thì những sự ủng hộ dành cho đồng bào trong nước cũng khó mạnh mẽ và lâu bền.
Đoàn kết không phải là đơn nguyên. Từ một hiện tượng nhỏ, nghĩ thêm về tình nghĩa đồng bào, lại muốn đọc lại đôi dòng bi phẫn của Cao Tần. Tự hỏi "Ta làm gì cho hết nửa đời sau" , và thi sĩ tự trả lời : 'Ta sẽ mở ra nghìn lò cải tạo - Lùa cả nước vào học tập yêu thương.'

Lê Minh Hà